Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

GVĐN 13: KÝ CỦA NGUYỄN TÂN TRIỀU


NGUYỄN TÂN TRIỀU
(HV Hội VHNT Đồng Nai)

Nguyễn Tân Triều là bút danh của thầy giáo Bùi Văn Thành, hiện là phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn một trường tiểu học của huyện Vĩnh Cửu. Nhiều thế hệ của gia đình ông đã sinh sống ở làng bưởi Tân Triều nổi tiếng của ĐN.
Nguyễn Tân Triều là hội viên Hội VHNT ĐN, thường viết thể loại ký. Hai bài ký giới thiệu trên GVĐN số này xin được thay quà mừng sinh nhật 12.5 vừa qua của tác giả.
Khôi Vũ

VỀ THĂM XỨ BƯỞI


Dọc theo tỉnh lộ 768 theo hướng Biên Hòa về khu du lịch Bửu Long, đi tiếp chừng hai cây số nữa thì sẽ đến khu trung tâm của làng Bưởi Tân Triều (Huyện Vĩnh Cửu, Tỉnh Đồng Nai)
Rẽ vào cây cầu Tân Triều, con đường duy nhất đưa du khách vào tham quan khu du lịch sinh thái của làng Bưởi, khách sẽ ngạc nhiên bởi không khí trong lành, tươi mát với nhiều vườn bưởi xanh um, đầy những quả sai trái ngọt dọc hai bên đường. Nhà cửa ẩn hiện phía sau các vườn bưởi như những nét chấm phá của một bức tranh tuyệt đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho riêng khu vực đặc biệt này… Với hơn 400 hécta diện tích cây bưởi, vùng đất Tân Triều - một xóm đạo hiền hòa, hiếu khách từ bao đời nay - bỗng trở thành một trung tâm du lịch, thu hút khách tham quan đến từ mọi miền đất nước.
Được bao bọc bởi dòng sông Đồng Nai ngọt ngào, màu mỡ phù sa; với một độ pH thích hợp cho cây bưởi - một loại trái cây đặc sản riêng biệt của vùng đất anh hùng này - Tân Triều trở nên nổi tiếng với nhiều loại bưởi đã trở thành thương hiệu riêng biệt của mình: bưởi đường lá cam, bưởi đường núm, bưởi thanh, bưởi ổi,… mỗi tên, mỗi loài đều có những đặc điểm và hương vị riêng biệt mà ai đã nếm thử qua một lần đều sẽ luôn ao ước được thưởng thức lại thêm nhiều lần nữa! Này nhé: đường núm rất đẹp mã, ngọt thanh, múi hơi dòn, rất được ưa dùng vào biếu xén, chưng cúng trong các ngày lễ tết; đường cam quả bé hơn, dáng hơi tròn, chắc thịt, ngọt lịm như đường, hương thơm ngát dịu, thỏa mãn cho bất cứ ai, dù là người khó tính nhất; bưởi ổi hơi khô, có vị thơm dịu, rất được nhiều người ưa thích, đặc biệt là bưởi ổi khi hái xuống khỏi cây, có thể để lâu được đến sáu tháng, vỏ khô quắt lại nhưng chất lượng bên trong thì lại được nhân lên gấp bội phần; bưởi thanh có vị chua ngọt, mọng nước, làm gỏi với ít tôm tươi, tai heo,… thì sẽ trở thành một đặc sản ngất ngây cho quí ông khi đi kèm với một ít rượu bưởi đặc biệt của vùng đất Tân Triều này!
Từ trước năm 1975, bưởi Tân Triều - nhất là bưởi ổi - đã được xuất khẩu rất nhiều qua Hồng Kông, Đài Loan,… nhất là vào các dịp lễ, Tết. Sau ngày Giải phóng, 5 tấn bưởi Tân Triều cũng đã được đưa ra Hà Nội giới thiệu và phục vụ tại Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng… Đến thời mở cửa, kinh tế phát triển, nhu cầu của cuộc sống tăng lên, thương hiệu bưởi Tân Triều được biết đến một cách rộng rãi và đã có nhiều quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng… và cho đến nay, cây bưởi đã là thế mạnh không chỉ của riêng Tân Triều, mà còn là của cả huyện Vĩnh Cửu với các dự án ngắn hạn, dài hạn về  cải tạo vườn tạp, mở rộng vườn chuyên, chọn lựa cây giống đầu dòng để nhân rộng, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản và tiêu thụ, giới thiệu loại quả đặc sản này trong phạm vi cả nước, trong khu vực và trên toàn thế giới.
…Về thăm khu du lịch sinh thái vườn Năm Huệ (khu trung tâm du lịch của Làng Bưởi), du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy những vườn bưởi xanh tươi trĩu oằn sai trái, đong đưa cành lá trong nắng sớm; được tận tay sờ mó, vuốt ve những quả bưởi chín mọng đang lắc lỉu trên cành, được chạy nhảy tung tăng trong vườn cây mát rượi với không khí trong lành, thanh khiết; được chụp ảnh, quay phim lưu niệm với vô vàn những khung cảnh thơ mộng và xinh đẹp của Làng bưởi. Du khách còn có thể lên canô dạo một dòng quanh cù lao Tân Triều để thưởng thức bao nhiêu là cảnh đẹp của vùng quê yên tĩnh… và khi đã thấm mệt, du khách có thể trải bạt, cắm trại ngay dưới những tàng lá xum xuê của vườn bưởi hoặc ngồi trong những túp lều thơ mộng cạnh bờ sông ngắm ra con rạch xinh xinh mà thưởng thức những thức ăn đặc biệt của vùng đất trù phú này: đó là món gỏi bưởi đặc biệt của Tân Triều; món gà ta, vịt xiêm được chế biến rất riêng với những hương vị không sao tả được; món nấm nướng nóng hổi, thơm lừng đấy hấp dẫn… cùng với hàng chục món ăn dân dã khác như: cá lóc thui rơm, cu đất nấu cháo trứng lộn,… Tại đây, món rượu bưởi cũng góp phần tăng thêm kích thích cho vị giác và khứu giác của du khách vì nó rất phù hợp, rất đúng điệu cho những bữa tiệc dã ngoại đầy hấp dẫn như thế này…
Đến Tân Triều, du khách còn có dịp được tham quan các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử khác cũng rất đặc biệt và hấp dẫn như ngôi Thánh đường Tân Triều - nhà thờ được xây dựng đầu tiên ở Miền Nam này với niên đại hơn 130 năm. Nơi đây còn lưu giữ một số đồ vật rất cổ, trong đó có cặp chuông đồng rất to và rất nặng, có tiếng ngân rất hay, được đem về từ Pháp ngay lúc mới thành lập Thánh đường. Nơi đây cũng có một số ngôi đình, chùa cổ, còn lưu lại những di vật từ thời Nguyễn Ánh… Đêm về, ánh điện của các ngọn đèn cao áp dọc hai bên đường cũng tạo cho du khách những cảm giác kì ảo khi lướt xe qua những vườn bưởi thấp thoáng lá cành đang đu đưa trong gió… Được biết, đặc sản bưởi Tân Triều và rượu bưởi Tân Triều là những mặt hàng đang rất được ưa chuộng trên thị trường trong nước. Tại khu triển lãm những thành tựu của Đồng Nai kỉ niệm 310 năm Biên Hòa hình thành và phát triển, riêng đặc sản bưởi và rượu bưởi Tân Triều đã có đến ba gian hàng tham gia với sức thu hút rất cao, lúc nào cũng có khách ghé vào tham quan và mua sắm. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai, cũng đã có cuộc phát động bình chọn những cảnh đẹp nhất của Đồng Nai, công trình kiến trúc đẹp nhất và bài hát viết về Đồng Nai hay nhất thì Làng bưởi Tân Triều cũng đã có được vinh hạnh là một trong 10 cảnh đẹp được đề cử…
Có đến Tân Triều vào mùa thu hoạch bưởi, khách mới thấy hết được cái gọi là “Làng Bưởi”. Bưởi ở đây vàng rực trên cành, oằn nặng dưới tàng cây, đong đưa trong gió. Bưởi sà cả trên mặt đất và che mất cả tầm nhìn của ta… Mời bạn hãy làm một chuyến tham quan đến làng bưởi Tân Triều để thấy hết những điều muốn thấy và nghe hết những điều muốn nghe. Người dân nơi đây thật thà, chất phác, rất cần cù, say mê công việc nhưng cũng rất mến khách phương xa. Qua chung trà, miếng bưởi, bạn sẽ được thoải mái tâm hồn, cách xa cuộc sống ồn ào nơi đô thị và hòa nhập với người dân xứ bưởi. Xứ bưởi Tân Triều - một vùng đất quê mùa nhỏ bé - nhưng rất nên thơ và cũng rất đáng yêu. Xin mượn câu ca dao sau đây để kết thúc cho bài viết này:
“Dù ai xuôi ngược trăm chiều,
Đừng quên xứ bưởi Tân Triều quê tôi…”


MÙA NƯỚC LŨ

Mùa nước lũ quê tôi thường bắt đầu từ tháng 7, tháng 8 âm lịch hàng năm. Đó là những ngày cuối thu. Sau mùa khai giảng, trời mát dịu với những cơn gió hiu hiu xô dạt những ngọn lúa xanh mơn mởn đang thì con gái, tạo thành những đợt sóng lượn đuổi bắt nhau đến tận chân trời. Như đã thành qui luật, cứ sau khi cánh đồng thẳng tắp quê tôi được phủ kín màu xanh của vụ mùa vừa mới cấy thì lại đến đợt hạn bà chằn. Anh nắng chói chang của bầu trời nhiệt đới làm héo khô cây cối, đất nẻ chân chim và cháy bỏng cả đất trời. Thỉnh thoảng, một vài cơn gió khô khốc mang theo cái nắng oi nồng rát bỏng thổi vút qua như muốn đốt cháy mọi sinh vật trên con đường phiêu lưu của nó… Nhưng, đây là lúc bọn trẻ chúng tôi chuẩn bị tích cực đón mùa nước lũ. Bởi vì, đợt hạn hán sẽ kéo dài không lâu, từ 15 đến 20 ngày là cùng. Ngoài giờ học, chúng tôi lại tụ tập kiểm tra từng tay lưới, chuẩn bị ống trúm, cần câu, cái đục, tay lờ,… Và bên cạnh đó là những câu chuyện bất tận về một kế hoạch vĩ đại cho một mùa nước lũ nay mai. Những buổi trưa nồng tắm sông hay vào những buổi chiều dịu mát dắt trâu ra bãi, chúng tôi lại bí mật đóng bè hay trét lại chiếc ghe phế thải mà người lớn đã bỏ đi bằng số dầu chai của thằng Út “rán” chôm được của Ba nó. Rồi đêm đêm, thả mình trên đệm cỏ dưới gốc cây bằng lăng quen thuộc, chúng tôi lại nhìn trời, mong chóng đến ngày nước lũ dâng lên…
Và rồi những ngày mong đợi cũng đến. Bắt đầu là những đám mây đen xuất hiện trên bầu trời. Chúng cuồn cuộn trôi đến, to bằng con heo, con trâu rồi ngôi đình, trường học,… và chẳng bao lâu che kín cả bầu trời. Giông gió nổi lên, những đám mây đen dần, nặng trịch sà xuống. Cùng với sấm sét giăng bủa cả bầu trời là những hạt mưa rơi xuống, nặng dần, nặng dần rồi ồ ạt, trắng xoá trên cảnh vật. Mọi người ùa cả ra khỏi nhà reo vui mừng rỡ. Người lớn thì khai mương, hứng nước, khoan khoái vui mừng. Trẻ con thì vui sướng đùa nghịch trong mưa, bày trò đá banh, đua ghe bằng lá,… và rồi với bầu trời xám xịt, mưa kéo dài liên tục đến năm ba ngày, nước tích lại, dềnh lên thành lũ. Ruộng lúa, cánh đồng vừa thoát cơn hạn hán, chưa kịp hả hê mừng rỡ, giờ đã bị nước ngập lút đầu, mênh mông bất tận. Nước từ sông Đồng Nai chảy qua con rạch, tràn ngập hai bờ với một sức mạnh không ai ngăn nổi. Có năm, mưa chỉ xảy ra ở đầu nguồn, trời âm u, sấm chớp nhưng nước lũ tràn về với một cường độ mạnh mẽ và rất hung hãn. Chỉ cần một buổi là có thể dâng cao đến một vài mét! nước băng băng phá vỡ bờ bao, ruộng đồng và xoá sạch nhiều thành quả lao động của bà con nông dân. Các con lộ dẫn vào làng đã bị chìm sâu dưới làn nước lũ. Trường học phải đóng cửa để học sinh tạm tránh lũ với gia đình. Nhà nhà đều tích trữ lương thực, cụ bị quần áo và tranh thủ thu hoạch những sản phẩn đang chìm trong nước lũ. Nếu nước ngập nhiều thì phải di tản khỏi làng, bởi vì quê tôi là một cù lao thấp nằm cạnh dòng sông Đồng Nai, tuy hiền hòa nhưng có lúc cũng hung hãn; dù êm ả, nên thơ nhưng cũng lắm khi bão bùng, sóng dậy…
 … Mặc cho người lớn với những lo toan, thấp thỏm; bọn trẻ chúng tôi lại được dịp nô đùa. Đây là thời điểm thích hợp nhất để chúng tôi bày ra các trò chơi bất tận. Này nhé, không phải đi học, chẳng phải chăn trâu lại chẳng phải  phụ giúp gì cho công việc ở gia đình. Chúng tôi suốt ngày ngâm mình trong dòng nước bạc, hết giăng lưới đến bủa câu rồi đặt lờ, cất vó,… Với những chiếc ghe và bè tự tạo, chúng tôi sục sạo hết nơi này đến nơi khác với những trò chơi rất là trẻ thơ, dân dã. Đến giờ ăn, chúng tôi lại tổ chức nấu nướng, ăn uống ngay trên bè hay dưới gốc cây bằng lăng quen thuộc. Cá tôm thì nhiều vô kể, lại còn có cả lươn, rùa, ếch, nhái, ba ba… Ăn uống chán chê, cả bọn lại kéo nhau vùng vẫy, bơi lội dưới những con rạch mênh mông sóng nước với những trò chơi vô tận: bơi lội, lặn sâu, rượt đuổi, trốn tìm,… Và đêm đến, trên những chiếc bè dập dềnh trên sóng nước, dưới ánh đèn mờ ảo chập chờn của đêm trăng, chúng tôi ngồi quanh nồi chè bốc khói hay những mẻ đậu phộng rang thắng kẹo đổ vào bẹ chuối, say sưa, rôm rả với những câu chuyện bù khú, không đầu không đuôi, hoặc chỉ với một cây đàn guitar chưa tới năm dây là đủ cho chúng tôi ca hát say sưa quên đời, quên đi lũ lụt đang bao quanh làng xóm, quên cả những ánh mắt mỉa mai, hay những lời chua cay, châm biếm của người lớn đang tất bật lo toan chống chọi cùng lũ... Mùa nước lũ cũng là mùa của bắt ốc, mò cua, ngâm mình suốt ngày trong làn nước bạc của mưa nguồn, mặc cho da thịt tái tê, rét cóng trong những cơn mưa tầm tã hay phơi những tấm lưng trần mốc thếch dưới ánh mặt trời đỏ lựng của mùa thu. Và còn nhiều, nhiều nữa những thú vui bất tận mà đám trẻ miền quê chúng tôi được tận hưởng trong mùa nước lũ như đi câu cá rô, hứng cá bay, bắt chim bầy trong đám mía, giăng câu giàn, đặt trúm bắt lươn,… Mà mỗi ngày, mỗi đứa chúng tôi cũng mang về được cho gia đình từ một đến hai ký cá đủ loại. Đặc biệt là việc đi bắt trùn hổ. Do sống không được trong nước, lũ trùn cũng bò cả lên bờ, túm tụm quanh mấy gốc cây dừa, nhiều vô số kể. Chúng tôi chỉ cần mang thùng thiếc đến, nhặt bỏ vào đó, khiêng về làm mồi cho bầy vịt 100 con có thể ăn thoải mái trong cả ngày…
Rồi trời lại nắng đẹp trở lên, nước rút dần và mùa lũ đi qua. Mọi nguời lo dọn dẹp, khắc phục những hậu quả do ông trời đem đến. Còn bọn chúng tôi, cũng luyến tiếc chia tay mùa nước lũ, chia tay với những kỷ niệm tuyệt vời để trở lại với mái trường và cuộc đời bình ổn cùng bao câu chuyện ngàn đời của lứa tuổi học sinh, lòng thầm mong năm tháng qua nhanh để năm sau lại vui chơi cùng mùa nước lũ…
… Rồi Thủy điện Trị An cũng đã xây hồ, đắp đập để ngăn chặn dòng nước đầu nguồn, phục vụ cho tuốc-bin phát điện quanh năm. Mùa nước lũ quê tôi đã không còn như  mong đợi. Lũ bây giờ cũng vẫn về nhưng không còn tính chất như xưa. Khi hồ chứa tràn đầy, quá tải, người ta mở cửa đập cho nước xuôi về phía hạ lưu. Và cơn lũ đã nhanh chóng tràn về chỉ trong chốc lát, nhấn chìm xóm làng, thôn xóm ven sông. Nhưng khi cửa đập được đóng lại thì chỉ trong vòng một ngày, nước rút sạch sành sanh. Không còn cảnh cùng rong chơi trong lũ, đón nước về trong vui sướng của tuổi thơ; được nghỉ học, được tự do, được tung hê trong những sinh hoạt đặc trưng của mùa nước nổi. Đón lũ bây giờ chỉ có những vội vàng, toan tính để làm sao cho kịp chuyện học hành, thuận lợi việc làm ăn. Ngay cả tuổi thơ cũng hững hờ với lũ vì chúng còn nhiều phương tiện giải trí khác để sinh hoạt, vui chơi. Con tạo xoay vần, cuộc sống ngày một hối hả, cấp tập hơn, cuốn hút chúng ta trong vòng vây của nó. Nhưng có lúc nào đó, trong những phút giây thư giãn, ta thả hồn mình theo lượn sóng thời gian, vô tình trong ký ức, những kỷ niệm xa xưa cứ cuồn cuộn trôi về, ta ngồi ôn lại chúng mà không khỏi xúc động, bồi hồi, nuối tiếc cho thời gian trôi đi không trở lại. Vâng! Có những kỷ niệm đã hầu như quên lãng, nhưng chỉ thoáng vô tình  đã bừng sáng trong tim. Mùa nước lũ quê hương đối với tôi quả là một kỷ niệm êm đềm. Dù cho cuộc sống có nhấn chìm vào quên lãng, dù thời gian có phai mờ theo năm tháng thì tôi vẫn nhớ hoài mùa nước lũ quê hương…
@

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét