Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

GVĐN 07: BÙI VĂN BỒNG GIỚI THIỆU SÁCH CỦA LÊ XUÂN

Bùi Văn Bồng
(Hội Nhà văn T.P Cần Thơ)                                                                     

“TIẾNG NÓI TRI ÂM” – THÊM MỘT THỂ HIỆN MỚI CỦA LÊ XUÂN

Phê bình văn học là sự đi sâu tìm hiểu, sưu tầm, cảm nhận và phân tích, cũng như phán đoán, bình luận, giải thích, đánh giá tác phẩm văn học, trước hết thông qua sự cảm thụ của người đọc, thông qua những nhận xét có dẫn liệu, dự báo về những hiện tượng đời sống mà tác giả đề cập tới trong  tác phẩm văn học đã được ra đời và phổ truyền. Phê bình văn học được coi như một hoạt động tác động trong đời sống văn học và quá trình phát triển văn học như một loại sáng tác văn học, đồng thời còn được coi là bộ môn nghiên cứu lý luận về văn học. Người viết thường quan tâm đến những chuyển động đang xảy ra trong đời sống văn học, sự phản ứng với các hiện tượng văn học của bạn đọc, và dự báo về sức sống của tác phẩm trong tương lai.

Hiện nay, câu hỏi “Làm gì để nâng cao chất lượng và hiệu quả của lý luận phê bình văn học ở vùng đồng bằng sông Cửu Long?” vẫn đang là nỗi trăn trở trong nhiều cuộc hội thảo. Sự thiếu hụt không riêng số lượng tác phẩm viết về văn học khu vực này. Từ ngày giải phóng đến nay xuất hiện rất ít tác phẩm về lý luận phê bình văn ở vùng đất phù sa trẻ và giàu tiềm năng này. Trong khi đó đã có hàng trăm tác phẩm về thơ, truyện, ký được xuất bản.
Từ năm 2005 đến nay, nhà giáo, nhà ngôn ngữ học Lê Xuân đã cho ra đời hai cuốn sách Lý luận phê bình. Ở cuốn đầu “Lời đồng vọng” (NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, 2005) với 30 bài bình thơ chọn lọc, bạn đọc đã thấy xuất hiện một Lê Xuân rất đam mê thơ và biết chuyển tải cái hay, cái đẹp của mỗi vần thơ đến với bạn đọc. Mỗi bài thơ hay đều làm anh rung cảm, đồng điệu cùng tác giả.  Đến cuốn “Tiếng nói tri âm” (*) anh lại nghiêng về phần cảm nhận và phê bình đối với các loại hình truyền thống như ca dao, dân ca và các tác giả, tác phẩm từ cổ điển đến hiện đại mà anh tâm đắc. Với 32 bài viết được chia làm 4 phần rõ ràng:

Phần I - “Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước”: gồm 5 bài viết về thơ Bác, là những phát hiện, tìm tòi cái hay, cái đẹp trong tâm hồn lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các tác phẩm. Người đọc thấy ở Lê Xuân một sự lao động nghiêm túc trong khám phá cái mới, cái độc đáo từ những tác phẩm của Bác. Nhận xét về thơ trào phúng của Bác, anh viết “Tiếng cười trào phúng trong thơ Bác thể hiện được sức mạnh, tầm cao của người “đứng trên đầu thù” mà phê phán và châm biếm cái xấu, cái ác…” (trang 17).
Phần II - “Ôi tiếng của cha ông thuở trước”: gồm 4 bài viết về Nguyễn Trãi, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu. Ta bắt gặp một Nguyễn Trãi “…chứa chan lý tưởng nhân nghĩa cao đẹp, một tấm lòng vì nước vì dân cuồn cuộn như nước triều đông…” (trang 62), một Bùi Hữu Nghĩa “…với những vần thơ và tấm lòng trung can nghĩa hiệp của Cụ vẫn chói sáng, thúc giục bao thế hệ cầm bút, cầm súng và để lại cho ta nhiều bài học làm người …”(trang 74), một Phan Văn Trị, một Nguyễn Đình Chiểu với những áng văn chương chí nghĩa, chí tình nên họa, nên nhạc rất nhuần nhụy như chính hơi thở miền sông nước Nam Bộ đầy hoa thơm trái ngọt…” (trang 100).          

Phần III - “Đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại”: gồm 5 bài bàn về ca dao-dân ca. Anh đã phát hiện những nét rất tinh tế của ca dao Nam Bộ để cảm nhận về một vùng đất nhiều kinh rạch, nơi mà các chàng trai cô gái yêu nhau mượn hình ảnh cây cầu để ví von “Cầu cao ván yếu, gió rung/ Em thương anh thì thương đặng, chớ ngại ngùng thì đừng thương” (trang118). Lê Xuân còn khám phá những cái đẹp trong ca dao qua lối diễn xướng đầy chất Nam Bộ hồn nhiên và trữ tình, cách nói dân dã: “Gió đưa buồn ngủ lên bờ/ Mùng qua có rộng cho bậu ngủ nhờ một đêm”…

Phần IV- “Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau”: gồm 18 bài bàn về thi pháp thơ, truyện ở một số tác giả, tác phẩm. Lê Xuân không đi từ những nhận định khô khan nặng về lý trí, lý luận mà anh đi từ ấn tượng trước các văn bản thơ, truyện để lý giải các vấn đề thuộc phạm trù ngôn ngữ, cấu tứ, nhạc điệu, hình ảnh hay các vấn đề về lịch sử, xã hội, dân tộc… mà tác phẩm đề cập tới. Khi bình giá các tác phẩm Lê Xuân không sa vào lối phê bình kinh viện hay quá tả, quá hữu trong khen chê.
***
Viết phê bình không dễ, nhưng Lê Xuân đã tìm cách khoan sâu như tìm mỏ dầu, kiên trì và cần mẫn như người đãi cát tìm vàng. Chính sự đam mê ấy luôn thôi thúc anh tìm tòi không ngừng những cái hay, cái đẹp trong văn chương dù đó là một câu ca dao hay một tác phẩm, tác giả lớn. Chính sự lao động nghiêm ngặt của một thầy giáo văn đã mang lại cho bạn đọc hiểu sâu hơn về một số tác phẩm, tác giả và các hiện tượng văn học. Có thể nói đây là một cuốn sách có giá trị về mặt học thuật, tải lượng thông điệp có ích cho người đọc, cả trong giảng dạy, thưởng thức và nghiên cứu phê bình.
Đọc “Tiếng nói tri âm” cũng như “Lời đồng vọng”, nhà thơ, nhà phê bình văn học Lê Quang Trang đã có những nhận xét rất có lý: “Những năm gần đây, bạn đọc văn nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước đã quen thuộc với cây bút lý luận phê bình văn học Lê Xuân, (tên thật Lê Xuân Bột)Một ngòi bút phê bình như vậy thật đáng quý lắm!”. 
Trong bối cảnh mảng lý luận phê bình văn học ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long “chưa thoát nghèo”, tác giả Lê Xuân là một trong những cây bút nhiệt huyết “xóa đói giảm nghèo”, để chuyển tải những cái hay, cái đẹp và những cái còn hạn chế ở một số tác phẩm, tác giả trên vùng đất phương Nam thơ mộng và hào phóng này. Anh đã đồng hành cùng các tác giả văn, thơ và bạn đọc; cùng định hướng đi đúng của văn học trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.
                                                                           
( *) Tiểu luận & Phê bình văn học của Lê Xuân –  NXB Hội Nhà văn VN, 11-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét