Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

GVĐN 13 TIN, BÀI VỀ HỘI THẢO TRÊN CÁC BÁO



BÁO ĐỒNG NAI

Hội thảo “Văn học thiếu nhi - nhìn từ miền Đông Nam bộ”: Loay hoay tìm giải pháp!

Vì sao văn học nước nhà còn thưa vắng những tác phẩm xuất sắc viết cho thiếu nhi? Làm gì để các tác phẩm dành cho thiếu nhi có sức hút đối với độc giả và đến được với công chúng? Làm sao để thiếu nhi không thờ ơ với văn học nước nhà?
Đó là những trăn trở mà các nhà văn, lý luận phê bình, nhà xuất bản, quản lý nhà nước… đã cùng đem ra mổ xẻ tại hội thảo “Văn học thiếu nhi - nhìn từ miền Đông Nam bộ” do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp Ban công tác miền Đông Nam bộ của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Đồng Nai, ngày 10-5 vừa qua.


* “Bắt mạch” tìm hạn chế
Có quá nhiều nguyên nhân khiến diện mạo văn học thiếu nhi trở nên tẻ nhạt, thiếu sức hút. Nhà văn Cao Xuân Sơn (Nhà xuất bản Kim Đồng) cho rằng cần thẳng thắn vạch ra các “căn bệnh” của người cầm bút hiện nay: tham chữ, hay áp đặt, giáo điều nhưng lại thiếu sự hài hước, trí tưởng tượng, kịch tính và tính giải trí. Các nhà văn Việt Nam quen dùng các tác phẩm của mình để dạy dỗ, lèo lái người đọc nghĩ theo, làm theo những thứ “chuẩn” luân lý, đạo đức một cách khá lộ liễu và thiếu thuyết phục. Đặc biệt, Việt Nam rất thiếu những tác phẩm thể loại kỳ ảo dẫn dắt người đọc đến những vùng đất lạ, thế giới mới, như: Harry Potter, Biên niên sử Narnia, Chúa tể những chiếc nhẫn… trong khi thiếu nhi lại rất thích tưởng tượng. Chính vì thế, sách văn học thiếu nhi nhìn chung vẫn chưa hay khiến các em chán, quay lưng với văn học trong nước mà tìm đến với Doaremon, Nhóc Nicolas, Peter Pan…
Nhà văn Trần Hoàng Vy (Tây Ninh) thì lại cho rằng nguyên nhân khiến các em thờ ơ với văn học là do… nhà trường. Với cách dạy và học Văn khô cứng như hiện nay, giờ Văn là giờ học nặng nề,  thậm chí đáng ghét thì nói gì đến việc ham thích đọc sách văn học, tình yêu văn học vì thế mà ngày càng phai nhạt. Bên cạnh đó, các nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi cũng khó thể yên tâm với những sáng tạo đầy hồn nhiên, trong sáng bởi gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền, mà vẫn phải “chia lửa” cho những lĩnh vực khác để tồn tại. Nhà văn Khôi Vũ thì cho rằng nhà văn viết cho thiếu nhi hiện nay quá thiếu “đất dụng võ”. Một số tờ báo dành cho thiếu nhi, như: Thiếu niên tiền phong, Hoa học trò, Nhi đồng, Khăn quàng đỏ… đều có nội dung phục vụ hoạt động đoàn thể là chính, mảng sáng tác chỉ là phụ. Sách viết cho thiếu nhi cũng khó đến được với các nhà xuất bản, như: Kim Đồng, Trẻ. Khi sáng tác không có nơi đăng tải, nhà văn dù có tâm huyết đến đâu cũng ít nhiều bị nản lòng, thì chuyện có được tác phẩm đỉnh cao chỉ là mơ ước.
* Biết bệnh, liệu có “thuốc hay”?
Nhìn lại, những nguyên nhân hạn chế của văn học thiếu nhi được nêu ra cũng chính là thực trạng chung của cả nền văn học nước nhà từ nhiều năm nay, và cho đến nay mọi người dường như vẫn loay hoay đi tìm giải pháp. Các nhà văn như Khôi Vũ, Trần Hoàng Vy cho rằng các tờ báo, tạp chí cần dành ra vài trang để đăng các sáng tác dành cho thiếu nhi; Hội Nhà văn Việt Nam nên ra phụ san về đề tài này để “hâm nóng” nhiệt tình sáng tác của các cây bút chuyên và không chuyên, đồng thời Hội cũng cần có kế hoạch tài trợ xuất bản và phối hợp với ngành GD-ĐT đưa tác phẩm đến với học sinh trong cả nước. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ khó khả thi nếu các tờ báo phải tự hạch toán hoạt động, còn không thì Nhà nước lại phải bao cấp và câu chuyện lại trở về với vòng luẩn quẩn về kinh phí.
 Để nâng cao chất lượng tác phẩm viết cho thiếu nhi, một số đại biểu đã đề nghị cần có sự đột phá trong cách viết, cách thể hiện cho phù hợp với công chúng thiếu nhi hiện đại. Nhà văn Trần Quốc Toàn (TP. Hồ Chí Minh) gợi ý người viết không nên chỉ “sống lại tuổi thơ” của chính mình mà phải biết dấn thân, gần gũi để nắm bắt những mới mẻ trong phát triển tâm sinh lý của thiếu nhi hiện nay. “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một minh chứng thành công cho ý tưởng này. Nhà lý luận phê bình Phạm Quang Trung (Lâm Đồng)  lấy “nghệ thuật thả diều” của nữ văn sĩ J.K. Rowling trong bộ truyện Harry Potter làm ví dụ cho cách thể hiện khéo léo. Bà Rowling đã xây dựng một thế giới thoát ra khỏi cuộc sống bình thường, nhưng những điều phi thường trong thế giới ấy vẫn được điều khiển bởi các chuẩn mực nhất định một cách uyển chuyển, không giáo điều mà vẫn mang tính giáo dục cao…
Nhìn chung, bên cạnh các giải pháp dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thì rõ ràng để văn học thiếu nhi có chỗ đứng trong lòng công chúng, độc giả, điều cốt lõi là tự thân tác phẩm phải có sức thu hút. Để làm được điều đó, không ai, không tổ chức nào có thể làm thay mà bản thân tác giả lại phải một mình đối diện với trang viết, chỉ có lòng đam mê mãnh liệt, sự dấn thân, cống hiến hết mình và tài năng thật sự…
Thanh Thúy


BÁO TUỔI TRẺ

Sống lại mà chưa sống cùng

TT - Thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) là nơi được chọn để tổ chức hội thảo Văn học thiếu nhi - nhìn từ miền Đông Nam bộ (do Hội Nhà văn VN và Ban công tác nhà văn miền Đông Nam bộ cùng phối hợp).
Có một sự ngẫu nhiên là cách đây 36 năm, đúng vào ngày 10-5-1976, chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP.HCM được chính thức thành lập thì đội ngũ cộng tác viên đông đảo và thân thiết nhất cũng được quy tụ tại miền Đông Nam bộ. Ngẫu nhiên, đất miền Đông Nam bộ xưa nay đã sinh ra những nhà văn viết cho thiếu nhi rất nổi tiếng đó là Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Xuân Sách, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Thái Hải, Lê Nguyên Ngữ, Trần Đức Tiến, Trần Hoàng Vy, Nguyễn Một (Dạ Thảo Linh), Thu Trân, Trần Thu Hằng...
Nhà văn Nguyễn Thái Hải với hơn 30 năm bền bỉ viết cho thiếu nhi cho rằng vấn đề của văn học thiếu nhi không phải nằm ở chỗ người viết hay người đọc, chính nằm ở chỗ đoạn giữa “cung” và “cầu”.
Đó là hoàn toàn không có tờ báo chuyên về văn học thiếu nhi (các báo cho thiếu nhi hiện nay đất dành cho văn học rất ít ỏi), các trang mạng về văn học thiếu nhi cũng khá hiếm hoi. Nhà thơ Cao Xuân Sơn thẳng thắn nhận định văn học thiếu nhi hiện nay chưa hay: “Quá tham chữ, dài dòng, kể lể lê thê, tiết tấu chậm, thiếu sự gọn gàng khúc chiết, thiếu kịch tính. Trầm trọng nhất là thiếu sự dí dỏm, hài hước và tính chất giải trí nhẹ nhàng”. Nhìn từ miền Đông Nam bộ mà cụ thể là Biên Hòa, Đồng Nai, nơi nhà văn Nguyễn Thái Hải đã gầy dựng tạp chí Dưới Mái Trường, tạo sân chơi, bồi dưỡng lực lượng viết trẻ sáng tác văn học thiếu nhi. Thế nhưng sau 10 năm hoạt động (1998-2008), mặc dù được địa phương khá ủng hộ nhưng tờ tạp chí này cũng đã “tự đình bản” .
Nhìn từ miền Đông Nam bộ thấy người viết cho thiếu nhi không hẳn là thiếu, nhưng người viết cũ nhiều mà người viết mới ít. Nhà thơ Trần Quốc Toàn có phát biểu một ý rất hay là: “Muốn có tác phẩm hay cho thiếu nhi thì nhà văn đồng thời phải sống lại và sống cùng”.
Sống lại là sống lại ký ức tuổi thơ mình, còn sống cùng là sống với thế giới tuổi thơ đang diễn ra hôm nay. Nhưng nhìn vào đội ngũ các nhà văn viết cho thiếu nhi hiện nay (cũng như các nhà văn đến dự hội thảo) thì thấy hầu hết chỉ dừng lại ở vế thứ nhất, tức “sống lại”, chứ chưa “sống cùng”. Mà chưa “sống cùng” thì thật khó có tác phẩm hay, đáp ứng nhu cầu bạn đọc thiếu nhi hôm nay.
TRẦN NHÃ THỤY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét