Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

GVĐN 08: Sách giải thưởng văn học vẫn cần được quảng bá

(Toquoc)- Năm 2011 Hội Nhà văn Việt Nam công bố liền một lúc giải thưởng thường niên của hai năm với sự vinh danh 11 tác phẩm. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để “hậu giải thưởng” những giá trị đích thực của tác phẩm sẽ đến được với độc giả? Sách đoạt giải có cần quảng bá không, hay cứ để nó “trôi” đi như sự thử thách với thời gian…
Trao đổi thêm vấn đề này, báo điện tử Tổ Quốc có cuộc phỏng vấn với nhà văn Khôi Vũ và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng có ý kiến về vấn đề này.


PV: Sau nhiều năm giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam được mùa ở nhiều chuyên ngành. Giải thưởng đã được công bố từ trước tết, thế nhưng hình như sự vào cuộc của phê bình hơi chậm trễ, còn quá ít những bài khen - chê về tác phẩm đoạt giải. Theo ông thì điều này cho thấy gì?

Nhà văn Khôi Vũ: Khi công bố giải thưởng, Hội Nhà văn thường có bài nhận xét tổng kết trong đó đánh giá tóm tắt ưu khuyết của các tác phẩm đoạt giải. Gần đây thì Hội có tổ chức tọa đàm về một số tác phẩm. Số bài phê bình về từng tác phẩm chưa có hoặc xuất hiện rất ít. Lại có hiện tượng các nhà phê bình (không hiểu có phải vì không có đủ sách để đọc hay còn vì lý do nào khác), chỉ tập trung viết về một vài cuốn nào đó, các cuốn khác bị bỏ quên! Tôi cho rằng các nhà văn đều mong muốn tác phẩm đoạt giải của mình nhận được những nhận xét (khen hay chê) của giới phê bình và cũng muốn sách được nhiều người tìm đọc. Chưa làm được tốt hai việc này thì Hội Nhà văn còn chưa thật hết trách nhiệm của mình.

PV: Là một độc giả, đồng thời cũng là người cầm bút với những giải thưởng văn chương đã gặt hái được, ông thấy Hội Nhà văn cần làm gì sau khi công bố và trao giải cho tác phẩm đoạt giải để giúp ích cho văn học cũng như độc giả?
Nhà văn Khôi Vũ: Người đọc bình thường và cả những nhà văn, hầu như đều muốn được đọc những tác phẩm vừa được công bố đoạt giải. Nhưng quả tình việc tìm sách quá gian nan, nhất là bạn đọc ở miền Nam tìm sách in ở miền Bắc (và ngược lại). Gần đây, nhiều cuộc thi về thể loại văn học ngắn (truyện ngắn, bút ký...) đều làm một việc rất hay là phát hành sách in các tác phẩm đoạt giải ngay khi công bố kết quả. Ở một cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi năm 1993 (mà tôi được giải), NXB Trẻ đã in đồng loạt 11 cuốn đoạt giải và phát hành ngay ngày trao giải. Tôi nghĩ rằng Hội Nhà văn nên tham khảo cách làm này.

PV: Chuyện “hậu giải thưởng” của chính nhà văn như thế nào? Ông có thể chia sẻ với độc giả?
Nhà văn Khôi Vũ: Tiểu thuyết “Lời nguyền 200 năm” của tôi được nhận giải thưởng Hội Nhà văn năm 1990, 6 tháng sau khi tôi được kết nạp vào Hội. Hồi đó sách in ở miền Nam 7000 cuốn, đưa ra miền Bắc 2000 nên khi được giải, nhiều người tìm được sách để đọc. Hội Nhà văn hồi ấy chỉ tổ chức một buổi tọa đàm về cuốn sách, tường thuật lại trên báo Văn nghệ, và... hết!. Mãi đến năm 1997 do nhu cầu tham khảo sách văn học cho học sinh địa phương, NXB Đồng Nai in lại 1000 bản. Năm 2004 thì NXB Thanh Niên là nơi cuốn sách ra đời, mới tái bản lần đầu ở đây, cũng chỉ với 1000 bản.
Suốt một thời gian dài cho đến nay, khi gặp những bạn văn lần đầu tiên hội ngộ, tôi thường nghe câu nói: “À, Khôi Vũ, Lời nguyền hai trăm năm”. Tôi rất cảm kích vì bạn nhớ tên mình và tên tác phẩm. Nhưng trong lòng tôi vẫn thường xuyên có một câu hỏi: “Bạn đã đọc sách của mình chưa? Hay chỉ nhớ tên cuốn sách?”. Mặt khác, theo dõi các bài nhận định về các thời kỳ văn học, tôi thấy các tác giả thường dẫn tên một số cuốn sách nhất định (cứ như người viết sau lấy nguồn từ người viết trước). Trong đó sách của tôi được nhắc đến với tần suất khá thấp. Tôi tự hỏi có phải chất lượng cuốn sách đoạt giải của mình là chưa xứng đáng? Và càng phân vân hơn khi nghe một vài nhà phê bình quen tên nhưng mới gặp lần đầu đưa ra yêu cầu: khi nào sách tái bản, ông tặng tôi một cuốn để đọc nhé!

PV: Để tác phẩm đoạt giải không bị chìm vào quên lãng chúng ta có nên có các động thái quảng bá hay cứ để như từ trước đến nay để chính tác phẩm tự thử thách với thời gian và công chúng?
Nhà văn Khôi Vũ: Trong một thị trường sách thượng vàng hạ cám và bạn đọc sách đã giảm vì bị các phương tiện truyền thông khác cạnh tranh như hiện nay, câu “Hữu xạ tự nhiên hương” chỉ còn một phần ý nghĩa nguyên thủy của nó. Sách đoạt giải vẫn cần được quảng bá qua việc tái bản sau khi công bố kết quả và việc tham gia nhận xét của giới phê bình. Sau đó, tùy theo giá trị của mỗi tác phẩm mà nó sẽ được tái bản tiếp tục hay không. Đây cũng là một tham khảo cho việc xác nhận về giá trị lâu dài của tác phẩm. Thời gian và công chúng đúng là thử thách lớn và chính xác với mỗi tác phẩm. Nhưng sẽ chẳng có “công chúng” nếu họ không nhìn thấy tác phẩm trong hiệu sách để chọn mua và đọc!

* Cảm ơn nhà văn!
(Hiền Nguyễn thực hiện)
Nguồn: Văn học quê nhà - Báo Tổ quốc điện tử

Ý kiến của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam:

“Sau khi trao giải tôn vinh cho những tác phẩm được giải văn học thường niên Hội Nhà văn sẽ có những chương trình quảng bá để một lần nữa khẳng định giá trị văn học và đưa tác phẩm đến gần với công chúng hơn. Tuy nhiên, Hội sẽ không làm cùng lúc một thời điểm mà chương trình này sẽ kéo dài trong một năm. Cụ thể trong năm nay sẽ chọn lọc một số tác phẩm đoạt giải tiến hành toạ đàm hoặc hội thảo, và thơ được ưu tiên làm trước. Bởi sau nhiều năm thơ không có giải thưởng thì vừa rồi chúng ta có hai nhà thơ đạt giải. Họ không chỉ trẻ về tuổi đời mà còn trẻ cả về giọng điệu, mang đến một khuynh hướng mới cho thơ. Bên cạnh đó, các tác phẩm khác cũng sẽ được báo chí trong Hội lần lượt giới thiệu.
Sở dĩ Hội không thể tiến hành Hội thảo hết các tác phẩm được giải mà chỉ chọn lọc và căn cứ vào một số tiêu chí cũng như thông điệp của tác phẩm mang lại.
Từ sau cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 của Hội Nhà văn kết thúc, một số tác phẩm đạt giải đã được lựa chọn tọa đàm. Và với giải thường niên cũng vậy, bắt đầu từ năm nay, Ban chấp hành cùng Ban sáng sáng tác sẽ tổ chức tọa đàm cho các tác phẩm đoạt giải thưởng”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét