Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

GVĐN 14: QUANH ẤM TRÀ CỦA PHAN VĂN TÚ, TRẦN PHI CHÂU, NGUYỄN THÁI HẢI



PHAN VĂN TÚ
(Khoa báo chí Truyền thông, ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh)

KỂ CẢ
(Tản mạn nhân đọc bài thơ “Rượu của Nguyễn Cao Kỳ” của BẰNG VIỆT)

Bài thơ làm theo lối tự sự, ai đọc cũng hiểu cái nghĩa tường minh qua câu chuyện được kể trong thơ: Trong một bữa tiệc, vị thiếu tướng công an mang ra chai rượu do ông Nguyễn Cao Kỳ - tướng “râu kẽm” của quân đội Sài Gòn cũ, nguyên Phó Tổng thống của chế độ Việt Nam Cộng hòa - mang từ Mỹ về gửi tặng. Mọi người trong bàn bảo uống, nhưng có một người kiên quyết không chịu uống, dù đó là “chén rượu thăm quê”, rượu của một người mới được Nhà nước cho phép về quê sau bao năm bỏ nước:

Vị thiếu tướng công an cầm chai rượu ra bàn:
“Ông Nguyễn Cao Kỳ mới về gửi tặng”
Mọi người đang vui, gật gù bảo uống
Nhưng một người bảo “Không!”
Vì sao không? Rượu cứ ngon là rượu!
Whisky Mỹ hay Vodka Nga, giờ có mặc cảm gì,
Chiến tranh lạnh qua rồi, ba mươi năm sau chống Mỹ
Đây là chén rượu thăm quê của tướng Nguyễn Cao Kỳ!
Nhưng vẫn có một người không chịu uống!

Không phải đợi đến năm 2007 khi Bằng Việt viết bài thơ này, chủ đề hàn gắn vết thương quá khứ, hòa giải hòa hợp dân tộc mới được đặt ra. Nhưng dù chiến tranh đã lùi xa 35 năm, những nỗi đau mất mát ngày nào vẫn chưa vơi hết. Vượt qua chính mình, vượt qua quá khứ là một nỗ lực nhân văn. Bảo Ninh gần 20 năm trước đã cố nhìn cuộc chiến tranh ấy như một nỗi buồn lớn của dân tộc. Và nhà thơ Nguyễn Duy cũng từng viết: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh / Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”:
Vì sao không? Chẳng cố chấp quá ư?
Cậu là lính phòng không, chúng tớ đều cựu chiến binh cả chứ!
Cũng bom đạn, cũng Trường Sơn, cũng vào sinh ra tử,
Sống đến hôm nay, đâu phải để hận thù!
Có phải tự đáy lòng không vượt qua mặc cảm?
Không vượt qua nỗi buồn của cuộc chiến tranh xưa,
Không vượt qua chính mình, không vượt qua quá khứ,
Vết thương cũ còn đau khi gió chuyển sang mùa...

Câu chuyện của Bằng Việt kể chỉ có vậy và cũng không khó tìm thấy trong thực tế đời sống mấy chục năm qua. Nhưng cái hay của bài thơ không phải là câu chuyện cụ thể ấy. Nó phảng phất đâu đó trong giọng thơ, trong cách kể chuyện. Rất nhiều người trong chúng ta khi đọc bài thơ đều dễ dàng nhận ra cái giọng thơ, cái góc nhìn thế sự rất riêng, rất Bằng Việt nhưng chỉ ra một cách rõ ràng, định lượng từ kết cấu, nhạc điệu, ngôn ngữ… cũng không phải dễ dàng, bởi bài thơ mới đọc cứ như một bản tin, một phóng sự rặt chất thông tấn báo chí.
Đoạn kết bài thơ, lại cũng cái mạch kể chuyện ấy, tác giả bất ngờ đẩy câu chuyện thành một ám ảnh: 
Đám đông ồn ào của chúng tôi cứ uống
Anh bạn chỉ ngồi im, cũng chẳng nói thêm gì,
Và bữa rượu bỗng dưng thành đắng đót
Chẳng phải tại vì ai, kể cả Nguyễn Cao Kỳ!

Không hiểu vì sao khi đọc câu cuối cùng của bài thơ, cái chữ “kể cả” cứ xoáy đi xoáy lại trong suy nghĩ của người đọc.
Trong tiếng Việt, cấu trúc câu có thành tố “kể cả” thì quá quen thuộc ngay cả với các em học sinh cấp một. Ví dụ: “Có chính sách động viên các nhà văn, kể cả những người đã nghỉ hưu và những người đang sinh sống ở nước ngoài”. Sau “kể cả” – thông thường - người ta liệt kê thêm một số thành tố thuộc về tập hợp đã khái quát trước đó nhằm nhấn mạnh hoặc sợ người khác vô tình loại ra khỏi tập hợp được nêu ra trước đó. Nhưng không chỉ có vậy, cấu trúc câu có “kể cả” trong tiếng Việt, tùy theo ngữ cảnh, có nhiều tác dụng về mặt ý nghĩa khác nhau. Có khi, sau “kể cả”, người ta gán một thành tố lẽ ra không thuộc (hoặc không tương đương với) tập hợp được khái quát trước đó vào chung trong một phát ngôn. Ví dụ: “Trong việc chọn bài vào tuyển tập thơ văn đợt này, cần ưu tiên cho những cây bút trẻ, kể cả những cán bộ Hội Văn nghệ”. Hoặc có khi, “kể cả” xuất hiện trong những câu mà tác giả cố ý chơi chữ. Chẳng hạn, gán thêm vào sau “kể cả” một/một vài thành tố có tác dụng làm phản nghĩa hoặc biếm nhẽ tập hợp đã đề cập trước, mà nếu không xếp cùng một phát ngôn thì không có ý nghĩa như vậy. Ví dụ: “Truyện ngắn trên báo Văn nghệ tỉnh mình luôn hấp dẫn, kể cả khi báo chỉ toàn in truyện của Tổng biên tập”. Hoặc gán một/một vài thành tố vào sau “kể cả” để dùng tập hợp đã khái quát trước đó biếm nhẽ, gây phản cảm cho chính thành tố được gán vào, mà nếu không xếp cùng một phát ngôn thì không có ý nghĩa như vậy. Ví dụ: “Tớ thật bất tài, không làm được gì cả, kể cả làm thơ đăng báo Văn nghệ tỉnh mình”.
Xét từ những cấu trúc như thế, có thể thấy, “kể cả” có khi mang nghĩa “bao hàm” (including) nhưng cũng có khi mang nghĩa “thậm chí”, “ngay cả” (even) và giúp cho người phát ngôn bộc lộ được cái nghĩa biếm nhẽ, cái giọng giễu nhại trong câu.
“Và bữa rượu bỗng dưng thành đắng đót / Chẳng phải tại vì ai, KỂ CẢ Nguyễn Cao Kỳ!” - mỗi người đọc thơ đều có thể cảm nhận theo cách riêng mình cái ẩn ý của tác giả qua cách dùng “kể cả” trong câu kết bài thơ.
Cấu trúc có thành tố “kể cả” là cấu trúc logic, đưa vào bài thơ cái cấu trúc thường xuất hiện trong văn phong hành chính như thế, tác giả phải thật sự “cao tay ấn”. Bài thơ khép lại bằng một âm tiết mở, nhưng đó là nguyên âm hẹp, hẹp nhất trong các nguyên âm: “i”. Nghe trong suy nghĩ bao dung của tác giả (“chẳng phải tại vì ai”) có chút buồn, chút “đắng đót”. Thông điệp ngoài lời từ câu thơ kết ấy cho thấy cái dụng công “tầng tầng lớp lớp” của tác giả: Chiến tranh đã lùi xa, vết thương cũ đã liền da, hãy cùng nhau nhìn về phía trước để góp phần làm cho Tổ quốc này ngày thêm giàu đẹp!

BẰNG VIỆT

“Rượu của Nguyễn Cao Kỳ”

Vị thiếu tướng công an cầm chai rượu ra bàn:
“Ông Nguyễn Cao Kỳ mới về gửi tặng”
Mọi người đang vui, gật gù bảo uống
Nhưng một người bảo “Không!”
Vì sao không? Rượu cứ ngon là rượu!
Whisky Mỹ hay Vodka Nga, giờ có mặc cảm gì,
Chiến tranh lạnh qua rồi, ba mươi năm sau chống Mỹ
Đây là chén rượu thăm quê của tướng Nguyễn Cao Kỳ!
Nhưng vẫn có một người không chịu uống!
Vì sao không? Chẳng cố chấp quá ư?
Cậu là lính phòng không, chúng tớ đều cựu chiến binh cả chứ!
Cũng bom đạn, cũng Trường Sơn, cũng vào sinh ra tử,
Sống đến hôm nay, đâu phải để hận thù!
Có phải tự đáy lòng không vượt qua mặc cảm?
Không vượt qua nỗi buồn của cuộc chiến tranh xưa,
Không vượt qua chính mình, không vượt qua quá khứ,
Vết thương cũ còn đau khi gió chuyển sang mùa...
Đám đông ồn ào của chúng tôi cứ uống
Anh bạn chỉ ngồi im, cũng chẳng nói thêm gì,
Và bữa rượu bỗng dưng thành đắng đót
Chẳng phải tại vì ai, kể cả Nguyễn Cao Kỳ!
2007


TRẦN PHI CHÂU
(Báo Lao Động Đồng Nai)

“NGŨ QUẢNG” Ở ĐÂU?

Tôi là người Bình Định chính gốc, cha Bình Định, mẹ Bình Định; nhưng một số lần trong giao tiếp, có người hỏi “Anh (ông) là người Quảng?”. Tôi lấy làm lạ về điều này vì ngữ âm của người Bình Định, nhất là Nam Bình Định - vùng Tây Sơn hạ đạo như huyện Tây Sơn nơi tôi sinh ra, gần với Phú Yên hơn là Quảng Ngãi, là hai tỉnh láng giềng, tỉnh giáp phía Bắc, tỉnh giáp phía Nam. Đó cũng là điều lạ vì ranh giới Bình Định với Phú Yên là đèo Cù Mông khá cao và có độ dốc cao hơn đèo Cả - ranh giới Phú Yên - Khánh Hòa; trong khi ranh giới Bình Định - Quảng Ngãi là đèo Bình Đê thấp hơn nhiều.
Thế nhưng điều này là thật. Trong giao tiếp và sử sách tồn tại cụm từ “dân Ngũ Quảng” . Căn cứ vào địa danh hành chính cấp tỉnh, dễ dàng nhận ra là Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và điều này đúng với lịch sử nhưng còn một “quảng” nữa là Quảng nào. Có một chuyện vui là khi tranh luận về điều này, một anh bạn sinh ở Huế nói rằng đó là Quảng Tín, tức Thừa Thiên - Huế ngày nay. Tôi “cãi”: Quảng Tín là tên một tỉnh trước 1975, tỉnh lỵ là Tam Kỳ, phần lớn thuộc Quảng Nam ngày nay, không có chuyện đó! Hai bên “cá” một chầu, anh trưng ra tờ bán nguyệt san có uy tín nói Quảng Tín là Thừa Thiên - Huế, tôi chịu thua.
 Sau đó tiếp tục có cuộc tranh luận về một “quảng” còn lại, có người nói rằng đó là Quảng Đức, tức Thừa Thiên - Huế. Từ hai cuộc cãi, tôi ra công tìm hiểu qua sử sách và mới biết chính xác rằng một “quảng” còn lại so với địa danh cấp tỉnh ngày nay chính là Quảng Đức tồn tại lúc đó.
Nói có sách, mách có chứng: Trong Đại Nam nhất thống chí, NXB Thuận Hóa, Huế, 2006; trang 107 viết rằng: “Mùa hạ năm Tân Dậu (1801), Thế Tổ Cao Hoàng Đế lấy Đô thành cũ, trích lấy ba huyện Hương Trà, Quảng Điền và Phú Vang thuộc phủ Triệu Phong đặt làm tỉnh Quảng Đức, lại trích lấy 2 huyện Hải Lăng và Đăng Xương và 1 huyện Minh Linh thuộc phủ Quảng Bình đặt làm dinh Quảng Trị. ( … ) Năm Minh Mệnh thứ 3 (1832) đổi dinh Quảng Đức làm phủ Thừa Thiên”. Như vậy chuyện đã rõ, sách của Quốc sử quán triều Nguyễn không thể chép sai.
Sau này, sách Việt Nam sử lược của học giả Trần Trọng Kim kế tục viết rằng: “Còn ở quãng giữa nước thì đặt Thanh Hóa trấn, Nghệ An trấn, Quảng Nghĩa trấn, Bình Định trấn, Phú Yên trấn, Bình Hòa trấn (tức Khánh Hòa) và Bình Thuận trấn. Đất kinh kỳ thống bốn doanh là: Trực lệ doanh Quảng Đức (tức Thừa Thiên bây giờ), Quảng Trị doanh, Quảng Bình doanh, Quảng Nam doanh” (Việt Nam sử lược, NXB Thanh Hóa, 2006).
 Như vậy Quảng Đức là Thừa Thiên - Huế ngày nay, một Quảng trong Ngũ Quảng. Quảng Đức thuộc đất Thuận Hóa, trước đó là châu Ô, châu Rí (có nơi viết là Lý); châu Ô do vua Chiêm là Chế Củ cắt đất giảng hòa khi Lý Thánh Tông chinh phạt và châu Rí gắn với cuộc tình đẫm lệ Huyền Trân công chúa - đại tướng Trần Khắc Chung khi vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân để lấy “của hồi môn” là châu Rí. (Huyền Trân công chúa được nhân dân tôn vinh là vì vậy; còn chuyện tình huyền thoại Huyến Trân - Khắc Chung sau này khi Chế Mân chết, Khắc Chung cứu Huyền Trân là chuyện khác).
Ngày nay dễ dàng nhận diện đất Ngũ Quảng từ đèo Nam đèo Ngang (Hoành Sơn) đến đèo Bình Đê, ranh giới Quảng Ngãi - Bình Định hiện nay. Đồng Nai là nơi “đất lành chim đậu”, bà còn Ngũ Quảng vào lập nghiệp rất đông, gia phả họ Mai là một họ lớn ở xã Tân Hạnh, Biên Hòa ghi gốc ở Quảng Ngãi. Người Quảng Ngãi có Lê Văn Duyệt đang được đánh giá yếu tố tích cực, Bình Tây đại nguyên soái Trương Công Định, người Quảng Ngãi, là chuyện đã rõ.
Thật ra theo thiển ý của người viết bài này thì cách dùng chữ Ngũ Quảng là do người đời sau, còn khi Nguyễn Hoàng vào Nam tránh bẫy Trịnh Kiểm theo câu “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và kéo dân đi theo thì lúc đó đã có “quảng” nào đâu?
Còn Quảng Tín được nêu đầu bài là tỉnh được tổng thống chính quyền Sài Gòn ký sắc lệnh 162 /NV ngày 31/7/1962 thành lập gồm thị xã Tam Kỳ làm tỉnh lỵ, có 5 quận là Thăng Bình, Lý Tín, Tuân Đức, Hậu Đức và Hiệp Đức; năm 1976 hợp nhất với các địa phương khác thành Quảng Nam - Đà Nẵng; nay là một phần của tỉnh Quảng Nam. Tỉnh Quảng Đức được thành lập từ sắc lệnh 24/NV, ngày 23/1/1959 (trước Quảng Tín), gồm tỉnh lỵ là thị xã Gia Nghĩa, có 3 quận là Đức Lập, Kiến Đức và Khâm Đức, sau 1976 là Đắc Lắc, nay phần lớn thuộc về tỉnh Đắc Nông.


Nguyễn Thái Hải (Khôi Vũ)
Ai sẽ mua...?

1. Một lần đi dạo nhà sách, tôi bắt gặp một tổng tập truyện thiếu nhi của một nhà văn nữ cao tuổi. Cuốn sách dày hàng ngàn trang và giá bìa thì chỉ có người rủng rỉnh tiền mới mua được. Trong lòng tôi lập tức dấy lên niềm ao ước mình cũng có một tập sách thiếu nhi dày như thế. Nhưng cũng lập tức trong tôi hiện ra câu hỏi: Ai sẽ mua cuốn sách “nặng” tiền này?
Mới đây, tôi lại được tặng một cuốn sách thiếu nhi khá dày, in đẹp, bìa cứng sang trọng và giá cũng “nặng” như cuốn sách. Đầu tiên tôi mừng cho tác giả, một bạn viết khá thân thiết, nhưng kế đến lại cũng là câu hỏi dạo nào: Ai sẽ mua...?

2. Trong thời gian 10 năm làm tờ tập san Dưới Mái Trường cho thiếu nhi Đồng Nai, tôi có nhiều dịp đến các trường ở vùng sâu vùng xa trong tỉnh để... bán báo. Không lần nào trong các chuyến đi ấy, tôi không lấy cái sản phẩm lẽ ra phải bán để thu hồi vốn mà... tặng không cho một số em học sinh chỉ dám nhìn tờ báo với ánh mắt thèm muốn vì không có ba ngàn đồng để mua.

3. Tôi nghĩ rằng những tác giả in sách cho thiếu nhi với độ dày của sách lên đến trên 300 trang, với giá bìa trên dưới một trăm ngàn đồng, chắc không nghĩ đến việc các em thiếu nhi trực tiếp mua sách của mình. Có lẽ theo dự kiến thì người mua sách sẽ là các bậc phụ huynh hoặc các em gia đình khá giả ở đô thị. Còn việc in sách dày như thế thì mang tính “tuyển tập”, làm kỷ niệm cho tác giả nhiều hơn. Việc này cũng nên làm khi có điều kiện (Bản thân tôi đến nay vẫn ao ước có vài cuốn sách dày dặn như thế mà chưa thực hiện được). Trong xã hội hiện đại, sách in đẹp để phục vụ một bộ phận độc giả có điều kiện về kinh tế, là chuyện đương nhiên, chẳng có gì đáng phàn nàn hay phản đối.

4. Tuy nhiên câu hỏi: Ai sẽ mua... vẫn cứ ám ảnh tôi. Tôi nhớ vào thời tuổi nhỏ của mình, trong các nhà sách có những cuốn sách thiếu nhi được in chỉ 32, 48 trang, bán với giá bằng tiền ăn sáng 2 ngày của một chú bé con nhà thường dân như tôi, đã được tôi nhịn ăn lấy tiền mua về đọc với cảm giác của một “sở hữu chủ” rất thích thú. Bây giờ, nếu in 32 hoặc 48 trang thì giá bán cũng phải đề trên dưới mười ngàn đồng, vẫn “khả thi” cho việc các em thiếu nhi ở cả đô thị và vùng nông thôn tự mua sách cho mình. Nhưng không biết có nhà xuất bản nào “hứng thú” với việc in ấn sách “bình dân” này?

5. Sang trọng ư? Dày dặn ư? Một phần giá trị từ giá bìa ư? Tôi ủng hộ. Nhưng tôi vẫn luôn mong có những cuốn sách mỏng cho thiếu nhi được in để các em có nhiều cơ hội được đọc hơn. Nhà văn viết sách để làm gì, nếu không phải là để phổ biến đến càng nhiều độc giả càng tốt!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét