Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

GVĐN 11: TRUYỆN NGẮN CỦA TRẦN THÚC HÀ

Trần Thúc Hà
(HV Hội VHNT Đồng Nai)


B  ạ  n   t  ô  i

Truyện ngắn

Tôi ra sân bay đón bạn. Hắn từ Mỹ về. Thấm thoát mới đó mà gần bốn năm. Thời gian ở Mỹ hắn không như người ta. Trước khi đi Mỹ hắn đã có vợ và một con. Vợ hắn là người yêu hồi sinh viên. Cả hai cùng học khoa hóa. Ra trường thì chúng tìm được việc ngay. Vợ hắn làm kiểm nghiệm thực phẩm ở cơ quan nhà nước, hắn làm cho một công ty chăn nuôi. Vậy là cuộc sống bước đầu của chúng nó ổn định xuôi chèo mát mái, ai nhìn vào cũng thèm bởi cái thời đi tìm công ăn việc làm đâu có dễ. Được một năm thì chúng cưới nhau. Năm sau chúng sinh cháu trai. Trông đôi vợ chồng trẻ, chồng hai bảy vợ hai lăm ai cũng thấy hạnh phúc tràn trề. Tưởng thế mà chúng nó đi lên gầy dựng cơ nghiệp, tổ ấm. Rồi chẳng ai ngờ, lòng người thay đổi như trở bàn tay!
Một hôm vợ hắn chạy đến mếu máo nói với tôi: “Anh Lâm đòi li dị em vì hai người sống không hợp nhau. Em thật không ngờ anh Lâm đã bị một đứa con gái quyến rũ! Em đã van xin anh ấy vì con cái mà nghĩ lại, nhưng anh ấy nhất quyết đưa tờ giấy li dị ra và nói tôi cần cô một chữ ký”. Tôi bảo vợ hắn: “Bình tĩnh đi Hạnh, để mình hỏi xem thằng Lâm đầu đuôi ra sao đã!”. Tôi là bạn của hai đứa hồi học đại học. Tôi còn là bạn thân thiết nhất của thằng Lâm thời còn bé tý ở cùng quê. Tôi tìm đến thằng Lâm hỏi: “Sao mày có ý điên rồ vậy?”. Nó chỉ mỉm cười rồi nói: “Đời là thế! Tao muốn thay đổi”. Tôi tra khảo nó mãi nó mới nói sống ở đất này chán ngán lắm. Nó muốn đi Mỹ. Nó bảo qua bên ấy dễ kiếm được nhiều tiền. Tôi hỏi nó làm sao qua Mỹ được trong khi đó bà con chú bác mày không ai ở trên đất Mỹ? Cuối cùng nó cũng nói nó có cô người yêu hồi học nửa chừng lớp Mười hai theo bố sang định cư ở bên Mỹ bảo lãnh. Tôi ồ lên một tiếng bảo con Chanh có phải không? Nó ừ. Rồi nó nói tất cả sự thật cho tôi biết thế nào đó mà Chanh biết được địa chỉ của hắn, ban đầu hỏi thăm sức khỏe, sau Chanh khơi gơi mối tình đầu của Chanh với hắn. Thư tình sướt mướt qua lại không dứt. Chanh than thở ở đất Mỹ Chanh cô đơn lắm. Càng cô đơn Chanh càng nhớ đến mối tình đầu của hai đứa. Chanh sẵn sàng đổi tất cả để được có Lâm. Lâm rên rỉ cuộc sống của Lâm vừa ngột ngạt vừa khó kiếm tiền, mà nghèo khó thì làm gì có hạnh phúc. Như trúng ý của Chanh, Chanh bảo đất Mỹ dễ làm ăn và tự do. Tự do là không ai xâm phạm đến quyền của người khác, muốn làm gì thì làm mà được pháp luật quy định và bảo vệ đến mức tối đa. Còn đồng tiền ư? Dễ kiếm lắm, không thiếu gì công việc. Thậm chí đi cắt cỏ, thu hái nông phẩm một ngày trăm đô là chuyện thường. Thế là hai bên lấy mối tình đầu ra thề thốt hứa hẹn với nhau. Tôi hỏi nó chỉ vì chừng ấy mà đành tâm li dị vợ con ư?  Nó nói, nó cũng không muốn thế. Nhưng muốn sang Mỹ phải có bảo lãnh. Chanh đứng ra bảo lãnh khi hắn với Chanh phải thành vợ thành chồng, có giấy hôn thú của chính quyền. Muốn thế phải li hôn với Hạnh. Hắn đã bàn với Hạnh hai người li hôn giả. Sau này hắn trở thành công dân của nước Mỹ hắn sẽ đón hai mẹ con sang sống cho sung sướng bằng cách hắn li hôn Chanh và cưới lại Hạnh. Hạnh không nghe. Hạnh bảo vợ chồng không đánh lận con đen, đổi chác như thế. Quả thật cuộc sống với Hạnh không có điều gì để hắn chê trách. Nhưng mối tình đầu trong hắn trỗi dậy mạnh mẽ quá và tự do, thiên đường ở nước Mỹ cuốn hút không gì cản trở được hắn. “Nhưng Hạnh không chịu ký thì cậu tính liệu ra sao?”. Tôi hỏi Lâm. Lâm thản nhiên đáp: “Thì mình ra tòa một mình!”. Ngày còn học cấp Ba tôi biết Chanh học toán hơi yếu, nhưng tính nhẩm hay tính toán một công việc gì như liên hoan lớp thì rất nhanh và không ai thêm bớt vào đâu được. Còn thằng Lâm tính nóng nảy, lại cực đoan, khó mà ngăn cản được khi cá nhân nổi lên. Như vậy, chúng đã âm thầm tính toán với nhau cả rồi. Tôi mắng nó: “Mày là thằng bạc nghĩa phụ tình, mày không thương yêu đến con cái mày sao?”. Tôi khuyên can nó: “Gần tám năm trời xa cách mày không nghĩ đến sự thay đổi con người của Chanh và mày biết gì nơi đất khách quê người?”. Hắn đáp tỉnh bơ: “Tao tin vào Chanh. Đêm mơ tao chỉ toàn thấy giàu có! Mày khuyên giải gì với tao lúc này cũng đều vô ích”. Đến thế thì không còn gì để nói nữa. Ra về, tôi không thèm chào hắn một lời. Tôi thuật lại tất cả cho Hạnh nghe. Hạnh nói: “Đã đến nước ấy thì em ký. Em ký để cho anh nhanh chóng đi khuất mắt em.”
Không đầy tháng sau thì Chanh ở bên nước Mỹ nhận được tờ photo tòa án chấp nhận đơn li dị của Lâm và Hạnh. Chanh về Việt Nam làm đám cưới với Lâm. Nói là làm đám cưới nhưng thực ra chúng nó đưa nhau ra chính quyền làm thủ tục kết hôn. Gần hai năm sau Lâm nhận được giấy nhập cư tại Mỹ. Lên máy bay lần ấy chẳng có ai ra tiễn Lâm. Nghĩ tình bạn cũ, tôi đèo hắn trên xe máy ra sân bay, tôi không nỡ để hắn rời tổ quốc trong cảnh cô đơn. Hôm hắn ra đi, tay xách va li, bước đi hăm hở mặt mày rạng ngời tựa như những người đến một thiên đường kỳ thú nào đó. Hắn bắt tay tôi nói: “Mày ở lại mạnh khỏe. Tau sẽ có quà về cho mày”. Tôi muốn nhổ vào mặt hắn một bãi nước bọt và thầm rủa: “đồ thực dụng” nhưng không nỡ phút chia tay nặng lời quá đáng với hắn.
Hơn năm tôi không có tin tức gì về hắn. Một hôm tôi nhận được thư của hắn. Rồi liên tiếp sau đó hắn đều đều gởi thư cho tôi. Qua những bức thư dài, tôi mới biêt tình hình của hắn. Những ngày đầu đến đất Mỹ hắn rất hạnh phúc, chiền nào Chanh cũng lái xe chở hắn đi dạo quanh những danh lam thắng cảnh cách nơi ở của Chanh bán kính hơn trăm cây số. Được vài tuần thì Chanh bảo hắn đi làm để kiếm tiền. Hắn hỏi Chanh có tìm nơi nào phù hợp với cái ngành hắn học. Chanh cười mỉa mai, cho hắn biết bằng biếu bên ta sang đây không có giá trị gì hết. Chanh giải thích cho hắn muốn có bằng đại học, phải học lại trung học phổ thông rồi vào đại học mấy năm nữa mới có bằng. Chanh bàn với hắn muốn đi học một cái nghề gì đó, trước hết cần phải kiếm tiền để nuôi sống hàng ngày, Chanh chỉ ra mấy việc không phải cần học hành gì nhiều để hắn chọn, là làm việc nhà trông coi lò bánh mỳ cho Chanh; có thể đi làm “neo”, tức là đi phụ việc cho người ta làm móng tay móng chân cho khách hàng; đi rửa xe hay ra ngoại ô cắt cỏ thu hái nông sản cho các trang trại... Hắn không thích đi làm xa. Hắn thấy tiện hơn hết là phụ giúp làm lò bánh mì cho Chanh. Bởi công việc trông chừng máy nhồi bột và nướng bánh chẳng có gì nặng nhọc đối với hắn. Chanh trả cho hắn một giờ tám đô, ngày làm việc 8 tiếng. Chanh bảo hắn phải đóng góp tiền ăn hết hai mươi lăm đô, tiền ở hai mươi đô, năm đô tiền cà phê ăn sáng mỗi ngày. Còn lại phần hắn. Nghe tính toán như vậy hắn khó chịu. Vợ chồng mà chi li quá nhưng ban đầu hắn không tiện nói ra. Về sau hắn nói với Chanh, Chanh tỉnh bơ đáp làm gì cũng phải tính toán, của anh là của anh, của tôi là của tôi, công việc là công việc! Có hôm hắn nghỉ trước ba mươi phút, Chanh không nói gì. Chiều, Chanh bảo hôm nay trừ 4 đô. Mặt lạnh tanh và rắn như đá của một bà chủ, Chanh nói lần sau không những trừ tiền mà Chanh cho hắn nghỉ việc. Về mặt tình cảm hắn không ngờ những lời nói yêu đương trong những bức thư gởi cho nhau trước đây sao mà chóng phai tàn, cách xa thực tế của cuộc sống vợ chồng hiện tại, làm gì cũng rạch ròi sòng phẳng. Có hôm hắn vào phòng Chanh, Chanh mở to mắt nhìn hắn: “Anh vào đây có việc gì? Anh muốn đến với em! Chưa được phép! Dạo này tôi không có nhu cầu”. Hắn nghĩ ở Việt Nam không như thế. Người vợ chỉ có phục tùng và chấp nhận. Hắn bước tới nói em yêu và định ôm vợ. Chanh quát không được! Đi ra khỏi phòng tôi ngay! Nếu không anh phạm vào tội cưỡng bức. Cảnh sát sẽ đến ngay bây giờ! Nghe thế hắn nguội lạnh, đứng trơ ra. Hắn không biết cảnh sát sẽ làm gì. Nhưng chuyện riêng tư thế mà vợ hắn định biêu riếu, nhờ đến người khác can thiệp thì thật là trơ trẽn và không còn tình cảm gì nữa. Từ đó hắn dần dần phát hiện ra thay đổi, đấy là Chanh không còn mặn mà như trước nữa, thay vào đó một sự lạnh nhạt quan hệ vợ chồng. Đôi khi chẳng có chuyện gì Chanh cũng nặng lời quát nạt hắn như một vị chủ nhà khó tính. Không những thế, độ này Chanh hối thúc hắn làm tăng thêm giờ có khi lên đến mười hai tiếng mỗi ngày bởi hàng không kịp giao cho khách. Một hôm, đang đứng bên lò bánh mỳ hắn lơ đãng nghĩ vu vơ về một điều gì đó mà quên xem giờ bấm công tắc điện. Mẻ bánh mỳ ấy bốc mùi khét. Chanh chạy tới gào lên: “Đồ ăn hại! Vô dụng”. Hắn nóng mặt, mắt long lên nhìn thẳng vào mắt Chanh nói tôi chỉ sơ suất chút ít mà cô dám nói với chồng cô như thế hả? Chanh quát: “Không phải lúc nào cũng chồng vợ. Anh nhớ lúc này anh đang là một thằng làm công, hỏng việc thì tôi có quyền mắng và tống cổ anh ra khỏi nơi đây ngay”. Tiếng quát của Chanh khô khốc, nghe nhói vào óc làm hắn bừng tỉnh: đó là luật lệ của kẻ làm thuê, không có chỗ nương nhẹ cho tình cảm, hắn đành bầm gan mà câm lặng. Và hắn mơ hồ nhận ra tình yêu giữa hắn với Chanh đã đến lúc nguội lạnh: Chanh cần hắn một người làm công chứ không phải một người chồng! Vào một ngày khác, hắn đến bàn ăn mà chưa kịp cho con chó cưng của Chanh ăn, con cho nhảy lên cắn vào ống tay áo, hắn lấy tay hất con chó, con chó té xuống nhà, chẳng đau đớn gì nó cũng nằm lăn ra mà tru trẩy. Chanh lao tới ôm con chó vào lòng, Chanh mắng vào mặt hắn là con người bất nhân, người đánh chó là loại người độc ác man rợ hơn cả loài lang sói. Hạng ấy không nên làm người. Hắn tím mặt, vì bị sỉ nhục quá đáng, hắn lao tới, máu trong người sôi lên, hắn hét mày là vợ tao và dang tay cho Chanh một cái tát. Chanh không nói gì. Chụp ngay máy điện thoại: “Tôi bị hành hung. Xin cứu giúp. Số nhà...” Chưa đầy năm phút ba cảnh sát người Mỹ đến, lập biên bản đưa cho hắn ký với tội danh thứ nhất ngược đãi gia súc, tội thứ hai hành hung với phụ nữ và dẫn hắn về nhà giam.
Hắn cũng tưởng như ở bên Việt cảnh cáo vài lời, quá lắm thì phạt vi cảnh rồi cho về. Nào ngờ, một án phạt rất nặng: mười lăm ngày tù giam, một năm quản thúc không được đi khỏi nơi Hạt cư trú, và hai năm không được rời khỏi đất nước Mỹ. Lần đầu tiên trong đời hắn hắn biết thế nào là ngồi tù! Mười lăm ngày trong tù dài như cả một năm; là mười lăm ngày cho hắn suy nghĩ chuyện đời và cũng thời gian hắn viết thư cho tôi nhiều nhất. Thư hắn nói cái cảm giác đầu tiên bước chân vào nhà tù là một sự nhục nhã ghê gớm, đó là đang con người tự do bỗng trở thành một thằng người bị giam hãm chốn ngục tù. Nó vừa khiếp hãi vừa như thấy bóng tối đổ ụp xuống cuộc đời của hắn. Mà nó có tội gì ghê gớm lắm đâu! Nó không cướp trộm, không chống phá chính trị, không buôn lậu ma túy, chỉ vì một con chó được coi trọng hơn hắn, hắn bị xúc phạm quá đáng, không kìm chế đánh vợ một bạt tai để vợ hắn cho hắn vào tù. Hắn so sánh, ở Việt Nam đánh chó chỉ là chuyện vớ vẩn; nếu vợ chồng có nặng tay thì cùng lắm, giận dỗi đôi ba ngày là làm hòa. Đằng này hắn phải vào tù. Rồi hắn suy nghĩ về tình yêu của hắn với Chanh. Chanh cũng là con người Việt Nam, là mối tình đầu của nhau sâu đậm; đã quyến rũ, đã xúi giục hắn từ bỏ vợ con gia đình hạnh phúc để theo Chanh, đã nặng tình đến thế không ai nỡ đưa chồng vào tù vì một cái tát. Chỉ có những con người đã cạn tình, lạnh lùng, xem tình yêu cũng chỉ là những sản phẩm hàng hóa mua bán, không vừa ý thì thay đổi, ném sọt rác mới hành động như thế. Lòng vị tha đôn hậu của người đàn bà Việt đã chết trong lòng Chanh, thay vào đó là sự tự do tuyệt đối theo cách Mỹ. Mà hắn thì đặc sệt tính cách Việt, tình cảm Việt thương yêu, đồng cảm và tha thứ... Cách sống ấy hắn làm sao chịu thấu. Hắn chợt nhớ đến Hạnh, đến đứa con trai của hắn. Chao ôi đó thực sự là một gia đình hạnh phúc! Hạnh là một cô gái đẹp, là một người vợ đảm đang nết na hiền lành, chăm sóc hắn từ miếng ăn cho đến cuộc sống tình cảm. Gần ba năm trời bên nhau, Hạnh chưa bao giờ một lời to tiếng với chồng. Và thằng cu Tý, nhớ nó quá chừng. Ngày ấy cứ thấy hắn đi đâu về là cu Tý ôm lấy nó reo lên mừng rỡ rối rít gọi ba. Vậy mà nó phụ bạc Hạnh một cách tàn nhẫn, lìa bỏ con một cách không thương tiếc, chối từ một cuộc sống hạnh phúc để chạy theo một cuộc sống đâu đâu xa tít tận chân trời mà mình chưa hiểu rõ để chỉ sai lầm một chút nho nhỏ, không đáng gì lại phải vào tù! Nhận ra, cái giá phải trả đắt quá, một lỗi lầm khó có thể tha thứ.
Sau mười lăm ngày bị giam, cảnh sát cho hắn ra tù và nhắc lại hắn còn bị quản thúc ở Hạt hiện cư trú một năm và hai năm sau đó hắn mới được rời khỏi nước Mỹ.
Hắn ra tù. Chanh chờ hắn ở cửa nhà. Chanh đưa cho hắn một túi tư trang và nói: “Tôi và anh cần nhau chừng ấy là vừa đủ! Tôi đã thuê giúp cho anh một căn nhà nhỏ gần đây. Mọi thứ riêng tư của anh, tôi đã xếp gọn trong này, kể cả mấy trăm đô tiền công anh chưa kịp nhận”. Đã dự kiến trước trong những ngày còn ở tù tình thế xấu hơn nữa có thể xảy ra giữa hắn và Chanh là sau này khó có thể chung sống với nhau. Nhưng hắn không ngờ sự việc lại nhanh chóng và tồi tệ đến thế. Đó là Chanh dứt khoát tống khứ hắn khi vừa mới bước vào cửa rất lịch sự kiểu mà Chanh mới thu nạp được. Hắn nghĩ đàn bà Việt không ai quá quắt phũ phàng đến như thế! Chẳng còn gì nữa để nói, hắn cay đắng ôm túi tư trang lặng lẽ ra đi... Hôm sau hắn đến nhà Chanh, đưa cho Chanh tờ giấy ly hôn. Chẳng phải cần đắn đo, không một lời mong muốn làm hòa, không một chút lưu luyến tình cảm giữa vợ chồng đã bao ngày bên nhau, Chanh lạnh lùng ký ngay đơn cho hắn và nói: “Cảm ơn anh. Anh đã nhanh chóng tiếp thu tự do điều mà tôi chưa kịp nói với anh, anh đã giúp tôi!”. Và cũng chẳng phải chờ lâu, chỉ mươi hôm sau cả hai đều nhận được phán quyết của tòa án cho phép hai người không còn ràng buộc lẫn nhau.
Hắn biên thư cho tôi rằng hắn không đau khổ mà chỉ thấy hối hận như là nghiệp báo mà cái nguyên nhân hắn đã gây ra cho Hạnh. Bây giờ hắn cô đơn, bơ vơ. Hắn không còn dự định đi học nghề sửa chữa điện lạnh như trước đây, bởi bao nhiêu thì giờ hắn lo đổ dồn vào miếng cơm manh áo hàng ngày và tiền thuê nhà thì quá đắt đỏ, chiếm hết phần nửa tiền lương nên không có khoản chi phí nào cho việc học hành. Hắn không đủ sức để rửa xe, vét cống. Hắn đến xin phụ giúp ở một tiệm làm neo, có phần nhẹ nhàng hơn. Tuy tiền công thấp nhưng được cái tiền boa (tiền lót tay) cũng đủ chi tiêu hàng ngày, nhưng lắm khi nhục không chịu được. Một hôm có một cô gái Mỹ đâu chừng mười bảy vào tiệm, ngồi ghếch chân lên ghế một cách kiêu kỳ và ra hiệu cho hắn cởi giày làm móng chân với vẻ hết sức ngạo mạn. Hắn nghĩ như ở Việt Nam hắn sẽ mời cô đi tiệm khác vì thái độ mất dạy đó. Nhưng ở Mỹ, tiệm đã mở cửa thì dù thế nào anh cũng phải phục vụ khách hàng, nếu không anh sẽ bị phạm vào thái độ kỳ thị. Ngồi tù đã thấy nhục, cởi giày, lau chùi bàn chân, kì cọ những ngón chân cho một cô gái, trong lòng hắn dâng lên nỗi cay đắng xấu hổ. Dân bản xứ không coi thường nghề nghiệp nào hết, mà họ thấy năng lực làm ra của cải để đáng giá. Nhưng với hắn, ở bên nước hắn không đi làm cái nghề này. Dù sao ở quê cha đất tổ đường đường hắn là một kỹ sư hóa. Càng nghĩ hắn càng thấy tiếc nuối những ngày đi làm thầy trên cái đất nước mà hắn cho nghèo khó và tù túng.
Hắn nhẫn nhục che đậy sự xấu hổ trong lòng để ngày hai bữa đến tiệm làm neo cho hết thời hạn một năm quản thúc tại nơi cư trú. Hôm hắn nhận được lệnh của tòa án cho phép hắn đến một bang khác của nước Mỹ, hắn hồ hởi lên tàu đến bang California mà nghe nói nơi dễ kiếm công ăn việc làm trong cộng đồng người Việt. Thật không may cho hắn. Khi lấy tiền mua vé, thì chiếc ví ở túi sau đã bị bốc hơi trong lúc xếp hàng. Không xu dính túi, hắn đứng giữa đám đông sững sờ như ngưới mất hồn. Thương cảm với cảnh ngộ của hắn, có người cho hắn 3 đô có người cho 1 đô. Hắn định từ chối, bởi vì hắn chưa bao giờ nhận bất kỳ một đồng bố thí nào của ai, ở đâu. Không còn cách nào khác, đã không có tiền mua vé tàu mà ngay chiều hôm nay hắn chưa biết lấy đâu ra tiền để mua ổ bánh mỳ lót dạ, hắn đành chìa tay nhận những đồng đô la của người có lòng tốt giúp cho hắn. Hắn tìm đến một chỗ khuất, lặng lẽ quay mặt vào tường đếm những đồng tiền lẻ trên tay, hắn xót xa tủi phận buông tiếng thở dài sao ta đến nong nổi này! Nhưng rồi hắn tự an ủi chỉ vì hoàn cảnh bất ngờ chứ hắn không phải những kẻ ăn mày đứng đầu đường góc phố thường nhật ngả tay xin bố thí của một số người hắn có lần bắt gặp.
Hắn không đủ tiền đi California, hắn cũng không quay lại nơi bản Hạt hắn cư trú. Xấu hổ và nhục nhã dâng lên trong lòng hắn, hắn không muốn bắt gặp một người quen nào, hắn tìm đến một miền nông nghiệp xa phố phường làm nghề cắt cỏ và thu hái nông sản. Hắn báo tin cho tôi tay chân hắn bây giờ chai sạn như một anh lực điền ở quê nhà. Và bây giờ hắn chẳng ham muốn gì hết. Hắn đã nhận ra sự nếm trải cay đắng, hắn chỉ mong hết hạn hai năm để về nước làm lại từ đầu.
Tất cả những tin tức hắn cho tôi biết, thỉnh thoảng tôi có ghé Hạnh, nói sơ qua cho Hạnh hay. Hạnh chỉ ngồi nghe mà không tỏ thái độ gì. Hôm tôi kể cho Hạnh ngày hắn mất cắp hắn phải ngả tay nhận tiền của những kẻ hảo tâm cho hắn, Hạnh ôm con vào lòng, khóc.
Sau thời gian hắn đi cắt cỏ, hắn ít thư từ cho tôi. Tôi thông cảm với hắn. Hắn đang lo làm lụng để kiếm tiền về nước. Tôi còn biết, hắn là thằng còn chút tự trọng, mặc dù tôi là bạn thân thiết nhất của hắn, tôi không hề câu nệ chấp trách điều gì giữa quan hệ bạn bè hai đứa, nhưng những lá thư gần đây hắn nói hắn xấu hổ với tôi. Hắn bảo cùng lứa tuổi, cùng ra trường mà tôi hơn hắn nhiều mặt, hắn chỉ là thằng cắt cỏ!
Hai ngày trước đây tôi chợt nhận được điện của hắn cho biết thứ bảy này hắn về nước. Tôi không có thời gian ghé Hạnh. Tôi chỉ điện cho Hạnh cái tin như thế.
Tôi đưa chiếc Camry ra đón hắn. Tôi không muốn hắn buồn và mặc cảm. Tôi biết hắn cô đơn, gia đình ở tỉnh xa, không biết hắn có báo tin cho cho người nhà của hắn không! Trong lúc chờ đợi máy bay hạ cạnh, tôi cố ý tìm kiếm người thân của hắn, nhưng tuyệt nhiên không có ai. Khi hắn xuống máy bay, tôi chạy tới ôm chầm hắn, hắn cười mà như mếu. Chợt một người đàn bà đi tới, một tay dắt một đứa bé chừng sáu bảy tuổi, một tay ôm bó hoa, chen giữa hai chúng tôi, tặng hoa cho hắn, tôi sững người nhận ra đấy là Hạnh. Tôi thốt lên: Ơ kìa Hạnh! Hắn lúng túng ôm bó hoa vừa cảm động vừa xấu hổ mặt đỏ bừng, ngây ra mà không thốt lên lời. Hạnh kéo tay đứa trẻ về phía hắn và nói: Bố con đấy!
@


Năm nay Trần Thúc Hà đã ở tuổi xưa nay hiếm. Dáng người mảnh khảnh, nho nhã như một thầy giáo, nhưng sức viết của ông thì lại rất sung mãn, từ nhiều năm trước và cho đến tận bây giờ.
Từ Quảng Trị, ông chuyển vào Biên Hòa, tham gia Hội VHNT Đồng Nai. Từng làm biên tập một tờ báo văn nghệ, khi ở vị trí một tác giả, ông có thuận lợi khi có thể “tự biên tập” tác phẩm của mình trước khi gửi đi. Vì vậy, những truyện ngắn của Trần Thúc Hà luôn được các biên tập viên đón nhận với nhiều thiện cảm. Dĩ nhiên, không phải truyện nào ông viết cũng được chọn đăng vì còn lệ thuộc vào khuynh hướng, tiêu chí của từng tờ báo và từng người biên tập. Nhưng dù kết quả thế nào thì Trần Thúc Hà vẫn kiên trì sáng tạo những đứa con tinh thần của mình. Vài ba năm, ông lại cho in một đầu sách gửi đến bạn đọc.
Tôi học được ở Trần Thúc Hà sự điềm đạm và tinh thần hết sức cầu thị. Về điểm này, ông hoàn toàn khác với một số cây bút lúc nào cũng in trí rằng “văn mình...”.
KHÔI VŨ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét