Võ Nguyện
(HV Hội VHNT Đồng Nai)
GÀ ỐNG
Truyện ngắn
Chín Thủ là người giàu tưởng tượng. Đôi khi những ý nghĩ của lão
cũng đem lại những kết quả bất ngờ.
Mấy tháng qua, thấy gà công nghiệp bên trại chăn nuôi chết hàng
loạt, gà thả vườn của Năm Rô hàng xóm bị bắt đi thiêu hủy cả bầy, Chín Thủ vẫn
bình chân như vại ngồi sáng tác. Cho đến tối nay bầy gà nhà lão bị gật gù từng
đám, có con phải đem chôn thì lão mới giật mình. Lão lật úp tập bản thảo, cắt
đứt mọi suy nghĩ văn chương, tập trung vào nuôi gà. Bởi vì nuôi gà là nguồn thu
nhập chính của vợ lão, là điểm tựa của tài năng của lão. Lão suy nghĩ lung lắm.
Đến sáng thì bộ óc nhiều tưởng tượng ấy cũng tìm ra một ý tưởng độc đáo. Chín
Thủ kêu vợ lên giảng giải:
- Khó gì mấy cái bệnh gia cầm. Tui tính kỹ rồi. Nuôi gà trong ống
là an toàn nhất. Vừa cách ly môi trường lại tạo ra sản phẩm lạ. Đại loại như
dưa hấu vuông đó mà… Mình mà nuôi chắc chắn có khối người tới học hỏi cho mà
coi.
- Hay quá. Ông chỉ cho tui mần đi.
Vậy là kế hoạch nuôi gà trong ống được thực hiện. Chín Thủ mặc
nhiên trở thành cố vấn.
@@@
Cố vấn Chín Thủ cho đốn cây
tre mạnh tông, cưa ra từng ống, sắp dài trên nền gạch tàu. Bà vợ đem ra một
đống vỏ ghi-gô, vỏ lon bơ nói là để gà
sau này có hình sóng cho đẹp. Đó là ý tưởng đa dạng hóa sản phẩm. Chín Thủ ngạc
nhiên về sự nhanh nhạy của vợ nhưng cũng không kém, lão vào tủ thờ lấy ra hai
ống bương sơn son thiếp vàng. Chúng vốn là đồ đựng sắc phong và gia phả ngày
xưa để lại. Gà mà nuôi trong ống này tha hồ mang tính đặc thù, đậm đà bản sắc
nhá. Của hiếm đó, các nhà hàng đặc sản phải tranh nhau cho mà xem. Lão ngây
người sung sướng. Bà vợ bắt từng con gà con thả vào từng ống. Tiếng gà con
chiếp chiếp dễ thương lão cũng không nghe. Lão chìm trong mơ mộng và tưởng
tượng.
Chín Thủ là nhà văn nhờ óc tưởng tượng. Cứ tưởng tượng là có tất
cả. Còn nhớ truyện ngắn “Viên gạch đỏ” trong đó nhân vật chính được lão tưởng
tượng “tô hồng” đến mức nung đầu trong lò lửa. Anh hùng hết mức. Nhờ thế truyện
được giải cấp tỉnh. Lão càng vững tin. (Nghe nói sau đó còn gởi đi dự thi trung
ương nhưng bị loại. Ban giám khảo trên ấy cho rằng Việt Nam không có tục
thui đầu người!). Tuy nhiên giải tỉnh cũng là oai lắm rồi. Trong xứ sở người
mù, chột là vua. Lão trở thành nhà văn,
được mời vào ban thẩm định tác phẩm của các câu lạc bộ thơ ca. Với chức danh
này, lão như thầy mù được sờ voi, tha hồ “sửa” người này, “chữa” người kia.
Nhiều khi chiếm cả diễn đàn kêu gào: “Không có tác phẩm tương xứng thời đại vì
văn nghệ sĩ thiếu tưởng tượng...”. Bởi vậy chăn nuôi cũng phải tưởng tượng. Đa
dạng hóa sản phẩm cũng phải động nảo. Làm thế nào đậm đà bản sắc, chăn nuôi cho
ai, chăn nuôi vì ai? Cứ vận dụng phương pháp luận và tưởng tượng là sẽ tìm ra thôi. Và nuôi gà trong ống bương
gia phả là một kết quả đấy. Biết đâu mai mốt thành công lão sẽ được đăng đàn
diễn thuyết. Tha hồ mà “sửa”, tha hồ mà “chữa”!
Một tháng sau gà bắt đầu chật ống. Bà vợ than:
- Ông tính sao, chứ nó dính trong ống thế này, chẳng biết con nào
là trống, con nào là mái sau này làm sao bán?
Chín Thủ liền trổ tài thợ vẽ. Cố vấn Chín Thủ trước khi là nhà văn,
đã là một thợ vẽ. “Văn” đi đôi với “vẻ” mà lỵ! Ngày mới thoát ly, lão là tay
cắt khẩu hiệu và sao chép pa nô trong đơn vị. Chẳng có trường lớp đào tạo gì,
chỉ nhờ cần cù mà nên. Thế mà oai ra phết. Đi đâu cũng được gọi tâng lên “họa
sĩ”. Cái thời oai hùng ấy kéo dài đến tận bây giờ. Đại hội lần nào lão cũng kè
kè lọ mực tàu và cây bút lông tìm người mẫu vẽ chân dung miễn phí. Quan gia và
phụ nữ mà được ngồi cho người ta ngắm mặt thì mừng rơn. Thợ vẽ đắt hàng lắm,
mạnh tay vẽ bừa, không cần xấu đẹp. Cứ lúc ký tặng là lão xổ một lô tiếng Tây,
bảo vẽ theo trường phái mới. Chẳng ai hiểu gì nhưng nhiều cô trố mắt thán phục.
Họ làm ra vẻ cảm động lắm rồi gói ghém mang về. Nhưng chẳng biết, nơi chưng là
trên tường hay trong toa lét…
Nói chung thợ vẽ Chín Thủ chưa lụt nghề. Lão lấy mực tàu và bút
lông ra. Cẩn thận viết chữ o lên từng ống. Rồi, hễ trống thì lão thêm mũi tên
phía góc; mái thì lão thêm dấu cộng phía dưới. Cẩn thận hơn lão còn đánh số thứ
tự bên cạnh các ký hiệu sinh học này. Viết xong, lão chợt thấy đơn điệu, thừa
giấy làm chi không vẽ rồng. Lão liền trang trí toàn bộ lô ống. Thôi thì đủ loại mặt thú, mặt người. Thú thì chó,
khỉ, chuột; người thì đàn ông và đàn bà. Có điều mặt người chỉ có một kiểu. Tất
cả đều hao hao các khuôn mặt lão đã vẽ trên đại hội…
Bà vợ nức nở khen đẹp và lạ. Lão giải thích:
- Từ nay bà cứ gọi ống đực là chim, còn ống mái là bướm. Như thế
càng lạ tai. Sản phẩm sẽ đắt hàng.
Lão cầm vài ống cho ví dụ:
- Đây là con “chim-một”, “chim-hai”… kia là con “bướm-ba”,
“bướm-bốn”.
Bà vợ nhìn hình trang trí trên ống gật đầu, nói tiếp:
- Con “chim-một” là chó. “Chim hai” là khỉ... Còn “bướm ba” “bướm
bốn” là hình người, sao giống???... Làm sao gọi cho tiện ông?
- Bà yên tâm. Nhiều người còn in hình mình lên gạch men lót phòng
tắm, huống chi… Bà gọi chệch ra cũng được.
Lũ chim một, chim hai… bướm Hồng, bướm Thắm nằm chặt trong ống
không mổ được nên việc cho ăn phải mất nhiều công. Vợ Chín Thủ nhét từng viên
thức ăn vào miệng từng con coi chừng đã mỏi mệt. Chín Thủ lại vận dụng tài
tưởng tượng. Lần này thì còn hơn cả tuyệt vời. Một phát kiến thật sự. Có thể
nói là sáng kiến để đời phải ghi vào sổ sách cẩn thận để sau này còn tra cứu. Chín Thủ cho treo ống
lên theo hàng dọc, đít con trên gắn vào miệng con dưới. Bởi vậy chỉ cho con
trên cùng ăn là tất cả các con dưới được no. Chín Thủ còn nghiệm ra cách này
rất tiết kiệm. Một viên thức ăn công nghiệp thơm tho cứng cáp là thế mà sau khi
vào miệng con trên cao rồi thoát ra ở đít con cuối cùng thì chỉ còn là một nhúm
bột mềm nhũn như tro bếp. Có bữa nghe người ta nói cho uống nước đái bò thịt sẽ
chắc và thơm nên thằng cu Tý hứng nguyên một bịch. Hắn xịt thứ nước vàng khè
này vào miệng con trên cao. Thế mà chưa đầy một giờ sau đít con cuối cùng đã
tia ra. Nhưng màu vàng đã biến thành trong suốt. Thế mới biết bộ tiêu hóa của
gà ống còn tinh vi hơn các bộ máy lọc hiện đại!
@@@
Thế rồi ngày chẻ ống cũng đã đến.
Để chuẩn bị cho ngày quan trọng này, chín Thủ chỉ mời hai vị khách.
Một là vị trưởng phòng chăn nuôi và hai là chủ nhà hàng đặc sản trong thị trấn.
Năm Rô là hàng xóm nhưng để giữ bí mật Chín Thủ chưa mời.
Mười giờ rồi mà vị trưởng phòng vẫn chưa đến. Lão hết hy vọng. Quan
vẫn thế. Những thử nghiệm của dân thì không quan tâm chứ khi thành công rồi thì
đều có công lao cả đấy. Lão lấy làm bực mình vì hôm trước gởi thư cho trưởng
phòng, lão còn cẩn thận ghi rõ ngoài bì:
TRẦN DUY THỦ, Họa sĩ kiêm nhà văn nhà thơ, thuộc hội văn học tỉnh… Bằng khen 5 năm liền về thành tích
hội viên lão thành sinh hoạt gương mẫu. Hiện là… trưởng ban thẩm định văn học.
Ghi làm gì cho mệt. Hắn là dân chăn nuôi chứ có phải văn chương
đâu.
Thôi thì có mặt nhà hàng cũng được. Nhà hàng bao giờ cũng nhanh
nhạy. Con bướm Thắm và bướm Phương được chẻ ra. Đó là hai cục thịt không lông, tròn như cái chày vồ. Có
điều da thì một con vàng một con đen như gà quạ. Chúng hoàn toàn mang hình dạng
của ống, đến nỗi đầu và đít hoàn toàn giống nhau. Cái mỏ to bằng cái đầu. Hai
cánh và hai chân vẫn còn nhưng nhỏ xíu. Chúng không tự đứng lên được, hai cánh
vỗ vù vù cũng chẳng nhấc nổi một centimet. Chỉ có hai mắt là láo liên và cái
miệng thì tục tục gọi trống.
Con trống tía của Năm Rô tưởng có mái mới lè kè phốc sang. Nó nhìn
thấy cặp gà ống lạ lùng nên hoảng hồn chạy thẳng, vừa chạy vừa hét: - Quái vật!
Quái vật!!!
Tuy vậy nhưng ông chủ nhà hàng rất thích thú. Ông ký hợp đồng mua
hết với giá gấp rưỡi bình thường. Gà giao đến đâu tiền trao đến đó. Ổng đặc
biệt khoái hai ống bương gia phả. Chín Thủ mừng rơn…
@@@
Hôm sau Chín Thủ bịnh nặng nằm liệt gường. Năm Rô nghe chuyện sang
thăm mà cũng để dò coi sự thành công của gà ống thế nào. Vừa vào đến sân, vợ
Chín Thù đã phân trần:
- Sạt nghiệp rồi chú ơi. Nhà hàng họ không nhận vì thịt hôi.
Rồi bả dẫn sang chuồng gà. Từng dãy ống vẫn treo tòn ten.
- Đây tui nuôi như thế này, cho ăn như thế này đây…
Năm Rô quan sát:
- Phải rồi, con dưới chỉ toàn ăn phân con trên lấy gì mà thịt không
hôi. Chỉ có con trên cùng may ra còn xài được.
- Thôi việc cũng lỡ rồi… Mấy ngày nay Chín Thủ cứ cuộn tròn trong
chăn không ăn uống gì. Xin chú lựa lời an ủi giúp.
Năm Rô vào nhà, liếc nhìn qua khe cửa. Đúng là Chín Thủ cuộn tròn
trong chăn thật. Hắn trông giống một con gà ống khổng lồ.
Năm Rô giật mình, hay hắn chính là gà ống từ lâu rồi mà chẳng ai
biết?!!!
@
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét