Tùy bút “Học Trò Già”, được viết vào đầu năm 1973, là một trong những bài văn chưa từng đăng báo của cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, may mắn được người nhà cất giữ và mang ra nước ngoài sau khi anh qua đời.
Nguyễn Tất Nhiên
HỌC TRÒ GIÀ
Anh Lê khuyên tôi: “mình nên yêu người nào yêu văn nghệ thôi, chứ đừng nên yêu người làm văn nghệ, vì, sẽ có ngày mình đọc bài của nàng mà chẳng thấy nàng đá động gì đến mình, thì có nước khóc thét lên!”. Tôi cười ngả nghiêng lúc đó. Và, bây giờ tôi còn cười nữa thôi?
Sáng nay tôi tới trường, ông Ý, người thầy Việt Văn cũ mời, em dù sao cũng ráng tới chung vui với thầy, em là khách của thầy. – Thưa thầy, em muốn xin tấm thiệp mời. – Thiệp thiết gì, tao với mày mà! Khéo lôi thôi. – Dạ, mai em tới, mấy giờ thầy? – Tám giờ sáng. Tôi là khách, khách phải đến trễ mới quí, với quan niệm ấy tôi có mặt lúc chín giờ hơn. Học trò ở đây tiếp đón nồng nàn tôi, gã đàn anh hoang đàng. Nắng mùa Xuân lợt lợt, tôi đã quen màu, thuở ngồi đệ tam đến giờ, đã năm năm, có năm nào tôi từ chối việc làm tờ giai phẩm Xuân của trường đâu, dĩ nhiên, buổi liên hoan báo chí nào cũng phải có tôi. Nắng mùa Xuân lợt lợt, tôi đã quen màu, màu-nắng-liên-hoan. Tôi cố tình mặc quần xanh áo trắng, cố tình may phù hiệu trung học Ngô Quyền trên ngực, hay nói trắng ra: tôi cố tình bày vẽ ta đây còn luyến tiếc tuổi học trò! Hải của ngày nào làm thơ cho cô Duyên, vì cô Duyên, đây! Anh đây, các em hãy chiêm ngưỡng đi, các em hãy ca tụng hắn đi, hắn thích nghe ai khen thơ hắn lắm đó.
Th. ơi, anh không có nổi một cái gì cho em viết sao? Hai câu thơ của anh ngày nào, em nói em thích nhất “Bất thần sáng mắt yêu ai. Khác chi mời người bứt ruột!” không thể trở thành một chi tiết nhỏ trong bài viết em sao?
Thầy Ý, giáo sư hướng dẫn báo chí đứng lên nói vài lời khai mạc buổi tiệc. Thầy ngợi khen Th. và bạn bè nàng. Tôi biết nàng đang sung sướng hân hoan – như tôi ngày nào. Lén chớp nhanh ánh mắt qua bên kia bàn, đầy con gái, tôi chỉ thấy một phần tóc của Th. cúi đầu. Thời người tôn sùng ta đã hết rồi, ta hằng biết thế, bởi ta dại dột yêu người. Khi yêu ai đắm đuối, là lúc mình khó lòng dấu che chân tướng mình! Th. đã nhìn được chân tướng anh rồi, cũng chỉ như trăm nghìn kẻ khác (*) phải không em? Anh du côn, anh cộc cằn thô lỗ, anh chẳng thơ mộng như thơ anh chút nào, em hở? Anh gây gổ với con gái ào ào, anh thường giải quyết vấn đề bằng chân tay, hào-quang-thi-sĩ của anh trước sau gì cĩng là thứ ánh sáng đèn néon uốn quanh đầu tượng, điện cúp rồi, Phật hay Chúa gì cũng đành phận đá đìu hiu!
Thầy Ý dứt lời, học trò vỗ tay. Tôi thương thầy vì thầy thương tôi, tôi nghĩ đến thầy vì thầy nghĩ đến tôi, giản dị quá! Nhưng tôi thương Th. vì Th. ghét tôi, lánh tôi! Cám ơn em bỏ thiên tài tang thương! Câu thơ làm cho Th., tự nhiên tôi muốn đọc to lên giữa đám đông, nhưng lại sợ đám đông cười ồ, sợ những lời đùa cợt, la ó: “bắt thi sĩ vô dưỡng trí viện đi bà con, trời nóng nực rồi!”
Th. ơi, anh không có nổi một cái gì cho em viết sao? Em nói với Du về mùa Xuân, về nước mắt, về chiến tranh, về tình yêu, về kỷ niệm… Kỷ niệm có “K” nào đó, kỷ niệm không có anh! “K” nào đó là kỷ niệm của em, “K” nào đó là một thời của em. Còn anh, còn những chiều chúa nhật ở nhà chị Ninh, cũng kỷ niệm – nhưng là kỷ niệm “pha dấm vắt chanh”, phải chạy trốn, phải chối từ; cũng “một thời” – nhưng là “một thời” để hối hận, để nhục nhã, để đính chính: “tôi chẳng hề quen biết người ấy!” phải không em?
Th. ơi, ước chi ta có thể nặng lời chua chát được cùng người, thì thơ ta sẽ hay gấp ngàn lần hơn:
…nghe nói em vừa thi rớt Luật
môi trâm anh tàn héo nụ-xa-vời
mắt công nương thầm khép mộng-chân-trời
xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng
(dù thật sự cũng đáng đời em lắm
rớt đi Duyên, rớt để thương người!)
ta, thằng ôm hận tú tài đôi
không biết tìm ai mà kể lể
chim lớn thôi đành cam rớt lệ
ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh…
Giữa tiệc, vài cô ca sĩ học trò lên micro hát véo von, mỗi cô hát, một anh sung sướng mỉm cười, “bồ” mình hôm nay xinh ghê, giọng ấm ghê… Nghĩa mập ơi, cho tao vui “ké” với, cho tao khen cô Diễm Hạnh hát hay “ké” với, Lưu Cam-bô-chia ơi, cho tao yêu “ké” với: “Tường Vi ôi Tường Vi, nhớ người ta tóc rụng”, tao đọc hai câu thơ ấy trước mặt mày, mày đừng nổi nóng với tao nghe, đừng đòi đá tao nghe! Lưu Cam-bô-chia ơi, thằng Khanh – em mày, nó kê miệng vào micro đòi “thi sĩ” xuất hiện kìa, tao nên rầu hay nên khoái đây? Anh chị đòi hỏi nhiều quá, tôi gầy gò thế này, hát hai bản nhạc một lúc, sức đâu mà rống mà gào? Anh chị vô tình, chẳng biết tôi cần tránh bài “thà là giọt mưa rớt trên tượng đá” trước mặt Th.!
– Kính thưa quí thầy, thưa anh chị, hôm nay, tôi hân hạnh được mời đến chung vui. Quí thầy và quí anh chị thấy tôi mặc đồng phục, làm “học trò già”, chắc cũng hiểu rằng tôi còn luyến tiếc khoảng thời gian đi học dưới mái trường Ngô Quyền này nhiều lắm. Mái trường này đã cho tôi tình yêu đầu đời thơ mộng, đã cho tôi bao nhiêu ý tưởng tuyệt vời trong văn chương, để rồi giờ phút này tôi may mắn được nhiều người biết tới, để đáp lại phần nào cảm tình quí báu tôi xin hát bài “Vì tôi là linh mục”, thơ của tôi, Nguyễn Đức Quang soạn thành ca khúc… Vì tôi là linh mục không mặc chiếc áo dòng, nên suốt đời hiu quạnh, nên suốt đời lang thang. Vì tôi là linh mục có được một tín đồ, nhưng không là thánh thần, nên tín đồ đi hoang. Vì tôi là linh mục giảng lời tình nhân gian, nên không cần kinh thánh, nên không cần giáo xứ, nên tôi có con chiên chê tôi giống tên điên, quanh năm chỉ làm phiền…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét