Nguyễn
Hiệp
(HV Hội Nhà văn VN tại Bình Thuận)
VĂN HỌC
THIẾU NHI CHUYỂN ĐỘNG CHẬM,
NGUYÊN
NHÂN TỪ ĐỜI SỐNG NHÀ VĂN
Những người tâm huyết và thật khách quan đều nhìn thấy văn học
thiếu nhi của ta đang chuyển động chậm, rất chậm trên một đường ray gò bó,
khiên cưỡng, cũ kỹ. Nó lọt thỏm, nhạt
nhòa giữa một biển những Harry Potter, Doremon, Conan, ngụ ngôn Aesop, Bộ Năm
Trên Đảo Giấu Vàng, … tung tẩy không nặng nề giáo điều, không khuôn sáo đạo
đức, những điều không thể mà vẫn hiện ra lung linh kì diệu mê hồn… Tôi nghĩ
“cái biển” hấp dẫn lung linh ấy đích thực là văn học thiếu nhi. Trẻ con vốn thế
mà, thích thú, hứng thú mới là quan trọng, ai đó sẽ thất bại nếu bảo trẻ con
phải như thế này, phải như thế kia.
Đó vẫn chỉ là suy tư, còn làm sao để bắt mạch, để chạm được cái
thích ấy là việc không hề đơn giản. Luôn luôn văn học thiếu nhi là thách thức đối
với người cầm bút, bởi vậy thấy những nhà văn viết được, viết hay cho thiếu
nhi, tôi rất nễ phục, rất ngưỡng mộ, phải có cách phân thân thế nào đó thì mới
nuôi dưỡng được tâm hồn trong veo như vậy. Dưỡng chất trần gian vô cùng tận,
thấy đó, không đó, hiện ra, biến mất trong tích tắc quay về, trong tích tắc
đồng cảm, khai thác, chế biến thành món ăn ngon cho tâm hồn các thượng khách
thiên thần này không phải ai cũng trở thành “đầu bếp” tài ba được. Nói vui, tác
phẩm văn học thiếu nhi không bán chịu, nhà văn phải nhập cuộc hết mình, phải
trả “đủ tiền”, phải o ho… ót họt, lặn ngòi ngoi nước thì may ra mới có chút gì
đó ưng ý, phục vụ được lứa tuổi đẹp nhất, thần tiên nhất, trong trẻo nhất đời
người này.
Văn học viết cho thiếu nhi ở miền Đông có chuyển động rõ nét hơn
nhưng hầu hết cũng chỉ là “nghề tay trái”, viết về thiếu nhi hoặc viết về kí ức
thiếu nhi của mình, lờ đi những khác biệt thời đại thì nhiều (tôi muốn nhấn
mạnh đến những khác biệt giữa viết cho và viết về). Tôi thành thật xin lỗi
những nhà văn đã viết cho các em bằng “tay phải”, bằng trọn vẹn tâm huyết! Nhất
là ở miền Đông có nhiều nhà văn viết cho thiếu nhi thực sự tài hoa, đã có nhiều
giải thưởng danh giá, có thể nêu ra như nhà thơ Xuân Sách, nhà văn Hoàng Văn
Bổn, nhà văn Trần Đức Tiến, nhà văn Khôi Vũ, nhà văn Thu Trân, nhà thơ Trần
Hoàng Vy, nhà văn Nguyễn Một, nhà văn Hồ Việt Khuê, nhà văn Trần Thu Hằng…
Nhưng nhìn chung vẫn là chuyển động chậm. Xin chúng ta đừng tránh né trước thực
trạng này. Văn học thiếu nhi chuyển động chậm, nguyên nhân trước hết và trên
hết từ phía nhà văn. Chưa thật sự để tâm. Cảm hứng sáng tác mùa vụ, bị chi phối
bởi bàn cân sang hèn cao thấp, thu nhập ít nhiều. Đó là tôi nói từ bản thân
mình tôi cũng còn có những lấn cấn như vậy.
Tuy nhiên nếu đặt vấn đề cho công tâm, một nhà văn đầu tư chiều
sâu và dài hơi cho tác phẩm văn học thiếu nhi thì sống bằng gì? Chúng ta đòi
hỏi, vậy chúng ta có quan tâm đến đời sống của nhà văn không? Nhà văn cũng là
người, cũng gia đình con cái, cũng lo lắng, lo toan, lo nghĩ trăm mối bòng bong
đời sống, không thể yên tâm sáng tác mà sống bằng hương hoa, bằng lời khen mãi
được. Một năm, chỉ đến dịp Quốc tế thiếu nhi 01/06 thì họa chăng có vài trang
báo đăng bài, (ngoài mấy tờ Khăn Quàng Đỏ, Nhi Đồng, TNTP… là “sân chơi” lâu
nay của các em), một xuất nhuận bút năm bảy chục, một trăm ngàn, chưa đủ tiền
cà phê; ngoài ra sách được các nhà xuất bản hoặc liên kết xuất bản in cho là
mừng rồi, tên tuổi lắm thì được 10% giá bìa nhân cho không quá 1000 trong lần
xuất bản, tái bản thì 8%, chưa kể bị chặn thuế 10% cho những đồng thu nhập ít
oi đó, kể cả một nhà văn nhí 10 tuổi như trường hợp Nguyễn Bình lẽ phải Nhà
nước phải cho thêm tiền để khuyến khích mà vẫn bị đè ra đóng đủ 10% thuế. Cũng
có những giải thưởng, trong nước có, liên kết có nhưng chỉ là những cơ hội hiếm
hoi với trăm ngàn khó nhọc. Cả đất nước này chỉ có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là
sống được bằng nghề viết cho thiếu nhi mà đâu phải ai cũng là một Nguyễn Nhật
Ánh ăn khách “sinh phùng thời” như vậy được.
Thử khảo sát trường hợp nhà văn Thu Trân, sách thiếu nhi ra đều
đều từng năm, có lúc còn in hai quyển một lúc: Đường Bong Bóng Bay (truyện dài
thiếu nhi), NXB Trẻ 1993, Trò Chơi Của Biển (truyện vừa thiếu nhi), NXB Kim
Đồng 1994, Hoa Trên Đường Phố (tập truyện ngắn thiếu nhi), NXB Kim Đồng 1997,
Những Dòng Sông Búp Bê (tập truyện ngắn thiếu nhi), NXB Trẻ 1999, Nhà Có Cửa Sổ
Tròn (truyện vừa thiếu nhi), NXB Kim Đồng 2001, Tóc Mây Vỉa Hè (truyện dài tuổi
mới lớn), NXB Kim Đồng 2002, Ông Thầy Cũ Kỹ (tập truyện ngắn thiếu nhi), NXB
Trẻ 2002, Dường Như Ta Không Còn Bé Nữa (truyện dài tuổi mới lớn), NXB Kim Đồng
2003, Hộc Bàn Không Còn Muối ớt (truyện dài tuổi mới lớn), NXB Kim Đồng 2009…
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 cho Đường Bong Bóng Bay, giải thưởng
Hội Nhà văn Đan Mạch- Hội Nhà văn Hà Nội- NXB Kim Đồng 2008 cho Đổi Răng Với
Chuột, giải thưởng Văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước của Hội Nhà văn
TP.HCM - NXB Trẻ 2002 cho Ông Thầy Cũ Kỹ. Nhưng khi tôi hỏi thu nhập của một
lượng đầu sách thiếu nhi nhiều như vậy có cải thiện được đời sống của mấy mẹ
con không? Thu Trân cười trả lời: Mấy đồng mấy cọc đâu anh ơi, Thu Trân nuôi
hai đứa con bằng nghề báo. Thật là ngậm ngùi! Ai là người viết cũng đều hiểu
Thu Trân nói vậy là chân thành, là thật và cũng hiểu thu nhập của người thức
đêm thức hôm, “mang nặng đẻ đau” ra hàng chục đầu sách thiếu nhi kia không bằng
tiền huê hồng của anh chàng ngồi mát nhởn nhơ bán số sách ấy.
Điều này có
nghĩa là gì? Nghĩa là chúng ta đang xử sự bất công với nhà văn, chúng ta bỏ mặc
họ tự bơi trong niềm đam mê và trách nhiệm của mình. Nghĩa là chúng ta chỉ biết
đòi hỏi một chiều mà chưa hề thấu hiểu, chưa hề quan tâm. Nghĩa là chúng ta chỉ
nhìn thấy chuyển động chậm mà chưa hề biết nguyên nhân sâu xa và cũng chưa hề
muốn tìm hiểu nguyên nhân sâu xa.
Tôi hi vọng một
cách mơ hồ rằng: Sau cuộc hội thảo này, Hội Nhà Văn Việt Nam, các cấp hữu
trách, các nhà xuất bản, các nhà sách sẽ có những chuyển động nhanh hơn, hiệu
quả hơn trong việc đầu tư, hỗ trợ cho đời sống của những nhà văn viết cho thiếu
nhi. Có như vậy trong tương lai gần, chúng ta mới dám mong sẽ có những “Hoàng
Tử Bé” xuất xứ từ Việt Nam , những Harry Potter
xuất xứ từ Việt Nam .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét