Hội viên Hội Nhà văn
Việt Nam tại Miền Đông Nam Bộ
Hồ Việt Khuê
Hồ Việt Khuê hiện sống và làm việc tại tỉnh Bình Thuận. Ông là
phóng viên thường trú của báo Tiền Phong tại đây.
Vừa viết
truyện “người lớn”, ông vừa viết truyện cho thiếu nhi. Truyện của Hồ Việt Khuê
thường có không gian là nơi ông đang ở.
Săn ánh sáng
Truyện ngắn (Đã in báo Tuổi Trẻ)
Nắng. Nóng. Khí thải. Khói bụi. Xe cộ ùn tắc. Lại cúp điện. Nhà nhà
không có điện.
Thị xã như cái chảo rang, nhốt con người trong trạng thái bức bối,
sẵn sàng gây gổ, sẵn sàng xô vào cắn xé. Và đậy lại, rang lên.
Nhưng không phải mọi nhà đều không có điện dù trong cùng một dãy
phố. Anh biết điều này từ con trai anh, một học sinh lớp 4.
- Bạn con nói nhà nó không bao giờ cúp điện.
- Nhà bạn con xài máy phát điện riêng?
- Không! Nó nói nhà nó có điện ưu tiên hăm bốn trên hăm bốn.
- Ba của bạn con làm gì?
- Ba nó làm phó chủ tịch. Làm lớn thì được ưu tiên hơn mọi người hả
ba?
Anh chăm chú nhìn con làm nó sợ, lảng tránh ánh mắt của cha. Cách
đây ba mươi năm anh đã hỏi cha anh, tức ông nội nó, câu hỏi tương tự sau khi
chứng kiến cảnh con gái ông chủ tịch có cử chỉ hỗn láo với bác cán bộ ở gần
nhà, vì bác này dám phê bình đã tới giờ đi làm buổi sáng mà bóng đèn trước cổng
nhà ông chủ tịch còn cháy sáng. Ngày đó điện chỉ có vài giờ đồng hồ mỗi đêm
nhưng nhà cán bộ lãnh đạo ưu tiên có điện cả ngày đêm. Bây giờ ở khu phố anh
chỉ cúp điện tuần hai lần, mỗi lần từ sáu giờ sáng đến mười giờ đêm.
Anh biết khi con anh hỏi câu hỏi đó, trong đầu con trẻ đã có sự so
sánh và nghi ngờ những bài học về lẽ công bằng, như anh lúc trạc tuổi nó. Ngày
đó cha anh đã im lặng, không trả lời câu hỏi của anh.
Mỗi đêm khu phố anh ở bị cúp điện, anh đạp xe đi rong để thoát căn
nhà hộp nóng như nhà tắm hơi. Thời gian đầu anh đạp xe lang thang không chủ
đích nhưng nhớ câu hỏi của con, về sau anh chú ý đến những nhà sáng đèn khi các
nhà xung quanh đầy bóng tối. Đúng như con anh nói, những nhà sáng đèn là nhà
cán bộ lãnh đạo của thị xã. Họ được ngành điện mắc đường dây ưu tiên. Anh tự
hỏi họ giàu có sao không mua cái máy phát điện riêng. Rồi anh tự trả lời có thể
vì họ quen hưởng đặc quyền đặc lợi nên xem chuyện được cung phụng là tất yếu.
Anh phàn nàn chuyện ưu tiên điện đóm với một người bạn làm việc ở
cơ quan nhà nước. Người bạn nhìn anh ngạc nhiên làm anh có mặc cảm mình là kẻ
ti tiện.
- Chuyện có gì mà ầm ĩ. Mấy đồng chí đó đã hi sinh nhiều, nay hưởng
chút đặc ân nhỏ nhoi...
Anh ngọng nhưng ấm ức. Không ấm ức sao được khi nhà mình như cái
buồng tắm hơi nhỏ, ngoài đường như cái phòng tắm hơi lớn, còn mình đầm đìa mồ
hôi mẹ mồ hôi con trong khi nhà bên cạnh mở máy điều hòa kêu vù vù. Không giận
sao được khi điện cúp, cái máy vi tính im lìm như cục sắt, còn con cái họ dán
mắt vào màn hình chat chit, chơi game.
- Ưu tiên điện cả ngày tại tư gia chắc chắn chỉ để phục vụ vợ con
lãnh đạo?
Anh thắc mắc với người bạn khác. Người này nhìn anh trân trối.
- Chủ trương ưu tiên điện nhằm để bảo vệ sức khỏe lãnh đạo, còn vợ
con họ chỉ ăn theo thôi.
Anh muốn chửi tục nhưng kịp khép miệng.
Một đêm anh đạp xe qua một đường phố, ánh đèn đường vàng bệch vừa
đủ soi sáng mấy người đàn ông bắc ghế khoe rốn trên lề đường với cái quạt giấy
không ngừng phe phẩy. Vầng sáng hắt ra từ một biệt thự xui đôi chân anh run rẩy
nhấn pêđan. Dừng xe trong bóng tối, anh nhìn lên căn phòng sáng đèn lố nhố bóng
người, lắng nghe tiếng các viên bi chạm nhau lẫn trong tiếng cười khoái trá.
Anh có nghe người dân trong thị xã đồn đãi một ông lãnh đạo được một công ty có
vốn nước ngoài tặng bàn bi-a chở từ Pháp sang. Suy cho cùng, cả ngày bù đầu với
công việc, đêm về chơi vài ván bi-a cho giãn gân cốt cũng là phương pháp tập
thể dục để bảo vệ sức khỏe của lãnh đạo, mà có nhiều việc có thể làm trong bóng
tối nhưng chắc chắn phải có ánh sáng mới chơi bi-a được.
Trong dịp đám bạn cũ thời trung học gặp nhau, anh nhờ người bạn làm
việc ở công ty điện lực giải đáp câu hỏi ám ảnh anh mỗi khi cúp điện. Người bạn
cười, chửi thề:
- Mẹ mấy thằng, nó nịnh bợ mấy ông thị xã nên làm thế chứ làm gì có
chủ trương mắc đường dây điện ưu tiên ở nhà mấy ổng.
- Nếu vậy các lãnh đạo phải biết từ chối chứ?
- Lãnh đạo đâu có ngu và không tham như mày. Dô!
Bạn anh nâng ly bia cụng cái cộp, trước khi qua bàn khác còn ném
cho anh cái nhìn thương hại.
Đêm đó khu phố anh ở lại cúp điện đột xuất. Anh bị cảm sốt vì tắm
nhiều quá, ngày tắm cả chục lần, hễ trong người hâm hấp mồ hôi là tưới nước
lên. Thằng con anh vô tư:
- Đêm nay ba không đạp xe đi săn ánh sáng hả?
Thằng nhỏ trêu chuyện anh đạp xe trốn bóng tối và cái nóng mỗi đêm
cúp điện là đi săn ánh sáng. Ừ! Có thể nó nói đúng, vì không biết từ lúc nào
anh có thói quen dừng xe trước những căn nhà sáng đèn, dù đó là nhà có đường
dây điện ưu tiên hay nhà xài máy phát điện riêng.
- Ba à, sau này đi làm, có tiền con sẽ mua một cái máy phát điện
thật lớn.
Anh thật thà:
- Cần gì mua máy phát điện lớn. Nhà mình chỉ cần cái máy phát điện
công suất cỡ vài ký lô watt là đủ.
- Con muốn mua cái máy phát điện thật lớn để phát sáng tất cả những
nhà bị cúp điện trong khu phố.
Anh hi vọng đến lúc con anh đủ tiền sắm một cái máy phát điện lớn
thì ngành điện lực đã có thừa thãi nguồn điện cho sản xuất và thắp sáng.
Chuyện nhỏ! Có thể chuyện ưu tiên điện cho một số người trong thị
xã là chuyện nhỏ, nhưng là một vết hằn trong trí óc trẻ thơ mà chúng sẽ sớm
mang theo vào đời, vì nó đối nghịch với những bài học về lẽ công bằng, về sự
bình đẳng, về lòng tự trọng mà các em được dạy dỗ.
@
Hay! Mấy ông quan được ưu tiên nhiều thứ. Và cũng "vô tư" thụ hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi của xã hội. TG cho câu chuyện được nhìn ngắm qua 2 đôi mắt của 2 cha con để có cái kết: sẽ dạy trẻ ra sao về lẽ công bằng và bình đẳng. Báo TT dám đăng cái truyện "cạnh khóe" mấy ông lãnh đạo này thì thật dũng cảm đấy.
Trả lờiXóa