Từ Hà Nội,
tác giả Thanh Ứng (đã in bài trên gácVănđồngnai một lần) gửi vào cho Người Giữ
Gác 3 bài tản văn của ông.
Xin trân trọng giới thiệu với các bạn văn trong và ngoài tỉnh
Đồng Nai.
THANH ỨNG
(HV Hội Nhà văn Hà Nội)
Ao làng
Ao làng tôi bị lấp đi khá nhiều rồi. Hình như chỉ còn vài ba cái.
Rất mừng là cái ao gắn với nhiều kỉ niệm của tuổi thơ tôi vẫn còn đó. Ao có tên
là ao Cánh Cung. Ở làng tôi, ao nào cũng có tên: ao Đình, ao Chùa, ao Trưởng bạ
Giá, ao Phó Châu… Tên ao gắn với tên chủ sở hữu nó! Riêng ao Cánh Cung không
biết của nhà ai mà có cái tên gọi theo hình dáng. Ao giống một phần của hình
bán nguyệt trông giống như một cánh cung giương hết độ căng. Đó là ao to nhất
làng.
Bờ ao bên này uốn theo con đường làng khá rộng từ xóm Chùa, qua xóm Ba,
đến xóm Giữa được lát gạch nghiêng. Bờ ao bên kia ăn liền với vườn nhà bà
Trưởng bạ Kẹ. Bên bờ cong có hai cái cầu. Một cái to dài đến 10 mét các bậc lên
xuống rộng rãi. Một cầu nhỏ phía nhà ông Ba Cự để người ta rửa rau, vo gạo. Bọn
trẻ chúng tôi nô đùa, tắm giặt ở phía cầu to. Những ngày nóng bức, cả ngày ao
không ngớt tiếng trẻ bơi tắm, nô đùa… Nước ao rất trong, không sâu lắm, ra đến
giữa ao mới ngập đầu. Đáy ao không có bùn chỉ đất lẫn cát sỏi… Bọn trẻ chúng
tôi đều tập bơi ở đây. Đứa nào cũng được các anh lớn cho một chú chuồn chuồn
ngô cắn rốn rồi các anh lớn chỉ đỡ giữa bụng để chúng tôi đập chân, đập tay
ngóc đầu lên bơi. Khi bơi thạo thì thi bơi, thi lặn. Từ bờ bên này đến bờ bên
kia, chiều rộng khoảng 50 mét, chiều dài khoảng 200 mét. Trừ những ô cạnh bờ
người ta thả bèo thì còn rộng chán, tha hồ mà bơi lặn. Phần thưởng cho người
thắng cuộc là đứng trên vai người thua mà nhảy ùm xuống nước. Có bao nhiêu trò
chơi trên nước, đuổi bắt nhau, té nước, dìm nhau, trồng cây chuối… Nhiều trò
chơi song thú nhất là được leo lên đầu cây vối cụt mà nhảy xuống giữa ao. Cây
vối ở bên bờ nhà trưởng bạ Kẹ. Cả các anh lớn và bọn trẻ chúng tôi cứ tồng
ngồng như thế mà bò lên bờ, bám hai tay vào gốc cây, rồi từ từ bò theo thân cây
ra đến đầu cuối của nó, đứng lên, hai tay giang ngang, giơ lên trời, hô một
tiếng rõ to… rồi thả người xuống, mình chạm mặt ao, nước bắn lên tung tóe sướng
không thể tả được. Tất cả đều cười vang ầm ĩ cả một vùng. Trong những người lớn
tuổi, tôi nhớ nhất anh Bao. Anh có dáng người cao to, thân thể cường tráng, vui
tính, lớn rồi mà vẫn cứ như chúng tôi tồng ngồng đứng trên thân cây vối nhảy
xuống. Trước khi nhảy, anh thường hô một tiếng rất to. Mấy bà, mấy chị đi trên
đường cứ phải nghiêng nón che mặt không dám nhìn. Bây giờ, anh thành cụ Bao,
trông đẹp lão, râu tóc trắng đẹp như cước. Mấy kì hội làng được cử làm chủ tế.
Về lễ chùa gặp cụ xúng xính trong bộ áo thụng đỏ, đi hia, cân đai mũ mãng oai
vệ… tôi lại tủm tỉm cười và ghé vào tai cụ: “Chào anh Bao ngày xưa!”. Cụ cười,
chào lại mắt hấp háy như vẫn còn tình tứ lắm…
Bây giờ về làng, tôi tự hỏi: không biết trẻ con bơi tắm ở đâu? Ao
Cánh Cung rộng thế mà giờ chỉ còn bé tẹo không tiếng vùng vẫy, rộn rã như ngày
xưa. Nước ao ngầu đục, mặt ao đầy bèo tây, bèo cái và những ô rau muống thả.
Nhớ ao, lại nhớ những lần đi câu. Ao nào có nhiều cá rô, cá diếc, cá trê, ao
nào dễ câu, chủ nhà không quát đuổi. Đi câu thú nhất là câu cá rô, cá trê, tha
hồ giật mạnh tay không sợ cá rách mép. Câu cá diếc khó hơn cả. Nó bắt mồi rất
nhẹ, phao chập chờn ngỡ như không động, phải khéo giật nhẹ và nhấc nó lên. Đi
vớt ốc trên ao cũng thú. Một sào dài, đầu buộc cái rế tre. Chỉ cần đi quanh các
ao trong xóm là được một bữa ốc to. Bây giờ ít người đi câu, vớt ốc. Ao không
còn mà cá tự nhiên thì không có. Muốn ăn bữa ốc như ngày xưa phải vào cửa hàng
đặc sản mất mấy trăm ngàn. Trẻ mỏ không có thú đi câu, làm mồi, ngồi kiên trì
bên bờ ao chờ cá đớp mồi, hay đi tha thẩn trên đường ngắm nghía làng quê. Chúng
chúi mũi vào các hàng điện tử, các trò “chat chit” hoặc vùi đầu vào những bài
học, bài làm thầy cô giáo cho về nhà. Ao bị lấp đi, làng không có chỗ chứa
nước. Chỉ một trận mưa to là đường làng đã ứ nước rồi. Nước dồn xuống đồng
khiến đồng ngập úng, mất mùa. Mấy hộ thả cá dở khóc, dở mếu vì thua lỗ. Cái ao
làng gắn với tuổi thơ và là đặc trưng của làng quê Việt Nam đang dần ít đi, làm
ta chạnh lòng và nhung nhớ…
@
TRE
Ngày xưa, làng tôi nhiều tre lắm. Tre mọc từng bụi bên đường, tre
mọc trong vườn, tre mọc chung quanh bờ ao, nhà ai mà chẳng có một hai bụi tre.
Mùa đông, có bụi tre chắn gió làm con người bớt lạnh lẽo. Áo mặc đơn sơ vẫn
thấy ấm lòng. Mùa hè, trời nắng chang chang, tre ngả bóng, che rợp đường làng.
Cũng là bóng mát, bóng mát của tre êm ả dịu ngọt làm sao! Cùng với bóng mát là
tiếng “lích chích” của những chú chim sâu chuyền cành, tiếng “chẹc chẹc” của
đôi chim sẻ đùa nhau, thỉnh thoảng lại bất ngờ lảnh lên tiếng hót cao và trong
của một chú sáo như muốn làm xáo động không gian của trưa hè yên tĩnh… Thoảng
trong làn gió mát ngọt ngào là hương dìu dịu của hoa tre. Ít người để ít đến
hoa tre. Đó là những chùm hoa nhỏ, màu trắng ngà ẩn hiện kín đáo trong màu xanh
mượt của những lùm lá tre và những cành tre, tay tre đan cài ngang dọc. Một
trưa hè tĩnh lặng, đi trên đoạn đường làng, bất ngờ nhận ra có một mùi thơm. Đó
là hương của tre. Thoang thoảng, dìu dịu mà mê mẩn cả hồn người. Thiên nhiên
thôn dã âm thầm ban tặng chút quà quê cho người. Con người dừng chân ngước lên
vòm lá xanh mướt, nhận ra những chùm hoa tre khiêm nhường ẩn hiện mà tự thưởng
giây phút thư nhàn hiếm có của một ngày cày cuốc.
Trong chín năm đánh Pháp, làng tôi là một làng kháng chiến. Cùng
với súng trường, giáo mác, bàn chông… tre đã cùng du kích làng tôi chống lại
nhiều trận càn của giặc. Xung quanh làng tôi, những luỹ tre ken dày đã nên
thành, nên luỹ tựa bức tường thép làm thất bại nhiều cuộc tiến công của giặc,
có cả xe tăng, xe cơ giới tham chiến. Giặc câu đại bác, nhiều bụi tre bị tung
lên xác xơ nhưng giặc không vào được làng. Cuối cùng, chúng phải rút lui mang
theo những xác chết và nhiều thằng bị thương. Bên cạnh hàng rào luỹ tre là giao
thông hào nối với các xóm. Các cửa hầm bí mật cũng thường được đặt dưới các bụi
tre. Những cây tre già, cây măng, bụi gộc còn lại là những vật che chắn những
cửa hầm. Có người du kích bị giặc truy đuổi thà chết chứ không tìm về nơi bụi
tre có cửa hầm mà đồng đội đang ở đó!
Giờ đây, luỹ tre bao quanh làng hầu như không còn. Từ xa nhìn về
không thấy “xanh bóng tre” nữa. Người ta chặt tre để lấy đất làm nhà. Tất cả
đều hướng ra bìa làng. Ở đó có gió đồng, không gian thoáng rộng và trông chờ
những dự án đầu tư. Mỗi lần về quê, ra nghĩa trang thắp hương, nhìn về làng
thấy màu xanh không còn bao nhiêu, nhìn kỹ cũng không thấy màu xanh của tre.
Chỉ thấy gần xa loang lổ những màu vôi mới, màu bê tông và mái ngói, mái tôn lô
nhô của những ngôi nhà cao hai, ba tầng. Tôi đi lại nhiều lần trên con đường
làng. Toàn đường bê tông, bê tông phẳng chạy thẳng từ ngõ vào sân nhà. Đi xe
máy, xe đạp cứ thế tiến qua cổng vào đến tận hè. Ngơ ngác tìm mãi không còn một
mảnh vườn có chuối, có tre, có cây duối dại và những con bướm, con chuồn của
thuở nhỏ.
Ôi! Còn đâu nữa những hàng ô dô, dâm bụt. Ngõ nhà ai có dậu cúc
tần, trên đó giăng những sợi vàng óng của dây tơ hồng. Còn đâu trò chơi tuổi
thơ: cuốn kèn lá, kết hoa,… dưới bóng tre mát rượi buổi trưa hè. Tre đi đâu?
Những chuyện về tre còn ai kể nữa? Chỉ còn trong lòng ta nỗi trống vắng khôn
nguôi. Rồi đây, khi con cháu ta đọc những áng văn chương viết về cây tre liệu
thày giáo của nó phải tả, phải kể như thế nào đây về một loài cây đã gần gũi,
thân thuộc gắn bó tự bao đời với người Việt Nam ta? Loài cây đó đã trở thành cổ
tích, thành ngày xưa…?
Liệu các nhà bảo tàng học có phải nghĩ cách để đưa cây này vào
danh mục các loài cây cần được bảo tồn…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét