Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

GVĐN 14: DỌC ĐƯỜNG VĂN



 NHÀ THƠ TẠ VĂN SỸ - “KON TUM THƠ” VÀ... NỢ 50.000.000 VNĐ
Văn Công Hùng

Ông nhà thơ Tạ Văn Sỹ vừa làm một việc khá là... động trời.
Ấy là tự bỏ công ra mấy năm sưu tầm biên soạn và sau đó là... ký nợ để in tập tuyển KON TUM THƠ, gồm 123 bài của 123 tác giả. Sách dày hơn 400 trang giấy láng 100ml, bìa do Nguyễn Trọng Tạo thiết kế và lời giới thiệu của già làng Tây Nguyên - Nguyên Ngọc - đánh giá đây là lịch sử Kon Tum bằng thơ.

Tỉnh Kon Tum có kế hoạch đầu tư khá nhiều tiền cho các hoạt động để kỷ niệm 100 năm thành lập, nhưng cuốn sách này không nằm trong diện ấy, nó do Tạ văn Sỹ, vì máu thơ và yêu Kon Tum quá mà xắn tay áo làm. Nhưng nó đã được xuất bản đúng dịp 100 năm Kon Tum.
Vấn đề là, ai cũng biết, Tạ Văn Sỹ là nhà thơ... xã hội hóa khá độc đáo của Việt Nam. Tức anh hành nghề xe ôm để nuôi thơ. Thời trai trẻ anh là một tay xe ôm chuyên nghiệp, có cả những mối đường dài. Thi thoảng tôi lại được vinh hạnh đón anh cả buổi, là bởi anh có khách kêu chở đi Pleiku. Trong lúc khách làm việc của khách thì anh chạy đến chỗ tôi ngồi tán gẫu, hoặc làm ít ly. Các văn nhân kẻ sĩ đến Kon Tum, thay vì đi tắc xi hoặc thuê ô tô thì thường kêu anh đi, dù biết ngồi xe ôm nó khác xa ngồi ô tô, nhưng bù lại là cách giúp Sỹ có thu nhập, và thực sự thì Sỹ cũng có kiến thức rất rộng về Kon Tum, là một “gai” có hạng. Và anh còn có máu xê dịch, con chiến mã chạy xăng đã đưa anh đi gần khắp các tỉnh thành trong cả nước. Cứ chạy xem ôm chừng tháng, lận lưng vài trăm bạc là anh phon. Đến đâu ghé nhà bạn bè, hết tiền thì bạn bè dúi cho ít chục rồi lại xoa tay... tiễn tiếp.
Sau này sức khỏe yếu và có ông con rể thầu xây dựng “nịnh” bố vợ bằng cách 1 tháng trả cho bố vài triệu để bố... ngủ ở công trường coi kho cho con rể. Để cầm chân bố một cách lành mạnh và vững chắc, ông này mua cho bố một con laptop “dùng được”, và từ con laptop ấy, Sỹ tập hợp tập KON TUM THƠ.
Cuốn này in xong thì Sỹ nợ nhà in... 50 triệu.
Và ông cũng đi... nằm viện ngay sau đó, bị động mạch vành khá nặng, xuống tận Huế để nằm, nhưng rồi bỏ về vì không đủ tiền để đặt sten (không biết viết thế có đúng không), là đặt một cái ống để nong mạch máu ra cho nó khỏi tắc, bởi nó mà tắc phát là ò e í e ngay.
Nghe nói ông cũng đã có... nhá xèng với tỉnh Kon Tum quyển này, nhưng vì không có kế hoạch trước, hay là tại vì gì gì đấy mà... ông vẫn là chủ của số nợ sang trọng đến vĩ đại kia.
Chính vì thế mà ông nhờ rao: Hiện tôi đang rất cần thu lại ít nhiều vốn liếng in ấn (chưa kể công sức làm cho ra bản thảo). Nếu bạn bè và bạn đọc nào “thương” tôi và có nhu cầu, xin gửi 200.000 ngàn đồng (cho cả 2 cuốn - là cuốn Tạp ký Kon tum của TVS cũng in trong dịp này) về địa chỉ: Tạ Văn Sỹ, Hội Văn học nghệ thuật Kon Tum, 413 đường U Re thành phố Kon Tum tỉnh Kon Tum, tôi sẽ chuyển sách đến các bạn qua đường bưu điện. Mong các bạn ủng hộ.
Nhưng cũng nói luôn phát thế này, chuyện nội bộ Kon Tum thế nào không biết, nếu mình là 1 trong những người có quyền ở Kon Tum, mình sẽ mời Tạ Văn Sỹ lên, cám ơn trọng thể, và sẽ bỏ chi phí ra mua lại 2 tập sách rất có giá trị (ít nhất là với Kon Tum) này và quảng bá trong dịp kỷ niệm 100 năm, ví dụ bỏ trong túi quà của tỉnh mà thế nào cũng có ấy. Nghèo thì cũng đã nghèo rồi Kon Tum ơi...


NHÀ VĂN NGUYỄN ĐỨC THIỆN NHẬN DANH HIỆU NGHỆ SĨ ƯU TÚ

Chiều 15.5.2012, Nhà nước chính thức công bố quyết định của Chủ tịch nước về kết quả xét tặng giải thưởng HCM, giải thưởng Nhà nước và các danh hiệu nghệ sĩ.
Nhà văn Nguyễn Đức Thiện có tên trong danh sách được tặng danh hiệu NGHỆ SĨ ƯU TÚ.
Ông tâm sự trên blog của mình:
Cùng với viết văn, tôi còn làm đạo diễn truyền hình suốt gần 30 năm. Đó là thành quả lao động nghệ thuật thật sự trong những năm tháng làm truyền hình.
Tính từ năm 1986, tại Tây Ninh nghề làm phóng viên truyền hình đã giúp tôi sống và làm văn chương. Từ khi còn ở Thái Nguyên, tôi đã viết kịch bản phim tài liệu cho Xưởng phim Tài liệu khoa học Trung ương. Ông Quang Thịnh, giám đốc xưởng phim lúc đó đã lên Thái Nguyên hướng dẫn tôi viết kịch bản. Ông hướng dẫn tôi theo đạo diễn Xuân Lịch và Võ Huế làm phim. Tôi về xưởng phim đo thời gian viết lời bình cho phim. Những phim nhựa: Sức lửa hai mươi năm, Hai mươi năm dòng điện Thái Nguyên thực hiện tại Xưởng phim Tài liệu Khoa học trung ương, Hà Nội, là những tác phẩm điện ảnh đầu tay của tôi. Đến Tây Ninh là tôi làm bắt đầu làm phim tài liệu, phóng sự. Lặn lội trong rừng sâu với những người thợ sơn tràng ở biên giới Tân Biên; thức đêm trong dòng người buôn lậu ở Mộc Bài; đội nắng với người trồng mía, trồng mỳ ở Tân Châu; tắm mưa với công  nhân ngành điện suốt dọc tuyến đường điện ở Dương Minh Châu, Trảng Bàng, Gò Dầu, để làm kịch bản văn học cho những phim tài liệu, phim phóng sự. Có nhiều phim đã thành công. Các phim: Tình mẹ bao la, Theo dấu chân xưa, Bám chốt, Mầm độc, Rồi cái nghèo sẽ vào cổ tích, Quê tôi là Hoà Thạnh, Tà Bình, Tiếng đàn, Còn đâu rừng Tây Ninh xưa, Điểm nóng chống buôn lậu ở Tây Ninh, 16 năm dòng điện Tây Ninh, Kể vui về điện ở Tây Ninh… (Biên kịch và đạo diễn Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Đức Thiện, quay phim nghệ sĩ ưu tú Thanh Nhàn) đã nhận những huy chương vàng, huy chương bạc trong các kỳ liên hoan truyền hình toàn quốc, toàn Lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Và hôm nay, tôi nhận được danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú từ những thành công và đóng góp của tôi ở cương vị là một đạo diễn truyền hình. Một vinh dự thật lớn lao đối với tôi.

Nhà văn Anh Andy Stanton “hớp hồn” thiếu nhi Việt

To cao, có nét hao hao tài tử Jack Black, cha đẻ series truyện thiếu nhi ‘Lão Kẹo Gôm’ khiến các em nhỏ ở TP HCM - Hà Nội ngất ngây khi nghe anh đọc truyện, hát, diễn kịch, pha đủ trò để cuốn hút các em vào việc đọc sách.
Đây là lần đầu tiên Andy Stanton đến Việt Nam để tham dự hoạt động văn học nằm trong khuôn khổ của “Những ngày châu Âu” 2012.
Trước khi anh đến đây, bộ truyện hài hước nổi tiếng của Stanton là Mr. Gum (Lão Kẹo Gôm) đã được dịch sang tiếng Việt và được nhiều em nhỏ trong nước tìm đọc.
Đến Việt Nam từ ngày 11/5 để tham dự nhiều hoạt động dành cho văn hóa đọc tại Hà Nội, trước khi về nước, nhà văn còn tranh thủ bay vào TP HCM để giao lưu với các em nhỏ trong ngày 13/5 tại Hội đồng Anh.
Buổi giao lưu ở Hội đồng Anh đã để lại cho hơn 300 độc giả “nhí” của Sài Gòn kỷ niệm ngọt ngào và ấn tượng rất khó quên về một tác giả dễ thương.
Với 3 cuộc giao lưu diễn ra tại 3 lớp học khác nhau, mỗi cuộc kéo dài một giờ đồng hồ, Andy Stanton dẫn dắt các em nhỏ đến với thế giới của trí tưởng tượng và tiếng cười rộn rã. Phá tan ý nghĩ về một tác giả chỉ cặm cụi trên bàn máy tính để viết lách, tác giả này cho thấy sức cuốn hút của một nghệ sĩ trình diễn khi anh liên tục khuấy động sự chú ý của các em nhỏ...
Trước đó, đông đảo độc giả nhí có mặt tại Thư viện Quốc gia Việt Nam trong hai ngày 11 - 12/5 để gặp gỡ và trò chuyện cùng nhà văn.
Theo Hoàng Anh - Thoại Hà

CHỦ TỊCH HỘI VĂN NGHỆ THÁI BÌNH BỊ KHỞI TỐ
Theo kết luận của Thanh tra Thái Bình, từ tháng 9-2007 đến tháng 3-2009, ông Trịnh Trung Thông đã lập quỹ đen trên 223 triệu đồng, biển thủ 184 triệu đồng. Sau khi bị kỷ luật cảnh cáo, ông Trịnh Trung Thông tiếp tục có những sai phạm khác, như làm khống hóa đơn giá trị gia tăng để tham ô 130 triệu đồng, để ngoài sổ sách hơn 500 triệu đồng, giả chứng từ để chiếm đoạt 126 triệu đồng từ kinh phí xuất bản tạp chí Văn Nghệ Thái Bình.
Trong ngày 14-5-2012, cảnh sát điều tra đã tiến hành khám xét nơi làm việc của ông Trịnh Trung Thông tại số 26 Quang Trung – Thành phố Thái Bình và khám xét nhà riêng của ông Trịnh Trung Thông tại số 33 Hoàng Hoa Thám – Thành phố Thái Bình.
Hiện tại ông Trịnh Trung Thông bị cấm đi khỏi nơi cư trú vì hai tội danh “Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Làm trái các qui định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Trịnh Trung Thông nguyên là diễn viên Đội chèo Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình, sau đó chuyển về làm Chánh văn phòng Hội văn nghệ Thái Bình. Tại đại hội Hội văn nghệ Thái Bình nhiệm kỳ 2007-2012, ông Trịnh Trung Thông được chỉ định làm Chủ tịch Hội văn nghệ Thái Bình.
Do lùm xùm vụ ông Trịnh Trung Thông nên đại hội nhiệm kỳ mới và lễ kỷ niệm 40 thành lập Hội văn nghệ Thái Bình dự kiến diễn ra tháng 5-2012 đã bị dời lại vào thời điểm khác!

Đồng Tháp: PCT Hội Khoa học Lịch sử đạo văn
TP - Ông Lê Xuân Thành, Phó chủ tịch Hội khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp đã chép lại một bài ký của ông Trần Minh Tạo để đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Khoa học của Hội, nơi ông Thành làm thư ký tòa soạn
Nguyên do, ông Trần Minh Tạo ở thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) là một người viết tự do, từng viết nhiều thể loại: thơ, truyện, ký, lý luận phê bình, khảo cứu. Tháng 6- 2010, ông viết bài Trận cuối cùng đánh địch tại Mương Lớn-An Bình (Hồng Ngự, Đồng Tháp).
Đây là bài ký sự về một trận đánh của Đại đội Địa phương quân Hồng Ngự thời chống Mỹ. Bài này, ông Tạo chưa đăng ở đâu, chỉ mới gửi bản thảo cho “Ban liên lạc Đại đội Địa phương quân Hồng Ngự thời chống Mỹ” để góp ý. Thế nhưng, trong số 36 - tháng 4-2012, Tạp chí Nghiên cứu Khoa học của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp, bài ký của ông Tạo được chép lại để sử dụng trong bài Điều gì xảy ra ở Hồng Ngự trước ngày 30-4-1975 đứng tên ông Lê Xuân Thành. Phần chép lại của ông Tạo là nội dung chính, chiếm khoảng 80% bài viết của Thành, chỉ trừ phần mở đầu và kết thúc.
Ông Tạo kể, ông điện hỏi ông Thành, tại sao lấy bài của ông Tạo sử dụng, thì ông Thành trả lời, vì thấy bài viết hay. Được hỏi tiếp, tại sao ông không đề tên Trần Minh Tạo mà lại đề tên Lê Xuân Thành, thì ông Thành im lặng. Ông Tạo đã gửi đơn tới một số cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp đề nghị làm rõ rõ sự việc, đến nay chưa cơ quan nào trả lời. Ông Lê Xuân Thành đã có bằng thạc sỹ, là đảng viên.
Lê Xuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét