Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

GVĐN 13: QUANH ẤM TRÀ



Trần Hoàng Vy bình bài thơ
“Đưa dâu qua cầu Bến Hải” của Nhà Thơ CẢNH TRÀ


Đưa dâu qua cầu Bến Hải

Cảnh Trà

Một buổi mai nắng vàng hoa ngâu
Đám cưới đưa dâu qua cầu Bến Hải
Cầu vừa bắc xong
Sơn còn tươi roi rói
Đôi bờ xanh lúa mới đã ngậm đòng
Nhìn lại họ qua cầu mà nước mắt rưng rưng
Mà sung sướng vui tràn như trẻ nhỏ
Chàng trai Vĩnh Linh cưới cô gái đất Cùa Cam Lộ
Sông tưng bừng nhìn đôi lứa thương nhau
Gió lâng lâng con sóng vỗ chân cầu
Mà thắt ruột câu hò xưa tê tái


Bước chân Hiền Lương sao chặng đường nghẹn lại
Đáo tới Bến Hải sao gác mái tình duyên…
Đám cưới hôm nay cũng tự nhiên như là hoa, là lá
Như là chị lấy chồng, như là tôi lấy vợ
Mà hay chưa, bỡ ngỡ như chiêm bao
Tôi nhìn sông nghe sông chảy rì rào
Ai hát đó tưởng như mời tôi hát
Ngắm mây bay tôi thấy trời bát ngát
Chân người đi rộn rịp quá người ơi!

Không chỉ là tôi, ai cũng thế, bồi hồi
Ai cũng thế, niềm vui này tuyệt đỉnh!
Chúng ta đã trải qua ngàn trận đánh
Để bây giờ đất nước được vẹn nguyên
Cho con đò khỏi “gác mái tình duyên”
Và chiếc cầu “chặng đường thôi nghẹn lại”
Chừng vui quá nên cô dâu bối rối
Mắt thẹn thùng, chen trong đám chị em

Tóc cài hoa với chiếc áo thanh thiên
Mới nắng đó đã đỏ lừ đôi má
Chàng trai bâng khuâng tay đung đưa trong gió
Sông long lanh nước sóng sánh đôi bờ
Tiếng nói cười như chim hót sau mưa

Thôn Hiền Lương, 20/7/1975
CẢNH TRÀ

Tháng 7 năm 1975, niềm vui non sông thống nhất dường như vẫn chưa hết ngây ngất lòng người, bên cạnh những bề bộn và hàng đống công việc mà chính quyền Cách mạng, cùng với người dân cần phải làm và giải quyết, nhà thơ Cảnh Trà, chàng phóng viên của Đài phát thanh Giải phóng đã chứng kiến và tham dự một đám cưới ở thôn Hiền Lương, bên bờ sông Bến Hải. Bài thơ  Đưa dâu qua cầu Bến Hải được ra đời trong hoàn cảnh ấy. Và bài thơ nhanh chóng được giải bài thơ hay nhất, trong dịp kỷ niệm ra số báo Văn nghệ Giải phóng số 100.
Cảnh Trà tên thật là Đặng Đức Cảnh, sinh năm 1937 tại làng Ngang, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, là Hội viên Hội NVVN, hiện về hưu và sinh sống tại khu phố III, thị trấn Châu Thành, Tây Ninh. Bút hiệu Cảnh Trà, được ông ghép tên thật của mình cùng với tên của một đồng đội thân thiết đã hy sinh ở Vĩnh Linh, Quảng Bình.
Bài thơ được mở đầu bằng những hình ảnh thật bình dị, trong trẻo: “Nắng vàng hoa ngâu, cầu mới bắc xong, sơn tươi roi rói, lúa mới đã ngậm đòng…”. Một không gian tươi mới thanh bình ở cả hai bờ Bắc và Nam dòng sông Bến Hải, một địa danh lịch sử, mà trước đây khi nhắc đến, không ai là không “kinh sợ” lẫn “ngậm ngùi”, vì đó là “vĩ tuyến 17” ranh giới chia cắt của hai miền Nam Bắc.
Cảnh vật, lòng người cùng vui sướng, hòa quyện: “Nhìn hai họ qua cầu mà nước mắt rưng rưng/ Mà vui sướng tràn như trẻ nhỏ/ Chàng trai Vĩnh Linh cưới cô gái đất Cùa- Cam Lộ/ Sông tưng bừng nhìn đôi lứa thương nhau”. Cái hay của thơ đã hiện ra từ những câu chữ giản dị “ vui sướng tràn như trẻ nhỏ, sông tưng bừng nhìn đôi lứa thương nhau”. Vì sao ư? Nhà thơ đã lược đi, kể lại những gian khổ vất vả của nơi đây, lúc mà “Thắt ruột câu hò xưa tê tái”, câu hò của những năm chia cắt: Đất nước, lòng người và tình người… của “Chặng đường nghẹn lại/ gác mái tình duyên”…
Một đám cưới bình thường “tự nhiên” thôi mà “Như là hoa, là lá/ như là chị lấy chồng, như là tôi lấy vợ/ mà hay chưa bỡ ngỡ như chiêm bao…/ …Ai hát đó tưởng như lời tôi hát”. Hình ảnh so sánh gần gũi, thân quen. Nhịp thơ dường như có tiếng nhạc reo vang khi các vần “tôi hát, trời bát ngát, chân người đi rộn rịp…”. Dường như lòng cũng reo và nở hoa vậy.
Cảnh Trà, và tất cả mọi người, “ai cũng thế, bồi hồi”, bởi đã “trải qua ngàn trận đánh/ Để bây giờ đất nước được vẹn nguyên”, dòng Bến Hải hiền hòa chảy, cầu Hiền Lương, cây cầu cũ bằng gỗ “chứng nhân lịch sử” vẫn còn đó, bên cạnh cầu mới bắc xong, tươi nguyên màu sơn, cho nên hình ảnh cô dâu rất dễ thương và cũng rất hồn nhiên “Chừng vui quá nên cô dâu bối rối/ Mắt thẹn thùng chen trong đám chị em”. Thêm hai câu thơ nữa để miêu tả cô dâu: “Tóc cài hoa với chiếc áo thiên thanh/ Mới nắng đó đã đỏ lừ đôi má”. Còn chàng rể, nhà thơ chỉ dành một câu duy nhất: “Chàng trai bâng khuâng tay đung đưa trong gió”, đâu cần phải nói rõ là chàng rể có nắm lấy tay cô dâu hay không, người đọc đã có thể hình dung một hạnh phúc dâng đầy. Hai câu thơ kết thúc bài thơ, lại là một phát hiện tinh tế, từng trải: “Sông long lanh, nước sóng sánh đôi bờ/ Tiếng nói cười như chim hót sau mưa”. Tiếng chim hót sau mưa bao hàm cả bình yên, hạnh phúc và khởi đầu cho một không gian, ước mơ mới…
Tháng 4/2012
TRẦN HOÀNG VY


Nguyễn Thái Sơn
(HV Hội Nhà văn VN)

Thơ ZVui một tẹo tặng GVĐN

Vẫn nhận đủ GÁC VĂN ĐỒNG
NAI không ngơ ngác mà lồng như...TRÂU
ĐANG THÌ - Nghé chẳng “nghé” đâu
rãnh cày ướt nhẹp
                            ruộng sâu…
                                          mạ già…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét