Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

GVĐN 06: Thư luận học: Gửi anh Bùi Công Thuấn

Phan Nam Sinh
(HV Hội VHNT Đồng Nai)
Thư luận học: Gửi anh Bùi Công Thuấn
  
    Tôi đã nhận được những sách anh gửi tặng kể cả lúc nó còn đang ở dạng bản thảo. Xin chân thành cám ơn anh đã nhớ đến tôi! Tất cả, tôi đều đọc rất say sưa, nghiêm túc, có tác phẩm đọc tới hai ba lần, chủ yếu với tinh thần học hỏi. Đáng tiếc là do ít ngoại ngữ, nhất là từ khi về hưu đến nay, vì có một vài việc riêng cần phải hoàn thành gấp nên tôi cũng không có nhiều thời gian để tiếp xúc với nhiều loại sách vở, nhất là với các tác phẩm văn chương và phê bình văn học xuất bản trong thời gian gần đây.

         Cộng với thói quen đọc theo “cách đọc truyền thống”, chưa được chuẩn bị để sẵn sàng tiếp cận với “cách đọc mới” nên đọc những gì anh viết, có những cái tôi hiểu được nhưng cũng còn khá nhiều cái, thật tình mà nói là tôi… mù tịt. Vì thế đã có vài ba lần tôi đặt bút định viết một cái gì đó về các tác phẩm của anh nhưng rồi phải bỏ nửa chừng bởi thấy không chắc mình đã hiểu đúng ý tác giả. Tuy vậy, bằng những gì mà tôi thật sự hiểu được, tôi cảm thấy rất đáng nể phục.
        Tôi quí anh trước hết ở tinh thần tự học, tự bồi bổ kiến thức cho mình không ngừng nghỉ, để bây giờ theo nhận xét rất thành thực của tôi, anh đã sở hữu được một kho tri thức văn chương “bách khoa” mà trong số rất ít bạn bè tôi quen biết trước nay, không phải ai cũng có thể sánh được.
         Tôi cũng quí anh ở thái độ “độc lập” trong nghiên cứu, nghĩa là không dễ gì bị lệ thuộc vào những đấng “cây cao bóng cả” từng che lấp không nhiều thì ít bóng dáng cũng như cá tính của nhà phê bình mà độc giả dù không muốn vẫn thường xuyên bắt gặp ở một vài cây bút thiếu bản lĩnh. Tóm lại là, tôi tin những gì anh viết ra là của riêng anh, là những cái anh từng nghiền ngẫm, không dễ gì có được nếu không trải qua một thời gian dài ấp ủ với nhiều lao tâm khổ tứ. Tôi tôn trọng sự trung thực và óc sáng tạo trong đời sống cũng như trong văn chương và vì thế mà đánh giá rất cao những trang viết của anh. Càng đọc anh, tôi càng có cảm giác là anh đã độc lập được với mọi ám thị mà mình có thể bị lây nhiễm và nhờ thế mà được đền đáp; ý tôi muốn nói là anh đã góp được chút gì đó vào tiếng nói chung như anh từng mong muốn.
         Tôi còn quí anh ở thái độ chừng mực khi phê bình, nhưng những lúc cần “quyết liệt” thì cũng dám quyết liệt. Tôi không có ác cảm gì với bà Thụy Khuê nhưng cái cách anh vạch ra ác ý của tác giả này trong khi phê bình tiểu thuyết “Ngồi” của Nguyễn Bình Phương thì người đọc nào, miễn là còn giữ được chút ít lòng tự tôn dân tộc cũng đều lấy làm… hả dạ! Bởi không cần phải tinh ý lắm, người đọc cũng có thể dễ dàng nhận ra mục đích ngoài văn chương nhưng lại sặc mùi chính trị của Nguyễn Thụy Khuê khi bà ta đánh đồng Việt Nam hôm nay với Giao Chỉ của ngàn năm trước để rồi tùy tiện bôi bẩn bức tranh xã hội ta vào nửa đầu thập niên trước, lúc Nguyễn Bình Phương viết tiểu thuyết “Ngồi” là dậm chân tại chỗ trong sa đọa nhiều chiều. Dẫu sao thì bà Thụy Khuê cũng là người của “phía bên kia” nên thái độ quyết liệt của anh cũng là điều dễ hiểu. Cũng với một thái độ gần như thế, khi viết về “người đằng mình”, anh cũng thật rạch ròi, dứt khoát bởi không hề ngại va chạm, một phẩm chất không thể thiếu đối với một nhà phê bình trung thực, trung thực với đối tượng phê bình và trung thực ngay với chính bản thân mình. Nhận xét này có lẽ đúng nhất với trường hợp anh phê bình tiểu thuyết “Nháp”của Nguyễn Đình Tú. Từ ý đồ ban đầu của tác giả là muốn thể hiện thứ tư tưởng mỗi con người là bản nháp của người khác hay bản nháp của số phận, qua phân tích hệ thống các hình tượng và cấu trúc tác phẩm cũng như mục đích, thái độ miêu tả của tác giả, anh nhận thấy các nhân vật trong tiểu thuyết “Nháp” không thể hiện tư tưởng nháp, nếu có thì đó chỉ là nháp làm tình và đi tới kết luận: Cuối cùng tư tưởng nháp hiện nguyên hình chỉ là sự phô trương, cổ vũ cho những trảinghiệm sex bệnh hoạn, vô luân hay Nháp trần trụi là một truyện hình sự được tác giả nêm nếm đậm đà cho hợp với khẩu vị của dân chơi. Chưa dừng lạị, anh còn chỉ ra cho độc giả biết đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Theo anh, đó là do Nguyễn Đình Tú không có thứ tư tưởng của J.P.Sartre hay A.Camus, lại thêm tay nghề yếu nên không thể xây dựng kiểu nhân vật như tiểu thuyết tư tưởng của các nhà văn này.  Đó rõ ràng là những kết luận không dễ làm vừa lòng tác giả và những nhà phê bình từng ca ngợi “Nháp” nhưng lại nhận được sự đồng tình từ phía người đọc bởi ai cũng nhận thấy đây không phải là những kết luận võ đoán mà dựa trên những căn cứ khoa học rất vững vàng. Sức thuyết phục từ các trang viết có lẽ cũng là một thành công rất đáng được kể đến trong các tác phẩm phê bình của anh.
         Một điều nữa khiến tôi ngạc nhiên và cũng rất vui mừng là từ bấy lâu nay anh vẫn giữ mãi được ngọn lửa nhiệt tình với văn chương, biểu hiện ở một sức viết thật sung mãn. Tôi cũng là người thi thoảng có viết chút đỉnh theo kiểu không hoàn toàn chuyên nghiệp nên càng khâm phục sự nỗ lực của anh. Bởi tôi hiểu, với một thầy giáo về hưu, trên vai là gánh nặng tuổi tác và nhiều thứ áp lực khác nữa, không dễ gì vài ba năm một lần, cho ra đời một tác phẩm phê bình dày dặn, hơn nữa lại được viết một cách rất nghiêm cẩn như anh đã làm được. Với niềm đam mê cháy bỏng và sức làm việc đáng nể mà tôi thấy được ở anh, tôi tin là anh sẽ còn tiến xa hơn và đóng góp được nhiều nữa cho nền phê bình văn chương của nước nhà.
         Nói như thế không có nghĩa là đọc anh, tôi hoàn toàn bị chinh phục mà không có chút nào băn khoăn, lấn cấn. Thật ra là cũng có một vài chỗ mà hình như suy nghĩ và cách lý giải một vấn đề nào đó giữa anh và tôi còn có độ “vênh” nhau. Tôi chỉ nói là giữa anh và tôi “có độ vênh nhau” chứ không dám nói là tôi đúng, anh sai hay ngược lại. Ở độ tuổi hơn bảy mươi như tôi bây giờ mà nói ra điều này chắc là đủ để anh hiểu tôi không phải là kẻ háo thắng. Điều tôi muốn nói biết đâu lại có lợi cho cả anh lẫn tôi vì tôi nghĩ rằng sở dĩ có độ vênh nhau ấy, có lẽ là do một vài điểm mạnh ở anh chưa được kiểm soát hữu hiệu, hoặc giả là tại tôi loay hoay mà không tìm được lối vào cổng chính của thơ đương đại và cũng chưa bắt kịp với “cách đọc mới” như anh từng nói. Điều này thường xảy ra khi tôi đọc loạt bài viết của anh về thơ thiền hay khi nghe anh bàn thảo về chủ đề thế nào là thơ lục bát hay. Nhưng nói ra điều này bây giờ chắc là sẽ nhiêu khê lắm, e bức thư vì thế mà trở nên quá dài. Đành hẹn anh ở một lá thư khác vậy!

11-11 2011
Phan Nam Sinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét