Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

GVĐN 06: Báo Văn nghệ sơ kết cuộc thi truyện ngắn & Ý kiến khác


ĐA DẠNG, XANH TƯƠI VÀ HẤP DẪN HƯỚNG TỚI
GIÁ TRỊ CHÂN - THIỆN - MỸ
(Nhìn về Nửa chặng đầu cuộc thi truyện ngắn 2011-2012 của báo Văn Nghệ)
Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Truyện ngắn với đặc trưng thể loại văn xuôi tự sự luôn đòi hỏi cô đọng, hàm xúc có sức mời gọi, quyến rũ người viết vô cùng. Chính tính chất ngắn gọn và gợi cảm là lợi thế tiếp nhận, cảm thụ, chinh phục bạn đọc. Dù chuyên sáng tác tiểu thuyết, hoặc chuyên viết ký thì ít nhất trong đời mỗi nhà văn cũng đôi ba lần thử sức viết truyện ngắn, khám phá, chinh phục truyện ngắn. Có những tác giả suốt đời viết truyện ngắn không biết chán; bạn đọc chẳng bao giờ bỏ truyện ngắn ngay cả thời phương tiện nghe - nhìn đang phát triển như vũ bão. Bằng chứng là hàng loạt các cuộc thi truyện ngắn vẫn nối tiếp tổ chức, và các tập truyện ngắn vẫn được in rồi bày bán với số lượng không nhỏ. Chưa bao giờ truyện ngắn chết. Thời truyền thông hiện đại, truyện ngắn lại càng có đất sống và phát triển. Nói không hề quá: Truyện ngắn đương đại vẫn đa dạng, phong phú, xanh tươi và hấp dẫn người đọc; có thể tìm thấy điều này trong Nửa chặng đầu cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ (năm 2011 - 2012).

Tính đa dạng, phong phú của một cuộc thi văn học thể hiện ở lực lượng sáng tác với nhiều giọng điệu khác nhau. Ví như cuộc “ra quân” của các nhà văn thành danh cũng không ngại ngùng dự thi; dự thi “cho vui”, dự thi với đồng nghiệp, dự thi với tác giả trẻ và dự thi với… chính mình. Dường như các tác giả lão luyện, dày dặn “trường văn trận bút” đã tự thăng hoa “hữu xạ tự nhiên hương”: Có thể nhận thấy một Văn Chinh đáo để, lọc lõi và triết luận. Vũ Xuân Tửu chân mộc, nhiệt thành. Thu Trân gai góc và dữ dội. Nguyễn Hiệp thủ thỉ tâm tình mà ẩn chứa sự bỏng cháy . Hà Phạm Phú trăn trở và thao thức đang tự làm mới mình. Lê Hoài Nam u hoài, xót xa. Nghiêm Huyền Vũ lành hiền, chân chất. Võ Thị Xuân Hà trầm buồn đôi khi rầu rĩ “Dưới nước”. Nguyễn Việt Chiến bảng lảng chất thơ và ngây ngất “Mùi hương Tiên” thanh khiết… vv…
“Trăm hoa đua sắc, trăm nhà đua giọng” náo nhiệt, sôi động hơn cả vẫn là các tác giả trẻ tuổi đời hoặc trẻ tuổi nghề: Phùng Hi giọng giả cổ nhưng vẫn giữ được cái khúc triết tươi mới của “Phương Nam” và bỡn cợt với “Gạch nối”. Mai Dương Dương da diết, thương cảm “Rau đắng”. Uông Triều dấu mình trong “quan tài” lạnh lùng “Trong đám tang của mình” nhìn đời và tưng tửng bóc mẽ mặt trái của đời. Hạnh Vân (*) trĩu nặng và u uẩn với “Quán ven sông”. Phạm Thanh Thúy khách quan lạnh lẽo với “12 chiếc bánh Flan”. Phạm Phương dằn vặt trong “Đêm mặt trời”. Nguyễn Tiến Bình trầm buồn, thao thiết với “Đêm dài qua”. Lê Thanh Kỳ điềm tĩnh và tỉnh táo với người “Bạn khách”. Chu Thùy Anh hoang hoải trong hoài nghi và xót xa với “Hàng xóm”. Nguyễn Đức Lợi quyết liệt trong sự phẫn uất ở “Hồn rừng” và ma mị ở “Ma núi rắn”. Hoàng Hải Lâm tinh tế và quặn đau với “X. Quang cho một tâm hồn”. Phạm Xuân Hiếu chậm dãi, lọc lõi ngôn ngữ văn hóa đồ cổ, bỡn cợt cái giả lưu hành cùng kẻ dốt nát tham lam với “Đồng dollar cổ”…vv.
Tính hấp dẫn lôi cuốn của truyện ngắn dự thi không những thể hiện ở đối tượng sáng tác mà còn in dấu ấn vào lòng bạn đọc qua cách thức phản ánh hiện thực:

1. Kì ảo trong bến bờ hiện thực.
Truyện ngắn “Phương Nam” của Phùng Hi đậm đặc chất huyền ảo nhưng cũng ngổn ngang bề bộn hiện thực đời thường. Tác giả cắt nghĩa mối quan hệ giữa quyền lực -  đạo - đời qua hình ảnh bộ ba Vua Hùng - Lão Tử - Nàng Hoa. Đời thường cả Đạo, Đời thường cả quyền lực chính là đề cao con người. Hình ảnh Lão Tử vô vi lấy vợ, đi cày và Vua Hùng cầm quyền nhẹ tênh như không cai trị như là biểu tượng dung dị chan hòa cuộc sống, qua những va đập văn hóa Đạo Nho, Đạo Lão, Đạo Việt để trở lại với Minh triết Việt. Sức hấp dẫn của “Phương Nam” ở “giấc mơ nghệ thuật” của người viết tưởng tượng để dựng một câu chuyện độc đáo là Lão Tử cưỡi Trâu xanh đi về phương Nam và lấy vợ, sống, làm quan ở Văn Lang, rồi dẫn dụ người đọc đi cùng hành trình tự khám phá với lối hành văn giả cổ khúc triết mà vẫn tươi xanh lấp lánh.
“Ghi chép của ngài Appin về con ngựa Hãn Huyết’ của Văn Chinh là một truyện ngắn kì ảo với không gian hiện thực mới và bỏ qua cách kể cũ mòn thường thấy để dẫn dụ người đọc theo dõi thân phận con ngựa đào ngũ đã được người hóa. Tác giả dựng chuyện con ngựa Hãn Huyết viện trợ chưa đến biên giới Việt - Trung đã đào ngũ và nương theo hành trình gian lao, đắng cay của nó để nói chuyện nhân tình thế thái, nói chuyện người láng giềng lớn.
“Dưới nước” của Võ Thị Xuân Hà mang đến cho người đọc thế giới nghệ thuật âm ty - địa ngục với những sông Đoạn Hà, Tiểu Ngục lạ lẫm để con người cô đơn thao thức vẫy vùng đi tìm người thân đã mất trong tuyệt vọng. Bến bờ hiện thực “Bạch hổ truyền kỳ” của Hoàng Tùng lại là không gian huyền hoặc, là mảnh đất hoang sơ liêu trai cho cái ác hoành hành, cái thiện tạm thời lui bước. Dù cuối cùng, cái ác cũng không còn đất sống và cái thiện được xây dựng, được hóa thân kì ảo như một biểu tượng thì vẫn để lại trong lòng bạn đọc một sự xót xa, chán nản bởi lòng tham con người.
Có thể nói tính hư thực của khu vực tác phẩm này đã mở rộng không gian nghệ thuật lạ mới, làm dầy thêm các loại hình nhân vật, góp phần tạo nên tính đa dạng, phong phú, sinh động của truyện ngắn dự thi.

2. Nương theo lịch sử - huyền sử tri âm.
Miêu tả, kể lại sự kiện, nhân vật lịch sử - huyền sử sẽ bằng thừa và vô nghĩa đối với nhà văn. Phẩm chất lớn nhất của nghệ sĩ là giàu sức tưởng tượng, hư cấu nghệ thuật, với lòng tự trọng của người sáng tạo không bao giờ viết sử thay nhà sử học. Ở cuộc thi truyện ngắn này, các tác giả viết về các vấn đề lịch sử hoặc huyền sử đã vượt qua được tình trạng ấu trĩ nguyên sơ ấy và vươn đến sự cao cường, kỹ lưỡng ngay từ cách chọn đối tượng phản ánh đến thao tác nghệ thuật.
Nhà văn Lê Hoài Nam đắm đuối với đề tài lịch sử - huyền sử với bộ ba tác phẩm: “Những giọt lệ đỏ thắm”, “Vĩ nhân thời ốc đảo”, “Chuyện tình thời vong quốc” phóng khoáng, vạm vỡ, khá hấp dẫn. Thời gian và con người lịch sử chỉ là chất liệu, là cái cớ để ông sáng tạo ra một câu chuyện mới: Câu chuyện bi kịch của Nguyễn Trường Tộ tôi sáng không gặp vua hiền, trí thức “sinh bất phùng thời” bơ vơ cô độc giữa đám vua quan u tối “bế quan tỏa cảng”. Hoặc hình tượng Công Chúa Ngọc Bình với tâm trạng dằn vặt khi làm vợ kẻ thù của chồng mình, bà giày vò đau đớn trước hành động Nguyễn Ánh trả thù Nhà Tây Sơn một cách tàn bạo.
Võ Gia Trị lại dẫn dụ người đọc đi vào huyền sử “Chuyện người sinh ra vua”; vua là con sãi, nhưng vua cũng là “đứa con của lao động và minh triết Phật Giáo Việt Nam”. Ông gửi một thông điệp khác với sự thật thông thường, với lối tư duy cũ của thời đại cũ bằng một cái nhìn mới nhân văn: Con sãi ở chùa không quét lá đa mà lại lên làm vua. Tác phẩm đã thoát khỏi câu chuyện huyền sử quen thuộc, mà là một sáng tạo nghệ thuật độc lập.
 ”Những cánh chim lạc” của Hoàng Thái Sơn là một câu chuyện giản dị, nhưng mang tính triết luận thâm sâu: Hãy đừng nhìn sự vật hiện tượng buổi nguyên sơ của con người bằng tư duy khoa học hiện đại và cái nhìn phức tạp của thời nay. Tác giả giải mã văn hóa một cách khá thuyết phục cái lý của chim lạc bay ngược chiều kim đồng hồ trên mặt trống đồng, trái với lẽ thông thường bây giờ, bằng câu chuyện văn chương thay vì lối giải nghĩa giáo điều khô cứng, ít nhựa sống.

3. Chiến tranh đang là “mảnh đất bạc màu”?
Văn chương bạc màu áo lính?! Chiến tranh chỉ còn là mảnh đất bạc phếch trong văn chương đầu thế kỉ 21? Nếu chuyện đó là có thật thì cũng không có điều gì lạ, bởi cũng đã đến thời Văn học chiến tranh và Người lính không còn là mối quan tâm đặc biệt thổn thức của người viết và náo nức của người đọc. Hiện thực mới đang ngổn ngang, bề bộn, chồng chất bao nhiêu chuyện thật - giả, thiện - ác, ánh sáng - bóng tối…trong cuộc sống thời kinh tế thị trường phức tạp với những mối quan hệ nhằng nhịt đang dấu mặt hoặc lộ diện dưới những hình thức mới. Nhà văn đang quan tâm, đang bị cuốn đi và người đọc đang cần các tác phẩm nóng hổi về thời nay để nhận diện con người và cuộc sống này hơn là tìm về những gì xưa cũ. Dù vậy, Văn học Chiến tranh và Người lính vẫn không hề phai nhạt, vắng thiếu trong cuộc thi truyện ngắn của báo Văn Nghệ.
Chiến tranh lúc gần lúc xa, lúc mơ hồ khi rõ rệt rất đậm đặc trong “Đêm dài qua” của Nguyễn Tiến Bình. Tác giả chỉ miêu tả vết thương thân xác và thương tật tâm hồn người lính mà vẫn ra chiến tranh. Truyện ngắn “Đêm dài qua” đã vượt qua các tác phẩm chiến tranh dặt lối kể mòn cũ chuyện chiến đấu, miêu thuật một trận đánh, một chiến dịch, bằng bút pháp lãng mạn trộn lẫn, đan xen hiện thực dữ dội trần trụi. Tác giả khắc họa nhân vật người lính nhẫn nại, hy sinh vì có những sự thật cần phải cất giấu, chứ không phải lừa dối, để không làm đau lòng người. Đó cũng là bài ca nhân văn về tình yêu và chiến tranh.
Yêu nhưng không ai có đủ tình thương và lòng can đảm chìa vai gánh gia đình của người đàn ông với đứa con dị tật do chất độc da cam; chỉ người đàn bà thứ bẩy cần và đủ tình làm được việc này thì lại bị chính người đàn ông khước từ bởi ông không muốn thêm một người đàn bà bất hạnh nữa. Cũng như không một chàng trai nào dám bước vào cuộc đời cô chủ “Quán ven sông” bởi cô cũng có một đứa con dị dạng đã hóa thân vào ảnh trên bàn thờ. Con người vu vơ níu giữ, thèm khát tình người, bị thừa ra, bị bỏ rơi, bơ vơ giữa đám đông lòng dạ lạnh lẽo. Văn Hạnh Vân vừa quặn thắt, u uẩn, lạnh giá khiến người đọc ám ảnh sợ hãi chiến tranh. Rất tiếc, bởi cái kết “bắn đạn thẳng” mà không “bắn cầu vồng”. Nếu như hầu hết toàn bộ “Quán ven sông” được đan cài chi tiết, hình ảnh, giấu nhẹm ý tưởng kín đáo tài tình, tinh tế bao nhiêu thì cuối truyện tác giả lại non tay vụng về bấy nhiêu, nói toẹt ra cái sự bất hạnh con người là do chất độc da cam làm cho truyện mất hẳn tính gợi cảm, y như cái áo lụa tơ tằm bị can thêm một mảnh vải thô làm gấu áo.
Phập phồng. Căng thẳng. Một giả định tình huống chiến tranh dữ dội ngoài biển đảo. Và “Phía sau người lính biển” là ký ức ngoại cùng người em gái sinh đôi bị giam hãm, bị lính Mỹ cưỡng hiếp trong hầm. Đứa con lai Mỹ đi sang sống trời Tây nhận một kẻ xa lạ làm bố. Đứa cháu ngoại chối từ người mẹ vong quốc làm người lính bảo vệ chủ quyền Trường Sa. Ai đáng giận? Ai đáng thương? Là câu hỏi không dễ trả lời của thời nay. Một cốt truyện lạ, một cái nhìn mở hướng ra nhiều chiều kích để người đọc ngẫm nghĩ về số phận người trôi dạt thời hậu chiến. (Phía sau người lính biển - Nhụy Nguyên)
Chiến tranh lùi xa, người chồng mải mê làm giầu và để người vợ lạnh lẽo, cô đơn trong tiện nghi hiện đại. Người vợ thèm khát mùi chồng - mùi đời trần ai chiến tranh. Người chồng dù cố cưỡng lại cám dỗ quay trở về thì người vợ cũng không nhận ra mùi của chồng mình nữa. Chiến tranh không chia lìa được lứa đôi, nhưng thời hiện đại lại ném họ ra khỏi thế giới nội tâm thầm kín của nhau dù sống chung một nhà. (Mùi chồng – Nguyễn Hiệp).
Tất cả đều có thể xảy ra trong chiến tranh. Đào tẩu khỏi trận chiến ác liệt, đào tẩu vì phản bội đồng đội vẫn sống trơ trơ không dằn vặt, hối lỗi; nhưng người phản bội tình yêu trong chiến tranh lại bị giày vò bởi thấy mình cũng đốn mạt hèn hạ như phản bội lý tưởng.(Những kẻ đào tẩu – Từ Nguyên Tĩnh). Kẻ phản bội đồng đội trở về làng sống dở người dở ngợm, lúc tỉnh lúc điên, muốn sám hối để sống thanh thản, nhưng con cháu không cho ông tự thú trong khi chúng đang sống yên lành, giàu có trong thăng tiến…, cũng là một bi kịch mới sau chiến tranh. (Kẻ phản bội - Mai Tiến Nghị). Vũ Thảo Ngọc  cũng xót xa với “Đám mây màu xám tro”bởi nạn nhân chất độc da cam; và thương cảm đứa con rơi thời chiến luôn cháy bỏng ước muốn tìm cha trong khát vọng không thành.(Đêm nhớ). …vv.

4. Hiện thực mới ngổn ngang và những được -  mất.
Quan sát hiện thực mới, chiêm nghiệm, kết tinh thành tác phẩm dường như lợi thế tinh nhanh nhạy lại thuộc về tác giả trẻ. Con mắt trong veo, tinh khôi và cảm xúc mới mẻ, run rẩy bao giờ cũng tiếp cận hiện thực mới nhanh hơn cái nhìn mòn nhẵn và cảm xúc chai lì.
Nhà văn trẻ Uông Triều thật tinh tường với tư duy “cái quan định luận”, quan sát đời nhố nhăng, xộc xệch từ điểm nhìn giả định linh hồn, tác giả lần lượt lật từng trang đời tối tăm, láu cá, ranh mãnh, bạc tình của các loại người ra ánh sáng như bóc từng lớp củ hành. (Trong đám tang của mình).
Ngòi bút nữ nhà văn Di Li lại khai phá ở một vùng đất mới “Nghĩa địa của người sống” bỏ không, chờ sẵn chẳng biết đến bao giờ mới có người chết. Đặt vào phép so sánh nghệ thuật: Một bên là vùng đất xây “thành phố” cho người sẽ chết phải có đẳng cấp đại gia, quan chức, nghệ sĩ lớn… cao sang phú quý mới được mộ phần rộng thênh thang. Một bên là người mẹ trẻ nghèo nhặt bóng, xách đồ, lau gậy phục vụ cho lớp người thượng lưu chơi gôn, và đứa con nhỏ bảy tuổi bất hạnh chết yểu chưa có mộ phần. Bằng giọng văn hiện đại, thông minh, khách quan lạnh lùng, tác giả gửi thông điệp: Cái chết xa xỉ cũng là sự bất nhân trên nỗi đau đồng loại.
Mai Dương Dương dân tộc Dao lại đắng xót thương cảm thân phận mong manh như cái lá, yếu đuối như ngon rau hoang của người miền núi không có khả năng tự bảo vệ. Cô gái câm quyết liệt bảo vệ con vừa là bản năng, vừa là hành động phản kháng như một sức sống mãnh liệt nơi hoang dại. (Rau đắng).
Bốn đôi dép người lớn, hai đôi dép trẻ con buộc nơ hồng luôn xáo trộn vị trí là một bí ẩn cuộc đời người “Hàng xóm” và cũng là nỗi thèm hơi ấm của đồng loại. Chu Thùy Anh dịu dàng nữ tính viết về nỗi cô đơn rợn ngợp của người già trong các căn hộ cao tầng bê tông cốt thép lạnh lùng, vô hồn thời văn minh công nghiệp. Bà già hàng xóm khóc lần duy nhất ấy là khi con chó già mười bốn tuổi chết, mà chưa bao giờ khóc ai thì nỗi cô đơn trơ trọi được đẩy đến tận cùng.
“12 chiếc bánh flan” là một câu chuyện lạ, một bà mẹ bí ẩn. Hợp đồng làm tròn chức phận”con” người “mẹ” điên thay cho đứa con thật đã chết… là một kết cấu hợp lý để nhân vật khám phá góc khuất một gia đình giàu có thác loạn. Phạm Thanh Thúy phơi bày bi kịch lớp người mới nổi do lừa lọc, chiếm đoạt căn nguyên từ triết lý: Cái gì có được dễ dàng thì cũng sẽ thành rẻ rúng vô nghĩa. 
Bạn bè thật giả, vàng thau chỉ khi đặt trong hoàn cảnh thử thách chọn lựa lợi ích, được - mất mới hiện nguyên hình. Lê Thanh Kỳ luôn hoài nghi, tỉnh táo với ông “Bạn khách”. Không hề khiên cưỡng, “Bạn khách” là câu chuyện văn chương về tình bạn riêng tư có ký ức, có hiện tại cũng là bài học cảnh giác láng giềng quốc gia hữu sự.
Du An thấm đẫm cái nguyên sơ, tinh khôi không gian miền núi, nhưng lại thấy bề bộn một vùng cao lấm láp, đang nảy sinh nhiều vấn đề mới phức tạp. Tác giả chia sẻ vất vả gian lao và quá trình hòa nhập không mấy dễ dàng của người dưới xuôi lên xây dựng vùng cao. Cái gì níu giữ họ lại nơi “rừng xanh núi đỏ”? Chính là tình người của “Cô Quỳnh”, và “Mùa nương”.
Dường như Năm Sọc là một sáng tạo nhân vật mới của Thu Trân trong “Gia phả mùi rơm rạ”. Điền chủ Năm Sọc vô sinh, nghiệt ngã không để của cải lọt vào tay kẻ khác, gian ác bằng mọi giá hợp pháp hóa đứa con của vợ chính vợ hờ thành đứa nối dõi của mình trong bí mật, kể cả việc giết người. Đứa con gái hờ bị chính y cưỡng hiếp đã chối bỏ gia đình, chạy trốn hiện tại bẽ bàng, mấy chục năm sau lại quay về mang ý nghĩa nhân bản và làm cho truyện bớt độ căng, dữ dội.
 Nguyễn Việt Hòa cười cợt cái sự “tin bạn mất bò”, dở cười dở mếu hậu chuyện đem chồng làm “Phao cứu sinh” giúp bạn gái. Phan Đình Minh ngao ngán thở dài viết “Phần mềm” về sự gian dối trong khoa học công nghệ. Nguyễn Thái Sơn trần tình về niềm tin ngây thơ kỳ công xây dựng biểu tượng vẫn mù quáng trước sự mọt ruỗng khi “Bọ cánh cứng bay đi rồi”. Nguyễn Trúc Viên hoài vọng, tiếc nuối “Ngọn gió mùa thương”. Thở than, nhẫn nhịn trách móc người chồng tha hóa, dễ bị cái lạ lẫm, cao sang cám dỗ, chóng quên cái bình dị, cái quý giá nắm giữ trong tay mà không biết. Nhưng để chọn lựa lại, chắc người vợ vẫn đi con đường xưa cũ. Sự đời là thế!
Cuộc thi truyện ngắn đã đi được nửa chặng đường, chỉ một năm báo Văn Nghệ và Văn Nghệ Trẻ đã in tới 152 truyện ngắn dự thi trong số hơn 1200 tác phẩm gửi đến tòa soạn. Có một số tác phẩm vẫn trong tình trạng thô giản, hoặc thiên về giãi bày kể lể, mà giọng kể lại ít duyên. Vẫn còn nhiều tác phẩm khá ấn tượng về xây dựng nhân vật, hoặc miêu tả không gian nghệ thuật, hoặc chi tiết sinh động…, chúng tôi chưa có dịp phân tích, luận bàn hết được trong một bài viết ngắn này, cũng là một điều rất đáng tiếc.
Có thể nói: Tính đa dạng, phong phú, sinh động, tươi xanh và hấp dẫn tạo nên cái nền truyện ngắn dự thi khá rộng và bền vững. Nói một cách hình ảnh ví von: Có cả dãy Trường Sơn truyện ngắn, nhưng đã có đỉnh Phan xi păng chưa?
 Dường như cái truyện ngắn đỉnh cao vẫn còn đang ở phía trước, đang trong nỗ lực tìm kiếm và sáng tạo?
 S.N.M
* Thu Trân là nhà văn HV Hội NVVN, quê quán Đồng Nai, hiện làm việc tại TP HCM
* Hạnh Vân là HV Hội VHNT ĐN, tác giả mới của tỉnh

DANH SÁCH CÁC TÁC GIẢ, TÁC PHẨM ĐƯỢC TẶNG THƯỞNG,
GIAI ĐOẠN ĐẦU CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ

(Xếp theo thứ tự abc)

1- Chu Thùy Anh: Truyện ngắn Hàng xóm
2- Nguyễn Tiến Bình: truyện ngắn Đêm dài qua
3- Văn Chinh: Truyện ngắn Chị Mỵ làng Minh Quang
4- Mai Dương Dương: Truyện ngắn Rau đắng
5- Phùng Hy: Truyện ngắn Phương Nam
6- Lê Thanh Kỳ: Truyện ngắn Bạn Khách
7- Hoàng Hải Lâm: Truyện ngắn X quang cho một tâm hồn
8- Nguyễn Đức Lợi: Truyện ngắn Ma núi rắn
9- Lê Hoài Nam: Truyện ngắn Vĩ Nhân thời ốc đảo
10- Phạm Thanh Thúy: Truyện ngắn 12 chiếc bánh flan
11- Thu Trân (*): Truyện ngắn Gia Phả mùi rơm rạ
12- Uông Triều: Truyện ngắn Trong đám tang của mình 

Đỗ Bàn
TOP 10 TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC - AI CHỌN, AI LỌC?
GVĐN: Ngoài nhận xét, đánh giá chính thức của Ban tổ chức cuộc thi Truyện ngắn 2011-2012, trên trang web của Lê Thiếu Nhơn có đăng bài viết của Đỗ Bàn với ý kiến hầu như trái ngược hẳn. GVĐN giới thiệu bài viết này để bạn bè đọc thêm với tinh thần lắng nghe từ nhiều phía.

Từ nội dung cốt truyện, đến nghệ thuật diễn tả, từ ngữ cứ chung chung ang áng như nhau. 10 truyện ngắn mà có đến sáu bẩy truyện nói về những thói hư tật xấu của con người mà toàn là quan tham rồi bọn giầu xổi làm những chuyện bất công loạn luân đến ghê sợ. Cha ngủ với con, bạn ngủ với con bạn, rồi mình lại ngủ với con bạn. Truyện ngắn “ X Quang Cho Một Tâm Hồn” của tác giả Hồng Hải Lâm là một truyện ngắn phi lý và thiếu lôgic đến khủng khiếp. Ngày mẹ chết cha cười, con lạnh, con uống rượu đi hoang gặp cha đi chơi đĩ, đĩ là con. Cha phát hiện ra con khi thấy vết ruồi son hình ngôi sao trên đầu vú… Và người bạn thân của cha đưa con vào khách sạn khác làm tình với con…rồi tới đoạn cô bé thấy tháng khi không có mẹ, cô không biết xứ lý việc đó làm sao. Ô hay khi mẹ chết cô bé đã mười sáu tuổi đã chán đời đi hoang thì sao còn trở ngược về cái thời “cháu có tháng”. Những nhầm lẫn đến ngô nghê mà nhà văn Lã Thanh Tùng bình “tác giả truyện ngắn đang đuổi theo cái đích mỹ học khá động: chết mà lên án được cái ác.” người đọc thì chỉ thấy tác giả đang đuổi theo cái nhục dục học để thoả mãn cái ác tâm, sống sượng vô lối của mình. Người với người cũng không thể thế huống hồ là những bạn bè thân thiết là những ông quan cấp cao ở tỉnh… loạn đến vậy mà khen thị thật là lố bịch…

    Tôi không hiểu những người chọn truyện ngắn năm nay dựa theo tiêu chí nào, mới thì không thấy, có gì mới mà hay thì cũng chưa có gì hay, cứ sàn sàn một kiểu thấy còn thua văn học mạng như truyện ngắn “Hàng Xóm” của Chu Thùy Anh. Không lẽ con người ta vô cảm đến vậy, ở chung cư, chung một cầu thang nhà này nhìn chếch của nhà kia thấy cửa ra vào của nhau, ở với nhau hàng năm giời mà không biết đến nhau, người hàng xóm phải tạo dựng ra những cái không có thật về những đôi dép. Một bà già đã gần đất xa giời, có phải làm vậy không ? Tình làng  nghĩa xóm để đâu! Người Việt đã đến lúc cạn tình cạn nghĩa vậy sao? Để bà phải khóc một con chó vừa chết…rồi ông hàng xóm cũng thân gần như một mình mới biết…

    Thời đi học tôi được nghe thầy giảng nhiều về các tính chất của văn học, hình tượng văn học trong cách xây dựng nhân vật… Khi đọc xong 10 truyện ngắn chọn lọc năm nay tôi toá hoả và đâm sợ, xã hội chúng ta khiếp vậy ta. Một tờ báo văn nghệ chính thống của đảng đăng đàn 10 truyện ngằn thì bẩy chuyện là vô đạo mất nhân tính con người như “X Quang Cho Một Tâm Hồn”, “Trong Đám Tang Của Chính Mình”, “Rau Đắng”, “12 Chiếc Bánh Flan”… với truyện ngắn “Gia phả Mùi Rơm Rạ” kể về thời phong kiến mà Năm Sọc là nhân vật chính, cốt truyện tuy có chọn lọc, dẫn dắt hợp lý nhưng cũng không cứu được cả số truyện đặc biệt kia. “Ma Núi Rắn” của Nguyễn Đức Lợi, cũng cần được nói đến. Chuyện về rắn đã có rất nhiều người viết như Nguyễn Huy Thiệp hay Hồ Anh Thái và một vài tác giả khác đã rất hay rồi, nếu truyện ngắn nay lại đưa ra tiếp thì tôi nghĩ chả có gì mới. Không thể đưa hình ảnh anh bộ đội và cô con gái xinh đẹp một thời làm đại diện cho xã hội  này phải làm những con Xà Tinh để cho kẻ trọc phú thời nay săn bắt rồi dự tính nuôi hai con Xà Tinh làm sinh vật cảnh. Và hình ảnh sau cùng là đôi rắn hổ mang chúa nằm quấn vào nhau hiền từ…

    Nghệ thuật muôn đời vẫn chỉ là nghệ thuật, nhưng với thể loại truyện ngắn không thể hư cấu một cách tuỳ tiện mà phải tìm lấy hình tượng điển hình trong những hoàn cảnh điển hình. Nếu tiêu chí của báo năm nay là chọn những truyện ngắn mới, lạ, thì tôi cảm thấy, hình như chúng ta đang báng bổ xã hội hiện tại. Nhân tình thế thái như vậy thì còn gì là một xã hội công bằng dân chủ văn minh.
    Tháng 1 năm 2012
ĐỖ BÀN
(56/20 Thông Thiên học – Đà Lạt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét