Nhà văn Bùi
Ngọc Tấn đoạt giải thưởng lớn tại Pháp
Festival Livre et Mer (Sách và Biển) là một festival hàng năm ở
Pháp nhằm tôn vinh những tác phẩm viết về biển. Giải thưởng mang tên Henri
Queffélec là nhà văn nổi tiếng viết về biển và là người sáng lập giải.
Năm nay có 6 tác phẩm lọt
vào chung khảo. Các tác giả đều là các nhà văn chuyên nghiệp:
- Dominique Fortier nữ văn sĩ Canada với tác
phẩm Cách Dùng Các Vì Sao nhà xuất bản Table Ronde
- Francois Bellec nhà văn Pháp, với tác phẩm Cây Ban Đêm
nxb Jean Claude Lattès
- Eric Fottorino nhà văn Pháp, giám đốc nhật báo Le Monde với tác
phẩm Bơi Ngửa nxb Gallimard
- Jose Pinelli (hoạ sĩ người Bỉ) và Jean Bernard Pouy (nhà văn
Pháp) với Con Tầu Dưới Gió nxb Jean Claude Lattès
- Pilar Hélène Sugers nữ văn sĩ Pháp với Hội Gió ở Aixlen
nxb Jean Claude Lattès
- Bùi Ngọc Tấn nhà văn Việt Nam với Biển
và Chim Bói Cá nxb Aube
Vượt qua 5 tác phẩm trên, Biển và Chim Bói Cá đã được ban
giám khảo tặng giải thưởng lớn. Chỉ một Grand Prix và không có giải thứ 2.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã gửi lời chào mừng đến đại hội:
«Tôi chào mừng Đại Hội Biển và Sách. Đạt được giải Henri
Queffelec mỗi năm dành cho một tác phẩm nói về biển, thật là một vinh dự lớn
cho tôi, nhất là khi qua mạng internet tôi được biết trình độ rất cao của những
tác giả cùng tranh cử để được giải này. Nước Pháp đối với tôi không hẳn là xa
lạ, vì thời thơ ấu tôi đã học tiếng Pháp và sự kiện này càng làm tăng thêm niềm
vui của tôi. Tôi thành thật cảm ơn đại hội đã cho tôi vinh dự và niềm vui này».
Biển và Chim bói cá do nhà xuất bản Hội Nhà Văn và
công ty Nhã Nam ấn hành lần đầu năm 2009, tái bản năm 2010. Bản Pháp ngữ do Tây
Hà dịch, nxb Aube ấn hành
năm 2011
Đây là tập sách thứ 2 của Bùi Ngọc Tấn được Aube giới thiệu, sau
tập truyện ngắn Une vie de chien gồm 7 truyện ngắn (Khói, Người chăn
kiến, Truyện không trên, Những người đi ở, Một ngày dài đằng đẵng, Cún, Dị bản
một truyện đã in) ấn hành năm 2007 và được tái bản năm 2011 dưới dạng bỏ túi
(poche).
Ra mắt Nguyễn Đắc Xuân tự truyện
Sáng 26.4, tại hội trường Thành ủy Huế, dù lưng vẫn còn đau sau vụ
trượt ngã cầu thang nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân vẫn gượng đứng để ra
mắt 3 tập đầu trong bộ tự truyện 10 cuốn của mình Từ Phú Xuân đến Huế.
3 tập đã xuất bản có 4 cuốn, tập 1 gồm 2 cuốn kể về thời thơ ấu và
14 năm đi học; tập 2 viết về 3 năm tranh đấu trong phong trào đô thị miền Nam
(từ 1963 - 1965); tập 3 viết về 8 năm tham gia kháng chiến (từ 1966 - 1974). 7
tập chưa xuất bản của bộ tự truyện là phần viết về thời gian ông ở Hà Nội và
các nước Nga, Trung Quốc; về xã hội miền Nam sau giải phóng; thời gian làm văn
nghệ, làm báo, những chuyến đi nước ngoài; những người quan trọng đã đi qua đời
mình… Sách do NXB Trẻ ấn hành.
Bị nhiều lỗi
dịch,”Bản đồ và Vùng đất” bị thu hồi
Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam vừa chính thức quyết
định không phát hành cuốn sách “Bản đồ và vùng đất” (Tác giả: Michel
Houellebecq, Dịch giả: Cao Việt Dũng, NXB Văn học và Công ty CP Văn hóa và
Truyền thông Nhã Nam liên kết xuất bản - Quý I, 2012) trên các kênh phát hành
liên kết với NXB Văn học và Nhã Nam. Những cuốn vẫn hiện diện trong các hiệu
sách sẽ ngay lập tức được thu hồi. Lý do của quyết định này là khâu biên dịch
“Bản đồ và vùng đất” có quá nhiều lỗi: dịch sai nghĩa; dịch chệch nghĩa; dịch
sót; diễn đạt tiếng Việt có nhiều bất ổn. Số lượng lỗi này cao hơn so với chuẩn
biên tập và vượt quá số lỗi tối đa cho phép để sách có thể tiếp tục được lưu
hành.
Dịch giả Cao Việt Dũng “cảm ơn và xin lỗi”
(Theo Blog Nhị Linh)
Trong entry mới nhất trên blog cá nhân của mình, dịch giả Cao Việt
Dũng viết:
Tôi cảm ơn bất kỳ ý kiến nào của bất kỳ ai chỉ ra những chỗ sai,
nhầm lẫn, cẩu thả của tôi, không chỉ là trong các bản dịch mà ở bất kỳ công
việc nào khác. Với người chữ nghĩa, không gì quý bằng điều đó. Mỗi sai lầm đều
phải trả giá, mỗi vấp váp là một bước tiến của nhận thức.
Thời gian vừa qua, tôi đã chăm chú xem lại Bản đồ và vùng đất, tôi
công nhận là có những sai lầm, có cả những chỗ thực sự tôi cũng không hiểu tại
sao lại có thể nhầm lẫn vô cớ và ngớ ngẩn như vậy.
Xem xét kỹ, tôi thấy rằng có chừng bốn, năm chỗ do quá ỷ vào trí
nhớ mà tôi đã không tra cứu thêm, dẫn đến hiểu sai, cùng một số chỗ nhìn nhầm
các từ có tự dạng tương đối giống nhau và vài chỗ nhìn sót mất chữ. Ngoài ra,
nhiều chỗ khác nên sửa để tốt hơn.
Tôi không nói đến từng chi tiết nữa, mặc dù có những chỗ người chỉ
trích tôi chưa hẳn là hoàn toàn chuẩn xác, mà tôi coi đây là một cơ hội, một
dịp để xem lại, điều chỉnh toàn diện hơn cho công việc cá nhân. Đây cũng là cơ
hội để hoàn thiện hóa bản dịch Bản đồ và vùng đất.
Một lần nữa, tôi cảm ơn những người đã chỉ trích tôi, và xin hiểu
là tôi thực sự cầu thị trước mọi ý kiến tập trung vào cách hiểu, ngữ nghĩa,
hành văn và mọi khía cạnh khác của ngôn ngữ.
Tôi xin lỗi độc giả vì còn để những sai sót, khiến cho sự tiếp
nhận, cảm nhận một tác phẩm văn học bị khuyết thiếu, làm giảm đi hứng thú của
việc đọc.
Tôi chỉ xin nói thêm vài điều: tôi đã không hề cẩu thả trong quá
trình dịch Bản đồ và vùng đất, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần (theo tôi nhớ
lại là bốn lần) sau khi đã hoàn thành bản dịch cũng như sửa chữa lại xong xuôi.
Sai lầm lớn nhất của tôi là không chú trọng được đúng vào những chỗ có khả năng
sai sót, và những lần đọc lại sau này không đối chiếu đầy đủ với bản gốc.
Một nhà văn có ý thức mỗi khi viết một tác phẩm đều nghĩ mình nỗ
lực viết ra một cái mà Roberto Bolado gọi là “tác phẩm lỗi lạc”. Một người dịch
nhiều ý thức mỗi lần dịch một tác phẩm cũng đều làm hết sức để cho bản dịch của
mình thực sự hoàn hảo, không thể chê trách. Kết quả rất thường xuyên không được
như mong muốn, vì chữ nghĩa có yếu tố chủ quan rất lớn, nhưng nếu không luôn
luôn sẵn sàng để nỗ lực thì sẽ chẳng bao giờ làm được việc gì.
Xem xét lại bản dịch của tôi, một điều tôi thấy ấm lòng là không một
lúc nào vì vấp phải một đoạn văn quá khó mà tôi tìm cách vòng tránh, “ăn bớt”,
làm méo mó nội dung một cách chủ ý để công việc được dễ dàng hơn; tôi cũng nhìn
lại được nhiều đoạn, nhiều chi tiết tôi đã tìm hết cách để tra cứu, suy nghĩ,
vật lộn mà hiểu và tìm ra cách diễn đạt tương đối thích hợp.
Nói rộng hơn, tôi tham gia xuất bản và dịch thuật ở Việt Nam vào cuối một
giai đoạn và ở đoạn mở đầu một thời kỳ khác. Chính vì biết được những giai đoạn
khác từng như thế nào mà tôi, cùng nhiều người nữa, đang nỗ lực rất lớn, để
thay đổi, mặc dù biết rằng công việc ấy không hề dễ dàng.
(Được đăng với sự đồng ý của
dịch giả Cao Việt Dũng)
Vụ án “Một đám cưới”
Vụ việc hy hữu được TAND tỉnh Vĩnh Phúc xét xử vào ngày 10.5.
Nguyên đơn vụ kiện này là ông Lê Đấu, nông dân ngụ tại khu 2, xã Nhạo Sơn,
huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo nội dung khởi kiện của ông Đấu thì Báo Vĩnh
Phúc cuối tuần số ra ngày 5.3.2011 có đăng truyện ngắn Một đám cưới của
nhà văn Xuân Mai với nhiều nội dung mang tính bịa đặt, xúc phạm gia đình ông.
Cụ thể, truyện ngắn kể về một gia đình nông thôn tổ chức đám cưới
để “kinh doanh phong bì”. Tuy nhiên, 11 nhân vật trong truyện thì có tới 9
người trùng tên với họ hàng ruột thịt của ông Đấu. Trong đó, nhân vật Thi trùng
tên với bố ông Đấu được thể hiện: “đi khiếu kiện đến mức bị khai trừ ra khỏi
Đảng, phát điên phát rồ mấy năm, say rượu ngã xuống “ao cá Bác Hồ” rồi hai ngày
sau xác mới nồi phềnh lên”.
Bên cạnh đó, bối cảnh truyện ngắn cũng có nhiều điểm trùng hợp về
địa danh như: xóm Cây Gạo, miếu thờ thần núi Sáng, sông Lô... ở làng ông Đấu.
Theo ông Đấu, nhà của nhà văn Xuân Mai và ông ở gần nhau nên khi truyện ngắn
đăng trên báo đã gây ra rất nhiều điều tiếng thị phi tổn hại đến danh dự gia
đình. Do đó, ông Đấu nộp đơn đến tòa khởi kiện vụ án dân sự đòi bồi thường
thiệt hại về tinh thần. Trong đơn, ông Đấu yêu cầu: Báo Vĩnh Phúc, tổng biên
tập phải xin lỗi và cải chính trên báo; tác giả Xuân Mai phải đến nhà xin lỗi
mẹ ông và gia đình, đồng thời bồi thường danh dự cho ông 8,3 triệu đồng.
Tại phiên xét xử sơ thẩm vào ngày 11.1.2012, TAND thị xã Vĩnh Yên
tuyên án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Đấu với lý do, truyện
ngắn Một đám cưới là tác phẩm văn học sử dụng nghệ thuật hư cấu, không
phải là tác phẩm báo chí. Không đồng tình phán quyết này, ông Lê Đấu làm đơn
kháng án lên cấp phúc thẩm.
***
Trả lời trước tòa, nhà văn Xuân Mai cho rằng, ông viết truyện
ngắn không nhằm ám chỉ đến gia đình cụ thể. Hơn nữa, tác phẩm của ông không hề
có một chữ nào thể hiện đám cưới trong tác phẩm là đám cưới của nhà ông Đấu. “Theo
quan điểm của tôi thì nguyên đơn đã nhầm lẫn một truyện ngắn và một bài báo.
Chúng tôi là nhà văn thì được quyền hư cấu”, nhà văn Xuân Mai nói.
Không đồng tình với nhà văn Xuân Mai, ông Đấu và luật sư bào chữa
Hà Tuấn Ngọc (Đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ) cho rằng nhà văn đã đưa vào truyện
ngắn 4 tên nhân vật rất “đặc biệt” trùng với tên thân nhân nhà ông Đấu (Thi -
Đua - Tranh - Đấu) với những lời miêu tả miệt thị là không chấp nhận được.
Giãi bày với bị đơn, nhà văn Xuân Mai cho rằng đây là một sơ suất
và trong các lần hòa giải trước đây, ông đã nhận sai, ngỏ lời xin lỗi với gia
đình ông Đấu, đồng thời sẵn sàng biếu gia đình ông ít tiền đi lại nhưng không
được chấp nhận.
Trước thái độ cầu thị của bị đơn, ông Lê Đấu tuyên bố không đòi bồi
thường nhà văn Xuân Mai mà chỉ yêu cầu nhà văn đến nhà xin lỗi mẹ ông nay đã 90
tuổi. Đồng thời Báo Vĩnh Phúc phải có đính chính công khai trên báo. Điều này
ngay lập tức được đại diện Báo Vĩnh Phúc và nhà văn Xuân Mai chấp nhận. Thẩm
phán Phạm Thị Thúy Mai, chủ tọa phiên tòa tuyên bố hủy án sơ thẩm, chấp nhận
nội dung thỏa thuận của hai bên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét