Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

GVĐN 08: Đọc tiểu thuyết GIỮA DÒNG CHẢY LẠC của Nguyễn Danh Lam

Bùi Công Thuấn
(HV Hội VHNT Đồng Nai)

GIỮA DÒNG HIỆN SINH
Đọc tiểu thuyết GIỮA DÒNG CHẢY LẠC của Nguyễn Danh Lam - Nxb Văn Nghệ 2010



GIỮA DÒNG CHẢY LẠC (GDCL) là câu chuyện của một gã tâm thần đơn độc với tuổi già phía trước (Tr.373). Vợ mới cưới được ba tháng đã bỏ đi. Người bạn họa sĩ tâm giao cũng chết đột ngột không rõ nguồn cơn. Người bạn thời sinh viên, sau tai nạn phải sống thực vật cũng đã ra đi. Mấy lần đi xin việc rồi phải bỏ việc. Nhiều lần lên cơn điên hiện sinh tưởng đã chia lìa cõi đời phù du này. Chỉ còn lại một con người đơn độc, bất lực, vô vọng, không biết về đâu, không chốn nương thân (NO COUNTRY FOR OLD MEN - Tr.375) giữa dòng chảy cuộc đời.
Nếu tác phẩm chỉ là như thế, hẳn bạn đọc sẽ nghĩ đây là một câu chuyện nặng đầu, khô khan và lạc lõng giữa những cuốn tiểu thuyết khác đầy sex, đầy hoan lạc. Trái lại, ngòi bút Nguyễn Danh Lam (NDL) miêu tả tuyệt hay chuyện tình của nhân vật Anh, dựng những cảnh đối thoại chàng và nàng sinh động và trí tuệ đến không ngờ, thâm nhập rất sâu vào tâm thức nhân vật để phát hiện những trạng thái hiện sinh mê cuồng. NDL cũng có những chi tiết miêu tả chân thật đến độ sững sờ. Một giọng văn đôn hậu ấm áp và một cách viết hấp dẫn đến những dòng cuối cùng.
Đọc GDCL, người đọc bị treo lửng lơ giữa nhiều tầng ý nghĩa, mà chưa hẳn đã nhận ra rạch ròi ý nghĩa nào là thông điệp đích thực của tác phẩm. Ý nghĩa hiện thực hay ý nghĩa tư tưởng. Lòng yêu thương hay thái độ phê phán? Phải chăng GDCL là một thách thức về cách đọc? Chỉ điều này là rất thực: Tiếng nói của NDL trong tác phẩm là tiếng nói tỉnh táo, trải nghiệm và rất hồn hậu. NDL có khả năng nhìn xuyên qua nhiều thế giới, để đi đến tận cùng của phận người, kiếp người, lạc lõng giữa dòng chảy khốc liệt ngoài kia, những con người mà anh gọi là một “Lost Generation”, khi cái cũ đã qua mà cái mới còn chưa tới (1).

Những câu chuyện tình lãng mạn nhưng nhiều vị đắng.
 Anh là một người cô đơn nên chân thành tìm kiếm tình yêu. Khi bất chợt gặp trong công ty Bảo Hiểm lúc chờ phỏng vấn, Anh đã tạo được sự tự tin trước mặt lúc có đám cháy làm mọi người hoảng loạn. Sau đó Anh mong chờ mỏi mòn một tin nhắn, một cuộc gọi của . Tất cả bặt tăm, rồi đột nhiên Anh nhận tin nhắn của , hẹn đi uống café, rồi cùng đi chơi biển. Cuộc đi chơi với bao nhiêu hào hứng bỗng khựng lại vì đòi về. Sau đó lại mất tăm. Anh chạy theo như trong một cuộc chơi cút bắt. Lại mong chờ mỏi mòn, và rồi lại đến. Lần này yêu cầu Anh chở ra ngoại thành chơi. Quả là một dịp tuyệt vời để tỏ tình, để những quan hệ tình thân trở nên thắm thiết. nằm trên cỏ, hai người tâm tình. Chiều xuống, trước khi trở về thành phố, nói một lời làm anh hụt hẫng, Anh chỉ là bạn thôi. lại biến mất. May mà trong mobile còn tấm hình Anh chụp lén lúc nằm trên cỏ. Anh để làm hình nền.
mất tích. Anh trở lại cô đơn hơn bao giờ. Khi đi đăng ký đi học tiếng Anh, Anh gặp một cô gái khác, xinh đẹp và hơn anh về trình độ hội thoại. Lại mong chờ, đón đợi để được làm quen, Anh mua tặng cô bộ CD học tiếng Anh. Rồi bất ngờ, cô nhờ Anh chở về nhà. Cô nói rõ gia cảnh khốn khó của mình. Cô đi học tiếng Anh là để mong quen một người xuất cảnh đem cô theo. Một lần không tiện về nhà, cô xin Anh chở cô về nhà Anh. Anh nghĩ đây sẽ là dịp thuận tiện nhất để bày tỏ lòng mình. Nhà chỉ có hai người. Khi cô ngủ, Anh thức bên cô để bảo vệ giấc ngủ của cô, có lúc không kềm được xúc động. Rồi Anh thiếp đi. Khi Anh thức dậy, cô đã bỏ đi, đồng thời số phone của cô trong máy Anh cũng bị xóa mất. Cô để lại một lá thư chia tay. Chúc Anh và vợ hạnh phúc. Cô ngỡ hình nền cô gái trong mobile là người vợ của Anh. Cô bỏ đi để lại một lá thư chia tay. “Trái tim anh  thắt nghẹn. Yêu thương. Nuối tiếc. Ân hận. Dằn vặt. Tuyệt vọng... Mớ cảm xúc hỗn mang, nhào lộn...” (Tr.179).
Anh bấm máy và gặp lại (làm ở công ty bảo hiểm), hiện đang thất nghiệp và cô đơn. Anh đến nhà thăm cha mẹ , được sự đồng ý của ông bà, Anh quyết định lấy . Ngày hẹn Anh đi lấy thiệp cưới, lại bỏ đi chơi với bạn. Anh giận điên người nhưng nhẫn nhịn. Đám cưới vẫn diễn ra vui vẻ với bao nhiêu hy vọng đổi đời. Nhưng thực tiễn lại héo hắt vì tiền bà chị gửi mừng đám cưới, sau khi thanh toán mọi khoản, còn lại anh phải bù đắp cho một người bạn bị tai nạn nằm viện. Trăng mật diễn ra tẻ nhạt hiu hắt trong một nhà nghỉ nghèo ở biển. Những ngày sau đó, đi công tác hoài. Nhiều đêm không về nhà. Có gì đó bí mật về mà anh chưa biết. Cuộc sống căng thẳng và lạnh lẽo. Nhiều lần từ chối những đề nghị của Anh. Hôm kỷ niệm 3 tháng ngày cưới, Anh mua quà chờ về  để tặng, nhưng không về. Anh tìm ở cổng cơ quan. Có thấy bóng nhưng rồi mất hút. Anh phóng xe đuổi theo. Như một mật thám xem đi đâu, với ai. Anh biết điều ấy là tồi tệ, nhưng không thể khác. Rất may đi với một cô bạn tới một khách sạn. Khi Cô trở về, hai người đối mặt nhau quyết liệt trước sự thật. Cô ra đi trong tan vỡ phũ phàng. “...anh cảm thấy sự sống đang trôi ra khỏi mình, chầm chậm, như những giọt máu đang kiệt dần trong huyết quản. Những giờ dài không uống, không ăn, nối nhau tan lìm lịm” (Tr.324).
Anh nhận ra điều này: “Hai lá thư để lại. Hai người con gái. Hai cung cách biến mất vô dấu tích, ngay cả đến số điện thoại của họ anh cũng chẳng còn. Hai phiên bản chồng lên nhau, tạo nên một độ mờ nhòe khiến cả hai càng gần với ảo giác” (Tr.327) và cả Anh nữa, tất cả cũng chỉ là một phiên bản những con người cô đơn, dở dang, vô vọng “Tất cả đều lạc nẻo, càng cố trở về càng trôi xa hút, càng cố kiếm tìm càng hoài công mệt mỏi” (Tr.304). Hai cuộc tình mà anh tốn nhiều công sức theo đuổi, cuối cùng vuột khỏi tay anh, dù anh cố sức đến kiệt lực, đến mỏi mòn để giữ. Điều gì làm Anh thất bại? Trong tình yêu, Anh rất trân trọng , rất cảm thông hiều biết từng tình huống cụ thể, Anh chịu nhận phần thiệt về mình. Cả hai cô đều xinh đẹp, lịch lãm, tinh tế, và mạnh mẽ. Cả hai đều có lòng tự trọng rất cao, thẳng thắn và chủ động trong tình yêu, trong sự định đoạt số phận mình. Vậy mà họ phải chia tay nhau.
Bởi vì có độ kênh trong ý thức về tình yêu giữa Anh và hai cô. Anh là người cô đơn, tìm đến là để có người chia sẻ, là để đổi đời, đổi số phận. Cô gái học Anh văn tìm đến Anh vì ngỡ Anh là người sắp đi xuất cảnh, nhưng khi phát hiện ra trong mobile của anh có hình cô gái, cô ngỡ là vợ anh, nên bỏ đi, đó là lẽ tất nhiên, cũng là tự trọng. Rõ ràng giữa họ có sự ngộ nhận, và chưa hề có tình yêu. Cô gái chỉ muốn nương vào Anh để thoát cảnh nghèo của gia đình. Với (Bảo Hiểm), hai người đã có những kỷ niệm đầy ấn tượng, đã hiểu biết nhau nhiều hơn, đã đi đến hôn nhân và chung sống được 3 tháng, nhưng tại sao ra đi. Cô đã trách anh thờ ơ, không quan tâm đến cô. Còn Anh, mỏi mòn trông đợi ở hạnh phúc gia đình như anh hằng mong mỏi (có con), mong một cuộc sống đầm ấm như bao người, nhưng cứ bỏ nhà đi suốt. Anh hỏi thì nói là đi công tác hoặc bận việc công ty. Chỉ khi không còn cách nào che giấu, mới thú nhận với anh mình có tình yêu đồng tính với cô bạn gái cùng cơ quan. Họ đi nhà nghỉ với nhau ngay trước ngày đám cưới và những ngày sau đám cưới. Có thể Anh đã không giúp cô trở lại bản năng phụ nữ, để rồi lại băng mình đi, còn Anh thì xót xa thương cảm. Cả hai đều không có tình yêu. Đám cưới của họ là do ước muốn thiết tha của hai gia đình. Dù Anh tha thiết xin sống với cô như bạn, nhưng cô đã rũ bỏ sạch mọi quan hệ với Anh. Dù sao đó cũng là lòng tự trọng đáng thương.
Cũng phải kể đến cuộc tình năm ngày của chị gái Anh với anh rể. Anh rể về nước, quen chị năm ngày  thế là thành vợ chồng. Anh về nước để xả stress và hưởng thụ nhà hàng, rượu và gái, chẳng cần giấu diếm cậu em vợ.
Tất cả những cuộc tình ấy hé lộ điều gì về thực trạng gia đình Việt Nam hôm nay. Cái nghèo vẫn chi phối quay quắt. Tháng lương làm thuê của Anh bèo bọt đến nỗi Anh không dám về nhà. Cô gái học Anh văn chỉ mong tìm người xuất cảnh để thoát nghèo. Tuần trăng mật của Anh (Bảo hiểm) hiu hắt thê lương trong nhà trọ rẻ tiền, chỉ vì Anh cùng đang thất nghiệp. Tiền bà chị gửi cho thì đã nhẵn túi. Chủ nghĩa thực dụng làm sụp đổ tất cả. Bảo Hiểm lấy Anh chỉ là để che giấu cái thực tại đồng tính của mình trước mặt cha mẹ và mọi người. Vì thế, dù gia đình cha mẹ cô, gia đình cha mẹ và chị của Anh, và cả Anh nữa, có khao khát thế nào, vun đắp thế nào cũng chỉ là xây nhà trên cát. Tất cả đều thật đáng thương trước sự phũ phàng của dòng đời hôm nay. Nó cứ băng về trước và hất ra bên lề những con người cố giữ lấy những giá trị truyền thống, giá trị nhân bản. Tiếng kêu cứu của tác phẩm là tiếng kêu thống thiết. Số phận của Anh và cái chết của ông Họa Sĩ như một lời cảnh báo cho mọi gia đình, mọi người trẻ về thực tại kiếm tìm hạnh phúc của họ. Tác giả không đưa ra lời giải đáp, nhưng người đọc có thể hiểu được những gì tác giả gửi gắm trong những trang văn nặng lòng của mình.
Có thể nói sức cuốn hút của GDCL là từ những cuộc tình được miêu tả thật hấp dẫn này. Người đọc khát khao tìm biết xem diễn cuộc tình sẽ ra sao. Điều bí mật luôn ở trước mặt họ. Rồi những kết thúc đột ngột làm sững sờ và tiếc nuối. Ai cũng mong cho Anh tìm được hạnh phúc, bởi vì họ thực tình tìm kiếm nhau, bởi họ rất tự trọng và giữ gìn nhân cách. Những cuộc đối thoại của họ được viết rất tài năng, nó vừa tự nhiên như ngoài đời, nhưng lại là những cuộc thách đố trí tuệ giữa hai con người. Tất cả đều được soi chiếu qua óc quan sát tinh tế và giàu kinh nghiệm của Anh. Điều đáng quý là trong tác phẩm này NDL không hề miêu tả sex, mặc dù anh có nhiều cơ hội để phơi bày những hành vi giao cấu (như nhiều nhà văn trẻ khác đã làm để câu khách). Thế nhưng truyện vẫn hấp dẫn. Người đọc không thể rời tay trước khi đọc hết dòng cuối cùng của tập truyện. Kinh nghiệm khám phá và  miêu tả thế giới bên trong con người, khám phá ý thức về bản thể tạo sự hấp dẫn cho tác phẩm, có thể sẽ là rất tốt cho cho sự thử nghiệm của các cây bút trẻ khác.

Một thế giới yêu thương rất mực
Người chị gái của Anh ở Mỹ là một hình ảnh của thế giới ấy. Tất cả dành cho em, lo cho em. Ngoài tiền chị gửi về cho em ăn xài, chị còn lo cho công việc của em, lo cho em lập gia đình. Chuyện gì khó khăn của em chị cũng nhận lấy “để chị tính”; Anh lặng người. “để chị tính”, với anh bà luôn là vậy. Sống giữa cái đất nước “chẳng ai lo cho ai”, sự tự thân tồn tại đã trở thành văn hóa, thành động lực xã hội, bà chị Anh vẫn thế, vắt kiệt sức mình để lo cho những người thân” (Tr.226). Dường như tình yêu thương của chị với em là không vơi cạn. Tình yêu thương ấy bao trùm suốt tác phẩm, suốt đời em, cả khi em đã lập gia đình và hứa không làm phiền chị.
Tình yêu thương của gia đình (Bảo hiểm) đối với con gái và con rể (Anh) cũng thật sâu nặng và cảm động. Họ mong cho con hạnh phúc, tuy vậy họ vẫn tôn trọng cá tính và cuộc sống riêng của con. Họ rất mừng khi thấy con gái có nơi có chỗ, nhưng họ bất lực trước thực tại. NDL nói tiếng nói chính thống về gia đình qua lời Ông bà già nói với Anh:
“- Nó là con gái út, cá tính lại mạnh mẽ. Bao nhiêu người quen, nó chẳng chịu người nào. Chẳng phải là con gái mình hư, nhưng bác chỉ sợ nó theo cái mốt của xã hội bây giờ, nhiều cô chẳng muốn ràng buộc gia đình, cứ thế tự sinh rồi tự nuôi. Giờ biết nó muốn đến với con, hai bác mừng lắm.
- Mỗi người có một quan điểm mà hai bác...
- Không - Ông cương quyết lắc đầu - Thời nào thì cũng phải vậy. Tạo hóa đã quy định rồi. Người cha có phần của người cha, người mẹ có phần của người mẹ. Có cha có mẹ đầy đủ mới tác động tốt đến tâm sinh lý đưá con sau này. Thiếu một trong hai, chắc chắn đứa trẻ sẽ mất cân bằng, phát triển không tốt về sau. Và chính xã hội sẽ phải gánh chịu sự mất cân bằng ấy. Mình muốn tự do mà tước đi sự cân bằng của đứa trẻ, là mình ích kỷ. Bác không ủng hộ điều đó” (Tr.193).
Khi cô bỏ đi chơi với bạn ngay trước ngày cưới, cả gia đình hoảng loạn, anh cũng giận điên người. Mọi người sôi lên như trong vạc dầu lửa bỏng. Rất dễ cáu gắt nặng lời, rất dễ tổn thương lòng tự trọng. Đó là tình huống bẽ bàng cho cả cha mẹ cô dâu và chú rể. Tình huống có thể đẩy cao nghi ngờ thành đổ vỡ. Phải chăng cô đi chơi với người tình lần cuối trước khi lấy chồng. Vậy thì chẳng còn gì để mà níu kéo. Tàn nhẫn và xỉ nhục nhau đến thế sao. Nhưng tình yêu thương đã vượt lên. Mẹ cô nói với anh những lời trĩu lòng thế này:
“- Nó còn trẻ lắm, mới để xảy ra chuyện như thế này. Hai bác mong con tha lỗi cho nó, cho hai bác! Rồi còn sau này nữa chứ... Thật khổ quá, chẳng dạy nổi con...
Anh phải gắng cười, đặt tay lên tay bà:
- Hai bác đừng nghĩ ngợi gì cả. Cô ấy đi chơi lần cuối với bạn bè, trước khi lấy chồng, để chia tay thời con gái cũng là phải thôi bác ạ” (Tr.202).
Trong lời đối thoại ấy, không chỉ có lòng yêu thương sâu thẳm của cha mẹ, mà có cả một nền văn hóa nhân bản hàng nghìn năm. Những con người yêu thương chia sẻ nỗi buồn đau xé lòng bằng những lời dịu êm để nỗi đau đằm xuống. Trong hành xử, họ lấy sự tương kính làm trọng. Họ thành thật nhận lỗi với nhau, và cùng giữ gìn sao cho mọi chuyện đều tốt đẹp, có ý thức tránh gây ra những đổ vỡ.
Hình ảnh bà mẹ già chăm sóc người con đang sống thực vật cũng là một hình ảnh ấn tượng. Cô em gái người bạn nói với Anh: “Trước đây mẹ tôi lẫn lắm, nhưng chẳng hiểu sao từ ngày anh đổ xuống, cụ lại mạnh lên. Cụ làm tất cả như cái máy. Có lẽ là nhờ thương ảnh quá” (Tr.329).
Quả thực, rất ít cây bút trẻ hiểu và diễn đạt được cái đẹp văn hóa, cái đẹp nhân văn của con người Việt Nam như thế. Những điều ấy tạo nên chiều sâu giá trị của tác phẩm và ánh lên những màu sắc thẩm mỹ lấp lánh trên nền những bóng tối, bất lực và vô vọng của dòng chảy hiện sinh.
NDL cũng miêu tả tình quê hương thật lắng đọng. Ông họa sĩ bạn Anh, sau khi đã xuất cảnh, không sống nổi trong sự cô đơn và bất lực ở nước ngoài, đã trở về Việt Nam và nói với Anh những lời gan ruột thế này:
“… có ly cà phê, điếu thuốc, hít thở không khí quê nhà. Tao như tỉnh lại. Rớm nước mắt mày ạ.
- Em hiểu.
- Mày không thể nào hiểu được! Chắc chắn không thể nào, nếu mày chưa trải qua những ngày tháng vừa rồi như tao! Nghe một tiếng chó sủa cũng rơi nước mắt!
Ông rít một hơi thuốc, nhấp ngụm cà phê. Khoé mắt bắt đầu tinh anh, hấp háy:
- Sướng lắm mày ơi. Đêm qua tao vừa nghe tiếng rao! Chỉ vì cái tiếng rao nửa khuya ấy mà tao trở dậy. Nằm trên giường cũ mà cứ run lên từng chặp! Nhắc lại điều này có vẻ cũ, nhưng sự thực nó là vậy” (Tr.342).
Ấy là những dòng miêu tả được tình quê hương sâu nặng và cụ thể trong lòng lão họa sĩ. Lão đã trở về, tìm lại quán cà phê trước đây, lần ra bờ sông và rồi gửi mình trên sông nước quê hương. Cả khi đã vào cõ hư vô, lão vẫn nói với Anh cái khát vọng được gửi mình nơi dòng sông quê hương mênh mang, mát rượi. Có thể nói NDL đã viết được một bài thơ đẹp về tình quê hương, dù rằng những chuyện anh viết, nhiều người đã kể. Quê hương không phải là cái gì trừu tượng, mà là tiếng rao đêm, là ly cà phê quán cóc, là những con người nghèo khó nghĩa tình, là cả cái không khí hít thở hàng ngày. Nhiều người muốn đi nước ngoài để có cuộc sống sung túc hơn thoải mái hơn, điều ấy cũng là bình thường trong thế giới toàn cầu hóa, thế nhưng khi hội nhập với thế giới ta không được để mất đi cái bản sắc văn hóa của mình, và tình yêu quê hương là một trong những bản sắc văn hóa Việt Nam cần giữ gìn.Trong GDCL, Nguyễn Danh Lam, đã khẳng định được điều ấy.
Tình bạn cũng được NDL miêu tả thật cảm động. Với người bạn bị tai nạn chấn thương sọ não phải sống đời thực vật, mỗi lần đến thăm, nhìn bạn, Anh đau xót vô vàn. “Anh lại gần, nhìn vào gương mặt gã bạn có phần ngổ ngáo xưa. Chỉ là một cái sọ đúng nghĩa, trên ấy phủ qua một lớp da dính hai sợi lông mày và cặp mắt khép hờ, bất động tuyệt đối” (Tr.331), Anh đứng đó và chìm vào “trạng thái tê dại toàn thân”. Với ông họa sĩ già, sau khi về nước sống đời cô độc với, Anh chứng kiến những giờ phút tàn tạ của ông. “Nhưng chuyện đáng buồn hơn cả là sự bi quan bắt đầu đẩy ông qua bên kia ranh giới của bệ rạc. Cơ thể ông bay ra một thứ mùi ngày càng khó tả. Có những lần anh phải lôi ông vào nhà tắm, mở vòi nước, xối và kỳ cọ cho ông như giặt một cái quần. Ông ngồi thở phập phào, tấm lưng xanh rớt, sống lưng gồ lên, lủng củng dưới đám bọt xà phòng. Anh có cảm giác nếu mình kỳ mạnh, những đám da ông sẽ tuột ra thành từng mảng, như những bệt thịt từ một con cá hấp” (Tr.350). Khi ông chết, chỉ có mình Anh bên ông. Hỏa táng ông xong, Anh đem cái hũ tro cốt của ông về nhà, hàng ngày đối ẩm với cái hũ tro ấy, nghe ông nói chuyện, và làm theo mọi điều như ý nguyện của ông, như không hề có cách trở âm dương. Tình bạn của Anh đã vượt qua cõi tử sinh. Miêu tả một tình bạn như thế là hiếm có trong tác phẩm của những cây bút trẻ như NDL.
Có thể nói GDCL là một bài ca của yêu thương nặng lòng, yêu thương vượt không gian thời gian, yêu thương vượt cả lẽ tử sinh ở đời.

Một cái nhìn rất sâu vào bản thể
Có hai con người trong nhân vật Anh. Con người xã hội của Anh, một con người “vốn đầy mặc cảm sau vẻ bề ngoài cố tạo sự ngạo nghễ”, một sinh viên đã tốt nghiệp Đại Học, đã sống lăn lộn với cuộc đời. Đó là một con người rất tinh tế, khôn ngoan, chu tất, biết nhẫn nhịn, biết tự trọng và tôn trọng người khác, lấy cái đẹp làm chuẩn mực ứng xử với mọi người. Những phẩm chất ấy bộc lộ trong những đoạn đối thoại của anh với hai cô gái mà anh theo đuổi buổi đầu, những trao đổi của anh với cha mẹ vợ, những chia sẻ của anh với lão họa sĩ. Đây là một con người đằm thắm, nghĩa tình, tỉnh táo, có trình độ, có một bề dày văn hóa truyền thống, nhưng cũng rất hiện đại.
Ông họa sĩ bị xe tông phải nằm viện. Anh đến thăm không gặp. Khi Anh đến nhà thì ông đã đang ngồi vẽ. Ông kể lại tai nạn xe, kể lại trải nghiệm cái chết. Ông bảo Anh, thời gian của ông chẳng còn, phải tranh thủ vẽ. Anh bảo, nếu vì vậy mà bố vẽ thêm được nhiều thì cũng tốt. Anh can ông khi ông đòi uống bia. Ông bảo:
- “Kệ, nhiều khi mình cũng yếu đuối, phải vịn vô mấy thứ này.
Anh mở nắp hai lon. Họ cụng nhẹ trong im lặng. Qua một lúc, ông nhìn mặt anh:
- Hình như mày cũng đang gặp chuyện gì phải không?
- Con xưa giờ vẫn thế. Có gì buồn, có gì vui?
- Mày sống thế là nhạt. Chẳng còn gì tệ hơn một thằng sống nhạt!
- Cũng nhiều khi con muốn sống khác đi đấy chứ?
- Không phải muốn mà hãy bắt tay vào. Khả năng mày không phải là không có. Cũng vì điều đó mà tao chơi với mày đến ngày hôm nay. Tao hy vọng.
- Con thấy ngổn ngang quá, chẳng biết bắt đầu lại từ đâu?
Ông họa sĩ đề nghị Anh đến ở và vẽ với ông. “Anh thừ người. Quả thật đây cũng là một lời đề nghị khá đúng lúc. Về khía cạnh thực tế, anh đã hết tiền, hết sạch đồ ăn. Về tâm lý, anh cũng chẳng hơn gì ông, đang trong những ngày u uất” (Tr.72).
Đoạn đối thoại ngắn trên chỉ ra rằng, Anh hiểu rõ hoàn cảnh của mình, hiểu rõ cả tâm tính của mình, biết phân tích và hành động theo nhận thức mà lý trí mách bảo là đúng. Anh còn có cách trả lời ông họa sĩ rất khôn ngoan khi ông nói khích: “Mày sống thế là nhạt. Chẳng còn gì tệ hơn một thằng sống nhạt”, rồi nhân đó tranh thủ ý kiến của ông: “Con thấy ngổn ngang quá, chẳng biết bắt đầu lại từ đâu?”. Quả thật ông họa sĩ đã vẽ ra cho anh một phương cách.
Nhiều lần anh đã đứng dậy để quyết tâm bắt đầu một bước ngoặt mới, chẳng hạn, việc anh lấy vợ, “Cuộc hôn nhân này sẽ là mốc giới cho những thay đổi trong anh. Nếu không thay đổi, sẽ chẳng còn bước ngoặt nào khác để đổi thay được nữa” (Tr.277). Tuy nhiên, số phận Anh cứ trôi đi ngoài tầm tay với.Tất cả đều bỏ Anh mà đi. Anh chẳng còn gì để mất. Nguyên nhân số phận Anh đã được ông họa sỹ lý giải: “Phần mày, vấn đề nằm ở chỗ, mày quen nhận sự bao cấp của bà chị mày rồi. Cứ sống mãi như vậy, đến một hôm mày đánh mất đi kỹ năng để vươn ra thế giới quanh mình” (Tr.346). Một lần khác ông nói rõ hơn: “Cứ sống mãi bằng sự bao cấp, chẳng làm gì cả, rồi sau này có muốn làm cũng chẳng làm nổi gì nữa đâu” (Tr.34), “Cái thói ỷ lại, tủi thân con nít đã ăn vào máu” (Tr.151). Ông anh rể thì đốp thẳng vào mặt Anh: “Đàn ông con trai mà không có việc làm là hỏng”, “Mày đừng tự ái, tao không chửi mày đâu, anh em trong nhà mà. Nhưng tao muốn cho mày cái cần câu, chứ không cho mày con cá”, “...mày cứ chơi hoài, đến lúc muốn chơi cũng chẳng có tiền mà chơi” (Tr.94).
Tôi ngờ rằng NDL không nói về con người xã hội của Anh, vì trong đời thực, chẳng thể có một người như thế. Anh có bằng Đại Học, lại khôn ngoan, nhẫn nhục, hơn thế, anh còn có cái tâm yêu thương, thì trước sau gì anh cũng có nơi có chỗ “có phúc có phần”. NDL nói đến Anh như một con người tư tưởng. Bởi nhân vật này luôn tra hỏi về hiện sinh. “Câu hỏi thường trực trong đầu, tại sao mình lại ở đây, trong một thế giới mênh mông, đầy xa lạ... Chẳng nơi đâu là nhà, chẳng nơi nào là quê hương?” (Tr.320). Đi hưởng trăng mật với vợ, anh  ngồi một mình ở bãi biển và tự hỏi “Sao mình lại ngồi đây” (Tr.232). Trên đường đưa gia đình ra sân bay, Anh lại tự hỏi “không biết mình đang đi đâu, tại sao lại đi” (Tr.277). Ở chỗ làm, Anh lại tự hỏi “còn ở nơi này, anh có chỗ của mình không?”(Tr.146).
Anh nhìn sâu vào chính bản thể của mình. Một thân phận cô đơn, cô đơn tuyệt đối. “anh không thể làm với bất kỳ ai được nữa” (Tr.115). Căn nhà trống không, con mèo là người bạn duy nhất đã chết, để lại cho anh một nỗi buồn mất mát chưa từng nếm trải” (Tr.133). Anh ngồi phịch xuống sàn. Lòng trống trải mênh mộng. Vậy là bóng dáng sinh thể cuối cùng bên anh giờ đây đã mất” (Tr.132). Hai cô gái anh miệt mài tìm kiếm, sau cùng cũng bỏ anh đi không còn tăm tích gì, đẩy anh vào những tháng ngày “mang tâm trạng cận kề hư vô” (Tr.326). Người bạn sống đời thực vật chết, “Hình vóc đang phân hủy từng giờ của gã bạn ám ảnh anh suốt nhiều ngày sau đó” (Tr.333). Anh lâm vào nỗi hoảng sợ vô cớ, bởi những ám ảnh bên trong” (Tr.334). Sau cùng người bạn họa sĩ chết. Anh mất hẳn điểm tựa tinh thần, anh thực sự sống trong hai cõi thực và ảo trộn hòa (Tr.360).
Những cái chết liên tiếp luôn đặt anh vào sự tra hỏi ý nghĩa của tồn tại. “cái chết dù chỉ là của con mèo, dường như cũng nhắc nhở anh một điều gì đó” (Tr.133). Điều gì đó ấy là: “Chúng ta từ đâu đến, chúng ta là ai, chúng ta về đâu” (Tr.133). Hiện sinh là phù du (Tr.371), là xa lạ (Tr.305), phi lý (Tr.13), là trần trụi “không còn gì để mất” (Tr.328, 336,349). Hiện sinh không chốn nương thân (Tr.336), là biến mất không dấu tích (hai cô gái), là đi về cái chết không cưỡng lại được. Hiện sinh ấy là số phận không thể khác đi. Anh nhận ra điều này khi chứng kiến những tháng ngày sau cùng của ông họa sĩ: “Vậy là số phận đã dồn đuổi tiếp đến ông, trong các danh sách không mấy dài những người mà anh thân thiết. Bằng cách này cách khác, chẳng thân phận nào thoát được cái lưới vô hình đang bủa vây tứ phía” (Tr.337). Trước những bủa vậy của hiện sinh như vậy, Anh sống trong trạng thái “nghe như có oan hồn nào đang kêu réo từ trong chính khoang bụng của mình... cả tâm trí chìm trong nỗi sợ đến bấn loạn” (Tr.355).
 Người đọc nhận ra ngay những ý tưởng của NDL là ý tưởng của văn chương Hiện Sinh thế kỷ XX trong những tác phẩm của Kafka, A.Camus, J.P.Sartre. NDL nói rõ những gì anh chịu ảnh hưởng: “Những tác giả văn học tôi yêu nhất và chắc chắn chịu ảnh hưởng là A. Camus, F. Kafka, E. Hemingway, F. S. Fitzgerald, R. Carver... và gần đây là H. Murakami” (2). Vậy anh đã kế thừa văn chương Hiện Sinh thế nào?
NDL đã có những thành công trong việc sử dụng kỹ thuật miêu tả dòng ý thức của nhân vật Anh, đặc biệt miêu tả cảm giác hiện sinh trong từng khoảnh khắc cụ thể. Ngôn ngữ anh giàu có. NDL đẩy đến cao độ suy tư của nhân vật Anh về nỗi cô đơn, xa lạ, phi lý, buồn nôn, tồn tại và hư vô, trôi dạt. Con người không chốn nương thân, hiện sinh là tồn tại đi về cái chết. Anh cũng miêu tả được dòng thời gian đặc quánh, nung mủ trong não trạng hiện sinh. Miêu tả được trạng thái nhân vật Anh kề cận cái chết. Ý thức chỉ còn chập chờn như ngọn lửa sắp tắt.Tuy nhiên phần thành công của anh chỉ là ở kỹ thuật. Anh chưa thực sự xây dựng được nhân vật của tư tưởng hiện sinh. Bởi con người của nhân vật Anh chao đảo qua lại giữa con người xã hội và con người tư tưởng, để sau cùng, nhân vật Anh tồn tại như một kẻ tâm thần. Anh phải đi bác sĩ và uống thuốc chữa trị.
Đọc GDCL, người đọc thấy rõ ngòi bút NDL cố gán cho nhân vật Anh những cô đơn, những nỗi buồn, những cảm giác xa lạ, trạng thái không chốn nương thân. Thực sự con người Anh, cuộc sống của Anh không phải là như thế. Anh được sống trong tình yêu thương của cha mẹ, anh chị và bạn bè. Tuy Anh có thất nghiệp và thất bại trong xin việc, nhưng nguyên nhân chính là ở thói ỷ lại và quen sống nhờ vào chị gái. Anh vẫn có khả năng làm việc, khả năng chịu đựng và rất tỉnh táo, sáng suốt phân tích mọi diễn biến đang xảy ra để có phản ứng thích nghi. Sự trở về của nhân vật họa sĩ cũng chỉ là để hoàn thành cái mệnh đề Hiện sinh quy tử, gượng ép đến thô thiển. Lão họa sĩ là người có triết lý sống tích cực, sống phản tỉnh mạnh mẽ, người có ý thức rất cao về giá trị đời sống, không thể bỗng chốc lại trở nên tê liệt, cứng đờ “thần thái xưa trong ánh mắt gần như chết hẳn. Cái hấp háy tinh anh bị phủ lên một sắc thái lờ nhờ, đờ đẫn” (Tr.347).
Nhân vật Anh là người Việt Nam, đắm mình trong văn hóa Việt Nam, thì ít nhất trong tâm thức cũng có ít nhiều tư tưởng phương Đông. Và khi tiếp xúc với tư tưởng Hiện sinh, nhất định là không tránh khỏi sự va chạm. Ấy là những triết lý hành động của Nho giáo, về Tứ Diệu Đế và chữ Tâm của Phật giáo, là tư tưởng trở về với Đạo, sống an nhiên của Lão Trang. Những tư tưởng ấy có khả năng giải thoát con người khỏi những bi kịch của hiện sinh. Anh không thể trôi dạt vô định buông xuôi số phận trôi vào bi kịch của hư vô như NDL miêu tả. Cũng xin lưu ý rằng Triết học Hiện sinh là triết học chống lại sự thống trị của chủ nghĩa duy lý trong xã hội phương tây. “Nguồn gốc của chủ nghĩa hiện sinh và các hình thức khác của chủ nghĩa phi duy lý hiện đại là sự khủng hoảng, sự bại hoại tinh thần do chủ nghĩa duy lý gây nên trong xã hội phương Tây hiện đại” (3). Văn chương Sài Gòn trước 1975 đã nói quá nhiều về những lo âu xao xuyến, cô đơn, buồn nôn, vong thân, tự do, hành động dấn thân, bởi xã hội miền Nam lúc đó ngập tràn bi quan, chiến tranh, lo âu và chết chóc, bế tắc về chính trị và tư tưởng. Người ta tìm đến J.P.Sartre, Simone de Beauvoir, F.Sagan. Trong bối cảnh toàn cầu hóa của xã hội tiêu thụ hiện nay, thống trị một bộ phận người trẻ là chủ nghĩa thực dụng, vị kỷ, vô luân. Chủ nghĩa Hiện Sinh đã lùi vào quá khứ. Kiểu nhân vật như nhân vật Anh là lạc lõng. Như chính NDL gọi nhân vật của mình là những phiên bản lạc giữa giòng đời. “tất cả đều lạc nẻo, càng cố trở về càng trôi xa hút, càng cố kiếm tìm càng hoài công, mòn mỏi...” (Tr.304).
Tuy nhiên, những cảm thức về hiện sinh, về bản thể, về thân phận con người vẫn luôn tồn tại. Do đâu NDL có những cảm thức Hiện sinh như vậy. Anh giải thích: “Tương ứng với giai đoạn “mười mấy đôi mươi” của thế hệ tôi là thời kì thoát khỏi nền kinh tế bao cấp, cùng nhiều thứ liên quan. Kế theo một khoảng nôn nao chuyển đổi, những “giá trị sống mới” bắt đầu hình thành, rồi “lên ngôi”. Khi tôi ngồi học trong nhà trường, thì lí tưởng vẫn là những thứ rất... sách vở, nhưng bước ra khỏi cổng lại là một thực tế rất khác. Tôi bắt đầu cảm nhận, mình là thành viên của một “Lost Generation”, khi cái cũ đã qua mà cái mới còn chưa tới” (4). Anh giải thích về nội dung của GDCL: “Tôi viết về những con người không kịp chuẩn bị kĩ năng sống, giữa dòng chảy cuồn cuộn và hối hả của thế giới hôm nay. Chân phải bước lên “đoàn tàu mới”, nhưng chân trái bị kẹt lại “sân ga cũ”. Thành thử bị... xé làm đôi! Đại ý vậy” (Theo ANTG, đd). Như vậy NDL không định viết kiểu nhân vật tư tưởng như kiểu nhân vật của chủ nghĩa Hiện Sinh, anh chỉ phản ánh một kiểu người của thực tại không hội nhập được với cuộc sống đang cuồn cuộn chảy.
Chương cuối anh viết rất hay, rất xúc động và vượt trội về tư tưởng khi nhân vật Anh đối ẩm với cái hũ  đựng tro cốt ông họa sĩ, như thể ông vẫn đang sống, đang chia sẻ những cảm nghiệm hiện sinh mặc dù ông đã vượt qua tử sinh. “Vậy thì với ông, trước mặt anh phút này đây, có ý nghĩa gì trong việc phân chia tồn tại với hư vô. Anh thật sự thấy ông đang ngồi đó, cũng như đương nhiên rằng ông đã chết. Hai cõi thực và ảo trộn hoà” (Tr.360). Đoạn đối thoại sau đây của Anh với linh hồn ông họa sĩ chứa đựng nhiều tư tưởng của NDL:
“- Sao anh đi mà không báo em một tiếng?
- Tao đã đi đâu, vẫn đang ngồi trước mặt mày đó thôi
- Có thật thế không anh? Em đang tỉnh hay mơ?
- Mày đừng bắt tao triết lý nữa. Nào, mình cùng uống.
- Chị đang về đó anh ạ. Chị về đón anh đi!
- Tao chẳng đi đâu cả! Mày đem tao ra cái chỗ hôm rồi ngồi nhậu. Tao thích chỗ đó! Mày nhớ cái kè đá chứ?
- Để làm gì anh?
- Hãy cho tao xuống dòng sông... (Tr.360)
- ...Mày hãy đưa tao đi khi nào thấy lòng thật bình an, đừng nghĩ đến chia ly hay ngậm ngùi gì cả.
- Em đã thấy bình an.
- Nào, vậy hãy lên đường” (Tr.363)
NDL đã vượt qua hiện sinh, vượt qua cái duy tâm siêu hình, vượt qua cõi chết bước vào được cõi thường hằng, an nhiên. NDL không giải quyết vấn đề sinh tử theo quan điểm hư vô chủ nghĩa hay bằng niềm tin tôn giáo. Anh cũng không theo kiểu duy tâm dân gian cho linh hồn người chết trở về báo mộng. Nhân vật Anh đối thoại với ông họa sĩ ngay trong cõi hiện sinh, với tâm thế an nhiên tĩnh tại, đằm thắm tình nghĩa, dứt khoát về tư tưởng. Có thể nói NDL đã thâm nhập được rất sâu vào bản thể của tồn tại.

Trở về với dòng sông
Thái độ của NDL trước hiện thực là thế nào?
Anh miêu tả cách làm việc của một cơ quan thật quái gở. Nơi ấy sếp là Chị Hai, chủ trì bàn nhậu, hết tăng một rồi tăng hai, tuần nào cũng nhậu, nhậu đến khi gục tại bàn mới thôi, không nhậu được là không thể trụ với cơ quan. Nơi ấy không thể dung chứa những người muốn làm việc như Anh. (chương 8 - Tr.149).
NDL cũng miêu tả với một nỗi xót xa vô hạn cái  thực tại khó nghèo đến tận cùng của vợ chồng Anh ngay trong những ngày trăng mật. Anh không còn tiền, phải trọ nhà nghỉ rẻ tiền. Không khí thê lương u uất. Trên chuyến tàu trở về Anh chỉ còn biết khóc (Tr.246). Cảnh cùng cực của những người làm công ăn lương là vậy. Tháng lương Anh nhận ở dịch vụ vi tính bèo bọt đến nỗi làm Anh sụp đổ mọi dự tính, Anh không dám về nhà.(Tr.258)
NDL cũng có thái độ rõ rệt với việc xuất cảnh. Nhiều người coi việc đi Mỹ là một khát vọng cháy bỏng. Họ hình dung ra đất Mỹ như thiên đàng, giàu có, sung sướng, tự do. NDL  đã phủ định cái nhận thức ấy. Người bạn rẫy khuyên Anh dứt khoát không đi. Ông họa sĩ trở về cũng khẳng định không đâu bằng quê nhà. Cô gái học Anh văn để tìm người xuất cảnh biến mất không còn tăm tích gì. Thái độ chần chừ của Anh về việc chị bảo lãnh tuy không phải là một thái độ có ý thức về tình yêu quê hương hay thái độ từ bỏ lối sống thực dụng Mỹ, nhưng phần nào có ý nghĩa phản ánh thái độ của NDL về vấn đề xuất cảnh.
Nhìn rộng ra các quan hệ xã hội, NDL thấy có một lớp trẻ sống vật vờ, thực dụng. (Bảo hiểm) đã khai thác Anh để đi chơi biển rồi lấy Anh là để che giấu hành vi đồng tính nữ, còn cô học Anh văn, có lẽ lấy anh vì nghĩ rằng anh sẽ xuất cảnh và đem cô theo. Hai cô dong dỏng và lùn trong cơ quan trở thành chuẩn mực đo tửu lượng của nhân viên nam cho đến khi họ bị đánh gục. Lại có những người sống ỷ lại, chỉ ăn nhậu và ngủ. Nhân vật Anh có thể trở thành điển hình cho thói đại lãn. Nhân vật bí mật trong bàn nhậu, gã quái đản (Tr.352), nhiều lần Anh gặp ở quán, có lần suýt gây lộn, là nỗi ám ảnh suốt tác phẩm. Các quan hệ tình nghĩa truyền thống trở nên vỡ vụn. Ông Họa sĩ bị vợ con đặt sang bên lề (Tr.336), bạn bè hất hủi, đành trở về bến sông. Không còn khái niệm thủy chung trong tình yêu, không còn hình ảnh quen thuộc một gia đình đầm ấm có con cái cha mẹ, ông bà yêu thương quây quần bên nhau. Những tưởng cuộc tình duyên của Anh sẽ hạnh phúc, ông bà già vợ Anh đốc thúc hai người mau có con, vậy mà chỉ ba tháng họ đã chia tay. Ở một ý nghĩa nào đó, tương lai đang trôi vô định không biết về đâu.
Con đường nào cho thực tại đang vỡ vụn ấy?
Phải trở về với dòng sông.
Trở về với dòng sông là trở về với cuộc sống đang trôi chảy, đang vượt lên phía trước. Có một tiếng nói khẳng định mạnh mẽ trong tác phẩm. Những suy tư siêu hình chẳng ích gì, những trăn trở lo âu phải biến thành hành động. Phải bước theo cho kịp với mạch sống của thời đại. Những thói ỷ lại sống bám vào sự bao cấp của người khác chỉ dẫn đến cái chết. Phải làm chủ cuộc sống, làm chủ số phận của mình. Chương miêu tả nhân vật Anh đi thăm một người bạn làm rẫy là một chương có ý nghĩa tư tưởng tích cực. Nhân vật Anh luôn tra hỏi về ngày mai: “Ngày mai sẽ ra sao” một câu hỏi làm nát đầu Anh. Người bạn trả lời: “Cái ngày mai của ông đang ở trước mắt ông mà ông cứ lo tìm kiếm tận đẩu tận đâu. Chán bỏ mẹ! Ông đừng tưởng tui không biết tính ông!” (Tr.317). Anh ta nói về việc làm ăn thật sôi nổi. Anh có hàng chục mẫu cà phê, làm việc không ngơi tay, nhà đầy đủ tiện nghi. Vợ chồng, con cái vui vẻ, đầm ấm, hiếu khách. Bị cúp điện thì chạy máy nổ để thắp sáng và cho vợ con xem tivi. Nhìn cơ ngơi của bạn, Anh nhận định:
Thế thì ông giàu to là phải!
Chớ sao. Phi nông bất ổn, ông bà nói vậy rồi. Nói thiệt, giờ tôi thấy cứ như mình là chắc cú nhất! Trí thức các ông phức tạp bỏ mẹ. Buông mấy thằng nông dân này ra là chết ngắc! Phải cho mấy ông lên đây, mỗi ông vài năm là tỉnh ra ngay!” (Tr.312).
Khi Anh nói ý định đi xuất cảnh của mình thì người bạn gạt đi ngay.
- Ông điên à.
- Sao lại điên?
- Tui thấy chẳng nơi nào bằng ở chỗ này! Có cho tui tỷ tấn vàng tui cũng chẳng đi đâu hết! Ông phải nghĩ lại, nghĩ lại ngay!...
- ... Ừ theo ý ông tôi sẽ nghĩ lại. (Tr.316)
- Ông hiểu được ra như vậy là sáng suốt. Nhớ đó nghe, đừng đi đâu cả! Nếu cần thì ông lên đây hợp tác làm ăn với tui. Bán mẹ cái nhà thành phố mà lên. Đấy là biết nhìn xa trông rộng, biết đầu tư đúng chỗ. Cái nhà ông ở đó thử hỏi lên giá được bao nhiêu nữa? Còn đất đai trên này lên từng ngày một. Ông bán cái nhà ấy, hôm nay mua được hai ba, ít năm nữa mua được hai mươi, ba mươi. Tui nói dóc ông, tui đi đầu xuống đất” (Tr.317).
NDL đã nói  điều này: phải sống tích cực, thực tiễn. Phải làm chủ số phận của chính mình, không nên ảo tưởng về những cái gì ở ngoài mình, phải biết nắm bắt thời cơ, biết nhìn ra vấn đề về lâu dài.
Ông họa sĩ cũng truyền lại cho Anh những điều trải nghiệm, nhất là sau lần bị tai nạn tưởng chết:
Tao nợ cuộc đời này nhiều. Nợ hội họa càng nhiều. Mất bao năm chẳng vẽ vời được gì. Những khát vọng tuổi trẻ bị vùi lấp. Cho đến lúc ý thức được ra cũng chỉ vẽ cầm chừng, bởi tự tôn. Qua sự việc vừa rồi, tao thấy mình cần làm một cái gì đó” (Tr.71).
Ông cũng nói với anh về trách nhiệm hôn nhân:
Về cuộc hôn nhân của mày, tao không bàn thêm, chỉ dặn, nếu đã quyết thì phải ráng giữ gìn hạnh phúc. Quen nhau nhiều năm, lấy nhau rồi vẫn không tránh khỏi những cú sốc, có thể sẽ phải đối diện với thời gian đầu. Mày mới gặp nó chỉ vài tháng, đã tổ chức đám cưới ngay, vì thế càng cần phải sáng suốt, bình tĩnh. Cái sự xốc nổi của mày, tao lo lắm. Chuyện công việc làm ăn có thể đổi thay, còn hôn nhân nếu đã xác định bước vào nghiã là đã ký thác cả cuộc đời mày vào đó. Lỡ một lần là trượt dài, không đứng dậy nổi đâu. Mà có đứng dậy nổi, nhìn lên mọi thứ cũng đã cạn kiệt, ngày tháng, tâm trí, sức khoẻ... Trẻ còn chẳng làm gì nên chuyện, huống hồ già cả” (Tr.198).
Ông anh rể cũng là hiện thân của cái triết lý hành động. “Ông ra đi ngót nghét ba chục năm, từng lăn lê với đủ thứ nghề trên đất khách. Từ đánh cá ở cực bắc, đến bắt gà bỏ bao trong mấy cái nhà máy chế biến thực phẩm ở miền trung, cắt cỏ ở miền đông, cuối cùng là sang miền tây mở tiệm làm móng” (Tr.80). Ông nói với Anh: “Tao là vậy, làm hết mình, chơi hết sức. Đâu ra đó” (Tr.94).
Vâng, phải hành động tích cực cho cuộc sống, phải thích ứng được với thời đại, đồng thời phải giữ cho được những giá trị truyền thống văn hóa Việt trước những cơn bão lũ vật vã của thời đại. Ta phải làm chủ vận mệnh của ta, bằng nội lực của chính mình.Trở về với dòng sông là trở về với những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, cũng là vượt qua tử sinh, đạt đến cõi an nhiên trong tâm thức trước những biến động không ngừng của cuộc sống, trước những thực dụng, vị kỷ và vô luân. Trong tất cả chiều kích của tác phẩm, có thể nói điều này: đâu là ý nghĩa của tồn tại?
Tháng 10. 2010
_______________________________
(1)www.thotre.com/modules.php?name=News&op=
viewst&sid=1397
(2)Phong Điệp trò chuyện với nhà văn Nguyễn Danh Lamhttp://phongdiep.net default.asp?action=article&ID=2907
(3)Chủ nghĩa Hiện Sinh – Nguyễn Tiến Dũng. Nxb Tổng hợp Tp HCM.2006. tr.10
(4)/www.thotre.com/modules.php?name=News&op=
viewst&sid=1397
(5)Nguyễn Danh Lam sinh năm 1972. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Hiện sống và làm việc tại Sài Gòn. Đã xuất bản:
- Tìm (thơ)
- Bến vô thường (tiểu thuyết)
- Giữa vòng vây trần gian (tiểu thuyết)
- Mưa tháng mười một (tập truyện ngắn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét