Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

GVĐN 07: NHÂN NGÀY 14/2: BÀI CỦA LÊ XUÂN & TRẦN CHIÊM THÀNH

Lê Xuân
(Hội ngôn ngữ học VN tại TP Cần Thơ)

NHÂN NGÀY VALENTINE 14-2,
BÀN THÊM VỀ TÌNH YÊU TUỔI HỌC TRÒ

Tình yêu nam nữ là một loại tình cảm đặc biệt cao đẹp và thiêng liêng. Nó bất chấp tuổi tác, thời gian, dân tộc, biên giới. Trong thời mở cửa, hội nhập thì tình yêu càng lắm sắc màu lung linh, kỳ diệu.

Cố nhà thơ Xuân Diệu, trước đây đã từng tuyên bố:
Làm sao sống được mà không yêu,
Không nhớ không thương một kẻ nào.

Đối với lứa tuổi học trò ở bậc Phổ thông, một số em con tim đã rung động quá sớm trước bạn khác giới. Ta thường bảo đó là tình yêu thời áo trắng. Không ít các bậc cha mẹ, thầy cô đã phải đau đầu vì những mối tình ấy.
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, dân số nước ta còn ít, tuổi thọ trung bình thấp, nên các cụ cho phép nữ thập tam, nam thập lục (gái 13, nam 16 tuổi) là có thể kết hôn. Ca dao xưa có câu:
Lấy chàng từ thuở mười ba
Đến khi mười tám thiếp đà năm con.
Ngày nay theo luật Hôn nhân và gia đình thì lứa tuổi 13, 16 là tuổi vị thành niên, mà tuổi để kết hôn đối với nữ là 18, nam 20. Ở độ tuổi này trở lên người ta mới đủ sức khỏe và tư cách để chuẩn bị làm cha, làm mẹ. Tuy nhiên cũng rất ít nam nữ hôm nay kết hôn ở độ tuổi này, mà phần lớn là nữ từ 25, nam từ 30 trở lên. Nghĩa là ở độ tuổi ấy họ mới học xong Đại học và có công ăn việc làm ổn định, có tích lũy được một phần kinh tế để có thể sống tự lập, không phải ăn bám vào cha mẹ.
Thực tế cho thấy rằng những cặp vợ chồng ở tuổi vị thành niên, chẳng may ăn cơm trước kẻng, có con ngoài giá thú đã đã để lại hậu quả khôn lường cho gia đình và xã hội. Nếu các em học Trung học Cơ sở (từ lớp 6 đến lớp 9) thì ở tuổi từ 12 đến 15, nhiều em còn quàng khăn đỏ, và Trung học Phổ thông (lớp 10 đến lớp 12) thì ở độ tuổi từ 16 đến 18. Ở lứa tuổi này nhiều em còn ngộ nhận giữa tình bạn và tình yêu. Có em yêu đơn phương âm thầm chịu đau khổ vì choáng ngợp trước một thần tượng nào đó mà mình tôn thờ. Đó là thứ tình yêu sét đánh. Nó mau đến và cũng mau tan như một tia chớp lóe lên trong tâm hồn. Có em ôm mộng yêu một sao ca hát, hoặc cầu thủ nổi tiếng nào đó. Lại có em chạy theo các chàng công tử con nhà giàu để thỏa mãn thú ăn chơi. Thậm chí có nữ học sinh đã chủ động tấn công cả thầy giáo trẻ... Những kiểu ái tình ma đưa lối quỷ dẫn đường (Nguyễn Du) ấy mấy khi có kết cục tốt đẹp. Nhiều em ăn phải trái đắng, hoặc ngậm bồ hòn mà cứ phải nhắm mắt khen ngọt. Bởi nói ra sợ chúng bạn cười, cha mẹ ruồng bỏ.
Các em như những con bồ câu trắng, như con cừu non hay như con nai vàng ngơ ngác trước cuộc đời có biết bao cạm bẫy cám dỗ giăng ra mà đâu có hay? Ở đời nào mà chẳng có những Sở Khanh, Mã Giám Sinh, Tú Bà, công tử Bạc Liêu... Có em đã sập bẫy ái tình, đánh mất một thời thiếu nữ để rồi mang hận suốt đời, chỉ còn biết than thân trách phận:
Bướm vàng đậu trái mù u
Lấy chồng càng sớm lời ru càng buồn   
(Ca dao)
Lại có những cuộc tình tay ba, tay tư ở tuổi học trò dẫn đến ghen tuông, trả thù một cách hèn hạ, mù quáng. Rồi có em bỏ nhà đi bụi, sống kiểu một túp lều tranh, hai quả tim vàng ở một phương trời nào đó. Thật tội nghiệp! Xót xa hơn là có em lao vào tình yêu như con thiêu thân, sớm ăn chơi sa đọa, để rồi làm bạn với xì ke, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và bao căn bệnh khác, và khi tỉnh ra thì đã quá muộn. Đau đớn thay!
Tuổi học trò là tuổi hoa, tuổi bướm, tuổi của hồn nhiên, tinh nghịch, mộng mơ. Nó căng đầy sự sống xanh tươi mơn mởn đáng yêu biết bao! Nếu ta biết quý trọng, nâng niu nó thì “Cây đời mãi mãi xanh tươi” (Gớt - nhà thơ Đức). Nếu ta phũ phàng nó để sống gấp, sống hôm nay mà chẳng biết ngày mai thì ắt sẽ gieo nhân nào gặp quả ấy. Nhà văn Ngụy Nguy (Trung Quốc) nói: Tuổi thanh xuân thật là tươi đẹp, nhưng tuổi thanh xuân của một người cũng có thể rực lửa anh hùng, cũng có thể bình thản trôi đi một cách vô vị để rồi hối tiếc, và cũng có thể bước kế bước tới tuổi thanh xuân huy hoàng, tráng lệ. Điều quan trọng là ta phải biết hiến dâng tuổi thanh xuân ấy cho những mục đích cao đẹp của cuộc đời.  Cố nhà thơ Tố Hữu cũng đã viết: Sống là cho và chết cũng là cho. Nếu các em không biết quý tuổi xuân, phí phạm nó, đốt cháy nó thì chính các em đang đi ngược lại những thang giá trị đạo đức tốt đẹp của ông cha, đang tự thiêu mình mà chẳng hay. Các em chớ có Khôn ba năm dại một giờ hoặc Hái củi ba năm thiêu một giờ (Ca dao) để rồi ân hận suốt đời khi lao vào tình yêu mù quáng. Tuổi học trò thời áo trắng sân trường đẹp lắm:
Áo trắng là áo trắng à
Một hôm ta thấy bạn ta ngượng ngùng,
Vờ che ngực áo hơi phồng
Tay run rẩy ngó má hồng hây hây.     
(Nguyễn Duy)
Tình yêu đối với mỗi con người luôn là một điều mới mẻ, đầy ham mê quyến rũ. Nó luôn là một bất phương trình với biết bao nghiệm số bí ẩn. Nhân loại cố giải mã và đi tìm cho nó một định nghĩa nhưng tất cả đều bất lực. Vì đó là tiếng nói của con tim, của tâm hồn, của sự linh nghiệm. Ở lứa tuổi học trò các em hãy giữ với nhau một tình bạn trong sáng và đẹp đẽ, đừng bao giờ vượt tới ngưỡng tình yêu. Hãy nuôi dưỡng một tình bạn cao thượng và sâu sắc. Cùng với thời gian các em sẽ trưởng thành, sẽ cống hiến nhiều cho gia đình và xã hội. Bấy giờ vườn tình sẽ ngát hương xuân, cây tình sẽ đâm hoa kết trái, rồi chẳng hẹn mà gặp, chẳng chờ mà đến, các em sẽ có một tình yêu rất đẹp, rất đáng tự hào. Đừng vội như ai kia: Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi (Hàn Mặc Tử) một cách quá sớm để rồi ân hận và hối tiếc. @


Trần Chiêm Thành

VĂN - THƠ - NHẠC - HỌA VÀ BẢN NHẠC TRIỆU ĐÓA HOA HỒNG

Ngày Tình yêu người ta thường tặng nhau hoa hồng và có một bản nhạc Nga tên là Triệu đóa hoa hồng được nhiều người nhắc đến. Tôi nhớ tại giảng đường Đại học Tổng hợp, khi hai nhà du hành vũ trụ Ghecmen Titov và Phạm Tuân đến thăm trường trước thập niên 80, bài này được hát tặng và nhiều người hát theo. Sau đó tại nhiều đám cưới quãng thời gian ấy bản nhạc cũng được hát. Không kể nghệ thuật âm nhạc, lời nhạc lãng mạn, khác với nhiều bản nhạc được hát nhiều lúc ấy; mãi sau này tôi mới biết bản nhạc có một lý lịch kỳ lạ, một sự kết hợp kỳ diệu giữa một chuyện thật ngoài đời, được Pautovski viết thành truyện, Andrei Voznesensky cảm tác thành bài thơ có tên là Triệu bông hồng và nhạc sĩ người Latvia là Raimond Paul phổ nhạc.
Chuyện rằng có một ca sĩ nổi tiếng người Pháp là Margarita trong một chuyến sang biểu diễn ở Gruzia (Còn gọi là Goergie) vì có chồng là nghị sĩ Quốc hội Pháp đang công cán ở nước này. Tại đây cô ca sĩ gặp một họa sĩ tự học chưa thành danh là Pirosmani, chàng họa sĩ vốn ngưỡng mộ Margarita từ lâu nhưng chàng nghèo quá, thậm chí không có tiền mua vé vào nhà hát xem nàng biểu diễn. Hình ảnh Margarita in đậm trong tim chàng họa sĩ, chàng say sưa vẽ nàng qua một lần gặp ngắn ngủi bên sông Kura, nơi có căn nhà gỗ nghèo nàn của chàng.
Đêm biều diễn cuối cùng trước khi cùng chồng trở về Pháp, khi về đến khách sạn thì Margarita thấy cơ man nào là hoa hồng, hoa hồng trải thảm từ khách sạn đến bờ sông Kura. Margarita hỏi người hầu phòng thì nghe kể lại, có một người gầy gò đem hoa hồng đến rải thảm, qua mô tả dáng người, Margarita nghĩ thầm: Lẽ nào là chàng họa sĩ? Thật vậy, chàng họa sĩ đã bán căn nhà và những bức tranh để mua hoa hồng rải thảm chứng minh tiếng sét ái tình không nói nên lời của chàng.
Sau này, đầu những năm 30 của thế kỷ 20, có một phòng tranh của họa sĩ Pirosmani mở tại Pháp, là một mệnh phụ phu nhân, Margarita được mời đến cắt băng phòng tranh và tại đây nàng Margarita nhận ra bức chân dung chàng họa sĩ vẽ mình năm nào. Quá xúc động nhưng không dám thể hiện trước công chúng, sau đó bà quay trở lại bằng trang phục bình dân , đứng hồi lâu trước bức tranh vẽ nàng khi xưa đứng trên ban công khách sạn ở Thủ đô Tbilisi của Gruzia khi sang biểu diễn, đang nhìn xuống thảm hoa hồng với hàng triệu đóa. Pirosmani không còn nữa, chỉ còn bức chân dung tự họa tại triển lãm và in trong kỷ yếu. Nàng Margarita kín đáo đặt môi hôn lên bức chân dung trong kỷ yếu và đặt những đóa hồng trước bức chân dung tự họa của chàng họa sĩ. Nàng đứng im xúc động trước một mối tình thoáng qua nhưng vĩnh cửu.
Tranh của Pirosmani hiện trưng bày tại nhiều bảo tàng nghệ thuật ở Gruzia.
Ca từ trong Triệu đóa hoa hồng không khác nhiều với lời thơ. Điệp ngữ trong bài thơ của Voznesenski là:
 Ai yêu tha thiết, yêu cuồng say, yêu chan chứa và hết mình,
 Sẽ biến cuộc sống của mình thành hoa cho em
Điệp khúc bản nhạc do Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên (Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa) dịch ra lời Việt là:
Dưới ánh nằng / xuân long lanh / triệu cánh hồng / khoe sắc thắm
Mỗi sáng sớm / bên song thưa / em bên hoa cười trong nắng
Sẽ giữ khúc / cho ai kia / được yêu thương /lòng say đắm
Sẽ mãi mãi / như hoa kia/ trao cho em / suốt cuộc đời
Ngoài điệp khúc trên đây, ca từ còn lại là:
Một chuyện tình yêu anh họa sĩ
Gợi trong tranh vẽ những vui buồn
Lòng anh thầm yêu nàng ca sĩ
Cô gái rất yêu bông hoa hồng
Tặng một đại dương hoa hồng thắm
Cho nàng ca sĩ anh yêu thầm
Và một nhạc tình anh đã bán
Bằng dòng máu nóng trái tim mình
 (Điệp khúc)
Và khi bình minh em tỉnh giấc
Tưởng còn say đắm giấc mơ vàng
Ngoài tận nhà em hoa rực rỡ
Ai đã mang hoa trao cho nàng?
Thầm hỏi lòng anh ai chiếu cố?
Ai người mang đến những bông hồng?
Một mình lẻ loi trong thương nhớ
Chờ em anh đứng dưới hiên buồn.
Bản nhạc nổi tiếng toàn thế giới với câu chuyện như trên và được dịch ra nhiều thứ tiếng, giai điệu réo rắt, nhịp nhanh nhưng vẫn đượm buồn. Chỉ mong ở cõi nào ấy, chàng họa sĩ thấy được đôi mắt ước lệ của nàng ca sĩ khi đặt môi hôn thầm kín bức chân dung tự họa trong kỷ yếu cuộc triển lãm. Và những đóa hồng, biểu tượng tình yêu khắp mọi nơi …

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét