Khủng hoảng thơ thiếu nhi?
(Toquoc) - Nói đến thơ thiếu nhi, rất nhiều người có thể kể tên
các tập thơ và các nhà thơ nổi tiếng. Tuy nhiên, đó hầu hết là những tác phẩm
ra đời cách nay vài chục năm mà thiếu vắng tác phẩm đương đại. Sự thiếu vắng
này có thể xem là cuộc khủng hoảng Thơ thiếu nhi?
Thơ thiếu nhi lép vế trong văn học thiếu
nhi
Nếu như thời gian vừa qua chúng ta nhắc nhiều đến văn học thiếu
nhi với một khoảng trống cần lấp đầy. Và thực sự cho đến bây giờ chưa ai dám
trả lời là bao giờ và khi nào cái khoảng trống ấy sẽ được lấp đầy. Thế nhưng,
nhìn lại cái khoảng trống mênh mang đó, chúng ta giật mình nhận ra, trong số
những tác phẩm dành cho thiếu nhi ấy, đa phần là văn xuôi.
Những tác phẩm thiếu nhi gây sốt trong nhiều năm gần đây cũng như
đoạt nhiều giải thưởng khiến cho văn học thiếu nhi ít nhiều sôi động và tạo
được sự quan tâm của độc giả thuộc về
nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và đều là lĩnh vực văn xuôi.
Cuộc vận động sáng tác văn học dành cho thiếu nhi giữa Việt Nam
và Đan Mạch kéo dài 5, 6 năm nay là cuộc thi dành cho văn xuôi và truyện tranh.
Trong tham luận hội thảo 30 năm thành lập Hội Nhà văn Hồ Chí Minh
- nhà văn Trần Quốc Toàn đã đánh giá “Miền văn học thiếu nhi của đất nước đang
nằm ở TP.HCM, với số lượng tác phẩm dồi dào, lực lượng viết đông đảo”. Về lĩnh
vực văn học thiếu nhi có thể xem thành phố Hồ Chí Minh là nơi phát triển nhất
cả nước… cùng với đó, Trần Quốc Toản kể tên những tác giả sung sức, đạt nhiều
thành tựu về văn học thiếu nhi như: Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần, Đỗ Tú
Cường, Phương Trinh, Nguyễn Thị Bích Nga… thì chủ yếu họ là những tác giả văn
xuôi.
Một vài nhà văn trẻ đã và đang “lấn sân” sang văn học thiếu nhi
như Phong Điệp, Nguyễn Xuân Thuỷ, Trang Thanh, Nguyễn Thị Hồng Hạnh… là tác
phẩm ở lĩnh vực văn xuôi.
Việc các tác giả lựa chọn thơ hay văn xuôi khi sáng tác văn học
thiếu nhi hoàn toàn là quyền của người sáng tác. Không thể vì bất cứ lý do nào,
như thơ đang thiếu vắng mà bắt người sáng tác văn xuôi phải… làm thơ, hay bất
cứ thể loại nào khác ngoài sở trường và lựa chọn của chủ thể sáng tạo.
Thơ thiếu nhi đang ở đâu?
Đầu năm 2012, chào mừng sự kiện Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10, Nhà
xuất bản Kim Đồng đã ra mắt bạn đọc một số tập thơ hướng về biển đảo như: Ta
viết bài thơ gọi biển về của Huy Cận, Dắt biển lên trời của Hoài Khánh, Biển
vàng đảo ngọc của nhiều tác giả và một tập thơ dịch Thơ gửi cô tiên do Thái Bá
Tân chọn và dịch.
Trừ tập thơ dịch từ nước ngoài, thì trong số ba tập thơ kia chỉ
có dắt biển lên trời của Hoài Khánh là những sáng tác trong những năm gần đây
của tác giả. Còn Biển vàng đảo ngọc - tuyển tập văn thơ chọn lọc về biển đảo
của các nhà văn tên tuổi như Khái Hưng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Thy
Ngọc, Nguyên Ngọc, Trần Ðăng Khoa. Và tập thơ của Huy Cận cũng không phải là
sáng tác mới.
Tại các nhà xuất bản, thơ thiếu nhi vẫn được xuất bản mới hàng
năm nhưng đa phần là tác phẩm tái bản của các “cây đa cây đề” như Định Hải, Võ
Quảng, Xuân Quỳnh…
Những sáng tác thực sự mới ở thể loại thơ thiếu nhi thật sự không
nhiều, ít hơn gấp nhiều lần so với các tập thơ tái bản. Một vài tên tuổi mới
góp mặt cho thơ thiếu nhi như Vi Thuỳ Linh, Ngô Gia Thiên An, Đặng Chân Nhân…
nhưng ngần ấy chưa thể tạo cho thơ thiếu nhi một sự khởi sắc. Đặc biệt với hai
tác giả trẻ, thơ dường như vẫn còn mang tính thử nghiệm, thăm dò, định hình hơn
là để khẳng định một giá trị đã được tạo lập và chấp nhận.
Tương lai nào cho thơ thiếu nhi?
Trước đây, một số cơ quan chuyên trách đã từng tổ chức các cuộc
thi thơ thiếu nhi và nhận được sự hưởng ứng đông đảo của tác giả tham gia. Từ
những cuộc thi này đã phát hiện ra nhiều tên tuổi cho văn học thiếu nhi, như:
Nguyễn Hoàng Sơn, Dương Thuấn, Đặng Hấn, Trần Quốc Toàn…
Tuy nhiên vài năm trở lại đây các cuộc thi thơ dành cho thiếu nhi
không còn được duy trì đều đặn khiến cho thơ thiếu nhi không có động lực để
thúc đẩy, phát triển, tăng về lượng và chất.
Trao đổi thêm với nhà văn Lê Phương Liên - người từng viết và
quan tâm đến văn học dành cho thiếu nhi, lại nằm trong ban chung khảo dự án văn
học thiếu nhi giữa Việt Nam và Đan Mạch đã và đang được triển khai về tương lai
3 năm tiếp theo của dự án liệu có dành cho thơ một cuộc thi? Nhà văn cho rằng:
Dự án hợp tác văn học thiếu nhi này do chính phủ Đan Mạch tài trợ, do đó phía
Đan Mạch chủ động cao hơn. Hơn nữa, hai chuyên gia của dự án là nhà văn và hoạ
sĩ nên họ sẽ phát huy thế mạnh của mình. Về phía Đan Mạch họ đã có khảo sát và
nhận ra các loại sách thiếu nhi dành cho lứa tuổi từ 2-5 ở Việt Nam còn quá ít,
chủ yếu là sách dịch nên họ muốn thông qua dự án này sẽ phần nào xây dựng được
những sáng tác dành cho lứa tuổi 2-5. Nội dung cơ bản của ba năm tiếp theo vẫn
là phục vụ đối tượng 2-5 tuổi, đào tạo, phát hiện một đội ngũ sáng tác trẻ,
tiềm năng ở thể loại văn xuôi và tranh truyện.
Như vậy, có thể xem dự án văn học thiếu nhi giữa Việt Nam và Đan
Mạch kéo dài trong 10 năm đã và đang được quan tâm đánh giá cao sẽ không có
cuộc thi dành riêng cho thơ.
Tuy nhiên, nhà văn Lê Phương Liên cũng bày tỏ mong muốn, trong tương
lai gần sẽ có một hội văn học nghệ thuật cùng phối hợp với phía Nhà xuất bản
Kim Đồng để tổ chức một cuộc thi thơ thiếu nhi. Tất nhiên, đó là một mong muốn
đẹp. Nhưng để từ mong muốn đó trở thành hiện thực thì cá nhân một nhà văn không
thể làm được.
Căn cứ sự phát triển của một loại hình nghệ thuật trong đó có thơ
thiếi nhi bằng các giải thưởng hay các cuộc thi chưa hẳn đã chính xác. Tuy
nhiên, trong một cái nền chung của thơ ca đương đại, của văn học thiếu nhi, thì
rõ ràng thơ thiếu nhi đáng để cho những người trong cuộc, cho những ai quan tâm
đáng phải suy nghĩ…
Hiền Nguyễn
(Nguồn: báo điện tử Tổ Quốc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét