Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

GVĐN 13: CUỘC SỐNG MUÔN MÀU



 Nguyễn Phương
Nhìn lại phong trào
văn nghệ quần chúng ở thị xã Long Khánh
Phải nói rằng Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng thị xã Long Khánh trong nhiều năm qua ngày càng duy trì và phát triển mạnh mẽ, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần nâng cao đời sống tinh thần phong phú, nâng cao hiệu suất học tập, hiệu quả sản xuất kinh doanh cho mọi tầng lớp nhân dân. 
Trung tâm Văn hóa Thể thao (VHTT) thị xã Long Khánh ngày càng nỗ lực, sáng tạo hơn để từng bước nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa văn nghệ (VHVN) của công chúng địa phương, đồng thời phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.
Dù gặp không ít khó khăn trong tổ chức các hoạt động VHVN, song xác định giải quyết các nhu cầu và lợi ích của cộng đồng thông qua hoạt động của chính mình đã khắc phục khó khăn, tổ chức phong phú, đa dạng nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật đến với công chúng. Các giải truyền thống hàng năm, những hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng được tiếp tục phát triển chất lượng, hấp dẫn thu hút ngày càng đông đảo đơn vị, thí sinh tham gia, đã lan toả từ đô thị đến các vùng nông thôn hẻo lánh.
Rất nhiều chương trình văn nghệ đặc trưng theo từng độ tuổi, theo đoàn thể, những giải truyền thống tổ chức hàng năm được Trung tâm VHTT Long Khánh chăm chút, đầu tư tổ chức thật hấp dẫn, sôi động. Do xác định đây là các giải được tổ chức định kỳ theo một chủ đề và có tính truyền thống hàng năm nên các hội thi, hội diễn ngày càng được đầu tư dàn dựng, thiết kế chương trình công phu và mang tính thi đua rất tích cực.
Nếu như tuổi thiếu niên có Hội thi Hoa phượng đỏ vào những mùa hè, Hội thi Tiếng hát dưới mái trường (dịp 20/11), Liên hoan văn nghệ Chúng cháu hát mừng mẹ và cô giáo được tổ chức vào dịp 8 tháng 3 Ngày Quốc Tế Phụ Nữ. Thanh niên có Hội thi Tiếng hát tuổi trẻ tổ chức dịp 26/3 kỷ niệm ngày thành lập đoàn hằng năm, nhằm thu hút các bạn trẻ, để từ đó phát hiện và bồi dưỡng tài năng đáp ứng cho các hoạt động văn nghệ chuyên nghiệp. Từ nơi này, các  ca sĩ Tiến Đạt, Đoan Trang, Trần Tâm, Khánh Duy, Diệu Hiền, Khởi My… đã trở thành các ngôi sao sân khấu ca nhạc hiện nay. Hội thi Tuyên truyền ca khúc cách mạng dành cho các tổ chức đoàn cơ sở tham gia; và mới đây là Liên hoan các nhóm nhảy hiện đại.
Ngoài ra, còn có chương trình Liên hoan văn nghệ ấp khu phố văn hóa (kéo dài từ 9/4 đến 21/4 hàng năm). Đây là chương trình văn nghệ quần chúng rộng rãi dành cho mọi tầng lớp nhân dân không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp ở các khu phố, thôn ấp trên địa bàn thị xã đều được tham gia, không những mang tính chất giải trí về tinh thần mà còn tạo động lực cho nhân dân trong lao động sản xuất, học tập; năm nay Liên hoan vừa được tổ chức trong 11 đêm, có 49 đơn vị ấp khu phố văn hóa tham dự với tinh thần thi đua sôi nổi. Tuổi trung niên có Liên hoan tiếng hát Cựu chiến binh (22/12); Hội thi văn nghệ người cao tuổi, dịp chào mừng ngày quốc tế Người cao tuổi 1/10 hàng năm.
Long Khánh còn rất chú trọng tổ chức các câu lạc bộ đội nhóm, cho các lứa tuổi tham gia sinh hoạt: Câu lạc bộ (CLB) Người Cao tuổi, tổ chức cho các cụ sinh hoạt, sáng tác thơ văn, lưu giữ và hun đúc ngọn lửa nhiệt tình cách mạng từ thế hệ trước chuyền cho thế hệ sau. Chi hội Văn học Nghệ thuật quy tụ nhiều văn nghệ sĩ, nhiều gương mặt đã có nhiều đóng góp cho Văn nghệ Đồng Nai như Hoàng Long, Bùi Viết Đồng (nhiếp ảnh nghệ thuật, đạt nhiều giải quốc gia), Nhạc sĩ Nguyễn Phương, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tác giả của nhiều khúc tráng ca về Long Khánh; nhà phê bình văn học Bùi Công Thuấn, vừa đạt giải C của Ủy ban toàn Quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Chi hội cũng đã tổ chức nhiều hoạt động như triển lãm tranh ảnh, thi sáng tác thơ văn, tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu, in ấn đặc san Văn Nghệ Long Khánh hàng năm; các CLB Ông bà cháu, CLB đờn ca tài tử, CLB Sơn ca… cũng được tạo điều kiện sinh hoạt thường xuyên.
Về những thuận lợi trong phong trào văn nghệ quần chúng cũng khá nhiều, nhưng những khó khăn cũng không ít.
Đó là, quần chúng ở các lứa tuổi đều rất nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ do Trung tâm VHTT phối hợp với các ban ngành tổ chức. Cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo các đơn vị, ban ngành đoàn thể đều có sự quan tâm động viên cho phong trào ở cơ sở.
Cái khó hiện nay là trong tình hình toàn cầu hóa, sự giao lưu văn hóa văn nghệ, sự “xâm lăng” văn hóa đang diễn ra hết sức quyết liệt, làm băng hoại một bộ phận không nhỏ giới trẻ. Đó là lối sống hưởng thụ vị kỷ, là chủ nghiã thực dụng, chỉ biết kiếm tiền bất chấp luân thường đạo lý, sự phai nhạt lý tưởng và những tệ nạn, tội phạm đang diễn ra hàng ngày trong giới trẻ. Đó là do sự mất gốc “nền tảng tinh thần” của văn hóa Việt trong giới trẻ. Thực tế này đặt ra cấp bách nhiệm vụ văn hóa văn nghệ quần chúng.
Mặt khác, do giao lưu với thế giới và với nhiều nền văn hóa lớn, công chúng hiện nay đã có nhận thức và nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ rất cao. Nếu không nâng cao chất lượng các hoạt động nghệ thuật quần chúng thì không thể thu hút được quần chúng về phía văn hóa văn nghệ cách mạng.
Còn thứ nữa là khó trong kinh phí hoạt động, mặc dù đã có xã hội hóa một phần nhưng cũng chẳng thấm thía vào đâu, trong khi giải thưởng và mức đầu tư chương trình tiết mục còn khoảng cách khá lớn. Các đơn vị đã đầu tư chi cho may, thuê trang phục, đạo cụ hóa trang, bồi dưỡng luyện tập, phương tiện di chuyển… rất tốn kém.
Tuy nhiên để hoạt động Văn hóa văn nghệ ở địa phương ngày càng phát triển tiến bộ, chất lượng cũng cần nghiên cứu làm sao cho phong trào được khuấy động rộng khắp, thường xuyên liên tục, đặc biệt là các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng ở cơ sở; không chỉ có văn nghệ mà còn nhiều lễ hội, nhất là những lễ hội truyền thống, bởi lễ hội truyền thống có sức tác động sâu sắc ý thức về dân tộc, hun đúc lòng tự hào dân tộc, thấm nhuần những bài học lịch sử và cách mạng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn… nếu làm được điều này, đời sống tinh thần của nhân dân sẽ hết sức sống động, công chúng ngày càng tự giác tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa ngày càng phong phú hơn.
Mặt khác, chất lượng văn hóa văn nghệ quần chúng chỉ được nâng lên khi có một đội ngũ nhân sự được đào tạo hẳn hoi, có chuyên môn vững, và có kỹ năng tổ chức thành thạo các hoạt động. Ngành Văn hóa cần mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ cấp xã, ấp cả về chuyên môn nghiệp vụ. Chính những cán bộ này sẽ góp phần nâng chất lượng Văn nghệ quần chúng ở cơ sở ngày càng hiệu quả hơn. Trong thực tế, nhiều đơn vị rất nỗ lực đầu tư, và huy động được một lực lượng quần chúng tham gia đông đảo, song chất lượng các tiết mục vẫn không vượt lên được vì thiếu cán bộ chuyên môn hướng dẫn.
Phong trào có ổn định chắc cũng cần phải nhắc đến vấn đề kinh phí; Nhà nước có chính sách đầu tư kinh phí thỏa đáng cho các vùng miền, bởi văn hóa của ta đã từ lâu được mệnh danh là “vui chơi có thưởng” nếu tính đầu người để phân bổ kinh phí hoạt động thì cũng chưa tương xứng, mà phải căn cứ và chương trình kế hoạch hoạt động cụ thể của các đơn vị địa phương để phân bổ cho hợp lý.
Trên đây là một số ý kiến trao đổi của người làm công tác văn hóa ở Long Khánh, mong sao phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng chất lượng, phát triển rộng khắp, để góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân trên mọi miền đất nước.
@

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét