Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

GVĐN 07: HÌNH ẢNH RỒNG TRONG LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐỒNG NAI

Bài đoạt giải khuyến khích cuộc thi Tìm hiểu giá trị lịch sử văn hóa Đồng Nai năm 2011 do Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai tổ chức


HÌNH ẢNH RỒNG TRONG LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐỒNG NAI
Ngọc Khánh (Hội VHNT Đồng Nai)


Khi nói đến xứ sở Đồng Nai, người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh một con vật thường xuất hiện nhiều trong những áng thơ trữ tình lãng mạn, những tranh vẽ mùa thu êm đềm. Đó là hình ảnh con nai. Những địa danh như Lộc dã ngày xưa, Hố Nai ngày nay, hoặc mẫu logo về Biên Hòa Đồng Nai 300 năm, câu ca dao hài hước “Chị hươu đi chợ Đồng Nai”… đều gợi nhớ con vật này.

Thế nhưng, khi tìm hiểu về lịch sử văn hóa Đồng Nai, tôi lại thấy rất thú vị, tâm đắc với hình ảnh một con vật đứng đầu tứ linh. Đó là Rồng. Hình ảnh rồng thấp thoáng trong thế đất, hiện diện trong địa danh, uốn lượn trong các công trình kiến trúc… Hình ảnh ấy đã làm đẹp thêm cho lịch sử, văn hóa Đồng Nai.


Hình ảnh Rồng trong thế núi, thế đất
Sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức nhiều lần nhắc đến hình ảnh Rồng.
Khi viết về Trấn Biên Hòa, Trịnh Hoài Đức đã dùng hình ảnh Rồng để mô tả vẻ đẹp của thế núi, thế đất:
“Thác Cơ sơn (tục gọi là núi Ghềnh Rái) dáng như rồng xanh tắm biển”.
“Đại Phố châu (tục danh là cù Lao phố) có tên gọi là Đông Phố, lại có tên là Cù Châu vì nó quanh queo co duỗi có hình dáng như rồng hoa giỡn nước nhân đó mà gọi tên như vậy”
“Trạch đắc long xà địa khả cư” (Chọn được nơi có thế đất rồng rắn có thể cư ngụ được), câu thơ của một vị thiền sư thời Lý Trần hẳn cũng có ảnh hưởng đến một bộ phận trong các tầng lớp lưu dân khi theo Nguyễn Hoàng vào phía Nam dãy Hoành Sơn, rồi sau đó vì tránh loạn lạc, thiên tai, họ lại tiếp tục di dân đến đất “Đồng Nai hào phóng”. Các cư dân đến sớm thường cư trú ở gò đồi, vùng có nước ngọt theo tuyến sông rạch, chủ yếu là các tuyến sông chính: Đồng Nai, Thị Vải, Nhà Bè... hình thành các thôn làng, gắn với nghề sông nước, ruộng rẫy và buôn bán, như các làng cổ: Bến Gỗ (Long Thành), Đồng Môn (Nhơn Trạch), Bến Cá (Vĩnh Cửu), Cù Lao Phố (Biên Hòa). Hẳn là những cư dân thuở ấy sẽ rất hài lòng với thế đất “rồng hoa giỡn nước”, ngỡ ngàng trước cảnh trí hữu tình, mà chọn định cư ở đất phương Nam.

Hình ảnh Rồng còn xuất hiện trong rất nhiều địa danh ở Đồng Nai.
Theo sách “Gia Định thành Thông chí” của Trịnh Hoài Đức thì dòng sông Đồng Nai ngày xưa còn có tên là “sông Phước Long” vì gọi tên theo phủ Phước Long (Phúc Long) cũ.
Theo “Đại việt địa dư toàn biên” của Nguyễn Văn Siêu, phủ Phúc Long “đời xưa là đất Đồng Nai của Chân Lạp. Bản triều mới đặt huyện Phúc Long, năm Gia Long thứ 7, thăng làm phủ”. Như vậy, người xưa đã có chủ ý chọn lựa một địa danh có hình ảnh Rồng.
“Đại việt địa dư toàn biên” của Nguyễn Văn Siêu cũng mô tả: “Sông Phúc Long, cũng gọi là sông Hòa Quý, tục gọi là sông Đồng Nai (Lộc Dã giang), cách phía tây nam huyện Phúc Chính 4 dặm, nước ngọt và trong, là sông hạng nhất ở Nam Kỳ. Sông này là sông lớn của phủ Phúc Long nên gọi là sông Phúc Long”.
Như vậy, dòng sông này vốn  đã có “tên thường gọi” là Lộc Dã giang, nhưng vẫn được đặt thêm một cái tên có hình ảnh Rồng.
Còn nhiều địa danh ở Đồng Nai có hình ảnh Rồng. Tiêu biểu là các địa danh ở cụm danh thắng Bửu Long. Sách “Biên Hòa Đồng Nai 300 năm” giới thiệu về danh thắng Bửu Long:
Trong số những ngọn núi được kể tên trong sử sách xưa, có Long Ẩn và Bửu Long là may mắn. Núi Long Ẩn và Bửu Phong không còn như ghi chép trước đây nhưng cùng với những cụm kiến trúc được con người tôn tạo trở thành một điểm du lịch không ngoa mà nói là “đệ nhất thắng cảnh” của Biên Hòa.
Núi Bửu Long với quần thể núi non, sông hồ, hang động, chùa chiền được bảo vệ, trùng tu, tôn tạo như một khu di tích quốc gia. Danh thắng Bửu Long rộng 84 hécta, có độ cao trung bình 100m so với mức nước biển. Sách sử xưa cho biết: đây là nơi sơn thủy hữu tình, núi cao, hồ rộng không khí trong lành, mát mẻ, với “Văn nhơn nghiêng bầu vịnh giai tiết, mỹ nữ nối gót đến hành hương”. Khu danh thắng có hai cụm chính: cụm núi Bình Điện và Long Sơn thạch động. Trên ngọn núi Bình Điện có ngôi chùa Bửu Phong được khai sơn rất sớm với lối kiến trúc chạm trổ, trang trí hoa văn tinh tế. Từ chân núi muốn đi đến chùa phải trải qua một dãy tam cấp gần 100 bậc. Xung quanh chùa có những bảo tháp cổ và nhiều hòn đá tạo hình kỳ thú trông hoang sơ, huyền bí. Cụm Long Sơn thạch động (còn gọi là chùa Hang) tọa lạc trên núi Long Ẩn. Trên núi có ngôi chùa dẫn vào thạch động với miệng từ ngoài rộng và hẹp dần vào bên trong trông như một hàm ếch. Trong vách nhiều nhũ đá với hình thù kỳ lạ rũ xuống trông kỳ ảo, lung linh dưới những ánh đèn trang trí. Trên núi Long Ẩn, hiện có nhiều kiến trúc tín ngưỡng: chùa, am của các phái Phật giáo. Chúng làm phong phú cho những lễ hội hành hương ở đây, nếu có sự quy hoạch hợp lý.
Ngoài hai cụm núi trên với những kiến trúc chùa cổ, khu danh thắng Bửu Long còn được biết đến với khu hồ Long Ẩn. Đây là hồ nước do nhân dân trong vùng khai thác đá từ hàng thế kỷ nay tạo thành. Hồ rộng gần 20.000 m2, hồ nước trong xanh với những cụm đá còn lại tạo nên những hòn đảo giữa biển nước mông mênh. Từ những hòn đảo này, bàn tay con người đã tạo dáng thêm làm cho chúng thành những cảnh đẹp ẩn, hiện giữa sóng nhấp nhô, giữa những con đường ngoằn ngoèo xung quanh khu vực như một bức tranh kỳ ảo. Một khu du lịch xanh với những vườn cây, cụm núi thú thời tiền sử đã tô điểm thêm cho toàn bộ khu danh thắng. Có núi, có hồ, có sông và những chương trình hoạt động du lịch hấp dẫn, Bửu Long đã, đang trở thành điểm du lịch, thu hút hoạt động văn hóa lành mạnh. Nhiều bài thơ đã ca ngợi cảnh đẹp của Bửu Long:
Sơn động, khen ai khéo tạo hồ
Đồi cao, vách đứng, mõm chơ vơ
Nuớc xanh phẳng mặt gương êm ả
Đá xám trụ hình chỏm nhấp nhô
Thạch động đầu non chùa thấp thoáng
Du thuyền dưới trũng mái đong đưa
Hồ đây “Vịnh Hạ Long đâu khác”
Đá nước ai đem gợi hứng thơ”
(Theo Lương Văn Lựu - Biên Hòa sử lược)
Hay:
Bên là rừng rậm, phía là sông
Cực lạc chen trong đám bụi hồng
Bình Điện danh sơn miền Lộc Dã
Bửu Phong cổ tự cội Nam Tông
Lên non nhớ ghé thăm Hàm Hổ
Dạo cảnh đừng quên viếng Miệng Rồng...
(Trích của tác giả Vũ Huy Châu)
Trong tương lai, khu du lịch Bửu Long sẽ được quy hoạch phát triển thành một trong những tuyến du lịch của Đồng Nai với nhiều ưu thế: cảnh đẹp thiên nhiên sẵn có, có làng nghề làm đá Bửu Long, có khu Văn miếu được tái tạo. Hồ Biên Hòa, người Pháp gọi là “Lac Biên Hòa” là quãng sông rộng hơn 1000m ở khu vực trung lưu sông Đồng Nai nằm giữa Biên Hòa đã cho thành phố này một cảnh quan đặc sắc điều hòa bầu không khí và nuôi sống khu dân cư sầm uất của đô thị này.
Ngoài ra, tên làng, tên xã, tên huyện ở Đồng Nai cũng có nhiều địa danh có chữ “Long”: xưa có Long Vĩnh thượng, Long Vĩnh hạ, nay còn Long Thành, Long Phước, Long Tân, Long Thọ…
Rồng còn là một hình ảnh quen thuộc trong nhiều công trình kiến trúc ở Đồng Nai
Đồng Nai có rất nhiều chùa, trong đó có ba ngôi chùa được xem là có niên đại cổ xưa nhất, được nhà nước xếp hạng là chùa Đại Giác, Bửu Phong, Long Thiền, đều do các đệ tử của Tổ Nguyên Thiều, dòng đạo Bổn Nguyên khai sơn. Chùa Bửu Phong (P. Bửu Long, Biên Hòa) được sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức đánh giá là danh thắng xứ Đồng Nai, khai sơn từ thế kỷ XVII. Cảnh trí chùa tịch mịch, địa cảnh phong quang. Di tích cổ tự đã qua nhiều lần trùng tu. Hiện nay chùa còn giữ được tượng cổ Phật Di đà và một đầu phướn lục giác chạm rồng và một tượng đá cổ theo mô típ vị thần Phù Nam tương truyền có từ khi lập chùa. Mặt tiền và bên trong chánh điện được trang trí nhiều họa tiết tinh tế…
Mặt trước của Đền thờ Nguyễn Tri Phương được đắp nổi với dòng chữ: Mỹ Khánh đình bằng chữ Hán và hai bên là cặp lý ngư hóa long, nhật nguyệt. Trên đỉnh cao của chánh điện trang trí hình lưỡng long tranh châu, hai bên có cặp phụng nghinh bằng gốm men xanh. Từ ngoài nhìn vào ta thấy sự uy nghi bề thế của ngôi đền. Ở giữa là các tấm bao lam bằng gỗ được điêu khắc đề tài hoa điểu, tứ linh rất công phu… Bàn hương án có điểm khắc lưỡng long triều nhật, mô típ hoa văn dây, hoa, lá được cách điệu rất tinh tế. Bàn La liệt bằng đá. Trước bàn thờ có đặt ngai gỗ chạm khắc tả hình đầu rồng, long vân sơn son thếp vàng tinh xảo
Kiến trúc ban đầu ở mộ Trịnh Hoài Đức vẫn được bảo tồn. Nguyên thủy, mộ xây bằng đá ong tô hợp chất, hình voi phục, xung quanh có vòng thành kiên cố. Phía sau mộ có bức tường nhô cao, nối vòng thành dạng hình bầu dục lượn sóng. Trên bức tường có khắc các dòng chữ Hán tựa như bài thơ ca ngợi đức tài của Trịnh Hoài Đức nhưng lâu ngày bị mờ, không còn đọc được, hai bên trang trí hình hai đầu rồng cách điệu. Hiện nay, trên bức tường rộng này được trang trí hình rồng vờn mây. Phía trước cửa vào mộ có tấm bình phong lớn, ghi khắc tiểu sử và sự nghiệp của Trịnh Hoài Đức.
Đình Tân Lân, xưa kia thuộc thôn Tân Lân, huyện Phước Chính, dinh Trấn Biên, nay là phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, được nhân dân dựng lên từ thời Minh Mạng (1820-1840) để tỏ lòng ngưỡng vọng Trấn Biên đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên, người có công lớn trong việc khai phá đất đai và mở mang thương mại vùng Đồng Nai - Gia Định. Sau hai lần dời chuyển (vào năm 1861 và 1906), ngôi đình ở vị trí hiện nay. Trên nóc trang trí đề tài “Lưỡng long tranh châu nhật”, “Lý ngư hóa long”... rất sống động.
Di tích đình Bình Kính thờ thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh. Chánh điện hình vuông, tường gạch, nền lát gạch tàu, mái lợp ngói. Hàng cột hành lang mặt trước đắp trang trí hình ảnh những con rồng cuộn, đối chầu với nhau. Nội điện có ba hàng cột gỗ lớn treo những liễn đối và các hoành phi, bao lam gỗ được chạm trổ tinh tế các đề tài dân gian. Các hoành phi thể hiện dưới dạng đại tự chữ Hán, liễn đối được trang trí hoa văn sơn son thếp vàng. Điểm nổi bật trong nghệ thuật điêu khắc kiến trúc từ chất liệu gỗ là các bàn hương án trong chánh điện. Các hương án được chạm khắc nhiều đề tài như rồng chầu, linh thú, muông thú, hoa lá… rất tinh tế, sắc sảo làm tăng thêm tính chất nghệ thuật được bảo tồn của ngôi đình làng.
Chùa Long Thiền ở phường Bửu Hòa ban đầu chỉ là một ngôi chùa nhỏ, cột gỗ, vách ván, mái lợp lá dừa nước, nền đất sét. Theo quan niệm của các nhà sư, chùa Long Thiền tọa lạc trên một vùng đất long mạch qúy. Trước chùa có sông Đồng Nai, sau lưng chùa có núi Châu Thới, từ chùa tỏa ra quanh vùng, từ xã Hoá An đến Thạnh Hội là “long mạch của Thanh Long”, còn mũi Châu Thới dựng lên như cánh đuôi rồng, chùa Long Ẩn biểu trưng miệng rồng, núi Bửu Phong biểu thị “trái châu” ví như rồng ngậm trái châu.

Hình ảnh Rồng còn đi vào trong văn học dân gian Đồng Nai
Nếu như hình ảnh Rồng trong tục ngữ, ca dao miền Bắc có khá nhiều, thì ở miền Nam nói chung và miền Đồng Nai nói riêng rất ít. Thường chỉ có những con vật đặc trưng ở đất phương nam, gắn liền với quá trình, khẩn hoang mở cõi như: “Đi ra sợ đỉa cắn chưn, Xuống sông sấu ních, lên rừng cọp tha”.
Tuy vậy, vẫn có những câu ca dao rất quen thuộc, diễn tả hào khí Đồng Nai, tình nghĩa Đồng Nai, có hình ảnh Rồng:
Rồng chầu xứ Huế
Ngựa tế Đồng Nai
Nước sông trong đổ lộn sông ngoài
Thương người xa xứ lạc loài tới đây
Tóm lại, Rồng là con vật đứng đầu trong tứ linh, vẫn thường xuất hiện trong những địa danh đã trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam như Thăng Long nghìn năm văn hiến, Hạ Long kỳ quan thiên nhiên. Đồng Nai, tuy có biểu tượng là con nai dễ thương, nhưng vẫn xuất hiện thấp thoáng hình ảnh Rồng trong dòng chảy lịch sử văn hóa hơn ba trăm năm qua. Điều đó chứng tỏ là những gì đáng tôn vinh, trân trọng trong tâm thức người Đồng Nai, họ đều biểu đạt bằng những hình ảnh quý giá, đẹp đẽ.
Điều đó cũng chứng tỏ một sự kết nối bền chặt của người Đồng Nai với cội nguồn dân tộc. Như nhà thơ thi tướng rừng xanh Huỳnh Văn Nghệ đã viết trong bài thơ “Nhớ Bắc”:
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
Hình ảnh Rồng tượng trưng cho sự vươn cao, từ cội nguồn bay ra trời rộng, đầy khí phách, thật linh hoạt. Người dân Đồng Nai luôn mong ước cho quê hương, đất nước mình phát triển thịnh vượng, vừa có vị thế, tầm vóc quan trọng trên thế giới, vừa giữ được vẻ đẹp bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét