Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

GVĐN 06: “ÔNG GIÀ HIẾM” CỦA ÂM NHẠC DÂN TỘC ĐỒNG NAI

Hoàng Ngọc Điệp
(HV Hội VHNT Đồng Nai)

“ÔNG GIÀ HIẾM” CỦA ÂM NHẠC DÂN TỘC ĐỒNG NAI
Bút ký đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT về chủ đề
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM” năm 2011 của tỉnh Đồng Nai




Một buổi sáng đầu tháng 12/2011 có nắng vàng, có chút hanh hao se lạnh gợi nhớ mùa đông xứ Bắc, tôi đến thăm và chúc mừng nhạc sĩ Trần Viết Bính nhân việc ông cùng nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Thị Tuyết Hồng vừa xuất bản cuốn sách “Dân ca Mạ, Châu ro, Stiêng, K’ho ở Đồng Nai”. Sau cơn bệnh nặng năm ngoái, nhạc sĩ trông đã khỏe khoắn, giọng nói sang sảng. Ông đón tôi chân tình như đón người bạn thân lâu ngày mới gặp. Căn phòng nhỏ sáng lên nhờ bình hoa cúc vàng lộng lẫy bên cửa sổ. Chiếc lap top mở sẵn trên bàn, nhạc sĩ Trần Viết Bính đang bận rộn với những đĩa hát. Thật khó tin là ông sử dụng công nghệ thông tin thành thạo như một chuyên gia máy tính thực thụ. Tôi chợt nhớ, cách đây chưa lâu, tôi gặp ông ở trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai. Vẫn chiếc sơ mi có những bông hoa to màu sậm quen thuộc, vẫn chiếc cặp nặng trịch như nhét cả thế giới trong đó, nhạc sĩ khoe ông chuẩn bị đi Côn Đảo để sáng tác về biển đảo. Tôi hỏi “Chú đi máy bay à?” Ông lắc đầu: “Đi tàu thôi. Làm gì có tiền mà đi máy bay”. “Chú thiếu gì tiền” -tôi nói. Nhạc sĩ Trần Viết Bính nhìn tôi hơi ngạc nhiên “Tôi thiếu gì tiền thật. Nhưng tiền của tôi còn phải dùng vào việc khác”. “Việc khác” mà ông nhạc sĩ nói đến gồm thu âm, làm đĩa CD, VCD... Trong đầu ông lúc nào cũng sôi nổi những kế hoạch đã, đang và sắp thực hiện. Bởi vậy, việc nhạc sĩ Trần Viết Bính công bố cuốn sách công phu và rất có giá trị khi tuổi đã xấp xỉ bát tuần không làm tôi bất ngờ. Hiếm có người nào suốt đời vắt kiệt sức mình cho công việc như ông. Với nhạc sĩ Trần Viết Bính, sống là làm việc và sáng tạo, còn hít thở là ông còn làm việc. Chính nhờ lao động sáng tạo không ngưng nghỉ mà nhạc sĩ đã gặt hái được thành quả mà những người trẻ hơn ông hàng thế hệ như tôi phải mơ ước.
Nhạc sĩ Trần Viết Bính đến với âm nhạc như duyên trời định. Gia đình ông có một cửa hàng bán nhạc cụ khá lớn ở thị xã Thái Bình nhưng trừ ông ra, cả nhà đều... dị ứng với âm nhạc. Cậu cháu đích tôn Trần Viết Bính gánh trên vai tâm nguyện của họ Trần: nhất định phải trở thành... quan huyện. Nhưng “Ông huyện tương lai” thay vì đèn sách thì lại chỉ thích mang cây đàn Banjo-Alto bày trong tủ kính ra, gảy tưng tưng. Đến nỗi về sau, lớp da thuộc trên mặt đàn trở nên cũ sì và đen nhèm, chẳng khách nào thèm mua. Thấy cây đàn ế, ông thân sinh đành cho “quý tử “, thế là từ đó, Trần Viết Bính được sở hữu cây đàn. Năm 1946, thực dân Pháp đánh chiếm Thái Bình, ông làm liên lạc cho lực lượng kháng chiến của thị xã, được ít lâu thì theo gia đình tản cư về thị trấn Đống Năm.
Lần giở từng trang “sử đời” của nhạc sĩ Trần Viết Bính, sẽ thấy việc tản cư về thị trấn Đống Năm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự nghiệp âm nhạc nói chung và sự nghiệp sáng tác ca khúc của ông nói riêng. Ngày ấy, thị trấn Đống Năm được coi là “thủ đô” của Liên khu III, bởi nó quy tụ tại đây nhiều nhà lãnh đạo kháng chiến, đặc biệt là nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi như Tô Vũ, Đoàn Chuẩn, Tạ Phước, Nguyễn Đình Thanh... Cậu bé Trần Viết Bính 12 tuổi tụ tập những chú nhóc cùng lứa lập ra ban nhạc thiếu nhi. Tốp nhạc nhí này may mắn lọt vào “mắt xanh”của lớp nhạc sĩ đàn anh và được họ nhiệt tình chỉ dạy. Chính trên mảnh đất tốt đó, tài năng âm nhạc của Trần Viết Bính nảy mầm và phát triển. Sau này, ông có hai chục năm sống ở Nam Định và đã lập ra đội Vàng Anh- một trong 03 đội văn nghệ thiếu nhi đình đám nhất miền Bắc những năm 70 mà nòng cốt là con em công nhân nhà máy dệt Nam Định. Những ca sĩ, nhạc công tí hon do nhạc sĩ Trần Viết Bính dìu dắt có người về sau thành danh như nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, nghệ sĩ Nguyễn Tiến - nhạc trưởng đoàn văn công tổng cục chính trị. Đội Vàng Anh từng được gặp và biểu diễn cho Hồ Chủ Tịch xem.
 Thời kỳ những năm 70 cũng đánh dấu sự chín muồi trong tài năng sáng tác ca khúc của Trần Viết Bính qua một bài hát thiếu nhi “Hạt gạo làng ta” ( Phổ nhạc bài thơ của Trần Đăng Khoa). Bài hát gần như được cả miền Bắc ưa thích bởi nó như một bức tranh đồng quê thời chiến được vẽ bằng ngôn từ và giai điệu: “Hạt gạo làng ta có bão tháng bảy có mưa tháng ba. Giọt mồ hôi sa những trưa tháng sáu. Nước như ai nấu chết cả cá cờ. Cua ngoi lên bờ mẹ em xuống cấy”. Công bằng mà nói, thơ của Trần Đăng Khoa đã hay, nhưng chỉ đến khi được Trần Viết Bính phổ nhạc thì bài thơ mới thật sự được chắp thêm đôi cánh để bay cao, bay xa. Thời ấy, chúng tôi hát “ Hạt gạo làng ta” trên đường đi học, dưới hầm tránh máy bay Mỹ, khi đang làm cỏ lúa trên cánh đồng. Thậm chí hơn bốn mươi năm sau, thế hệ chúng tôi vẫn thuộc làu từng nốt nhạc. Bài hát có sức lan tỏa mạnh mẽ này đã đóng dấu son trong sự nghiệp sáng tác ca khúc của Trần Viết Bính, đưa nó lọt vào top “50 bài hát hay nhất thế kỷ 20” do Báo Thiếu niên tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam và Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp bình chọn năm 1999. Không chỉ thế, “Hạt gạo làng ta” năm 2010 còn được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng kỷ niệm chương cho tác phẩm được khán giả bình chọn là 1 trong 20 bài hát hay nhất nửa thế kỷ 20 về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Năm 1980, từ Nam Hà - cái nôi của điệu hát văn nổi tiếng, Trần Viết Bính trở thành công dân thành phố Biên Hòa. Ông nhanh chóng bắt kịp và hòa vào mạch đập của đời sống văn nghệ xứ Đồng Nai - một vùng văn hóa đặc sắc của phương Nam. Nắng, gió và con người miền Đông Nam Bộ hào sảng đã là nguồn cảm hứng vô tận khiến ông tiếp tục sáng tác ca khúc, trong đó có những bài một thời rất thân thuộc với người Đồng Nai như “Đồng Nai mùa sầu riêng” phổ thơ Thanh Dạ, Hương bưởi (phổ thơ Tiêu Thanh Giang)... Tôi đã nhiều lần nghe ca sĩ Ngọc Bé hát “Đồng Nai mùa sầu riêng” và ca sĩ Kiên Cường hát Hương bưởi hay Cô gái đan tranh. Những ca khúc mang dấu ấn nhạc sĩ họ Trần âm vang trong lòng tôi, khiến tôi luôn cảm thấy xốn xang một nỗi gì khó tả, đôi khi miệng cười mà mắt lại rơm rớm. Giai điệu và ca từ của các ca khúc ấy gợi lên nỗi nhớ quê nhà đồng thời cũng nhen lên trong tôi tình yêu đối với đất và người Đồng Nai. Năm 2010, kỷ niệm 310 năm vùng đất Biên Hòa- Đồng Nai, ca khúc “ Đồng Nai mùa sầu riêng” được khán giả bình chọn là 1 trong 10 ca khúc viết về Đồng Nai hay nhất. Tài năng sáng tác ca khúc của nhạc sĩ Trần Viết Bính tiếp tục được tôn vinh năm 2001 khi ông viết “Bài ca nông dân Việt Nam” hưởng ứng cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài Nông dân do Hội nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Tuy không “sinh ra từ làng” nhưng nhạc sĩ Trần Viết Bính yêu thích đời sống nông thôn và đồng cảm với người nông dân dãi dầu mưa nắng nên giai điệu và ca từ trong ca khúc viết về nông thôn, nông dân của ông vang lên từ chính trái tim và tâm hồn ông: “Từ ngàn xưa trong nô lệ, trong đói nghèo và trong khổ đau, ta đã vùng lên làm chủ cuộc đời... đồng xanh vươn mình. Sức sống quê ta tưng bừng ngời sáng”. Đây là lý do khiến “Bài ca nông dân Việt Nam” của ông đã giành giải A trong số hàng trăm ca khúc dự thi.
Trần Viết Bính là con người của phong trào văn nghệ quần chúng. Đề tài và cảm hứng sáng tạo của ông bắt nguồn từ những xôn xao của đời sống trên vùng đất trẻ có nhịp độ phát triển nhanh vào loại nhất nước. Nhiều năm làm giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh, ông là vị thủ lĩnh quen thuộc đối với tất cả các ca sĩ, vũ công, nhạc công trong tỉnh. Nóng nảy, khắt khe trong lao động nghệ thuật, đôi khi trong các buổi tập hát, ông la hét, mắng mỏ, chỉnh đi chỉnh lại một nốt nhạc “phô” khiến cả ê kíp mệt nhoài. Ông đặc biệt khó chịu với những ai quen “giờ dây thun” và thái độ làm việc chểnh mảng, không hết mình. Bởi thế, dù đôi khi “ngán” ông nhạc sĩ vừa có chất lãng mạn, hào hoa của người nghệ sĩ, vừa có sự tỉnh táo, chuẩn xác của một nhà khoa học nhưng trong thâm tâm, hầu hết cộng sự đều nể phục và quý trọng ông. Trong cảm nhận của tôi, Nhạc sĩ Trần Viết Bính là một nhân cách, một cá tính góc cạnh không thể trộn lẫn, ông yêu ghét phân minh, rạch ròi như trắng với đen, thậm chí hơi cực đoan. Hầu như ông không chịu được sự nửa vời, nhạt nhẽo cả trong đời thường lẫn trong hoạt động âm nhạc. Tôi biết có những người “dị ứng” với cá tính ấy (mà tôi đùa là hơi”đanh đá”). Nhưng tính cách quyết liệt và luôn “cựa quậy” khiến những gì nhạc sĩ Trần Viết Bính làm trong nghệ thuật không lặp lại mà luôn sáng tạo, đổi mới. Tên tuổi ông gắn liền với những cuộc liên hoan, thi thố rầm rộ cuốn hút hàng trăm người tham gia. Ông mang lại cho rất nhiều nghệ sĩ vốn là công nhân, nông dân, nhà giáo... nụ cười hạnh phúc và cả giọt nước mắt tiếc nuối sau những kỳ Hội diễn nghệ thuật quần chúng đầy đam mê và lung linh sắc màu. Có thể nói, Trần Viết Bính là nhạc sĩ của nhân dân. Ông làm việc, sáng tác ca khúc bằng sự thôi thúc của con tim, nhờ đó, ông đem lại cho quần chúng những giây phút thăng hoa ngỡ chỉ âm nhạc mới làm được.
Cuốn sách “Dân ca Mạ, Châu Ro, Stiêng, K,ho ở Đồng Nai” do Nhà xuất bản tổng hợp Đồng Nai ấn hành dày 172 trang, trong đó có 111 bài hát của các dân tộc bản địa của Đồng Nai do nhạc sĩ Trần Viết Bính sưu tầm. Đây là công trình đầu tiên về âm nhạc của các sắc tộc thiểu số ở miền Đông Nam Bộ. Việc cuốn sách ra đời bắt nguồn từ một sự kiện đã rất xa. Năm 1985, trong khi chuẩn bị chương trình tham dự liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc, Trần Viết Bính dự định tìm một vài tiết mục của đồng bào dân tộc thiểu số. Lần ấy,  nhạc sĩ đã tìm được người Châu ro đầu tiên biết hát dân ca bằng tiếng mẹ đẻ, đó chính là nghệ nhân Điểu Cư. Từ sự kiện này, Trần Viết Bính nảy ra ý tưởng sưu tầm văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc bản địa ở Đồng Nai. Ý tưởng của ông được Nhà bảo tàng Đồng Nai và Chi Hội văn nghệ dân gian Đồng Nai ủng hộ, không chỉ thế, Nhà bảo tàng Đồng Nai còn hỗ trợ kinh phí để ông “hiện thực hóa” ý tưởng.
Năm 1990, tôi may mắn được cùng nhạc sĩ Trần Viết Bính và Chi Hội văn nghệ dân gian Đồng Nai lên Tà Lài để sưu tầm dân ca Mạ. Từ Biên Hòa, chúng tôi đi ô tô lên Tân Phú rồi xuống đò, qua sông Đồng Nai. Hồi ấy đang mùa mưa, dòng sông Đồng Nai đầy ăm ắp. Hai bên bờ sông rậm rì cỏ hoang. Chúng tôi mải mê ngắm vẻ đẹp hoang sơ có phần hơi dữ dội của vùng thượng nguồn. Bên kia sông là nơi cư ngụ của người Mạ. Theo sách Địa chí Đồng Nai, người Mạ thủa xa xưa đã từng lập nên “ Tiểu vương quốc Mạ”. Những biến động của lịch sử đã vùi lấp vương quốc bé nhỏ này dưới lớp phù sa thời gian, chỉ để lại quần thể di tích “Thánh địa Cát Tiên” được khảo cổ phát hiện năm 1994. Sau giải phóng, đồng bào Mạ bỏ du canh du cư, quần tụ về Tà Lài, sống trong những nhà dài ven sông Đồng Nai. Dù còn bộn bề công việc tái thiết đất nước nhưng lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến đời sống của đồng bào, thường xuyên trợ giúp người Mạ lương thực, thực phẩm, chăm lo cho trẻ con học hành, khám chữa bệnh, dạy nghề.
Những ngày ở Tà Lài, chúng tôi tá túc trong ngôi nhà sàn bằng gỗ của trạm kiểm lâm. Công việc của nhóm sưu tầm là đến các ấp của người Mạ để tìm những người biết hát dân ca bằng tiếng mẹ đẻ. Nếu tìm được thì “dỗ” cho bà con hát. Nghe qua thì đơn giản, nhưng bắt tay vào thực hiện mới biết cũng lắm “đoạn trường”. Các ấp của người Mạ cách xa nhau, đi từ ấp nọ qua ấp kia mất cả buổi. Đang mùa mưa nhưng nắng rất gắt. Chúng tôi phải lội bộ qua những con đường lồi lõm ổ trâu, ổ gà, những trảng cỏ mênh mông, ngổn ngang gò mối. Thỉnh thoảng gió lại thốc lên trời những quầng bụi màu cam khổng lồ. Gặp con suối nước sâu gần đến ngực, cánh nam nhi phải tình nguyện cõng các cô gái lội qua. Gian khổ thế nhưng đến được nhà dân cũng chưa phải đã mừng. Đến nhà nào cũng bị chối đây đẩy “không biết hát đâu”. Thì ra, người Mạ ở Tà Lài mặc cảm rằng bài hát của dân tộc mình cổ lỗ, lạc hậu, không muốn nhớ lại. Đồng bào dân tộc ít người từ trong tiềm thức vẫn tự ti, họ có xu hướng chối từ những di sản của dân tộc mình để hòa trộn vào những tộc người lớn mạnh hơn, nhất là người Kinh. Sự lụi tàn của nghề dệt thổ cẩm, của những lễ hội dân gian truyền thống là những ví dụ đáng buồn. Chuyến đi ấy may nhờ có cô Ka Rỉn – một ca sĩ nghiệp dư quê ở Tà Lài làm cầu nối nên những người già may mắn còn cất giữ được những làn điệu dân ca cổ đã lần lượt hát bằng tiếng mẹ đẻ cho chúng tôi thu âm.
Lên Tà Lài, người lớn tuổi nhất trong chúng tôi là nhạc sĩ Trần Viết Bính. Tuy nhiên, ông tỏ ra dẻo dai đáng kinh ngạc. Đi rừng, nhạc sĩ diện quần soóc lửng, đầu đội mũ vải mềm, tay xách chiếc túi đựng máy ghi âm. Ông có thể cuốc bộ suốt ngày, kiên nhẫn ngồi hàng giờ gợi chuyện những vị già làng nói tiếng Kinh chưa thạo. Cái máy ghi âm cổ lỗ của ông chạy sè sè, phát ra những âm thanh nhòe nhoẹt chẳng khác người bị nghẹt mũi. Vậy mà với cái máy ấy, mỗi ngày ông thu được hàng chục bài dân ca. Có được viên ngọc thô rồi còn phải tìm người biên dịch, chuyển ngữ sang tiếng phổ thông, mài giũa cho những hạt ngọc tỏa sáng lấp lánh. Nhìn Trần Viết Bính cặm cụi ngồi với những nốt nhạc trên giấy, tôi nghĩ lịch sử rất ưu ái đồng bào Mạ nên mới gửi đến cho họ một ông nhạc sĩ cháy bỏng niềm đam mê âm nhạc dân tộc. Chính ông và những người như ông đã giúp cho đồng bào Mạ khôi phục lại những di sản văn hóa qúy báu đang có nguy cơ thất truyền.
Năm 1996 nhạc sĩ Trần Viết Bính nghỉ hưu. Từ đây, ông thỏa sức vẫy vùng với niềm đam mê sưu tầm. Bây giờ nhạc sĩ một mình lên rừng bằng xe honda, tự nuôi mình bằng cơm nắm muối mè. Một mình một đàn, ông lang thang từ ấp nọ sang ấp kia. Đến đâu nhạc sĩ cũng chia kẹo cho lũ con nít, ngồi sà xuống bên khung dệt thổ cẩm của các bà các cô hay bên ché rượu cần của cánh đàn ông Mạ, hỏi chuyện và chia sẻ buồn vui với họ. Những bài dân ca Mạ cổ xưa mang âm điệu của núi rừng tưởng đã phôi pha, chẳng còn mấy ai nhớ đến. Nhưng sự thật, nó vẫn như mạch nước ngầm chảy trong tâm khảm của người Mạ. Nhạc sĩ Trần Viết Bính bằng sự chân thành của mình đã khơi thông mạch nước ngầm ấy, giúp cho người Mạ hãnh diện về một dân tộc Mạ từng có một quá khứ huy hoàng, một nền văn hóa giàu có với cả kho tàng truyện cổ tích, thần thoại, ca dao dân ca, tục ngữ... Từ chỗ tự hào về tổ tiên, các nghệ nhân Mạ đã vượt qua mặc cảm, bộc lộ hết tâm hồn mình. Nhờ đó mà Trần Viết Bính đã ghi lại được 40 bản dân ca - 40 viên ngọc quý hiếm giúp ông hoàn thành công trình đầu tiên “Sưu tầm và ghi âm dân ca Mạ”.
Tôi từng cùng nhạc sĩ Trần Viết Bính ngồi nghe băng cassettes bài hát “ Con cò bay cao” qua giọng hát của cô Ka Rỉn. Bài hát có những ca từ lạ và đầy tâm trạng “Cánh bay cao cao vút lưng trời. Lòng ta mong được bay như cò...  Đâu được nào. Vì đôi tay nào biết bay lượn”. Tôi nhận xét rằng dân ca Mạ có một âm điệu trầm buồn, da diết. Phải chăng nó là tiếng thở dài cất lên từ một hoàn cảnh sống khắc nghiệt? Nhạc sĩ Trần Viết Bính lắc đầu: “Không hẳn thế. Bài hát của người Mạ không thiếu những bài trẻ trung và hừng hực sức sống. Tôi sẽ cho cô nghe bài “Xúc tép, xúc cua”, cô sẽ thấy ngay”. Ông bật băng cassettes. Lập tức một bài đồng ca thiếu nhi trong trẻo vang lên “Vui vui trên những cánh ruộng. Nước chảy róc rách vui mừng... tép tôm nhảy nhót trốn chạy nhanh”. Âm điệu ríu rít, lanh lảnh vui tai như mưa rào mùa hạ khiến tôi nhận ra ngay những phán đoán của mình đã lầm. Dân ca Mạ cũng như dân ca của các dân tộc khác, có nỗi buồn thẳm sâu, có niềm vui rạo rực, có cả những trách hờn, buồn thương man mác. Nó diễn tả tất cả những sắc thái của cuộc sống, gói ghém những khát vọng của con người, từ tình yêu lứa đôi, tình mẫu tử đến tình yêu xứ sở, niềm ước mong được sống ấm no, hạnh phúc. Nhiều bài tuy ngôn từ giản dị, đơn sơ nhưng chan chứa ý tình khiến người nghe xúc động: “Trời không nắng vì anh ở đâu ? Trời bừng sáng vì anh cạnh mình...  Tặng cho em bông hoa tình yêu. Tặng cho nhau bông hoa đời mình” (Chúng mình yêu nhau). Mấy chục năm sau, ngồi nghe lại dân ca Mạ tôi vẫn thấy vừa náo nức, vừa ngỡ ngàng.
Sau công trình sưu tầm, biên dịch, chuyển ngữ dân ca Mạ, Trần Viết Bính làm tiếp dân ca của các dân tộc bản địa khác như Châu Ro, Stiêng, K’Ho. Ông còn đi Lâm Đồng, Bà Rịa- Vũng Tàu sưu tầm dân ca Mạ, Châu Ro, Stiêng, K’ho ở những vùng đất khác. Với chiếc laptop “bất ly thân”, ông rong ruổi trên mọi ngả đường, bền bỉ thực hiện ý nguyện bởi ông hiểu rằng thời gian không chờ đợi ai và không ai có thể vất vả thay mình. Để những công trình không bị “lưu kho” và rơi vào quên lãng, nhạc sĩ có cách làm tích cực: năm 2005 ông phối hợp với Trường trung cấp văn hóa- Nghệ thuật Đồng Nai thực hiện 3 đĩa karaoke gồm những bài dân ca mà ông đã dày công sưu tầm để làm tài liệu giảng dạy hát dân ca tại các trường phổ thông dân tộc trong tỉnh. Nhìn lũ trẻ xúng xính trong trang phục cổ truyền của những sắc tộc thiểu số say sưa hát dân ca mới thấy công việc của Trần Viết Bính thật nhân văn và đáng trân trọng: trả lại cho người Mạ, người Châu Ro, Stiêng, K’ho tài sản văn hóa phi vật thể vô giá của chính họ. Sau này, khi những nhân chứng sống không còn, băng ghi âm, đĩa VCD, Karaoke và cuốn sách “Dân ca Mạ, Châu Ro, Stiêng, K.ho ở Đồng Nai” của Trần Viết Bính sẽ kể cho thế hệ trẻ các tộc người thiểu số miền Đông Nam Bộ nghe lịch sử văn hóa của cha ông họ, góp phần rèn đúc nhân cách, bản lĩnh cho họ.
Nhiều năm nay, với sự nỗ lực của tỉnh và các cơ quan chuyên môn, nghề dệt thổ cẩm, những lễ hội dân gian náo nhiệt âm thanh và rực rỡ sắc màu của người Mạ, Châu Ro, Stiêng, K’ho đã được phục hồi. Những di sản qúy báu đó cùng với đĩa hát, băng karaoke, sách nghiên cứu... của Trần Viết Bính giúp cho văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số tiếp tục trường tồn, góp phần hợp thành kho tàng văn nghệ phong phú, đa sắc diện của dân tộc Việt Nam.
Công trình sưu tầm, ghi âm dân ca Mạ của nhạc sĩ Trần Viết Bính đã giành giải thưởng về âm nhạc của Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 1999. Nhạc sĩ Tô Vũ khi đánh giá về công trình này đã nhận xét rằng nhạc sĩ họ Trần là “ông già hiếm” của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Tiếp đó, năm 2001, công trình sưu tầm, nghiên cứu dân ca Châu ro của ông được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học- Nghệ thuật Việt Nam tặng thưởng giải A duy nhất. Trong Lời mở của cuốn “Dân ca Mạ,Châu ro, Stiêng, K,ho ở Đồng Nai” tiến sĩ Huỳnh Văn Tới-Trưởng Ban Tuyên giáo TU - Chi hội trưởng Chi hội văn nghệ dân gian Đồng Nai đánh giá rằng đây là công trình “chuẩn bị công phu, cẩn trọng, tính chuyên môn cao, lắng đọng trong đó là tâm huyết, trí tuệ, tài hoa của người nhạc sĩ”cao tuổi trẻ trung”. Những lời ngợi khen chân thành từ những nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa dân gian đã khẳng định và biểu dương đóng góp quan trọng của nhạc sĩ Trần Viết Bính đối với âm nhạc dân tộc nói chung và âm nhạc dân tộc thiểu số ở Đồng Nai nói riêng. Với riêng tôi, dù là sáng tác ca khúc, làm chương trình văn nghệ quần chúng hay là nhà sưu tầm văn hóa dân gian, ở lĩnh vực nào nhạc sĩ Trần Viết Bính cũng xác định được những giá trị riêng của mình. Trần Viết Bính chia sẻ rằng những gì ông làm được một phần do may mắn có sự hỗ trợ về mọi mặt của tiến sĩ Huỳnh Văn Tới cùng Nhà bảo tàng Đồng Nai và Chi Hội văn nghệ dân gian Đồng Nai. Hai lần được tặng thưởng giải Trịnh Hoài Đức - giải thưởng văn học nghệ thuật cao nhất của tỉnh và rất nhiều huân huy chương, bằng khen, giấy khen từ trung ương tới địa phương trao tặng, thành tích ấy đủ để nhạc sĩ Trần Viết Bính tự hào. Nhưng có lẽ nhạc sĩ còn tự hào hơn khi người Mạ, người Châu Ro, Stiêng coi ông là Già làng - người được tôn kính, nể trọng nhất trong cộng đồng các dân tộc ít người.
Đang say sưa nói về những việc sắp làm, nhạc sĩ Trần Viết Bính đột ngột hỏi tôi: “Tôi sưu tầm dân ca các dân tộc thiểu số là thực hiện lời chỉ dạy của Cụ Hồ đấy. Cô có biết Hồ Chủ tịch nói về sự đoàn kết các dân tộc thế nào không?”. Bị hỏi bất ngờ tôi lúng túng đáp “Dạ, quan điểm của Bác Hồ về đoàn kết dân tộc thì cháu biết. Còn cụ thể Bác Hồ nói như thế nào thì... cháu không biết”. Nhạc sĩ gật đầu “Hôm nào đi Tà Lài, cô để ý xem câu khẩu hiệu ở nhà văn hóa, chỗ cô Tuyết làm giám đốc ấy. Quan điểm của Bác Hồ về đoàn kết dân tộc thể hiện ở câu khẩu hiệu ấy đấy”. Ông nói vậy rồi bỏ lửng, nhưng tôi hiểu. Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện chính sách bình đẳng, bảo tồn văn hóa của các tộc người. Nhạc sĩ Trần Viết Bính thấm nhuần quan điểm ấy, ông đã thực hiện xuất sắc chủ trương của Nhà nước và lời dạy của Bác Hồ vĩ đại.
Chia tay nhạc sĩ Trần Viết Bính (mà tôi quen gọi thân mật là “chú Bính”), tôi xúc động nhìn mái tóc trắng và những vết đồi mồi trên gương mặt ông. Quả là thời gian đã xóa gần hết hình bóng một chàng nhạc sĩ đẹp trai, tài hoa thủa xưa, nhưng có một thứ thời gian không thể lấy của ông bởi nó đã thuộc về nhân dân: kho tàng dân ca các dân tộc bản địa ở Đồng Nai mà ông đã kịp thời ghi lại.   @

1 nhận xét: