Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

GGVĐN 13: THAM LUẬN CỦA PHẠM QUANG TRUNG


phạm quang trung
(HV Hội Nhà văn VN tại Lâm Đồng)


TẤT CẢ LÀ VÌ CON NGƯỜI                          

Như một sự gặp gỡ tự nhiên mà đẹp đẽ, rất nhiều tên tuổi nhà văn khu vực miền Đông Nam Bộ đều gắn bó với văn chương thiếu nhi ở những mức độ và thành công khác nhau. Thế hệ các nhà văn đi trước như Hoàng Văn Bổn (1930-2006), Xuân Sách (1932-2008) từng để lại những tập truyện thiếu nhi thật sự trở thành dấu mốc trong văn chương cách mạng một thời, nhờ ảnh hưởng xã hội vô cùng sâu rộng của chúng, nổi bật là Tướng Lâm Kỳ Đạt (1962) Đội du kích thiếu niên Đình Bảng (1964).
Có nhà văn lớp sau hầu như thành danh chỉ bằng văn chương thiếu nhi như Hồ Việt Khuê và Trần Hoàng Vi. Có lẽ bởi thế, lúc gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam có thể có người chưa thật biết nhiều về các anh qua tác phẩm. Lại có nhà văn tiếng tăm đi bằng cả hai chân, đầy ý thức, thể hiện bằng hai bút danh lừng lững: khi viết cho thiếu nhi thì ký tên khai sinh Nguyễn Thái Hải còn bình thường thì lấy bút danh Khôi Vũ. Thật khó nói anh thành công ở lĩnh vực nào hơn. Chỉ riêng về số lượng, đến nay anh đã cho ra đời tới 15 tập truyện dài và truyện ngắn cho thiếu nhi. Cả một sự nghiệp chứ đâu có nhỏ! Nguyễn Một, hơi khác, cũng có hẳn bút danh Dạ Thảo Linh cho tập truyện thiếu nhi mở đầu văn nghiẹp Hoa dủ dẻ in năm 1997, tuy về sau “chuyển hẳn nghề”, không còn mấy mặn mà như trước, mặc dầu như anh đã thú nhận là “lúc nào cũng nhớ về các em”, để rồi “âm thầm” với nỗi đam mê thuở nào. Thường thì các nhà văn trong khu vực không hẳn học theo ai mà chủ yếu nương theo sở trường, sở nguyện của mình mà đến với văn chương thiếu nhi. Tiêu biểu hơn cả là Trần Đức Tiến và Nguyễn Thu Trân. Hai nhà văn này cũng như những nhà văn kể trên đã gặt hái không ít giải thưởng danh giá dành cho văn chương thiếu nhi của Hội Nhà văn và các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp khác nhau. Đấy là chưa có dịp kể tới các nhà văn khác, lúc này lúc kia, từ sự thôi thúc da diết của nội tâm, cũng đã dành cho trẻ thơ mà trước hết là cháu mình con mình, không ít những  chuyện kể, những vần thơ chân thực đến nao lòng, có ý nghĩa không nhỏ trong sự nghiệp của một đời viết.
Nói tới văn chương thiếu nhi, tôi muốn nhắc tới tên tuổi nhà văn Trần Hoài Dương. Anh mới đột ngột ra đi vào đầu tháng 5 năm 2011, để lại biết bao tiếc thương cho đồng nghiệp và bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc thiếu niên nhi đồng cả nước. Nhiều người có thể chia sẻ với ý nghĩ sau của anh lúc sinh thời: “Sao lại bảo những trang văn của tôi là dành cho thiếu nhi, tôi viết cho người lớn đấy chứ!”. Đâu phải anh không có lý của mình. Chỉ xin nhắc tới một truyện cực ngắn mà vô cùng đặc sắc và sâu sắc của anh có tên là Hoa kim ngân. Nhân vật người kể chuyện thuở nhỏ thấy hoa kim ngân có hai màu xen kẽ, trắng và vàng, thì lấy làm thích thú lắm vì rất lạ. Trưởng thành hơn, hiểu biết một chút, mới hay đó chỉ là hai giai đoạn chuyển đổi khác nhau của màu hoa: lúc mới nở thì màu trắng và khi mãn khai thì lại hóa ra vàng. Rất có thể vì vậy mà nhân vật “tôi” nhìn hoa không còn mơ mộng, lãng mạn như trước. Phải chăng, cùng với thời gian, tâm hồn con người đã cỗi cằn, chai lì đi? Thật bất ngờ trước lời kết của nhà văn thông thái Trần Hoài Dương: không đâu,… “chính là tôi đã lớn lên” đấy mà. Ai dám bảo câu chuyện không làm cho người lớn chúng ta buộc lòng phải ngẫm nghĩ. Nên, ở một phương diện nào đó, cũng có thể bảo là anh viết cho người lớn, thật đấy!  Chỉ có điều, anh nhờ qua trẻ thơ để đến với người lớn chúng ta. Do vậy, trên thực tế, người ta vẫn có lý để xem anh gần như là một trong những nhà văn thuần thành về cho thiếu nhi. Lại rất thành công. Chẳng phải phần đông các em đều coi Trần Hoài Dương là nhà văn của mình đó sao! Tôi xem đấy là một lối nhìn nhận, một cách đánh giá không hề thấp đối với công tích, sự nghiệp của một nhà văn, nhất là khi có ai không biết trẻ em ở xứ ta hiện giờ đang “đói” văn chương quay quắt đến mức nào!
Nhớ lại câu chuyện của người thơ Tản Đà hồi đầu thế kỷ XX. Một lần, ông lên Hòa Bình chơi, dừng chân trước một cửa hiệu người Tàu. Chợt ông thấy một người đàn bà Mường, tuổi đã già, gánh hai sọt lá gai đi ngang qua. Vợ người khách hỏi mua, chỉ trả đúng có hai xu lẻ. Người đàn bà miền núi ban đầu không thuận bán. Tuy đi được một quãng, nghĩ sao đó, bà gánh trở lại, đồng ý bán. Có lẽ bà ta nghĩ, nếu không bán, dầu biết là rẻ như cho, thì chiều hôm đó cả nhà sẽ đứt bữa. Trong khi từ chỗ bà ở ra tỉnh vừa đi vừa về dễ đến hơn một ngày đường. Nhà thơ kịp đưa ra một câu hỏi phải nói là thật đích đáng: “Vậy thời, đố ai biết hai đồng xu trên thế giới nhiều hay ít, to hay bé, là trọng hay là khinh?”. Không dừng ở đó, Tản Đà còn nghĩ sâu và xa hơn: “Mà hai đồng xu có lỗ tròn, hoặc đủ làm bộ kính hiển vi để xem xét nhân tình vật lý”. Tôi lại muốn suy luận thêm: lỗ tròn của đồng xu qua con mắt tinh tường của Tản Đà còn đủ sức soi tỏ biết bao lẽ huyền vi thường ẩn trong đời sống tưởng như quá đỗi quen thuộc của nghệ thuật, như chủ đề chúng ta đang bàn về văn chương thiếu nhi chẳng hạn. Câu chuyện xem ra càng ngẫm càng kéo dài ý vị.           
Phải thừa nhận, cho đến giờ, cách hiểu về cái gọi là văn chương thiếu nhi còn chưa được hoàn toàn thống nhất. Trong và ngoài giới đều vậy cả. Người ta có thể giải thích đó là thứ văn chương về (đối tượng thể hiện) thiếu nhi; cũng có thể hiểu là cho (đối tượng phục vụ) thiếu nhi; mà đồng thời có thể giới hạn là của (đối tượng sở hữu) thiếu nhi. Tôi thì hiểu, đúng hơn là muốn hiểu, đó là thứ văn chương vì thiếu nhi (mục tiêu sáng tạo), từ đấy và qua đấy, có điều kiện đi xa hơn, vươn cao hơn tới mục tiêu tối hậu là vì con người. Tôi nghĩ, văn chương chân chính, ở đâu và thời nào cũng vậy, đều chỉ hướng tới CON NGƯỜI, tất thảy là vì CON NGƯỜI trong dạng thức lý tưởng có thể có. Nếu thế thì văn chương chân chính nào chẳng ẩn chứa những ý nghĩa vượt thoát ra khỏi chính hình thái tồn tại xác định của nó. Tất thảy tùy thuộc vào tầm mức của ý tưởng, độ day dứt gợi từ ý tưởng, cùng tài năng tương xứng để thực hiện thành công ý tưởng ấy trong một hình hài cụ thể nào đó.
Để xác minh điều vừa khái quát, tôi xin đi vào những trang văn dung dị, mộc mạc mà thấu lẽ nhân tình phổ biến của nhà văn Hoàng Văn Bổn. Cũng chỉ giới hạn ở truyện thiếu nhi ấn tượng hơn cả là Lũ chúng tôi được ông hoàn thành vào thời gian trước Đổi mới, năm 1980. Tác phẩm kể về hoạt động của Trường tiểu học kháng chiến Tân Uyên ở chiến khu Đ vào thời gian từ 1946 đến 1950. Trường học thì chủ nhân chính bao giờ cũng là thầy và trò. Rồi mở rộng ra là cộng đồng dân cư - xã hội bao quanh. Trường học trong kháng chiến, ngoài những thử thách muôn thuở của việc dạy và học, khi nào cũng phải trải qua những gian khó, thậm chí khốc liệt can hệ trực tiếp tới sự tồn tại hay không tồn tại. Truyện của nhà văn Hoàng Văn Bổn có đủ những con người, cảnh vật và sinh hoạt ấy, lại được thể hiện bằng một cách thức không hề mới: mọi chuyện, mọi người, mọi sự kiện đều chuyển vần xoay quanh nhân vật xưng “tôi”. Kết cấu vẫn theo mạch thời gian tuyến tính giản đơn: không hề thấy tác giả sử dụng những thủ pháp viết tiểu thuyết hiện đại như đồng hiện, cắt dán, dòng ý thức… vốn đã được nhiều nhà văn Việt Nam cùng thời mạnh dạn thể nghiệm. Vậy mà sao cuốn sách vẫn cứ cuốn ta vào, nâng ta dậy, bắt ta suy ngẫm không thôi? Khi đi vào tác phẩm, câu hỏi ấy cứ bám riết lấy tâm trí tôi.
Câu trả lời sáng tỏ dần khi đọc từ dòng đầu đến dòng cuối của cuốn truyện. Nó vỡ vạc ra trước nỗi băn khoăn của nhân vật “tôi” khi mới gặp Đoàn: “Đã đi bộ đội, đánh giặc ngon quá trời, còn đi học văn hóa làm gì?”. Còn ông Ba Trợn thì nói oang oang: “Giặc giã, Tây tà quanh năm, đói thấy ông bà ông vải, ở đó mà học văn hóa!”. Như đã thấy, câu trả lời dường như đã ẩn ngay sau câu hỏi đó rồi. Chỉ với điều kiện là cái nhìn của người đọc phải được nâng lên theo tầm nhìn của người viết. Tất cả dường như tập trung vào nhân vật thấm nhuần lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn là anh Chín. Không xuất hiện nhiều trong tác phẩm, nhưng anh là linh hồn của cái tập thể kết gắn thành một gia đình thân thiết kia. Khó khăn, thiếu thốn, sống chết ư? Hẳn nhiên mọi người đều hướng tới anh. Từ cái chung của tập thể tới cái riêng của mỗi người. Tưởng như, với anh, nghĩa là với trái tim, khối óc và tầm nhìn của anh, mọi chuyện sẽ đều được nhìn nhận và giải quyết một cách thấu đáo nhất, tối ưu nhất. Mà vấn đề lớn hơn cả là sự tồn tại của chính ngôi trường trong hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo khi ấy. Người đọc chợt tưởng tượng ra đôi mắt anh Chín đỏ bầm ra sao trong ánh lửa bùng lên từ ngôi trường vừa bị giặc thiêu đốt. Mới một năm mà trường đã bị đốt cháy đến ba lần. Học chữ trong tình cảnh ấy phải tốn bao nhiêu mồ hôi, xương máu. Rồi thày trò cùng chung lòng chung sức, quyết dựng lại trường lần thứ tư chỉ trong một năm trời.
Có điều, cách nhìn nhận và giải quyết mọi vấn đề nảy sinh trong thực tế nghiệt ngã ấy của anh Chín không hề mang tính nhất thời. Con mắt anh trông được xa, thấy được rộng hơn nhiều. Đúng như ý nghĩ thường nung nấu trong anh: “Vài chục năm sau, gặp lại nhau, có lẽ chúng mình phải tự hỏi những ngày này đã làm gì cho các em, cho xã hội…?”. Bởi, trước sau gì anh Chín vẫn nhất quán với một ý nghĩ: “Còn người còn của… Nhiệm vụ của các em bây giờ là phải sống, học, học và học!”. Câu nói vang lên như một mệnh lệnh sống còn. Nên nhớ, mệnh lệnh ấy nảy sinh trong một hoàn cảnh bấp bênh, căng thẳng đến nhường nào! Cái ăn để duy trì cuộc sống bình thường cũng không đủ, nói gì tới phương tiện học tập. Một số học sinh đói quá đã làm liều. Ăn cắp quen tay như ngủ ngày quen mắt. Anh Chín buồn bã nói: “Cũng tại tôi có tính cả nể… Tôi thiếu thốn tình cảm… Người ta nói: gieo cái gì gặt cái ấy. Cũng tại tôi cả”. Trước hết anh nhận trách nhiệm về mình. Trách nhiệm của một người thầy, lại là thầy hiệu trưởng. Rồi anh tìm cách biến quyết tâm của mình thành quyết tâm của cả tập thể: “Phải tìm cách kêu tụi nó trở lại. Không thì chết như chơi. Đi đêm có ngày gặp ma!”.
Làm thầy, biết bao đòi hỏi đi cùng biết bao thử thách. Anh Chín nghĩ: “Muốn làm thầy người ta, nào phải chỉ chữ nghĩa là đủ đâu… Còn phải tư cách, đạo đức, tấm lòng như thế nào nữa chớ…”. Vậy nên, “làm người thầy giáo tốt, thật là khó”. Anh tự nhủ mình mà như nói với đồng nghiệp của mình vậy. Cũng không chỉ với đồng nghiệp của một thời và một nơi nào đó thôi đâu. Bạn đọc khó quên nhân vật Đoàn “điên điên khùng khùng” trong tập truyện. Em thật sáng dạ.  Bàn về nguyên cớ sinh ra thần đồng, Đoàn giải thích là do “bộ óc”. Đích đáng lắm chứ! Và quý, thật quý nếu đặt vào hoàn cảnh bấy giờ. Nhưng nếu Đoàn ỷ vào năng khiếu bẩm sinh thì Mười lại “cộng” cái trời cho ấy với “mồ hôi và nghị lực”. Vậy nên, trong lúc thiếu tài liệu mới để học, nhờ Mười nghiên cứu thêm mà thầy trò có cái tạm dùng để dạy và học. Tầm nhìn của nhân vật Chín ở đây rất hài hòa: “Hoàn toàn ỷ lại vào bộ óc và tài năng trời cho… mà lười biếng, kiêu căng, coi thiên hạ bằng rơm rác là chết cháy! Nhưng ngược lại, ai coi thường năng khiếu cũng là một cách chết!”. Cụ thể, môn văn Đoàn học vẫn trội, bài văn thường được chọn đọc mẫu cho cả lớp nghe. Nhiều người tán thưởng vì những trích dẫn cổ, kim, đông, tây có vẻ uyên bác và thông thái lắm. Nhưng, tiếc thay, những điều diễn ra trước mắt thì Đoàn thường lúng túng, viết không hay không thấm bằng Mười.
Từ cái nhìn thực tế, với các học trò nữ, bên cạnh việc học văn hóa, anh Chín còn chú trọng tới cả việc dạy những “đường kim mũi chỉ, công việc bếp núc”. Vai trò phối hợp của cán bộ bên Hội Phụ nữ huyện như Thanh Trúc được đề cao. Anh nghĩ: “Công việc ấy ảnh hưởng đến đức tính công, dung, ngôn hạnh, đảm đang, hiếu thảo, thủy chung của người phụ nữ sau này”. Toàn những đức tính tưởng xưa cũ, nhưng liệu có ở đâu và thời nào không cần trau dồi? Vậy nên, cái gọi là triết lý giáo dục mà nhiều bậc thức giả hôm hay băn khoăn tìm kiếm đâu có thể hoàn toàn đoạn tuyệt với những cái lý đúng đắn vốn tồn tại từ ngàn năm trước. Học thuyết Nho giáo chẳng phải đã có những mệnh đề như nhân bất học bất tri lý (người mà không học thì không biết lẽ phải), ấu bất học lão hà vi (ở tuổi ấu thơ mà không học thì về già biết làm gì), hay học nhi bất yểm hối nhân bất quyện (học không biết chán dạy người không biết mỏi)… có sức kết tinh trí tuệ thông thái, vượt thoát mọi giới hạn của thời gian là gì! Thật rõ nỗi mong mỏi của nhân vật Chín: anh muốn vượt lên khỏi hoàn cảnh của mình, vươn tới những yêu cầu chung của con người trong mọi trạng huống. Hạnh phúc mà nhân loại ngàn đời nay đeo đuổi nào có gì quá cao xa, hơn thế, lại thường nảy sinh trong những công việc thiết thân như thế.
Tuy nhiên, có lẽ không quan niệm nào lại thấm thía bằng cách dạy đi cùng với cách học tiến bộ được nảy sinh từ rất sớm trong đầu óc của nhận vật Chín. Nhà văn Hoàng Văn Bổn viết tác phẩm này vào khoảng năm 1980, nghĩa là trước thời Đổi mới chừng 5,6 năm. Và nếu tính cho tới giờ thì trên 30 năm đã trôi qua. Vậy mà tôi vẫn thấy cách đặt vấn đề ở đây thật là mới mẻ. Câu chuyện xoay quanh nhân vật Đoàn. Em thông minh nên hay chất vấn lại thầy. “Hầu như bài nào cũng vậy, thầy giáo giảng qua là nó hiểu ngay, đôi khi nó còn cãi lý bắt bẻ với thầy”. Đáng nói là không ít lần em có lý. Thầy Sáu Tử nhiều lúc tự ái, cho em là vô lễ. Anh Chín lại bảo: “Có lẽ đây là một quan niệm mới về phương pháp sư phạm. Thời tụi mình đi học, người ta áp dụng một phương pháp giáo dục thụ động. Thầy như con chim mẹ, học trò như con chim con chư mọc lông, cứ nằm há mỏ cho mẹ đút mồi…”. Lời tâm tình hơn là tranh luận gay gắt đúng sai, tự thổ lộ với mình hơn là nói với người. Sức thuyết phục của những câu nói dạng này bao giờ cũng lớn lắm. Nhân vật Chín tiếp tục: “Anh Sáu có thấy không, hầu hết thế hệ mình đều sợ sệt, không có lòng tin ở mình, chỉ há miệng chờ sung. Sung không chín, không rụng, cứ nằm đấy chịu chết… Làm gì dám gánh vác nhiệm vụ xây dựng đời mình, xây dựng xã hội, cải tạo thế giới?”. Anh Chín đang phát ngôn cho một trong những triết lý giáo dục cao sâu bậc nhất của nhân loại dưới một hình thức rất bình dị. Chẳng phải triết gia hiện đại Pháp A. Gide đã từng tuyên bố rằng mục đích tối thượng của văn hóa là nhằm giải phóng con người vượt thoát mọi sự nô lệ vào tinh thần của người khác là gì! Nhận thức ấy được thôi thúc bởi niềm tin có sức vượt qua thời gian của anh: “Tôi tin rằng thế hệ các em hiện nay và thế hệ sau nữa, sẽ khác hẳn chúng ta. Có tình thương, có tri thức, coi lao động là chuyện tất nhiên… Ngay bây giờ, trong cuộc kháng chiến gian khổ này, phải xây dựng một nền giáo dục mới hoàn toàn”.
Muốn vậy, người thầy phải bằng mọi cách tự vươn lên để tự vượt mình. Ngưng trệ đồng nghĩa với thất bại. Trong đó, có những cái không thể dựa vào ý chí mà được. Ví như: trình độ. Lúc tài liệu bị Tây đốt hết, gây không ít lo ngại cho nhiều giáo viên, một ý nghĩ ánh lên trong đầu anh Chín, kỳ lạ đến khó ngờ: “Nếu Tây không đốt, cũng không sài được”. Không đúng thế sao? Và thế là anh Chín quyết định “lên đường sang Tây Trúc thỉnh kinh’ như thầy trò Đường Tăng trong Tây du ký vậy. Đúng như nhà Phật từng tâm niệm tự giác giác tha (mình giác ngộ trước sau giác ngộ người), còn nhà Nho thì quan niệm tiên giác giác hậu giác (người biết trước dạy người biết sau). Con đường tới rừng U Minh Cà Mau để học lên khi ấy vô cùng vất vả, khó khăn. Lại nguy hiểm, rất nguy hiểm. Nhưng, anh Chín cả quyết: “Thiên hạ đi được. Mình đi được. Con người ta sinh ra ở đời, xét tận cùng, hơn kém nhau ở cái tâm và cái trí”. Một quyết tâm nảy từ một ý chí sắt đá. Lẽ nào chỉ có giá trị vào thời ấy và trong hoàn cảnh ấy?
Vậy nên, tôi hiểu vì lẽ gì mà các thế hệ trưởng thành sau này luôn kính trọng đi cùng với biết ơn những người như anh Chín. Nhớ lại, khi có dịp “liên hoan” trái gùi chín đỏ “ruột chia thành năm sáu múi giống như trái măng cụt, ngọt xớt”, Cúc nhỏ nhẹ ý tứ: “Để dành gửi về cho anh Chín”. Ấy là bởi đạo lý “ăn trái nhớ kẻ trồng cây” thấm sâu vào tim óc các em rồi. Có người thành thật hỏi lại: “Nhưng gùi này có phải do anh Chín trồng đâu?”. Cúc trả lời ngay gần như không cần suy nghĩ gì nhiều: “Nhưng anh Chín đã ươm trồng cái trường mồ côi của tụi mình”. Lời kết cuốn sách vang lên những ý tưởng xúc động và thiêng liêng đến lạ lùng: “Tôi ngoảnh nhìn lại ngôi trường thân yêu, tự nhiên tôi khóc. Trời, lũ trẻ mồ côi mười bốn mười lăm chúng tôi, cái trường tiểu học kháng chiến huyện Tân Uyên của chúng tôi với lời thách thức sau hai ba chục năm, xem ai đúng, ai sai, ai thành người, ai thành khỉ…”. Mọi chuyện xem ra đã rõ. Một tầm nhìn xa rộng. Lại can hệ tới lĩnh vực đào luyện con người - cái quyết định mọi thành bại của một xã hội. Càng lùi xa, càng đứng cao mà nhìn nhận lại càng thấy ý nghĩa của cuốn sách tưởng chỉ viết dành cho thiếu nhi như tập sách mỏng mảnh này.
Có thể thấy, truyện Lũ chúng tôi và nói chung những tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Hoàng Văn Bổn đều nằm trong mạch nguồn cảm hứng sâu rộng làm nên tầm vóc của văn nghiệp ông: đó là quê hương, kháng chiến và cách mạng. Cũng xin đừng quên rằng, dù viết về điều gì, bằng hình thái nào, hướng tới ai thì người đọc trước sau vẫn nhận ra một trách nhiệm cao cả ở một nhà văn luôn ý thức được sứ mệnh thiêng liêng của người cầm bút: tất cả là cho CON NGƯỜI trong ý nghĩa đẹp nhất của từ này. Do vậy, những tác phẩm văn chương giá trị của Hoàng Văn Bổn có điều kiện vượt qua giới hạn của thời mình. Cũng có thể tìm được sự chia sẻ rộng rãi nếu được giới thiệu tới các miền đất khác. Đó là niềm vinh dự cho bất cứ nhà văn nào xưa nay. Và có lẽ cũng là một bài học thấm thía hơn cả cho những ai quyết dấn thân cho nghề cầm bút nghiệt ngã của chúng ta.
Lúc này, rất tự nhiên, tôi nhớ tới lời tâm sự đau đáu của nhà văn Hoàng Văn Bổn khi kết thúc bài viết ngắn Một kỷ niệm về Thanh Tịnh của ông: “Tuổi trẻ khó lòng hiểu được tuổi già. Để đến khi hai đường âm dương cách trở, mới ngồi đấy ăn năn, sám hối”. Tôi, và có lẽ tất cả các bạn đồng nghiệp của tôi ngồi đây, chắc không ai tệ đến mức như thế đâu. Có điều, lúc này lúc khác vẫn cứ thấy cồn lên một nỗi áy náy đâu đó trong lòng. Sao không sớm viết những gì thật sự tâm huyết về ông. Cho xứng đáng với đóng góp lớn lao của ông cho cuộc đời và cho văn chương? Cho xứng đáng với tình cảm trân trọng, biết ơn của thế hệ chúng tôi luôn dành cho ông? Rất nhớ những lời thành thật trong nỗi xót xa, nhớ tiếc của ông dành cho Chế Lan Viên khi nhà thơ vừa qua đời: “…‘Chỗ các anh’ giờ đã đông vầy: bao nhiêu tinh hoa văn nghệ, bao nhiêu con người cự phách đã kéo đến đó, toàn bậc tiên phong…”. Xin anh linh nhà văn Hoàng Văn Bổn mãi mãi thanh thản ở thế giới bên kia. Tôi hình dung, ngay giữa lúc này đây, ông cũng đang quây quần thân thiết cùng những bậc tinh hoa, anh kiệt ấy rồi! Bởi, không hề quá lời đâu, với tất cả những gì đã thật sự để lại cho đời và cho nghề, ông hoàn toàn xứng đáng thuộc về thế giới ấy đấy…

Đà Lạt, 3/4/2012
PQT. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét