Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

GVĐN 13: CHỮ VÀ NGHĨA


CHỮ VÀ NGHĨA

CHỮ TRẠCH TRONG NHƠN TRẠCH
NGHĨA LÀ GÌ?

Tôi cố công tìm tự dạng bằng chữ Hán hai chữ Nhơn Trạch nhưng tìm riết đến nay vẫn chưa được. Chữ “nhân” ở phía Nam thường đọc trại âm là “nhơn” có vẻ dễ hiểu nhưng thực ra thì ít nhất chữ nhân (Theo từ điển Hán Việt tự điển thông dụng của Lạc Thiện) cũng có đến 7 tự dạng và nghĩa khác nhau. Thí dụ như chữ nhân trong hôn nhân khác chữ nhân trong lòng nhân. Với địa danh Nhơn Trạch có thể hiều đó là nhân: người; hoặc nhân: lòng nhân. Tự dạng hai chữ này khác nhau. Thế còn trạch?

Trong giao tiếp hàng ngày, ta thường nghe những từ ghép như tuyển trạch, địa danh có đầm Dạ Trạch, huyện Bố Trạch (Hà Tĩnh), huyện Nhơn Trạch... Tôi lật Đại từ điển chữ Nôm của học giả Vũ Văn Kính thì thật bất ngờ, con cá chạch mà ta thường nghe, gọi lại là cá trạch. Có 4 chữ Nôm viết theo lối hài thanh có nghĩa là con cá trạch (chạch) - có câu ca dao Lươn ngắn lại chê trạch dài - Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm; bờ đất (đắp bờ con trạch giữ nước); trạch trong thổ trạch và tuyển trạch. Các chữ nôm này có chữ Hán đọc là trạch hài thanh thành chữ Nôm viết kèm chữ khác có nghĩa tương ứng.
Tôi cũng bỏ công tìm trong Gia Định thành thông chí của Nhà xuất bản Đồng Nai, năm 2005, tìm ở phần phụ lục từ vựng địa danh, chỉ có chữ Nhu Nê Trạch, giảng nghĩa là chằm Nhu Nê và nhận ra tự dạng trạch ở đây. Trong Từ điển Hán Việt của học giả Đào Duy Anh, có mục từ trạch và đến 17 từ ghép Hán Việt và tự dạng Trạch (chữ Hán) trong Gia Định thành thông chí giống với chữ trạch trong Nhu Nê Trạch và riêng chữ trạch này được cụ Đào Duy Anh giảng đến 4 nghĩa là: cái hồ nước, đem nước vào ruộng, trơn bóng và ơn huệ. Còn có từ ghép Hán - Việt, trạch nhân giảng nghĩa là người ở trên mặt nước và tên chức quan xưa chuyên quản về việc ở trên mặt nước.
Căn cứ vào yếu tố địa lý của huyện Nhơn Trạch thì chữ trạch trong Nhơn Trạch là cái đầm, cái chằm, chỗ nước đọng lớn. Một nghĩa khác khả dĩ là ân trạch, làm sự ân đức đến với mọi người như trong Tự điển Hán Việt của Thiều Chửu. Tôi nhớ có một bản đồ xưa về Nhơn Trạch do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, một chuyên gia hàng đầu nước ta về địa bạ có in bản đồ có chữ trạch nghĩa là chỗ nước đọng trong một ấn phẩm chuyên về huyện Nhơn Trạch của tạp chí Xưa & Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Tự dạng chữ trạch viết bằng chữ Hán trong Nhơn Trạch và đầm Dạ Trạch giống nhau. Trạch có nghĩa là đầm mà còn có chữ đầm ở trước là lối ghép từ thường thấy trong tiếng Việt như đường quốc lộ, bến xe xa cảng, gần đây có fan hâm mộ (!).
Địa danh Dạ Trạch gắn liền với tích Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung thời Hùng Vương, đến thế kỷ thứ VI Triệu Quang Phục lập căn cứ chống quân nhà Lương, sau này Nguyễn Thiện Thuật cũng làm căn cứ chống Pháp trong phong trào Cần Vương. Chữ Dạ Trạch xuất phát từ chữ nhất dạ trạch, tức là đầm một đêm. Chuyện rằng khi Chử Đồng Tử và Tiên Dung biến một vùng Hà Thán bên sông Hồng thành nơi đô hội, vua cha có ý nghi ngờ, đem quân tới, để giữa hóa khí, Chử Đồng Tử và Tiên Dung bay về trời và nơi đô hội đó sau một đêm trở thành đầm nước, tức Nhất Dạ Trạch và sau này là Dạ Trạch.
Xin nói thêm, trạch giảng nghĩa là cái chằm, nơi đọng nước, tôi tìm trong Từ điển từ ngữ Nam bộ của TS Huỳnh Công Tín (NXB Chính trị quốc gia, 2009); không thấy mục từ chằm, chắc là một tiếng cổ không còn thông dụng. Ngoài ra còn từ ghép Hán Việt dương trạch nghĩa là nhà cửa và âm trạch nghĩa là mồ mả; chưa kể nhiều chữ trạch khác. Theo thiển ý, Nhơn Trạch là vùng đất có sông ngòi, đầm lầy nhiều lòng nhân từ .
TRẦN PHI CHÂU 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét