Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

GVĐN 14: BÀI CỦA GS TRẦN ĐÌNH SỬ


Nhân 80 năm phong trào “Thơ mới”

Giáo sư Trần Đình Sử

Địa vị lịch sử của phong trào Thơ mới

Đã tám mươi năm phong trào thơ mới, song vấn đề địa vị của nó trong lịch sử văn học Việt Nam hầu như chưa được đánh giá đúng mức.

 Vì sao vậy? Đó là vì một thời gian rất dài, do ngự trị một quan điểm mác xít dung tục, chỉ thấy đó là phong trào thơ tư sản, tiểu tư sản có hại cho cách mạng vô sản, người ta đã hạ nó xuống dưới mức thấp nhất, chỉ thiếu một đường đào đất đem chôn nó đi. Từ năm 1951 Hoài Thanh trong công trình Nói chuyện thơ kháng chiến đã kiểm điểm những cái “rớt” của thơ mới trong dòng thơ này. Mấy năm sau ông lại tự kiểm điểm mình đã viết Thi nhân Việt Nam.
Từ năm 1954 cho đến những năm 90 thơ mới ở vào vùng cấm, sinh viên, học sinh không được tiếp xúc với thơ mới. Giảng viên phải có gấy phép đặc biệt mới được thư viện cung cấp cho đọc. Giải phóng miền Nam được 6 năm, năm 1981, nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ còn chỉ trích về tác hại của nó. Trong công trình Phong trào thơ mới lãng mạn 1932 - 1945, in năm 1981, không phải bản đã sửa để in lại sau này, giáo sư Phan Cự Đệ đã viết: “Chúng tôi cho rằng bản chất của thơ mới lãng mạn là tiêu cực, thoát li và đã có những màu sắc  suy đồi. Khách quan mà nói thơ ca lãng mạn ít nhiều đã làm cho thanh niên trở nên bi luỵ và do đó làm quẩn bước chân của họ trên con đường đi đến cách mạng. Tuy nhiên ở nước ta thời kì trước cách mạng tháng Tám, từ những người phát ngôn cho quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật bằng những lời lẽ thành thực và ngây thơ, những thi sĩ  đắm mình trong cái tháp ngà  của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa tượng trưng cho đến những kẻ đề xướng ra một cái tôi to tướng , kênh kiệu, đi lù lù giữa cuộc đời và ném đá vào những người xung quanh… tất cả những nhà văn đó không phải là không còn ít nhiều tinh thần dân tộc và thái độ bất mãn với xã hội kim tiền ô trọc, với thói hợm hĩnh của giai cấp tư sản”. Thái độ của tác giả là phê phán kịch liệt. Ông biểu dương các nhà phê bình Vũ Đức Phúc và Hồng Chương đã có thái độ nghiêm khắc cần thiết đối với tác hại của thơ mới, và phê bình các giáo trình của Đại học Tổng hợp và của Đại học sư phạm có thái độ chưa dứt khoát đối với thơ mới. Cách nhận định như vậy là chỉ xét ở mặt tư tưởng, mà không chú ý đến thơ, mà tư tưởng cũng bị hiểu một cách giáo điều, dung tục. Một thái độ như vậy thì tất yếu thơ mới sẽ không có địa vị gì đáng nói trong lịch sử thơ ca Việt Nam.
            Theo tôi muốn đánh giá địa vị lịch sử của thơ mới chúng ta cần đặt nó vào trong lịch sử văn học Việt Nam. Đặc điểm của văn học Việt Nam, là do vấn đề chữ viết phải vay mượn từ ngày giành độc lập thế kỉ thứ X, cho nên văn học viết ViệtNamtrớ trêu là bắt đầu với sáng tác văn chương bằng chữ Hán! Những bài thơ đầu tiên đều viết bằng chữ Hán, chỉ một số rất ít người đọc được. Mãi đến 5 thế kỉ sau chúng ta mới có thơ tiếng Việt, do đã có được chữ Nôm. Do chữ Nôm chưa hoàn thiện cho nên làm thơ với thứ chữ ấy có nhiều khó khăn, người đọc càng ít hơn chữ Hán. Thơ của Nguyễn Trãi, theo nhận xét của nhà thơ Xuân Diệu, như con rồng đã bay lên nhưng nửa mình còn vật vã, nặng nhọc. Thơ Nguyễn Trãi rất sâu sắc, nhiều bài hay, nhưng cũng nhiều bài đọc còn khó nhọc, phải đến Nguyễn Khuyến, thơ Đường luật mới thật diệu nghệ, thanh thoát. Chữ Nôm chậm phát triển còn do nền khoa cử hầu như chỉ thi chữ Hán, bao nhiêu nhân tài tập trung trau dồi theo thứ chữ ấy. Cho nên suốt nhiều thế kỉ, thơ văn chữ Hán chiếm địa vị thống trị độc tôn, thơ văn Nôm bị xem là “nôm na mách qué”, có địa vị thấp kém, mặc dù nó được sự yêu mến gìn giữ của biết bao thế hệ, từ nhà nho đến vua chúa. Ta có thể kết luận cho đến hết thời Trung đại thơ tiếng Việt, dù đã có không ít đỉnh cao ở các thể tự sự, ngâm khúc, hát nói, nhưng người Việt chưa có thể loại thơ trữ tình của riêng mình, Toàn bộ thơ trữ tình hoàn toàn làm theo khuôn mẫu Trung Quốc, luân quẩn trong vòng Đường luật, không ai vượt qua các đỉnh cao Lí Đỗ. Thơ tiếng Việt Đường luật dù điêu luyện như Nguyễn Khuyễn, bà Huyện Thanh Quan vẫn đi theo một lối thơ đã vạch sẵn, không có sáng tạo mới.
            Phải đến cuối thế kỉ XIX cho đến đầu thế kỉ XX, các khoa thi chữ Hán bị phế bỏ, chữ quốc ngữ được truyền bá, mặc dù tiếng Pháp bị áp đặt trong nhà trường, nhưng tiếng Việt lại có cơ hội phát triển. Trau dồi tiếng Việt trở thành một biểu hiện lòng yêu nước, đối chọi lại với địa vị độc tôn của tiếng Pháp.  Thời cận đại đã có trào lưu làm thơ tiếng Việt mà tiêu biểu là Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Phan Văn Trị, Từ Diễn Đồng, Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Tương Phố, Đông Hồ…Đây là thế hệ những người Hán học cuốí cùng, phần lớn bỏ thi, hoặc thi không đỗ, họ là nhà nho chuyển sang học quốc ngữ, tìm kế sinh nhai mới. Họ cũng là thế hệ nhà thơ quốc ngữ đầu tiên, nhưng mẫu mực thơ vẫn nhìn về quá khứ. Cứ nhìn các sách của các tác giả như Phan Kế Bính, Bùi Kỉ… thì rõ. Các tác giả thế hệ này đã khai thác các thể thơ cổ Trung Hoa, từ thơ luật cho đến thể cổ phong, các thể thơ Việt như lục bát, song thất lục bát, hát nói, bài hát anh khoá để làm thơ Việt, trong đó Tản Đà, Trần Tuấn Khải có  nhiều tìm tòi, nhưng nhìn chung, đề thơ, điệu thơ còn rất cũ. Hầu hết thơ ca thời này, hết nhớ bạn, tiễn bạn lại nhớ quê, nhớ nước, viếng mộ, chơi cảnh (du ngoạn), vịnh người, vịnh vật, vịnh cảnh, cảm hoài, cảm tác; cách giao tiếp thường là nhắn nhủ, khuyên người, mắng người, chán mình, tự thán, tự trào, chế giễu, tương tư, lo việc đời…; tư thế trữ tình thương là ngẫm lại, ngoảnh lại, nhìn trời cao, cúi nghĩ lại, nhớ người xưa, giấc mộng, giật mình, sực tỉnh…; nói nhiệt tình thì bầu máu nóng, nói uất hận thì tím ruột bầm gan, nói đau lòng thì đứt ruột, nói cô đơn thì một mình vò võ, nói thời đại thì mưa Âu gió Á, nói đổi mới thì kinh độc lập, chùa duy tân, đuốc tư do, gương tranh đấu… Tịnh không có cách gì nói được cảm xúc tự nhiên, chân thật của lòng người. Đại để thì tình thương người, lòng yêu nước, sự hoài cổ, cảm thời rất tha thiết, nhưng phương thức biểu đạt cũ mòn, không có lối thoát, không có gì mới,  luẩn quẩn trong lề thói cũ, điệu cũ, không ra khỏi truyền thống thơ vịnh, thơ tự trào, thơ du lãm, nhớ bạn, nhớ nhà, nhớ nước, mộng ảo, thơ khóc, thơ điếu… trong thơ cổ Trung Hoa. Tuy thơ Việt có xu hướng trỗi lên thay thơ chữ Hán là rất quý, nhưng cũ mòn, nhàm chán. Nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu nhận định có sự lại giống tôi cho là rất đúng. Ông Hoài Thanh nhận định thơ mới nổi lên chống lại lối thơ “hai ba mươi năm gần đây” kể cũng có phần cơ sở. Mặc dù Tản Đà đã đòi hỏi “phá cách, vứt điệu luật”, ông Phạm Quỳnh, ông Trịnh Đình Rư, ông Phan Khôi, do tiếp xúc với thơ Tây, bắt đầu than phiền thơ cũ gò bó, “thất chơn”, nhưng thơ của Tản Đà và Phan Khôi cũng không thật mới. Phải có một cơ duyên nào thì mới thay đổi thi ca được.
            Cơ duyên đó là sự cải cách sự học, đô thị ra đời, một thế hệ thanh niên học sinh, công chức mới xuất hiện. Sự cộng sinh với văn hoá phương Tây ở bản xứ làm thay đổi nếp cảm, nếp nghĩ, sự giao lưu với  văn hoá, văn học Pháp giúp họ tìm ra những mẫu mực văn chương mới, tư tưởng mới, triết lí mới, cách nói mới, quan niệm văn chương mới. Từ văn chương từ chương học và giáo huấn chuyển sang văn chương thẩm mĩ, tôn sùng thành thùc và tự do. Từ quan niệm lịch sử chỉ là sự đổi thay triều đại chuyển sang lịch sử là tiến hoá, tiến bộ, văn minh, thời sau phải mới hơn thời trước. Từ quan niệm thế giới chỉ đóng khung trong khu vực, cái gì cũng “nhất anh Tàu” chuyển sang phương Âu Mĩ, Nhật bản, tầm mắt được mở rộng. Thời gian không con tuần hoàn theo bốn mùa của vũ trụ mà đã không đảo ngược từ quá khứ qua hiện tại đến tương lai. Đặc biệt nhất là ý thức về cái tôi, về cá nhân. Cá nhân có một giá trị độc lập với gia đình, đoàn thể. Không phải là cái tôi ích kỉ như các tài liệu chỉnh huấn thường hiểu, cái tôi đó không có giá trị văn hoá. Người ta phát hiện ra bản thân mình, tâm hồn mình, cá tính mình, giá trị mình. Toàn bộ các thay đổi ấy là nền tảng văn hoá, xã hội của phong trào thơ mới.
            Không ai tưởng tượng nổi sự phát triển mau lẹ của phong trào thơ mới. Tính từ năm 1932 khi Phan Khôi “trình chánh”bài Tình già, trong vòng ba năm, đến năm 1935, phong trào đã thắng lợi và khẳng định với Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Xuân Diệu và một loạt nhà thơ khác. Đến năm 1936 thơ mới đã chuyển sang khuynh hướng tượng trưng và cuối năm 40 đã chuyển sang màu sắc siêu thực. Hoài Thanh và Hoài Chân tuyển chọn thơ của 44 tác giả thơ mới, tập tuyển của nhà xuất bản Hội nhà văn năm 1999 đã có thơ của 80 nhà thơ. Đây là thế hệ nhà thơ đầu tiên, tay làm thơ, mắt không nhìn vào các thấy Trung Hoa quá khứ, mà nhìn vào tiếng Việt, nhìn ra phương Tây và toàn thế giới rộng lớn. Một phong trào thơ phong phú, đa dạng, mới lạ, luôn có khuynh hướng tự vượt mình, không ngưng đọng.
            Đúng như Hoài Thanh nhận định trong Thi nhân Việt Nam, phong trào thơ mới là một cuộc cách mạng thi ca chưa từng có. Muốn hiểu đúng nội dung cách mạng ấy thì phải nhìn vào thi pháp, bởi phong trào thơ mới đã sáng tạo ra một quan niệm thơ mới, hệ thống hình thức thơ mới với thể loại thơ mới, đề thơ mới, cấu tứ mới, cảm xúc mới, ngôn ngữ mới, biểu tượng mới, phong cách mới, biện pháp tu từ mới.
            Trước hết thơ mới vượt qua quan niệm thơ giáo huấn, thơ ngôn chí, tải đạo, thơ minh tâm bản giám của thời Trung đại ngự trị hàng nghìn năm. Thơ mới là thơ của cái đẹp, thơ cảm xúc, thơ thành thực và thơ tự do. Bài Cây đàn muôn điệu của Thế Lữ, bài Cảm xúc của Xuân Diệu, bài Quan niệm văn chương của Hoài Thanh  có thể coi là tuyên ngôn của phong trào thơ mới. Thơ không hạn chế một đề tài nào, miễn là đẹp. Thơ là cảm xúc chứ không phải thực dụng. Nhưng thơ không phải vô ích đối với đời. Thơ mới mở mang tâm hồn, phát triển nhân cách. Với quan niệm đó thơ mới đã cáo biệt quan niệm thơ Trung Quốc thồng trị hàng nghìn năm, cáo biệt luôn các tư thế trữ tình, điệu trữ tình đã trở thành mòn sáo.
            Thơ luật Trung Hoa đã biến ngôn ngữ thơ thành một thứ vật liệu, bài thơ là những bức tranh ngôn từ, hầu như là một thế giới tĩnh lặng, thảng hoặc mới có tiếng nói và giọng điệu con người. Thơ mới xây dựng theo nguyên tắc khác. Nó đưa tiếng nói, giọng điệu, hơi thở con người vào thơ, lấy lời nói làm vật, liệu tạo thành thế giới thơ điệu nói với bao nhiêu tiếng gọi lời thưa, tiếng giải bày, lời tâm sự. Đọc thơ mới cũng thấy có hoạ, nhưng chủ yếu là nghe tiêng nói con người. Hình thức đó làm cho không gian câu thơ, bài thơ thay đổi, nó không đông cứng như thơ luật mà tự do, vắt dòng, trùng điệp, nhảy vọt, không gò bó. Với nhãn quan ngôn ngữ đó hình thức thể loại cũng thay đổi theo. Các thể luật Đường hầu như không còn được dùng để sáng tác nữa. Thơ Đường của Quách Tấn dù có điêu luyện cũng là một sự lạc lõng, hoàn toàn không nói được tình tự của người hiện đại. Ngày nay vẫn có không ít người làm thơ đường, nhưng chỉ khi về già, mang tính chất thù tạc, không mang tính sáng tạo. Muốn sáng tạo thì người ta không làm loại đó. Trong các thể thơ mới, bề ngoài có vẻ như thể thơ thất ngôn, ngũ ngôn vẫn chiếm số lượng lớn, nhưng đó là thứ thơ thất ngôn, ngũ ngôn mới, tự do.  Ngũ ngôn như Tiếng thu của Lưu Trọng Lư thực chất được cấu tạo bằng ba câu hỏi, ba khổ thơ không đều nhau, lần lượt: 2,3,4 dòng. Bài Gửi Trương Tửu của Nguyễn Vỹ được Hoài Thanh coi là kiệt tác, tuy thất ngôn, nhưng chia làm ba đoạn lớn, vần liền, toàn bài điệu nói, lời lẽ khẩu ngữ: “Nay ta thèm rượu nhớ mong ai, Một mình rót uống chẳng buồn say. Trước kia hai thằng hết một nậm, Trò chuyện dông dài mặt đỏ sậm… Bao giờ chúng mình thật ngất ngưỡng? Tôi làm Trạng nguyên, anh Tể tướng? Và anh bên võ, tôi bên văn, Múa bút, tung gươm há một phen?”, rõ ràng không còn ràng buộc bằng trắc, không còn lời thơ ôn nhu đôn hậu của nho gia. Câu thơ của Thái Can: “Anh biết em đi chẳng trở về, Dặm dài liễu khuất với sương che. Thôi đừng ngoái lại nhìn anh nữa. Anh biết em đi chẳng trở về” cái điệu du dương rất Đường thi, nhưng đã hoàn toàn điệu nói, không có lối tạo hình ảnh kiểu thơ Đường. Hay câu thơ Tố Hữu: “Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan, Đường bạch dương sương trắng nắng tràn. Anh đi nghe tiếng người xưa vọng, Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn”. Chế Lan Viên nhận xét: lột cái nhạc tính đi là những câu thơ rất Tây, lồng nhạc vào là câu thơ Việt. Thơ mới đã cải tạo lại các hình thức câu thơ Đường. Không gian trong bài thơ hoàn toàn thay đổi. Tiêu biểu cho không gian này là thơ tám chữ, một sáng tạo đột xuất của phong trào. Thơ lục bát xưa chỉ viết ca dao ngắn hay hình thức của truyên Nôm, diễn ca, nay được sử dụng như hình thức trữ tình mới. Với ngôn ngữ và thể loại đó, thơ mới đã giải thoát khỏi sự ràng buộc của thơ Hán, thơ Đường, thoát ra khỏi cái bóng của thơ Trung Hoa để trở thành thơ trữ tình tiếng Việt hoàn toàn. Thơ mới đánh dấu thơ Việt đã thoát khỏi cái bóng lớn của thơ Đường luật cớm trùm lên thơ Việt suốt mấy nghìn năm. Thơ mới cũng đánh dấu sụ hình thành hệ thống thơ, hình thức thơ trữ tình mới thuần Việt. Trong hệ thống này các yếu tố thơ Trung Hoa sẽ có cuộc sống mới, chúng là yếu tố phụ thuộc vào hệ thống thơ Việt.
            Thơ mới đánh dấu bước sự hoà nhập thơ trữ tình Việt Namvới thế giới, là một bộ phận của thơ thế giới. Nó là chiếc cầu nối giữa thơ Đông thơ Tây, kết tinh tinh hoa của nhiều trào lưu thơ cổ điển và hiện đại của thế giới, mở ra hướng đi mới phù hợp với thời đại ngày nay và mai sau.
            Thơ mới tạo thành một truyền thống thơ tiếng Việt mới, làm nền tảng cho thơ Việt phát triển trong suốt thế kỉ XX và từ nay về sau. Người ta tưởng rằng phê phán tác hại của thơ mới, vạch rõ ranh giới tư sản với vô sản, lãng mạn tiêu cực với cách mạng lạc quan, làm thơ cách mạng là làm bằng thế giới quan và lập trường Mác Lê, không liên quan gì với thơ mới, nhưng thực ra đã nhầm to. Thơ Tố Hữu thời Từ ấy đã trực tiếp thoát thai từ thơ mới. Toàn bộ thơ cách mạng từ năm 1945 dến nay về hình thức cũng đều thoát thai từ thơ mới. Thơ Tố Hữu, Chính Hữu, Hoàng Lộc, Trần Mai Ninh, Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi… hỏi có ai không làm theo thơ mới? Các nhà thơ thuộc thế hệ  tiền chiến như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Bính, Anh Thơ… đều đem tài thơ mới biến hoá thành thơ mới cách mạng. Và cả thế hệ nhà thơ mới như Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Quang Thiều… có ai không làm theo hình thức thơ mới có biến đổi? Các nhà thơ cách mạng phải đời đời biết ơn các nhà thơ mới đã sáng tạo một hình thức tự do để cho họ có khả năng tự biểu hiện mình qua các giai đoạn. Có thể nói dứt khoát không có thơ mới thì không có thơ cách mạng trong giai đoạn vừa qua, và cũng không có bước phát triển mới của thơ hiện nay.
            Thi pháp thơ mới là một hệ thống mở. Bởi nguyên tắc của thơ mới là thẩm mĩ, cảm xúc, tự do và thành thực.  Nó chống lại mọi ràng buộc, câu thúc, ngoài ra không đặt cho mình một giới hạn nào cả. Chính vì thế mà thơ mới từ khi ra đời không bao lâu đã liên hệ với thơ tượng trưng, siêu thực, thơ cách mạng, thơ hiện đại chủ nghĩa và cả hậu hiện đại. Nó có thể thiên về ca như Tố Hữu, có thể nghiêng về trí tuệ như Chế Lan Viên, cũng có thể nghiêng về nhại, giễu nhại như thơ hậu hiện đại. Thơ mới không chỉ để lại dấu ấn sâu sắc đương thời ,mà còn mở ra một viễn cảnh phát triển lâu dài, vô hạn cho thơ Việt.
            Thơ mới đúng là cuộc cách mạng thi ca vĩ đại nhất trong lịch sử thơ ca Việt Nam. Nó không chỉ là cuộc hiện đại hoá, thoát khỏi thơ trung đại như nhiều người nghĩ, mà nó còn làm cho thơ Việt thoát khỏi cái bóng cớm Đường luật Trung Hoa hàng nghìn năm, nó chắp nối thơ Việt với thơ toàn thế giới, nó là cuộc cách mạng bao hàm nhiều cuộc cách mạng. Trong lịch sử văn học Việt Nam chưa có cuộc cách mạng nào bao chứa được nhiều cuộc cách mạng như thế.
Hà Nội, ngày 10 thàng 3 năm 2012.
Đúng 80 năm ngày Phan Khôi trình chánh bài Tình già 10- 3- 1932
(Bản tác giả gửi phebinhvanhoc.com.vn. Copyright © 2012 - PHÊ BÌNH VĂN HỌC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét