Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

GVĐN 07: THANH ỨNG VIẾT VỀ THƠ HẠNH VÂN

Thanh Ứng

Thơ của người trẻ
(Đọc ba bài thơ của Hạnh Vân -Văn Nghệ Trẻ số 51-2011)

Tôi đã được đọc truyện ngắn dự thi “Quán ven sông” của Hạnh Vân trên báo Văn Nghệ số 44-2011 và bài thơ “Mùa không phai” của chị trên báo Văn Nghệ số 48-2011. Nay lại được đọc ba bài thơ trên Văn Nghệ Trẻ số 51-2011, Hạnh Vân đã để lại trong tôi một ấn tượng tốt đẹp về một nhà thơ còn trẻ (sinh năm 1980), nhưng cả thơ và văn đều rất đĩnh đạc, chín chắn.
Ba bài: “Đêm trắng”, “Về đâu”, “Tìm anh” có cảm quan, giọng điệu của các nhà thơ trẻ. Họ không dừng lại ở những cảm xúc dễ dãi, giản đơn mà tìm tòi, mạnh dạn khai mở những vỉa mạch trầm sâu trong tâm hồn của chính bản thân mình. Bản thân họ chính là sự kết tinh hài hòa phẩm chất đẹp đẽ, lành mạnh, trong trẻo thì việc khai thác sâu sắc bản thể sẽ đem đến cho người đọc những điều thú vị, bổ ích. Điều đó không bao giờ là sự đối lập giữa cá thể và cộng đồng. Khi đó cá thể mang những phẩm chất của cộng đồng và cộng đồng có được sự đa dạng phong phú của từng cá thể. Họ nói về cái riêng, có khi rất đơn lẻ nhưng ta không thấy lạc lõng, đơn điệu bởi họ biết huy động những vốn sống (bao gồm thực tế cộng đồng và kiến thức trong sách vở, trong nhà trường), vốn chữ nghĩa cần thiết để làm cho bài thơ đa thanh, đa sắc, giầu nhịp điệu.
Trong “Đêm trắng”, ta ngỡ là người thơ sẽ quẫy đạp, khát khao tung phá với những thèm thuồng gối chăn . Nhưng không, “Em nằm ngoan như đêm / gối đầu lên bình yên / khép mắt / giấc chưa thành giấc / đêm trở mình / co ro”. Những suy niệm trong “Đêm trắng” là nỗi nhớ, là tiếng thở dài, là “em chong chong”, “chỗ nằm bỏng rộp” song vẫn khuôn khổ, chừng mực… gợi cho ngườì đọc một niềm thương cảm, một thôi thúc được an ủi, cảm thông, che chở. Chủ thể trữ tình hoài thai trong thi phẩm “lủi thủi bóng gày / nhọ nhem” và gặp lại trong đầu ngày một vệt nắng, dấu vết hình hài “người thơ” sau “đêm trắng”. Bài thơ viết tự do nhiều liên tưởng mà vẫn chặt chẽ trong bố cục. Đó là ưu điểm cần thiết để những người làm thơ trẻ phấn đấu và đạt tới.
Bài “Về đâu” là những dòng lục bát được chia cắt rất bất ngờ song cũng thật hợp lí, vần điệu nhịp nhàng, mới đọc, ta ngỡ các liên kết ngôn từ như xộc xệch. Nhưng rồi nhờ biết xếp sắp các ngôn từ đứng đúng chỗ, nhất là các từ lấp láy nên đã có hiệu quả  một cách nhuần nhị. Tứ thơ ngỡ như là chông chênh, dễ vỡ đã đứng được và tạo ấn tượng mạnh với người đọc. Trong bài này, Hạnh Vân điều khiển ngôn từ như một nhà thơ kỳ cựu với những phép chuyển loại và phép đối của từ ngữ: “ta về níu một dửng dưng / nghe hui hút nhớ / thấu rưng rức )buồn” hay là sự vận dụng thơ ca truyền thống một cách tự nhiên “đá thiêng / nước phải hao mòn / ngược về đâu cũng chẳng còn vẹn nguyên…”. Với Hạnh Vân, đừng ai nghĩ rằng: các nhà thơ trẻ chạy theo những ngôn từ lạ lẫm và đoạn tuyệt với những gì là truyền thống trong thơ ca và văn hóa dân tộc.

Bài “Tìm anh”, rất mới. Mới ở cách lập tứ: Cái đoản khúc “Anh ở đâu” được điệp lại sáu lần. Mặc dù có từ để hỏi song lại không phải câu hỏi hay đúng hơn người con gái đặt ra không phải để hỏi mà là để giãi bày, giãi bày những nỗi nhớ da diết, quặn xoáy và cồn cào cái khao khát của con người được chở che, được vịn tựa, được sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn, những hạnh phúc, những khổ đau, khi trứng nước, lúc về già…. Đó là nhu cầu tự thân chính đáng, là ước muốn phá vỡ sự cô đơn để bản thân được hòa nhập với thế giới con người, với miền viễn tưởng mông lung đầy hoài vọng và tin yêu. Bài thơ còn mới trong cách tạo nhịp thơ: dòng dài, dòng ngắn, ngắt nhịp… làm cho các dòng thơ không đơn điệu, khô cứng mà hài hòa trong cảm xúc thơ. Trong bài có đoạn rất đáng nhớ “Anh ở đâu / ngày em chân trần, đầu trần băng qua tuổi thơ đầy nắng / những bông hoa hồn nhiên nở trên tóc em khét cháy / xương cá chôn dưới chân giường ngày nao thành xiêm áo em mặc gặp anh” Đó là thân phận một cô Tấm nghèo khổ, lấm lem  đầy ắp mộng mơ, vượt qua tất cả để tìm đến hạnh phúc ước mơ.
Trong các nhà thơ trẻ, Hạnh Vân có những phẩm chất thi ca để người đọc chú ý và đón đợi. Chị đã tốt nhiệp Đại học, đang là cô giáo và tiếp tục học chương trình Thạc sĩ… Nghĩa là: Hạnh Vân có ý thức chuẩn bị hành trang để đi xa…

Nguồn: Văn nghệ Trẻ số 51-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét