Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

GVĐN 12: QUANH ẤM TRÀ




VỀ CHÙM THƠ MỚI của LÊ TUẤN ĐẠT

Nhận đựơc chùm thơ mới của Lê Tuấn Đạt, thấy lạ,  tôi đọc rất kỹ rồi đọc lại chùm thơ  lục bát của anh đăng  trên blog nầy không lâu.  Và tôi bảo lưu ý kiến trước đây khi giới thiệu lục bát của anh: “Anh có giọng thơ  thủ thỉ - nhỏ nhẻ, lối viết giản dị, bâng quơ, phóng túng, bãng lãng, mà tình ý sâu sắc, đậm đà, đạt phong độ thi sĩ như phong cách sống của anh”.
Và vài cảm nhận mới về thơ anh:
Câu thơ thân thương vì gặp lại những hinh ảnh thân thuộc từng gắn gó với tuổi thơ chân quê của mình: Bóng trầu, thân cau,  tiếng gà, đôi trâu, bờ rào, tàng cây,  bờ rào, khóm tre,  bóng cò… 
Diễn đạt thì lãng đãng, thường bâng quơ  ngây ngô, nhưng là  cái  bâng quơ ,  ngây ngô đến vô tư của đồng dao và cái lãng đãng của thi sĩ nên thành thơ và thành thơ hay. Xin hãy đọc lại khổ đầu trong bài “QUA ĐƯỜNG” của anh:
                                “Qua đường vì một cụ già
                                Tay dìu tay dắt, đưa bà cùng đi
                                                Đưa xong, không biết làm chi
                                                                           Một mình lóng ngóng lại đi… qua đường…”

Đọc thơ anh, thấy cách kể, liên tưởng, cảm xúc thơ đến với Đạt tự nhiên, liền lạc và “thiệt như đếm”:
                                         “Người cuối cùng của xứ biết ăn trầu
                                                                                                Năm chín mươi ngoại bỏ trầu đi mất
                                          Từ hôm đó trầu hóa buồn ngơ ngác
                                          Rồi tháng ngày cũng theo ngoại đi đâu…”
Một vài kết tứ thơ anh giản dị đến nỗi ngưòi đọc lại thấy… bất ngờ , lạ lẫm và thú vị:
                                          “Bạn đến thăm tôi lâu ngày quên mất lối
                                                                                                May có trâu kia còn đứng đó chỉ đường!”

                              Xin mời bạn đọc thưởng lãm thêm:

TIẾNG GÀ QUÊ
Trưa lang bạt lạc về nơi quê ruộng
Cởi áo ra sống lại tuổi lên mười
Nằm ngửa mặt dưới tàng cây gió lộng
Nghe tiếng gà xa sao quá đậm chất người

BẠN ĐẾN THĂM TÔI
          Tặng kẻ sĩ quy điền Nguyễn Văn Khánh
Bạn đến thăm tôi, lâu ngày không nhớ lối
Tôi chỉ đường: đi nữa. Gặp đôi trâu,
Chậm xe lại rồi rẽ sang bên trái
Sẽ thấy tôi chờ sẵn ở bờ rào.

Gà thả, ao vườn. Cứ vô tư uống nữa
Cụng chén quy điền cho rớt nụ, rụng hoa
Hết đôi lít, bạn hỏi như nói mớ:
- Đứng làm chi ngoài ngõ cặp trâu già?!

Câu hỏi điên điên mà làm tôi tỉnh hẳn
Cặp trâu già, ừ nhỉ, để làm chi?
Thôn xóm bây giờ mấy nhà nuôi trâu nữa
Đất sốt giá cao, còn thiết cấy cày gì?

Trâu lạc lõng trên quê hương của nó
Dăm bảy làng may sót một đôi con
Hồn của ruộng có chăng còn chút gió
Vài khóm tre thưa thớt bóng cò buồn…

Tôi nâng ly, đáp lời như có lỗi:
- Nào, uống thêm, ly nước-mắt-quê hương
Bạn đến thăm tôi lâu ngày quên mất lối
May có trâu kia còn đứng đó chỉ đường!
Lê Tuấn Đạt

LÊ TUẤN ĐẠT

NHÀ THƠ GIỞ NÓN
(Tặng nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa)

Nhà thơ một hôm nổi cơn điên
Ra vỉa hè ngồi giở nón xin tiền
Thiên hạ lại qua sao vô tình quá
Chẳng được đồng nào. Nhà thơ bèn ngủ quên

Lúc thức vậy, vội lấy tay sờ thử
Nón vẫn trống không, chả thấy một xu nào
Thôi đứng dậy, nón lại về tóc rối
Không có đồng nào cũng đâu có sao

Đâu có sao nhưng mà tôi thấy đau
Tôi biết nhà thơ vốn bạc tiền xem nhẹ
Giở nón ra  cốt đong  tình  nhân thế
Chứ mấy đồng thừa thì thấm vào đâu

Ừ, mấy đồng thừa thì thấm vào đâu
Nhưng tôi biết nhà thơ chiều nay buồn vô hạn
Tình người với người thời này quá cạn
Tình người thời nay, ầu ơ,,,ví dầu…

Thôi có buồn cũng chớ khá buồn lâu
Đời tất bật nên quên nhà thơ đấy
Để sáng mai ta cùng ra thử lại
Biết đâu may gặp được tấm lòng giàu!


KHI TIẾN SĨ DẪN CHỨNG SAI!

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo:
- Trên website phongdiep.net, tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Liên Tâm, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận, có viết bài báo nhan đề: “SỰ LIÊN TƯỞNG TRONG TRƯỜNG CA THỜI CHỐNG MỸ”, trong đó vị nữ tiến sĩ này đã bịa ra hai câu thơ của chúng tôi để phê phán. Xin dẫn chứng như sau:  “Dung lượng quá dài cũng là hạn chế lớn của trường ca; do vậy, sẽ có nhiều đoạn chêm xen, đệm lót; ý tứ có khi cầu kỳ, rắc rối, khó hiểu hoặc phóng đại. Trong Đất nước hình tia chớp, cũng có tứ thơ so sánh còn gượng ép, khoa trương: “Thành phố ơi những mái ngói ngang trời/ Mang dáng lớn con cá kình xuống biển”(Trần Mạnh Hảo).  Thưa rằng, hai câu thơ gán cho là của Trần Mạnh Hảo bị tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Tâm trích ra để chê bai là “gượng ép, khoa trương” hoàn toàn không phải của chúng tôi; hoặc là nữ tiến sĩ nhầm “râu ông nọ cắm nhằm cằm bà kia”, hoặc là tiến sĩ bịa ra để phê phán sai lạc trường ca “Đất nước hình tia chớp” của chúng tôi. Xin nữ tiến sĩ giải thích dùm và đính chính trước công luận để chúng tôi không bị hàm oan một cách vô căn cứ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét