Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

GVĐN 08: GIAI THOẠI VỀ CÂU THƠ TIẾNG PHÁP CÓ CHỮ HOA HỒNG

Trần Chiêm Thành
(TP Biên Hòa)

Tận hồi học phổ thông, có lần thầy giáo Trần Cẩm Tú, nguyên là thông dịch viên tiếng  Anh lại kể một câu chuyện về tiếng Pháp. Vốn  hồi ấy ngoài tiếng Anh và chữ Hán cổ học từ  năm Đệ Thất (Lớp 6), lên trung học đệ nhị cấp (THPT) có học thêm sinh ngữ 2 làtiếng  Pháp (nếu sinh ngữ 1 là tiếng Pháp thì sinh ngữ 2 là tiếng Anh) nên học sinh hiểu được. Rằng  có một nhà thơ Pháp đưa bài thơ cho nhà in, thợ sắp chữ sắp sai chữ nhà thơ viết trong bản  thảo nhưng nhờ đó mà câu thơ nổi tiếng.

Câu thơ nhà thơ viết là:
Et Rosette a vécu ce que vivent les roses,
L’espace d’un que matin.
Câu dịch của GSTS Ngôn ngữ học Nguyễn   Đức Dân:
Nàng Rosette như kiếp hoa hồng
Sớm nở tối tàn.
Thợ sắp chữ (không hiểu vì sao?) xếp chữ thành:
Et rose, elle a vécu ce que vivent les roses,
L’ espace d’un matin.
Cũng câu dịch của Nguyễn Đức Dân:
Và bông hồng, nàng như kiếp hoa hồng
Sớm nở tối tàn.
Đây là 2 câu trong bài thơ 10 khổ, mỗi khổ 4 câu có tên đầy đủ là Consolation à M Du  Périer sur la mort de sa fille (Viếng ngài Périer về cái chết con gái) của nhà thơ, nhà phê  bình, dịch giả Francois de Malherbe (1555-1628) xuất thần cảm tác như một bài ai điếu viết khi con gái của nhà quý tộc Du Périer chết khi còn xuân xanh. Trọn bài thơ tiếng Pháp in trong trang web www.etudes-litteraires.com, hai câu thơ trên nằm ở khổ thứ tư, hai câu đầu trong khổ thơ là:
Mais elle était du monde, où les plus belles choses,
Ont le pire destin.
Tạm dịch: Nhưng nó là thế giới nơi mà những điều đẹp nhất,
Có số phận tồi tệ nhất.
Từ chữ Rosette là tên của người con gái nhà quý tộc, thợ xếp chữ xếp thành Et rose là điều có thể hiểu được và người bản ngữ, người am hiểu Pháp ngữ như tiếng mẹ đẻ thấy hay hơn  nhiều, diễn đạt một cách hình tượng rằng, “câu thơ lung linh hẳn lên”. Có thể câu thơ nổi  tiếng nhờ giai thoại trên nhưng gọi đúng tên nàng Rosette có vẻ không hay bằng người con gái đã được hoa - hồng - hóa và nàng đã sống như đời sống hoa hồng. Dịch “sớm nở tối tàn” là đã Việt hóa rất nhiều như trong Kiều: Hồng nhan bạc phận.
Văn chương hiện đại Việt Nam cũng có chuyện rằng, khi Xuân Quỳnh đưa bản thảo tập thơ có tên là Trời biếc, do lỗi phát âm, nhà thơ viết là Chời biếc, qua hai nhà thơ người Trung trung bộ biên tập là Yến Lan và Khương Hữu Dụng biên tập lại  thành Chồi biếc và mọi  người công nhận là hay hơn Trời biếc.
Bài thơ Nga Triệu đóa hồng có một lịch sử khá dài, một bài thơ Pháp chỉ một chữ nhưng nhiều người cũng nhớ mãi. Tôi nhớ chuyện này cách nay gần 40 năm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét