Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

GVĐN 13: THAM LUẬN CỦA TRẦN HOÀNG VY


TRẦN HOÀNG VY 
(HV Hội Nhà văn VN tại Tây Ninh)


VĂN HỌC THIẾU NHI & HAI ĐIỀU ƯỚC

Ngẫu nhiên thế nào mà các nhà văn, nhà thơ của khu vực miền Đông Nam bộ lại có nhiều cây bút đang viết hoặc từng viết cho Thiếu nhi đến vậy, có thể kể ra đây là Xuân Sách, Hoàng Văn Bổn,Trần Đức Tiến, Khôi Vũ (Nguyễn Thái Hải), Đàm Chu Văn, Lê Nguyên Ngữ, Thu Trân, Nguyễn Một, Hồ Việt Khuê, Trần Hoàng Vy… Thế nhưng để chuyên tâm cùng với Văn học thiếu nhi, các nhà văn, nhà thơ “yêu trẻ” ấy vẫn phải viết thêm cho… người lớn để mà khẳng định và tồn tại. Trần Đức Tiến với “Lỏng và tuột”, Khôi Vũ với “Lời nguyền hai trăm năm”, Đàm Chu Văn với “Hai phía thời gian”, Nguyễn Một với ”Đất trời vần vũ” v.v…và v.v… Vậy điều gì đã khiến các nhà văn, nhà thơ yêu quí của chúng ta không và chưa thể yên tâm với sự sáng tạo đầy hồn nhiên trong sáng cho thiếu nhi, mà phải múa bút sang các lĩnh vực khác?


I/ Văn học thiếu nhi lãng quên và… chợt nhớ:
Trước hết phải khẳng định một điều. Sáng tác Văn học cho thiếu nhi là điều cực khó. Nó đòi hỏi nhà văn là phải có tư cách và cái tâm trong sáng, phải am hiểu sâu sắc tâm sinh lý của lứa tuổi. Những tác giả thành danh trên lĩnh vực sáng tác Văn học cho Thiếu nhi ở nước ta từ trước cho đến nay, cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, đó là Tô Hoài, Phạm Hổ, Phùng Quán, Đoàn Giỏi, Định Hải, Vũ Tú Nam, Trần Hoài Dương,Trần Đăng Khoa… ở miền Bắc trước năm 1975, ở miền Nam có Nhật Tiến, Duyên Anh, Thùy An, Quyên Di, Đình Bảng, Thẩm Thệ Hà… Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước cho đến nay, đã có nhiều cây viết xuất hiện nhưng may mắn thành công hơn là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Văn học viết cho thiếu nhi, xuân thu nhị kỳ có hai ngày lễ lớn là Quốc tế thiếu nhi (1/6) và ngày Tết Trung thu, bên cạnh là ngày khai giảng hoặc kết thúc năm học, báo chí và mọi người chợt nhớ… trẻ con xem gì ? Đọc gì ? Rồi hô hào, cổ vũ phải thế này, thế nọ… Các ngày “nóng” trôi qua, mọi việc đâu lại trở về đó. Các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi thì vẫn âm thầm viết và để đó… chờ mong một “điều kỳ diệu” hay “sự may mắn” nào đó cho đứa con tinh thần được xuất hiện và được đón nhận…
Theo thống kê hiện nay, cả nước có trên 500 tờ báo, tạp chí các loại, trong đó có bao nhiêu tờ báo, tạp chí dành đăng các sáng tác viết cho thiếu nhi? Có lẽ cũng không quá chục tờ? Cả nước chỉ có lèo tèo vài tờ báo dành cho thiếu nhi như Hà Nội có tờ Nhi Đồng, tờ Thiếu niên Tiền phong và Văn học tuổi trẻ ( lứa tuổi tiểu học, THCS). Ở Tp. HCM cũng có tờ Nhi Đồng, Rùa Vàng và Khăn Quàng Đỏ. Một con số thật buồn. Về phía các NXB, cả nước dường như cũng chỉ có hai NXB in nhiều sách Văn học Thiếu nhi là Kim Đồng và NXB Trẻ. Song có vẻ như các NXB này vẫn đặt lợi ích “lợi nhuận” lên hàng đầu hơn là phục vụ cho “nền Văn học Thiếu nhi của nước nhà”. Tôi ví dụ như chuyện in quá nhiều sách Thiếu nhi của nước ngoài. Sách in cho văn học Thiếu nhi trong nước thì giá thành cao (vượt quá khả năng tự mua để đọc của phần lớn Thiếu niên Việt Nam, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn…) hoặc in bề thế, hoành tráng ( tuyển tập, sách dày, nặng…) để dành cho người lớn, các nhà nghiên cứu đọc hơn là thiếu nhi vì không đủ sức!
Từ những thực tế trên mà những cây bút viết cho thiếu nhi dần thưa vắng và mai một. Còn chính các em, viết cho lứa tuổi của mình bây giờ không nhiều, vì chẳng có sân chơi, đất dụng võ, trong nhà trường, các em ngày càng chán học môn Văn, thì nói gì đến việc ham đọc sách Văn học, say mê sáng tác Văn học? Ngọn lửa đam mê từ các thầy cô giáo để truyền sang cho các em ngày càng nguội lạnh. Tình yêu Văn học dần nhạt phai là điều không tránh khỏi!
Cách đây, chừng ba, bốn năm thử tìm tư liệu về Văn học thiếu nhi trên Google, tôi gõ cụm từ “ Văn học thiếu nhi”. Kết quả là “không tìm thấy” có nghĩa là cái khái niệm “Văn học thiếu nhi” không có trong “bộ nhớ của Internet”? Nay thì có vẻ đã nhiều hơn, khi mà công nghệ “quảng cáo” đã rầm rộ giới thiệu sự xuất hiện của các cây viết nhí, như cháu Bình, cháu Nam, hay những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, có lẽ đây chỉ là những hiện tượng cá biệt. Đối tượng mà chúng ta quan tâm, hướng đến là tất cả các em thiếu niên, nhi đồng bình thường của cả nước. Các em có nhu cầu đọc cũng rất cao, mong muốn tiếp cận và khám phá vẻ đẹp của văn chương dành cho chính lứa tuổi mình, bao gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Song, ở đâu? Nơi nào? Để giúp cho các em có những trang sách mà mình mong ước? Trách nhiệm không chỉ là nhà văn, nhà thơ mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, đặc biệt là ở các phương tiện truyền thông đại chúng và các nhà xuất bản…

II/ Hai điều… ước cho Văn học thiếu nhi:
Giữa thời đại “toàn cầu hóa”, “thế giới phẳng” và bùng nổ thông tin như hiện nay, chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể… ”nhìn thấy thế giới” mà “ước” theo kiểu chuyện “Tấm Cám”, hay “Nàng công chúa Lọ Lem” và chuyện “Thần Tiên” thì có vẻ như… trẻ con thật! Song có câu “Cầu được, ước thấy”, biết đâu trong hội thảo lần này, những điều “Ước cho Văn học thiếu nhi” có thể trở thành hiện thực thì sao?
 * Điều ước Một: Mong các tờ báo, tạp chí hàng tuần dành ra một số, có năm, mười trang dành cho “Người lớn viết cho Thiếu nhi và Thiếu nhi viết cho thiếu nhi” có đất dụng võ, giới thiệu các sáng tác. Nên chăng Hội Nhà Văn VN cũng cần có tờ phụ san về Văn học Thiếu nhi để hâm nóng các cây viết viết cho Thiếu nhi, giới thiệu các sáng tác có chất lượng đến Phụ huynh và các em tìm đọc?
 * Điều ước Hai: Hội Nhà Văn VN, Trung ương Đoàn TNCS. HCM nên có kế hoạch tài trợ để in ấn các tác phẩm viết cho Thiếu nhi, kết hợp cùng với Bộ Giáo dục, đưa các tác phẩm đến tận tay các em học sinh trong cả nước.
Mong các NXB tạo thật nhiều kiện thuận lợi và may mắn để các tác giả viết cho Thiếu nhi có dịp in sách, thi thố tài năng.
Góp phần, chung sức xây dựng mảng Văn học thiếu nhi là góp phần kiến tạo đạo đức và tâm hồn cho thế hệ măng non của đất nước. Giúp các em hướng về vẻ đẹp của ngôn ngữ tiếng Việt, yêu quí, gìn giữ nó. Tuổi thơ các em sẽ hồn nhiên, lung linh và trong sáng hơn. Các em biết yêu tiếng mẹ đẻ, sẽ càng thêm yêu quê hương đất nước và con người Việt Nam
Vì thời gian của cuộc hội thảo có hạn, xin phép được trình bày những ý kiến ngắn trên. Cám ơn các vị đã chú ý lắng nghe. Trân trọng kính chào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét