Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

GVĐN 07: THƠ MỚI NAM BỘ 1930-1945

THƠ MỚI NAM BỘ 1930-1945 - MỘT THỜI SÔI ĐỘNG
Trần Chiêm Thành

Phân kỳ văn học vẫn còn tranh luận. Sách giáo khoa phân kỳ giai đoạn 30-45, 45-54 , 54-75 có lý do của nó vì chính trị lãnh đạo văn nghệ. Do vậy thơ mới 30-45 ở miền Nam chấp nhận sự phân kỳ này tuy còn có người băn khoăn vì khác với dòng văn học Cách mạng 30-45 có Từ ấy của Tố Hữu và dòng văn học hiện thực phê phán với những cây bút lừng danh sau này theo Cách mạng như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Ngô Tất Tố… Ở miền Nam tình hình không như vậy nhưng đã hình thành một giai đoạn văn học đáng nhớ với những cây bút mà tác phẩm của họ đang được tái bản khá nhiều như trường hợp Hồ Biểu Chánh. Trong phạm vi bài viết này chỉ dừng lại ở thể loại thơ, và là thơ mới.

 Một sự kiện khá hy hữu là thơ mới ở Nam bộ không “kèn trống” từ tác phẩm mà từ những cuộc tranh luận mà các tác giả tiêu biểu là Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Nguyễn Thị Kiêm… Thực ra Phan Khôi quê Quảng Nam, là một nhà báo, nhà văn hóa hơn là nhà thơ nhưng bài Tình già của ông được coi là một trong những đứa con đầu lòng của nền thơ mới mặc dù sau đó chính ông nói rằng, thể thơ đó như những bài thể từ thời nhà Tống bên Tàu, sau này ở Việt Nam có nhà soạn tuồng Đào Tấn kế tục.
 Trên số báo Phụ nữ Tân văn số 122 ra ngày 10/3/1932, Phan Khôi viết bài Một lối thơ mới trình làng giữa làng thơ cùng với bài Tình già của ông. Có lẽ do điều này nên có người tính giai đoạn thơ mới ở Nam bộ từ năm 1932. Sau đó các tác giả ủng hộ có Đào Trinh Nhất, Nguyễn Thị Kiêm… dùng Phụ nữ Tân văn làm nơi trình bày ý kiến của mình. Thú vị một điều là chồng của Nguyễn Thị Kiêm là nhà thơ mới Lư Khê cùng với các nhà thơ khác như Hồ Văn Hảo, Vân Đài, Huy Hà, Nguyễn Hữu Trí, Khổng Dương, Sơn Khanh… cùng xuất hiện trên Phụ nữ Tân Văn nên sau này có người xếp họ là Nhóm Phụ nữ Tân văn trong miền thơ Nam bộ.
Trong số các nhà thơ nhóm này, Hoài Thanh dành cho Vân Đài nữ sĩ sự ưu ái khi giới thiệu trong Thi nhân Việt Nam với bài Tiếng đêm 20 câu và 2 câu lẻ:
 Gió xuân đâu biết cho lòng thiếp
 Ôm ấp bên mình mãi thiếp chi?
 Thực ra Vân Đài người gốc Hà Nội, vợ một ông chủ sự vô tuyến điện, 4 câu này trong Tiếng đêm vẫn đậm thơ Đường:
 Tiếng gió lùa qua thức mộng đêm,
 Phá tan hương khói giấc êm đềm.
 Lại thêm tiếng khánh chùa xa thẳm,
 Quen đến buồng tôi lúc nửa đêm.
 Nhóm thứ hai được định danh khá rõ là nhóm Hà Tiên. Đông Hồ và nữ sĩ Mộng Tuyết dệt nên một mối tình thơ được nhiều người nhắc đến, nhất là sự cố Đông Hồ khi giảng ở Đại học Văn khoa ở Sài Gòn trước 1975 đột quỵ ngay trên giảng đường và mất. Cùng với 2 trụ cột này là Lư Khê, cháu của Đông Hồ và Trúc Hà, sau này chuyển sang nghiên cứu, phê bình.
 Trong Thi nhân Việt Nam, Đông Hồ và Mộng Tuyết xếp cạnh nhau như một sự biểu dương, tri ân những đóng góp của hai nhà thơ đại diện cho nhóm. Trong thời gian này, Đông Hồ trình làng tập Thơ Đông Hồ Cô gái xuân, hai phong cách thơ khá khác nhau và tùy lứa tuổi, thích tập này hoặc tập kia.
 Trong Cô gái xuân:
 Áo trắng khăn hồng gió phất phơ,
 Nhẹ nhàng vui vẻ nét ngây thơ.
 Trông cô hớn hở như đàn bướm,
 Thong thả trời xuân mặc nhởn nhơ.
 Mộng Tuyết nhỏ hơn Đông Hồ 14 tuổi nhưng họ gắn bó với nhau qua tình thơ và đã thơ thì lãng mạn:
 Tiếng nhà của sẵn kho vô tận,
 Mặc sức tiêu hoang mặc sức chơi:
 Mua bốn phương trời mây nước đẹp,
 Mua nghìn năm cảnh cỏ hoa tươi.
 Hãy còn thừa thãi tiêu chưa hết,
 Mua lấy trần gian, tiếng khóc cười.
 (Vì anh Thọ Xuân)
 Một giai đoạn thơ, một miền thơ bấy nhiêu chỉ là những điểm xuyết…
@

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét