Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

GVĐN 07: INRASARA & VŨ QUẦN PHƯƠNG NÓI VỀ 2 VẤN ĐỀ NÓNG CỦA HỘI NHÀ VĂN

Inrasara


TỪ “CẢM TÌNH ĐẾN CẢM TÍNH” ĐẾN PHIẾU TRẮNG!

Với đại bộ phận người làm văn học hôm nay, cánh cửa vào Hội Nhà văn Việt Nam vẫn có sức thu hút đáng kể. Hơn 300 ứng viên thơ trong Danh sách tỏ rõ điều đó. Người viết cần có tấm thẻ Hội Nhà văn cầm tay.
Để tự tin hơn hay để kích thích mình cũng có, để khẳng định mình với người xung quanh cũng có, hay ở một mức độ khiêm tốn hớn - chỉ để có cái gì đó gọi là kỉ niệm một đời văn.
Cho nên, dù tỉ lệ một chọi hai mươi và hơn nữa, người viết văn làm thơ qua mỗi năm vẫn cứ phấp phỏng ngóng chờ “mùa kết nạp hội viên mới”. Chờ - bởi dù tài năng văn chương bộc lộ ngay ở vài tác phẩm đầu tay cũng phải qua hai, ba năm thử thách; họa hoằn lắm mới xảy ra hiện tượng khuôn mặt vừa trình làng đã đút túi ngay tấm thẻ của Hội.
Ở đó không ít trường hợp cửa Hội Nhà văn mãi im ỉm đóng - đến bảy năm, mười năm và hơn nữa, như quyết mài mòn sức kiên nhẫn của người viết. Có kẻ giận lẩy, có người bỏ cuộc, cũng không ít trường hợp phó mặc. Nhưng đại đa số đến hẹn lại lên - nghe ngóng và chờ đợi. Nhẫn nại chờ đợi.
Trong thời gian dài dằng dặc đó, không ít anh chị em tìm cách tiếp cận các Ủy viên Hội đồng. Qua thư từ hay cú phôn làm quen, qua bằng hữu thân thiết giới thiệu.
Gặp mặt mời nhau li cà phê, đãi nhau chầu bia, tặng nhau vài món quà mọn, hay giản đơn hơn - chỉ nhằm tương ngộ với nhân vật từng kiến kì thanh bất kiến kì hình để kí tặng sách “nhờ anh ngó qua”. Cũng hay! Nhưng lắm lúc bất tiện, có khi bất tiện đến phiền phức.
Năm ngoái - 2010, lần đầu tiên dự cuộc bỏ phiếu xét kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, tôi đã lớ ngớ và lúng túng đến tội. 90% trong số ứng viên thơ kia tôi chưa hân hạnh đọc thơ họ. Vậy mà tôi vẫn cứ bỏ phiếu.
Bỏ phiếu dựa trên bảng lí lịch văn học vừa sơ sài vừa thiếu cập nhật do Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cung cấp. Từ đó xét đoán của tôi không thể tránh khỏi dựa vào sự quen biết, xuất phát từ cảm tình và nhất là phó mặc cho cảm tính qua kí ức khá mơ hồ về các sáng tác của ứng viên kia, để quyết thuận hay không thuận. Nghĩa là đầy chủ quan.
Ngay sau đó, tôi đã “tự thức”! Và tỏ thái độ. Tôi thử đưa ra 4 tiêu chuẩn (tác phẩm, dư luận báo chí, giải thưởng các loại và thể loại bổ trợ) để “chấm điểm” ứng viên. Vẫn còn là chưa đủ. Dư luận báo chí hay giải thưởng các loại đầy tràn nỗi đời ngoài lề. Các Ủy viên vẫn có thể bị đánh lừa.
Yếu tố cuối cùng phải là: tác phẩm. Với thơ, ít nhất là 10 bài do tác giả chọn. Đó chính là vật chứng đáng tin nhất. Chỉ trên cơ sở đó thôi, Ủy viên Hội đồng mới có thể cất cử lá phiếu của mình mà không phải áy náy. Và nhất là có trong tay vật chứng tối thiểu để có thể đứng ra bảo vệ cái lá phiếu kia, khi cần thiết.
Bài viết đăng hai kì liên tục trên Tiền phong Chủ nhật, tháng 3-2011 đã tạo nên dư luận đáng kể trên diễn đàn mạng.
Một năm đi qua, tất cả vẫn không chút chuyển động. Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cứ trì trì lệ cũ: vẫn là Bảng danh sách sơ sài và thiếu cập nhật được gửi tới các Ủy viên Hội đồng. Ủy viên Hội đồng Thơ cứ nếp cũ mà bỏ phiếu, nghĩa là đầy cảm tình và cảm tính.
Một năm đi qua, qua tiếp cận và tiếp xúc, tôi có đọc thêm 5% tác phẩm của nhà thơ có tên trong Bảng Danh sách ứng viên. Ở đó, có vài tên tuổi xứng đáng. Tôi chợt nghĩ, biết đâu trong số 85% ứng viên còn lại - vì lòng tự trọng hay sĩ diện hoặc gì gì khác chưa tiếp cận tôi, do đó tôi hoàn toàn chưa cơ hội đọc họ - có vài tài năng.
Vậy mà tôi cứ loại họ. Thẳng tay! Hỏi tôi có công bằng với đồng nghiệp không? - Tắc trách và bất công là điều hiển nhiên rồi! (Cũng có người cho rằng tài cao hay thấp hoặc vừa vừa thì lộ ra ngay thôi, cần chi phải “rốt ráo”. Cứ cho là vậy đi, nhưng ở đây, về mặt nguyên tắc [hay hình thức], ta vẫn chưa sòng phẳng).
Vậy là lần nữa tôi “cảm tình và cảm tính”. Hi vọng là lần cuối cùng. Bởi ngay từ năm sau, tôi sẽ bỏ phiếu trắng. Dù có phải bị cho là trốn trách nhiệm, nhưng cũng cần phải thế. Theo tôi, để cho cuộc chơi công bằng và tránh điều tiếng, Ban Công tác Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cần làm sớm:
- Thông tin trên báo Văn nghệ yêu cầu mỗi ứng viên nộp: (1). Tiểu sử văn học (tên tác phẩm, giải thưởng các loại nếu có) và (2). 10 bài thơ tự chọn. Tất cả chỉ cần 4-7 tờ A4 là đủ. Photocopy làm 9 bản. Ứng viên nào không nộp thì coi như tự loại mình ra khỏi Danh sách.
- Sau đó, Ban Công tác Hội viên tập hợp đầy đủ “hồ sơ” gửi cho Ủy viên Hội đồng Thơ trước tháng 9 mỗi năm (năm sau chỉ cần bổ sung «hồ sơ» ứng viên mới). Tránh tình trạng các ứng viên trực tiếp gửi hồ sơ đến các Ủy viên Hội đồng.
- Thao tác cần thiết không kém là với website sẵn có, BBT có thể lập một cột riêng để đăng «hồ sơ» ứng viên. Cho rộng đường dư luận.
- Cuối cùng, Ủy viên chỉ cần dựa trên «hồ sơ» gốc đó (nếu có các tập thơ đọc tham khảo càng tốt) mà xét tuyển.
Xét, bỏ phiếu và trách nhiệm với chính lá phiếu của mình.

Sài Gòn, 3-1-2012



Vũ Quần Phương




Chất lượng giám khảo tạo nên uy tín giải thưởng

Hiện nay ở ta có nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật Đó là việc hay. Khích lệ tài năng và quảng bá nghệ thuật.Nhưng để đạt được đích đó,một điều cần, cần hơn cả số lượng giải lẫn giá trị vật chất của giải lại là sức thuyết phục của giải thưởng trong giới nghệ thuật và trong công chúng.
Muốn thuyết phục cần chọn lựạ chính xác.
Muốn chọn lựa chính xác cần giám khảo tinh thông.
Hiện nay ít có những ban giám khảo tinh thông nghiệp vụ.
Giải càng to, cuộc chọn càng vào sâu (chung khảo, áp chung khảo), thành viên giám khảo lại càng lơ mơ nghiệp vụ chuyên môn.
Nguyên nhân là do quan niệm về giám khảo có lầm lẫn. Lầm lẫn phổ biến là lẫn lộn ban giám khảo với ban tổ chức, lầm lẫn chức năng nghiệp vụ chuyên môn với chức năng hành chính quản lý.
Lấy ví dụ việc xét giải thưởng cấp quốc gia do chủ tịch nước ký tặng. Cấp giám khảo cơ sở, do các hội nghiệp vụ đảm nhiệm, lại là cấp có chuyên môn tinh thông nhất, vì họ là những người làm nghề. Thí dụ xét văn chương thì vòng khởi đầu, cấp thấp nhất, đều do các nhà văn thực hiện, nên độ chính xác lại cao hơn ở vòng sau là vòng liên kết nhiều ngành nghệ thuật khác. Ông kiến trúc sư, bà múa, ông vẽ... đánh giá văn chương chắc chắn không thuận bằng đám cùng nghề chữ nghĩa. Lên đến cấp bộ văn hóa,  là cấp chính phủ, có thể coi là vòng chung khảo thì ngoài các nghệ sỹ đã thấy nhiều quan chức trong ban thẩm định. Quan chức chắc hẳn phải tài giỏi, không tài giỏi sao lại được làm quan. Nhưng cái tài ấy lại không phải là tài đánh giá văn chương. Tài đánh giá văn chương chưa bao giờ thành tiêu chí kén chọn quan chức. Nhưng do chức vụ mà bắt / mời họ tham gia bình chọn là khó cho họ và dễ hỏng việc. Họ không nên làm việc bình chọn mà họ phải là cấp sử dụng kết quả bình chọn. Họ thuộc về ban tổ chức giải thưởng. 
Ban tổ chức vòng sơ khảo giao cho hội chuyên ngành. Vòng trung gian do liên hiệp các hội văn học nghệ thuật. Vòng chung khảo giao Bộ văn hóa. Ba ban tổ chức cùng hiệp thương để cấu tạo ba ban giám khảo cho ba cấp. Nên có hiệp thương trong việc này để phân bổ nhân sự  được khoa học và hợp đạo lý, tránh trùng chập hoặc trái ngược. Có thể coi ban tổ chức như “chủ đầu tư” và ban giám khảo như bên “thi công”. Giám khảo phải có năng lực chuyên môn và chỉ cần chuyên môn thôi, không cần chức vụ. Ban tổ chức là người thuê ban giám khảo và có quyền sử dụng kết quả của giám khảo để phục vụ đúng tôn chỉ mục đích cuộc khen thưởng.
Gặp khi khác biệt ý kiến cần có trao đổi giữa đại diện của hai ban. Quyết định tối hậu là do ban tổ chức giải thưởng. Khi đã nắm chắc chuyên môn thì việc sắp xếp giá trị tác phẩm sẽ hàm chứa chân lý. Chọn hay không chọn không thể dễ dàng thay đổi khi có ai khiếu nại, kiện tụng như đợt xét tuyển vừa qua. Cứ ai kiện thì được bổ sung như ở một hội vừa qua sẽ tạo tiền lệ xấu, khuyến khích kiện tụng, tỵ nạnh là điều không nên có trong giới sáng tạo. 
Giải văn chương của Hội nhà văn trong nhiều năm gần đây cũng có những lúng túng. Nguyên nhân không phải do thiếu công tâm hay vô trách nhiệm mà theo tôi chủ yếu là do cấu tạo ban giám khảo và quan niệm chức năng của nó chưa hợp lý.
- Sơ khảo giao cho các hội đồng nghệ thuật từng thể loại là hợp lý, nó đại diện được tiếng nói chuyên môn. Nhưng chung khảo thường là ban chấp hành (toàn thể hoặc thu hẹp hoặc mở rộng tới các đại diện vòng sơ khảo) là chưa hoàn hảo. Bởi lẽ không phải mọi thành viên BCH đều có kinh nghiệm thẩm định tác phẩm.  Khi bầu BCH, cũng không ai lấy năng lực đánh giá tác phẩm làm tiêu chí chọn lựa. Nhất là phải đánh giá tất cả các thể loại văn chương khác nhau (thơ, văn, phê bình, dịch thuật). Việc ấy khó. Những ủy viên chấp hành, theo quan sát của tôi, đều đã cố gắng đọc tác phẩm và nghiêm túc trân trọng tác giả khi đánh giá. Tất cả các việc ấy là tinh thấn trách nhiệm đáng quý. Tuy nhiên nó chưa đủ để đảm bảo tính chính xác của chọn lựa. Việc ấy dẫn đến hậu quả là các tác phẩm được trao giải mất dần sự đồng tình của giới viết và cũng giảm sức thu hút công chúng, thậm chí còn gặp phản bác. Ban chung khảo, có phải vì vậy, mà trong nhiều trường hợp không có bản đánh giá phẩm chất giải và khi gặp phản bác thường chọn thái độ nhường nhịn (!), không nói gì.
- Nên chăng, hội nhà văn cũng có phân biệt ban tổ chức giải và ban giám khảo. Ban tổ chức, cố nhiên thuộc quyền hạn BCH. Giúp việc cho BCH trong sự chọn lựa giải hàng năm là các ban giám khảo. Sơ khảo do các hội đồng. Kinh nghiệm một số năm hồi thập niên 90, thì các hội đồng chuyên môn cũng lập ban sơ khảo cho hàng năm, gồm thành viên của hội đồng và thêm một số chuyên gia ngoài hội đồng. Danh sách các giám khảo thay đổi hàng năm cũng tạo phong phú cho tiêu chí chọn lựa. Ban chung khảo thì càng cần thiết tạo lập hàng năm. Có thành viên BCH và cả các chuyên gia ngoài BCH. Dựa theo tỷ lệ thể loại tác phẩm vào chung khảo mà cấu tạo ban chung khảo sao cho phát huy được lợi thế chuyên môn khi đánh giá. Nếu lập được giám khảo riêng cho từng thể loại chắc sự đánh giá càng có sức thuyết phục hơn.
Việc bầu phiếu kín hay bầu công khai ở bất cứ giải thưởng cấp nào cũng còn là việc phải cân nhắc. Hiện nay ở nước ta, hầu hết các giải đêu tiến hành chọn lựa bằng phiếu kín. Ưu điểm của phiếu kín thì không cần phải nói nữa. Nhưng thực tế lại có hiện tượng này:
-Có tác phẩm khi bình luận công khai, được hầu hết thành viên ban giám khảo ủng hộ. Nhưng bỏ phiếu kín, kiểm phiếu, kết quả lại không quá bán
- Ngược lại có tác phẩm khi đánh giá, ý kiến biếu dương ít, rất ít. Nhưng khi kiểm phiếu lại quá bán.
Như vậy giữa kín và công khai trái nhau. Khách quan, người ta có quyền nghi ngờ ban giám khảo “không thật bụng” nhưng theo quy ước thì cứ quá bán là thắng và không quá bán thì phải loại. Phiếu kín ở đây đóng vai trò một ý kiến nặc danh. Trong ngành tư pháp hiện nay các khiếu tố nặc danh không được đánh giá cao, thậm chí không xét đến. Nhưng ở đây nó lại có vai trò quyết định.
Nhân tiện cũng xin thưa: thể loại thơ từng ba năm liến không có giải. Có bạn nghi ngờ có sự chỉ đạo nào chăng? Thật ra không có ai chỉ đạo để có hay không có giải. Mà chỉ đạo cũng không dễ đâu. Phiếu kín kia mà. Chỉ khi kiểm phiếu mới biết được kết quả. Ba năm ấy, nếu chỉ nghe lúc thảo luận thì nghĩ có giải mà khi kiểm phiếu thì đều không quá bán. Khi ở sơ khảo, khi ở chung khảo đều có chuyện như vây. 
Rõ ràng là không hay. Nhưng khắc phục quả không dễ. Vì chê mà công khai, thời buổi này, nhiều “tai nạn” lắm nên người ta chỉ dám chê nặc danh (!), trong phiếu kín. Tuy nhiên nâng cao phẩm chất giám khảo là việc có thể làm được (như đề nghị nói trên) Và do vậy mà hạn chế được những “vô lý” kia chăng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét