Hoàng Long
(Thị xã Long Khánh)
Bùi Công Thuấn với giải C của “Những dòng sông vẫn chảy”
Nhà giáo Bùi Công Thuấn vừa cho ra mắt bạn đọc “Những dòng sông vẫn chảy”, tác phẩm lý luận - phê bình văn chương do nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành quý III năm 2011, đây có thể coi là một chuyên luận về văn chương trẻ đương đại. Những dòng sông vẫn chảy vừa được giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2011 của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam.
Nhà giáo Bùi Công Thuấn (BCT) lặng lẽ trở thành một cây bút lý luận phê bình văn học chuyên nghiệp từ nhiều năm qua trên các diễn đàn văn học, sức viết của ông khá mãnh liệt. Ông xông xáo trong nhiều lĩnh vực văn chương để góp một tiếng nói cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật.
Tôi cố gắng đọc “Những dòng sông vẫn chảy” xem thực hư ra sao, bởi gần đây trong “giới” cũng khá xôn sao về “hiện tượng” BCT hơi “gay gắt” trong phê bình văn chương. Nhiều ý kiến phản hồi trên các “diễn đàn văn học” cho rằng BCT thích chỉ trích người khác, “thổi còi” nhiều lỗi rất sơ đẳng mà trong khi viết, nhiều nhà văn không chú ý đến.
Ông ca ngợi thế hệ viết văn trẻ, bởi ông tin họ sẽ là người kế tục sự nghiệp văn chương của các thế hện đi trước. Hơn thế, ngày nay xã hội tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi để các cây bút trẻ phát huy năng lực của mình, đóng góp tâm huyết của mình cho sự nghiệp văn học nước nhà. Ông phê phán kịch liệt lối viết văn “báo chí”, khai thác những vấn đề xã hội một chiều, không mang tính “tư tưởng”, không định hướng thẩm mỹ đúng đắn, thậm chí còn có khi “bắt chước” dẫn đến “đạo văn” của một số cây bút trẻ.
Đọc “Những dòng sông vẫn chảy” có đến hơn chục bài phê bình các “tác phẩm” văn học được tổng hợp từ các diễn đàn: phongdiep.net; lethieunhon.com và nhiều trang mạng phê bình văn học khác. Tôi như bị thu hút từ trang này đến trang khác, với lối phê bình, “bắt bẻ” không ai có thể chối cãi được, ông dẫn chứng cụ thể từng chi tiết trong tác phẩm rồi nêu lên quan điểm của mình. Tuy, quan điểm mỗi người có khác, vấn đề là đứng trên lập trường quan điểm nào để quan sát, thẩm định. Lối phê bình này, có thể sẽ gây khó chịu cho nhiều người, và làm buồn lòng tác giả; nhưng nếu như “có một sự im lặng ghê người của giới phê bình văn chương” thì đời sống văn học nghệ thuật còn gì là phong phú nữa.
Có người nói, phê bình văn học đó chính là “công nghệ lăng xê”, nhưng đối với Bùi Công Thuấn viết phê bình “là thể hiện tình tri âm với tác giả” bởi phê bình vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, viết thế nào để làm vừa lòng tất cả mọi người, thì thật là quá khó. Bùi Công Thuấn nói rằng, ông cố gắng hiểu đúng ý tác giả, trân trọng những nỗ lực sáng tạo và chia sẻ những thông điệp tác giả gửi trong tác phẩm.
Tôi tin rằng, cách viết phê bình văn học trong tập sách “Những dòng sông vẫn chảy” của tác giả Bùi Công Thuấn sẽ gợi ra hướng đi mới, cho đội ngũ những người viết văn trẻ trong chặng đường sáng tạo nghệ thuật theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong tương lai.
Tuy chỉ là giải C của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam nhưng đây cũng sẽ là nguồi động lực để ông hăng say hơn trên con đường lý luận phê bình mà ông đã chọn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét