Phạm Văn Cạn
(Thị xã Long Khánh)
Xuân – nghĩ về vùng quê hoa trái
Khi trời đất vào xuân, khi ngày mới bắt đầu, nắng ấm đẩy dần cái lạnh trở về đêm, thì lúc đó tiếng chim hót vang chuyền từ cành sầu riêng sang nhánh chôm chôm, rồi lả lướt sà vào cây bưởi. Cứ thế, cả khu vườn đầy ắp tiếng chim, dường như chim hót mừng vườn cây bắt đầu hoa nở. Hoa nở rụng xuống và hương bay lên trời, tỏa thơm ngào ngạt hứa hẹn một mùa trĩu quả; Nghĩa là lộc sắp về với người nông dân quê tôi.
Đâu phải chỉ có thế là có lộc! Dù hôm nay người nông dân quê tôi đỡ vất vả nhọc nhằn hơn cái thuở xa xưa, cái thuở mà “con trâu đi trước, cái cày đi sau” để cha ông ta cho ra đời câu ca dao động viên cái anh chàng “đầu cơ nghiệp” – “Trâu ơi ta bảo trâu này / Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”... Giờ thì trên mảnh đất, miếng vườn tiếng máy cày, máy xới, máy bơm... thi nhau nổ rộn ràng. Giờ thì điện đã về đến từng hộ sản xuất nông nghiệp. Giờ thì nhà nào có vườn cây ăn trái là có đầu tư nhiều máy móc... Giờ thì nông dân quê tôi đang tính đến chuyên làm giàu, làm giàu một cách chính đáng.
Trước tiên, họ thực hiện phương châm “tấc đất, tấc vàng”, biến thời gian thành “khoai lúa”, khắc phục cái việc đang làm cỏ vườn, quăng cuốc đi nhậu! Hàng tháng, họ dự họp câu lạc bộ IPM để nắm bắt kinh nghiệm hoặc những tiến bộ Khoa học kỹ thuật về áp dụng cho mình. Họ đã biết nghiên cứu tìm ra quy luật của từng loại cây trồng để xây dựng quy trình cho ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, năng suất cao. Quá trình lao động, họ đã đến với Điểm Thông tin khoa học và Công nghệ để lên mạng truy cập thông tin phục vụ cho sản xuất và đời sống; Họ đang bắt tay nhau liên kết hình thành nhóm hợp tác sản xuất theo mô hình trồng cùng chủng loại, thực hiện cùng một quy trình, vần đổi công cho nhau để sản phẩm của họ có cùng một chất lượng cao, tiến đến định hình cho thương hiệu trái cây Long Khánh.
Cái giàu đang đến gần với họ!
Năm cũ qua, năm mới đến, những hoài bão và niềm hi vọng của một vùng quê hoa trái sẽ thành hiện thực, đúng nghĩa với vùng đất lành chim đậu; để có những con tàu vượt nghìn trùng chở chôm chôm, sầu riêng, bưởi, măng cụt,...vượt biển hòa nhập cùng bè bạn năm châu, để cho người nông dân không còn tiếng thở dài mà mãi là những nụ cười rạng rỡ như hoa xuân. @
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét