Đề dẫn Hội thảo
(Do nhà văn Trần Đức Tiến, Uỷ viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam , Trưởng Ban Công tác
nhà văn miền Đông Nam bộ trình bày)
Kính thưa qúy vị đại biểu,
Kính thưa các nhà văn,
Văn học viết cho thiếu nhi (sau đây gọi tắt là văn học thiếu nhi)
của chúng ta lâu nay, nếu gọi là trì trệ thì chưa hẳn đã trì trệ, nhưng rõ ràng
cũng chưa thể nói là phát triển bền vững. Đội ngũ nhà văn viết cho các em còn
quá thưa thớt, mỏng manh. Số nhà văn thành danh với văn học thiếu nhi có thể
đếm trên đầu ngón tay. Nhiều người còn lại trong cuộc đời cầm bút của mình cũng
có đôi ba tác phẩm viết cho các em, nhưng đấy là những sản phẩm làm ra bằng tay
trái. Tuổi thiếu nhi dường như luôn luôn khao khát có những tác phẩm hay để
đọc.
Lấy ví dụ như trong lĩnh vực truyện đồng thoại - một lĩnh vực rất thú vị
đối với tuổi thơ - kể từ khi tác phẩm lừng danh “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà
văn Tô Hoài ra đời, tính đến nay đã hơn nửa thế kỷ, chúng ta vẫn chưa có một
tác phẩm viết về con chó, con mèo, cái bàn, cái ghế hay ngọn núi, dòng sông…
nào, có thể sánh được về độ dài cũng như sự hấp dẫn, liệu có thể coi là điều
bất thường, đáng để cho các nhà văn viết cho thiếu nhi suy nghĩ hay không?
Thiếu tác phẩm hay để đọc, để truyền tay nhau, xuýt xoa vì những điều cao
thượng, đẹp đẽ; khinh bỉ, căm ghét cái ti tiện, đớn hèn, thói xấu và cái ác…,
một bộ phận lớn các em quay sang loại với những loại truyện tranh rẻ tiền;
những trò chơi điện tử vô cảm, dung tục và bạo lực. Thiếu những rung cảm chân
thành, sâu sắc; thui chột trí tưởng tượng phong phú, bay bổng nhờ văn học, thì
trốn học đi bụi, đua đòi thói ma cô giang hồ, thân bại danh liệt vì ma túy,
trộm cắp… chỉ còn cách vài bước chân.
Miền Đông Nam bộ, nhờ duyên may, lại là nơi có khá nhiều nhà văn
biết quan tâm và yêu mến các em. Từ những bậc huynh trưởng lão luyện như Xuân
Sách, Hoàng Văn Bổn, tiếp theo là Bùi Minh Quốc, Khôi Vũ (Nguyễn Thái Hải), Lê
Nguyên Ngữ, Đàm Chu Văn, Trần Hoàng Vy, Lê Thanh Xuân, Phạm Thanh Quang, Hồ
Việt Khuê, và sau nữa là Thu Trân, Trần Thu Hằng, Nguyễn Một…, có thể nói, miền
Đông chúng ta có hẳn một đội ngũ nhà văn viết cho thiếu nhi.
Thống kê chưa đầy đủ cũng cho thấy, số tác phẩm viết cho thiếu
nhi của các nhà văn miền Đông không hề ít: Xuân Sách với Đội du kích thiếu
niên Đình Bảng, Phía núi bên kia, Mặt trời quê hương, Hoàng Văn Bổn
với Tướng Lâm Kỳ Đạt, Tuổi thơ ngọt
ngào, Tuổi thơ trong làng, Bùi Minh Quốc với Hồi đó ở Sa Kỳ, Khôi Vũ
với Cha con ông Mắt Mèo, Những trái sao xoay, Những ông tướng nhà trời,
Thằng heo sữa, Cánh chuồn kim biếc, Mơ làm thủ lĩnh, Một ngày hè ở biển, Lê
Nguyên Ngữ với Tiếng hát trăng bên thành cổ, Người bạn nhỏ nơi ga xép, Ba cô
xá chí ma vương, Trần Hoàng Hoàng Vy với Ngủ giữa vườn tiếng chim, Miền
thơ ấu, Truyện cổ tích kể cho bé Sao, Mưa nấm mối, Chớp mắt rồi cười, Đàm
Chu Văn với Quả bóng xinh, Cào cào giã gạo, Thơ câu đố, Phạm Thanh Quang
với Lạc giữa hành tinh, Thu Trân với Đường bong bóng bay, Ông thầy cũ
kỹ, Những dòng sông búp bê, Nhà có cửa sổ tròn, Trò chơi của biển, Trần Thu
Hằng với Chuyến tàu ước mơ, Cơn lũ, ốc sên và hoa hồng, Chàng thợ gốm, Thần
Đồng và cuộc chiến bảo vệ Thủy Tháp,
Hồ Việt Khuê với Ở biển, Lá thư trong vỏ ốc, Đêm ngọt, Biển ngọt ngào,
Trần Đức Tiến với Làm mèo, Trăng vùi trong cỏ…
Về số lượng tác phẩm như vậy, có thể nói các nhà văn miền Đông
hầu như không bỏ qua một đề tài nào gần gũi với các em, cần thiết cho các em
trong những sáng tác cho thiếu nhi của mình. Các em thiếu nhi trong kháng chiến
chống Pháp, chống Mỹ; các em trong đời sống sinh hoạt, lao động và học tập ở nhà
và ở trường; những tình cảm qúy báu; những mơ ước đẹp đẽ; ở đâu đó trong cuộc
sống còn cái xấu, cái ác, nhưng niềm tin trong sáng của trẻ thơ bao giờ cũng
hướng tới chiến thắng của cái tốt, cái cao cả…
Nội dung phong phú, hình thức đa dạng. Văn cho thiếu nhi miền
Đông có thể loại truyện và thơ sinh hoạt, phản ánh chân thực những hoạt động
của các em trong đời sống. Có thể loại giả tưởng, viễn tưởng, phát huy tối đa
trí tưởng tượng và khát vọng của các em. Và không thể không nói đến đồng thoại
- một thể loại vừa gần gũi vừa ngộ nghĩnh, đáng yêu, vốn tiềm ẩn trong nó một
khả năng thể hiện tình yêu sâu sắc với thiên nhiên, với thế giới.
Chất lượng phần lớn những sáng tác của đội ngũ ấy ra sao còn phải
chờ thời gian thử thách, nhưng rõ ràng có một số tác phẩm như: Đội du kích
thiếu niên Đình Bảng, Phía núi bên kia (của Xuân Sách), Tướng Lâm Kỳ
Đạt, Tuổi thơ ngọt ngào (của Hoàng Văn Bổn), đã cắm những dấu mốc quan
trọng trong văn học viết cho các em, không chỉ trong khu vực, mà là của cả
nước.
Tuy nhiên, trong việc sáng tác cho các em, vẫn còn có những điều
chưa ổn mà chúng ta dễ dàng nhận ra. Chẳng hạn, giống như tình hình chung của
cả nước, miền Đông chưa có những nhà văn dành toàn tâm toàn ý sáng tác cho
thiếu nhi. Bên cạnh những tác phẩm viết cho các em, “mục tiêu” chính của các
anh, chị dường như vẫn là thứ văn chương dành cho người lớn. Chẳng hạn, viết
cho thiếu nhi còn là một hoạt động “tùy hứng”, mạnh ai nấy làm, thích lúc nào
làm lúc ấy. Và trong công việc, các anh chị là những người khá đơn độc, thiếu vắng
sự quan tâm chia sẻ, cổ vũ, động viên của xã hội, và giữa những người làm nghề
với nhau…
Thực tế nào cũng có lý do dẫn đến. Chỉ ra được những lý do, chính
là để cải thiện thực tế, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Hôm nay, chúng ta
ngồi đây, những nhà văn đã có tác phẩm viết cho các em, và những nhà văn chưa
viết cho các em nhưng yêu mến tuổi thơ, trăn trở vì sự tồn tại và phát triển
của văn học thiếu nhi, hãy cùng nhau thảo luận trên tinh thần đồng nghiệp, về
lĩnh vực đang được cả xã hội và giới cầm bút quan tâm này.
Văn học cho thiếu nhi của miền Đông và của cả nước, đang ở đâu
trong dòng chảy chung của văn học?
Từ thực tế của văn học viết cho thiếu nhi ở miền Đông, chúng ta
thấy gì trong lĩnh vực này của cả nước?
Vì sao chúng ta chưa thực sự có một đội ngũ nhà văn toàn tâm toàn
ý viết cho thiếu nhi?
Chúng ta, những người lớn làm văn chương nói chung và văn học cho
thiếu nhi nói riêng, cần phải làm gì để nâng đỡ, khuyến khích, hướng dẫn… cho
những cây bút thiếu nhi viết về chính lứa tuổi của mình?
Vì sao chúng ta còn ít những tác phẩm xuất sắc viết cho thiếu
nhi?
Muốn viết hay cho thiếu nhi, các nhà văn cần phải có những điều
kiện gì?
Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể xã hội có vai trò như thế nào
trong việc khuyến khích, động viên các nhà văn viết cho thiếu nhi?
Chúng ta hãy cùng nhau tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi đó,
và có thể còn nhiều câu hỏi khác nữa. Nếu sau cuộc hội thảo này, các nhà văn
ngồi đây có thêm những tác phẩm thật hay cho các em, thì chúng ta mới có thể
yên tâm nói rằng, cuộc hội thảo của chúng ta đã thành công.
Xin kính chúc các nhà văn và quý vị đại biểu một ngày làm việc
thật sôi nổi, hào hứng và hiệu quả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét