Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

GVĐN 11: QUANH ẤM TRÀ


Lê Liên
(HV Hội VHNT Đồng Nai)

VĂN NGHỆ SỸ VỚI SỰ PHÁT TRIỂN Ở ĐỒNG NAI

(...) Tôi đã tự hỏi vai trò của Văn nghệ sĩ (VNS) với sự phát triển ở Đồng Nai về mặt lý thuyết là gì? Rồi tự trả lời trước hết “sự phát triển ở Đồng Nai” là gì và cái gì làm nên sự phát triển ấy. Lập tức tôi nhận ra ngay vai trò của VNS. Bởi vì Nghị Quyết của Đảng bộ tỉnh trước nay đã chỉ ra rồi, nhưng vẫn phải nói rằng suy cho cùng mục đích của sự phát triển là xây dựng một Đồng Nai giầu đẹp và hoàn thiện dần lên cùng với đất nước vì mục tiêu “Dân giầu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Giầu là giầu về kinh tế, đẹp là đẹp về văn hóa. Hơn nữa ai cũng hiểu phạm trù văn nghệ lại thuộc lĩnh vực văn hóa. Vậy là đã rõ vai trò của văn nghệ (văn hóa) nói chung vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển tỉnh Đồng Nai trong đó chính VNS, những người làm văn nghệ là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận ấy. Thế hệ cha anh chúng ta trước đây đã làm được điều đó*. Ngày nay chắc hẳn Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đang trông chờ đội ngũ VNS vươn lên ngang tầm với yêu cầu phát triển. Chúng ta, công chúng Đồng Nai đang mong có những tiểu thuyết, câu thơ, những tiếng hát, đêm kịch, những tấm hình và cả những bức tranh nữa, thực sự là biểu tượng của cái đẹp tỏa sáng vào tình yêu thương và lòng can đảm của con người, biết vượt lên chính mình, chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu và cái ác, vượt qua thách thức làm nên kì tích vì cộng đồng, vì một Đồng Nai giầu đẹp.

***
Mới đây tôi được đọc một tham luận của nhà thơ Hữu Thỉnh viết về R. TaGore nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ông (1861- 2011), có đoạn: “R. TaGore viết “Sáng tạo của chúng ta là sửa đổi quan hệ”. Lịch sử con người là lịch sử của biết bao nhiêu sai lầm về ứng xử với các mối quan hệ. Giầu với nghèo. Nước lớn với nước nhỏ. Quyền lực và lương tâm. Cá nhân với cộng đồng. Cộng đồng với môi trường. Bản thân với chính bản thân. Ngày nay chúng ta thấy bao nhiêu điều tốt đẹp đang được nhân lên, nhưng đồng thời cũng có bao nhiêu cái xấu, cái ác đang được lặp đi lặp lại trên quy mô lớn. Trong cuộc chiến đấu tự hoàn thiện vô cùng nhọc nhằn và khổ đau… và ngay cả trong những trường hợp tồi tệ nhất, chính con người vẫn biết đem cái đẹp và sự cao cả để sửa đổi các mối quan hệ ngày càng phong phú và phiền tạp trong cuộc sống của chúng ta… Niềm tin về sự chinh phục của cái đẹp tạo nên sự bất diệt về cái đẹp của niềm tin”. Như vậy Pháp luật điều chỉnh hành vi của con người còn chính cái đẹp của văn hóa mới điều hòa được các mối quan hệ xã hội, mà cái đẹp thì ở đâu và khi nào cũng có. Cái đẹp, nó khẳng định giá trị nhân văn đích thực bởi sự bất diệt về cái đẹp của chính niềm tin trong mỗi chúng ta. Từ đó chúng ta hoàn toàn có thể tin vào đội ngũ VNS Đồng Nai, tin rồi đây sẽ có những tác phẩm đích thực trong làng văn nghệ Đồng Nai, đó là những tác phẩm mang tầm cao tư tưởng, với cái nhìn nhân văn thao thiết hóa thân vào đời sống xã hội. Những tác phẩm có sự nhậy cảm và linh ứng, chứa đựng được cả những dự báo tương lai và những thông điệp nhân văn cao cả. Cũng như chính lãnh đạo Tỉnh Đồng Nai đã tin vào VNS, để có buổi gặp mặt thân mật và tọa đàm này.
Vậy đội ngũ VNS cần nghĩ gì, làm gì?
Ngày nay văn nghệ Đông Nai không thiếu gì những tài năng, nhất là lớp trẻ. Nhưng lớp trẻ chỉ có tài năng thì chưa đủ mà họ đang cần có độ sâu trong cảm quan xã hội. Họ cần có đủ nội lực từ kiến thức đến kinh nghiệm. Bởi vậy rất cần xuất hiện những trại sáng tác, những tập san, những câu lạc bộ văn, thơ có tổ chức hoặc như thời gian gần đây mới xuất hiện Gác Văn Đồng Nai của nhà văn Khôi Vũ chẳng hạn… để ngày càng có những vườn ươm tài năng trẻ. Còn lớp các nhà văn, nhà thơ ở Đông Nai hiện nay, những người từng có thành công. Họ là những chủ lực quân của Hội VHNT, nhưng chắc hẳn các anh, các chị cũng tự thấy mình còn phải tự khẳng định nhiều hơn nữa mới vươn tới ngang tầm đòi hỏi của một Đồng Nai hội nhập, CNH-HĐH. Vì vậy tôi cho rằng chúng ta phải sớm xa rời sự ganh ghét đố kỵ, sự hiềm khích, cợt nhả như một vài người (viết giấu mặt) tự cho mình cái quyền thông thái mà phán xét, miệt thị người khác; nó chính là một căn bệnh tưởng dễ mà khó chữa. Tránh xa thói mưu cầu lợi ích cá nhân, xem nhẹ bổn phận cao cả và trách nhiệm xã hội của người làm văn nghệ mà không chỉ trông chờ sự tài trợ kinh phí rót từ ngân sách hoặc chạy theo bóng hào quang của sự nổi tiếng (háo danh) và sự tính toán bằng nhuận bút cao hay thấp. Bởi kinh phí, sự nổi tiếng và cả nhuận bút nữa cũng rất cần nhưng vẫn là cái bên ngoài, không thể là nguyên nhân chímh cho sự sáng tạo. Chỉ trách nhiệm xã hội (tự tính) mới mang trong đó động cơ sáng tạo đích thực mà người VNS phải có.
(...) Về bản thân năm nay đã 62 tuổi, dù đã là một hội viên Hội VHNT Đồng Nai nhưng tôi chỉ dám nhận mình là người yêu thơ, đang học làm thơ vì vậy tôi rất quý trọng các Văn nghệ sĩ chân chính.
         Biên Hòa, ngày 23.02.2012
                                                                                                                                                
Kẻ bất tài
luôn tin rằng mình rất... giỏi!

David Dunning, một nhà tâm lý của Đại học Cornell tại Mỹ, đã nghiên cứu hành vi và suy nghĩ của người lao động trong hơn một thập kỷ. Ông cùng các đồng nghiệp thực hiện hàng loạt thử nghiệm để kiểm tra nhiều khả năng - như tư duy logic, trí tuệ cảm xúc, ngữ pháp, khiếu hài hước và thậm chí cả khả năng chơi cờ. Sau khi đối tượng nghiên cứu hoàn thành các bài kiểm tra, Dunning yêu cầu họ tự đoán số điểm mà họ có thể đạt. Nhóm nhà nghiên cứu nhận thấy những người đạt điểm cao tỏ ra tự tin khi đoán số điểm. Đây là kết quả mà các chuyên gia đã tiên liệu. Nhưng họ cảm thấy sửng sốt khi phát hiện ngay cả những người làm bài kiểm tra rất tệ cũng đoán họ sẽ được điểm cao.
“Phần lớn người chỉ làm đúng 10 đến 15% số câu hỏi trong bài kiểm tra nghĩ họ làm được từ 55 tới 60%, nghĩa là cao hơn mức điểm trung bình. Hóa ra những người có năng lực thấp nhất vẫn nghĩ họ thực hiện bài thi tốt hơn những người khác”, Dunning nói.
Dunning khẳng định hiện tượng người có năng lực thấp đánh giá quá cao năng lực của bản thân không phải là biểu hiện của tinh thần lạc quan. Theo ông, năng lực tư duy kém khiến những người bất tài không thể đánh giá khả năng thực sự của họ. “Ngay cả khi chúng tôi hứa với các đối tượng nghiên cứu kém tài rằng họ sẽ được thưởng 100 USD nếu đánh giá đúng số điểm thì họ vẫn không thể đoán chính xác”, Dunning kể.
Việc những người bất tài không thể nhận ra năng lực tệ hại của họ là nguyên nhân gây nên vô số vấn đề tiêu cực của xã hội, Dunning nhận xét. Chẳng hạn, quan chức bất tài sẽ kéo tụt sự phát triển của đất nước, còn quan tòa bất tài sẽ khiến nhiều người vô tội lĩnh án oan.
Nghiên cứu còn phát hiện ra rằng, nếu một người không có khả năng trong một lĩnh vực nào đó, họ cũng sẽ không thể nhận ra tài năng hay ý tưởng hay của người khác trong lĩnh vực ấy. Xu hướng này đúng với mọi đối tượng trong xã hội - từ công nhân cho tới chính trị gia.
“Hiện tượng đó có thể phá hủy xã hội dân chủ, bởi nền dân chủ chỉ thực sự phát triển nếu mọi công dân có khả năng nhận ra những ứng cử viên tài năng nhất hoặc ủng hộ những chính sách đúng đắn nhất”, Dunning bình luận.
Theo VnExpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét