trần
thu hằng
(HV Hội Nhà văn VN tại Đồng Nai)
VẺ
ĐẸP NỘI TẠI CỦA NHỮNG TÁC PHẨM
VĂN
HỌC DÀNH CHO THIẾU NHI
Sáng tác văn học thiếu nhi thực sự là một lĩnh vực rất mới đối với
tôi, hay nói cách khác, tôi đến với văn học thiếu nhi khá muộn. Tác phẩm đầu
tiên của tôi là truyện ngắn “Con chim xanh” lấy đề tài từ lịch sử, và đề tài
này đã đồng hành với tôi rất lâu dài. Chỉ khi đứa con đầu lòng của tôi bắt đầu
đi nhà trẻ, bắt đầu bi bô đọc những bài thơ rất dễ thương mà cô giáo dạy cháu,
tôi mới bắt đầu chú ý tới những tác phẩm văn học thiếu nhi.
Tôi bắt đầu sưu tầm
những tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi và đọc cùng với
cháu, cảm thấy thật hạnh phúc khi con mình nhanh chóng cảm nhận những sáng tác
ấy với niềm yêu thích rất trẻ thơ. Trong số những tác phẩm ấy, tôi ấn tượng
nhất tập thơ “Mèo khóc chuột cười” của nhà thơ Cao Xuân Sơn, bởi ngôn từ đáng
yêu, ngộ nghĩnh của nhà thơ được con tôi “áp dụng” nhiều nhất. Suốt ngày cháu
băn khoăn hỏi mẹ: Mẹ ơi, vì sao mèo khóc mà chuột lại cười? Mẹ ơi, vì sao lại
nói là nhất mẹ nhì bà hả mẹ? v.v… Rồi đến những quyển truyện tranh được họa sĩ
Phạm Tô Chiêm (NXB Kim Đồng) gửi tặng cũng được cháu hết sức yêu quý, bởi chúng
vừa giúp cho cháu kể chuyện, vừa gợi ý cho cháu vẽ tranh. Trong đó có quyển
sách “Chúc mừng bé 2 tuổi” được cháu coi như báu vật để dành cho em của mình…
Khác với những đề tài sáng tác khác, thường bắt nguồn từ ý tưởng, thì đề tài
thiếu nhi lại “thấm” vào tâm cảm của tôi một cách từ từ, bằng trực giác nhiều
hơn là lý trí. Tôi ước mình có thể viết được những câu thơ thật hồn nhiên, phù
hợp với lứa tuổi trẻ thơ; nhưng quả thật, điều đó trở thành “điệp vụ bất khả thi”
bởi tôi không có năng khiếu làm thơ.
Khi con tôi lớn hơn chút nữa, cháu bắt đầu thích đọc truyện, và một
lần vớ được quyển truyện “Làm mèo” của nhà văn Trần Đức Tiến, cháu đã khóc.
Chia sẻ với mẹ, cháu bảo cháu khóc vì thương con mèo mà bị cắt tai cho giống…
con chuột. Tôi hối hả đọc lại tác phẩm ấy và phát hiện những chi tiết mang tính
triết lý được nhà văn kể lại qua cuộc đời con mèo thật độc đáo ở chỗ: nó vừa
gây xúc động cho trẻ con vừa làm người lớn rùng mình. Đó là những chi tiết
không thể nào quên đối với bất cứ đối tượng độc giả nào, hay diễn đạt cách khác
thì đó là việc gây ấn tượng một cách đặc biệt. Câu chuyện sẽ đi theo suốt cuộc
đời đứa bé, và có lẽ ở mỗi lứa tuổi, cháu sẽ có nhận thức mới về câu chuyện
này, rút ra được những bài học mới. Giống như trường hợp truyện “Dế mèn phiêu
lưu ký” của nhà văn Tô Hoài đã làm thổn thức bao nhiêu tâm hồn, bao nhiêu thế
hệ độc giả Việt Nam, tuy bản thân câu chuyện không dụng công vào việc ấy. Thế
hệ trẻ bây giờ có cảm nhận rất khác người lớn, và qua đó, chúng ta lại rút ra
được nhiều điều mới lạ từ một tác phẩm cũ.
Một tác phẩm văn học thiếu nhi mà hai mẹ con tôi đều thích nữa là
“Tướng Lâm Kỳ Đạt” của nhà văn Hoàng Văn Bổn. Lúc viết “Tướng Lâm Kỳ Đạt”, nhà
văn đã lội ngược dòng về với tuổi lên 10 của mình trên một vùng đất rộng lớn là
vành đai của chiến khu Đ anh hùng. Bởi vậy, bản thân tôi cũng chỉ có thể để cho
trí tưởng tượng của mình phóng theo ngòi bút của nhà văn. Ngay cả lúc đứng
trước đầm Mật Cật huyền thoại (nơi câu chuyện Tướng Lâm Kỳ Đạt diễn ra), tôi
cũng không tìm thấy dấu vết của câu chuyện mà tôi đã đắm mình vào đó ngày còn
bé. Song con tôi lại dùng bút chì vẽ lại câu chuyện này bằng những nét bút đơn
giản sơ sịa của nó, và cho tôi thấy Tướng Lâm Kỳ Đạt cực kỳ ngộ nghĩnh bên cạnh
con trâu trắng của mình (còn tôi vốn nghĩ rằng cảnh tượng ấy phải thật hoành
tráng, oai phong giống như trong phim). Vậy mới biết, tác phẩm văn chương dành
cho thiếu nhi chính là thể loại nghệ thuật “mở”, nó đến với chúng ta từ thuở
ban sơ và cho chúng ta những ấn tượng sống động nhất về cuộc đời. Dường như
trong những trang văn, trang thơ ấy luôn lấp lánh hình ảnh cuộc sống, để ai soi
vào đó cũng có thể nhìn thấy mình trong đó, và luôn thấy tươi mới, hấp dẫn. Đó
hoàn toàn không phải là một thể loại “thường thường bậc trung” bên cạnh những
thể loại “thời thượng” khác; càng không phải là một thể loại dễ viết.
Liên quan đến vế thứ hai của câu chuyện, thực sự, tôi đã đến với
văn học thiếu nhi bằng sự thôi thúc của tình cảm, và giờ nhìn lại thì thấy hình
như mình đã vượt qua được một cái khó. Tác phẩm viết cho thiếu nhi đầu tiên của
tôi cũng là một câu chuyện liên quan đến lịch sử - Chàng thợ gốm. Chuyện kể về
cuộc đời của hai anh em Lý Trọng – Lý Quý bắt đầu từ cái lò gốm nhỏ bên bờ
Phước Long giang (hạ nguồn sông Đồng Nai). Người anh tham lam, gian dối phải bỏ
mình nơi xứ khác, còn người em do chăm chỉ, biết sống có tình người mà trở
thành trạng nguyên lưỡng quốc, tìm được hạnh phúc. Với mục đích làm cho câu
chuyện trở nên “lạ” và khác biệt, để cho các em nhỏ chú ý, tôi đã “hồn nhiên”
cho chó, mèo và ngựa nói tiếng người thoải mái; và còn cho chúng trao đổi và
“bày kế” cho chủ nhân thoát hiểm. Thực ra, thủ pháp nghệ thuật này không mới,
trong những câu chuyện cổ tích đã có. Song tôi cảm thấy rất tâm đắc vì độc giả
nhí của chính mình thích như thế, và còn “thêm mắm thêm muối” khi kể lại cho bạn nghe. Tôi quả không ngờ được rằng, đó
cũng là tính chất “giả tưởng” được sử dụng phổ biến trong truyện kể cho trẻ
con. Và đó là hình thức dễ tiếp nhận nhất của các em.
Bộ truyện “Thần đồng” của tôi bắt đầu được thai nghén khi con trẻ
đã lớn lên và “chán” nghe bố mẹ kể những câu chuyện ngắn ngủn, quen thuộc. Ừ,
thì cần có một câu chuyện dài, có nhiều nhân vật, nhiều sự kiện, và tất cả cần
phải có sự hấp dẫn. Làm sao để giữ cho độ nóng luôn được duy trì ở các tuyến sự
kiện và nhân vật, điều này thật là khó. Tôi đã thử kể cho con mình nghe một
thời gian trước khi bắt tay vào viết Phần 1 của câu chuyện. Và “Thần đồng và
cuộc chiến bảo vệ Thủy Tháp” đã ra đời.
Song phải kể đến “độ chênh” về thời gian kể và viết, bởi khi hoàn thành tác
phẩm và được in ra, thì “độc giả nhí” của tôi đã thêm được vài tuổi và đã trở
nên lém lỉnh, hay cắc cớ hơn trước nhiều. Cháu không còn đương nhiên tiếp nhận
các tình tiết giả tưởng trong truyện, mà nhiều lúc vặn hỏi: “Vì sao mẹ viết như
thế này mà không viết như thế kia?”, “Mẹ ơi, bạn con hỏi rằng…” v.v. và v.v…
Tác giả mẹ giải thích toát mồ hôi, đồng thời rút ra được rất nhiều điều bổ ích
từ sự trưởng thành của các cháu. Thì ra cần có một hình thức khác thay thế cho
cách kể đơn giản này, song cốt lõi vẫn là cách tiếp nhận của người viết về sự
đổi thay trong nhận thức của trẻ, để có những sản phẩm phù hợp với cuộc sống
ngày một mới mẻ của các cháu; song người lớn “học chậm” hơn bọn trẻ là cái
chắc. Vì vậy, vì nhiều lý do, tôi vẫn loay hoay chưa hoàn thành được những phần
tiếp theo của câu chuyện.
Và cần phải nói rằng một
cuốn sách được in ra, đó chưa phải là một thành công, mà chỉ là bước khởi đầu
để đến với trẻ em. Bởi văn học thiếu nhi, thực ra đó chỉ là một tên gọi, chứ
không phải là một thể loại riêng biệt. Bằng chứng như những tác phẩm tôi đã kể
tên -Dế mèn phiêu lưu ký, Tướng Lâm Kỳ Đạt, Làm mèo … Với những ngòi bút bậc
thầy thì câu chuyện sẽ hấp dẫn hầu như tất cả các đối tượng độc giả, và bằng
những hình thức rất đơn giản, trong sáng. Và thật kỳ lạ, dường như lúc viết
những tác phẩm ấy, người viết cũng được hưởng một niềm hạnh phúc mới mẻ, tràn
ngập ánh mắt trẻ thơ. Bởi vậy, ít nhiều trong cuộc đời mỗi nhà văn đều có tác
phẩm viết cho thiếu nhi, như cách viết lại ký ức, viết lại ước mơ… Tôi nghĩ, đó
chính là niềm vui lớn nhất của người cầm bút.
TTH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét