Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

GVĐN 06: Người dịch Kinh Thánh & Bức tranh giá 75 ngàn USD

Người dịch Kinh Thánh

Đối với Phan Khôi, tài năng thi ca, làm báo, tranh biện triết học của ông đã có nhiều tài liệu nói đến, xưng tụng ông như một “ngự sử trên văn đàn”. Ở đây chỉ nói về tài năng của ông trong việc dịch các kinh Tân ước và Cựu ước ra tiếng Việt. Phan Khôi từng viết về giá trị văn chương của Thánh Kinh năm 1930 khi giới thiệu trên báo Phụ nữ tân văn (theo Lại Nguyên Ân): “Hết thảy những nhà văn học Pháp dầu không theo đạo nữa cũng đều có học qua Kinh Thánh hết, bởi vì văn chương ở đó mà ra. Vậy mà thấy kẻ học ở ta đây ít có người biết đến Kinh Thánh là gì, thì đáng lấy làm tiếc quá”...

Văn quốc ngữ ta cũng nên dùng chữ Kinh Thánh vào. Làm như vậy thì tiếng mình được dồi dào thêm, chớ có hại gì đâu!”.
Và ông xác nhận mình đã tham gia dịch Kinh Thánh trong vài dòng ngắn ngủi, khiêm tốn: Sau hết tôi xin có lời cảm ơn ông bà mục sư Cadman đã gửi tặng tập báo nầy cho tôi. Vì tôi làm chung việc dịch Kinh Thánh với ông trong 5 năm (1920-1925)...
Tuy nhiên tác giả Phước Nguyên của báo Linh Lực đã dựa vào hồi ký của Cadman và tiết lộ: Năm 1923, Thánh Kinh Hội Anh Quốc xuất bản Kinh Thánh Tân Ước tại Hà Nội.
Toàn bộ Kinh Thánh được thực hiện xong vào năm 1925 và xuất bản vào năm 1926 tại Thượng Hải, Trung Hoa. Bản dịch này do một nhóm học giả gồm có cụ Phan Khôi, ông bà William C.Cadman, Giáo sĩ John D.Olsen thực hiện với sự giúp đỡ của một số thành viên khác trong đó có: cụ Trần Văn Dõng, sinh viên trường Cao đẳng Đông Dương, cụ Tú Phúc và vài học giả khác. Tuy nhiên người phiên dịch chính là cụ Phan Khôi (Báo Linh Lực, 1.1996).

Bức tranh giá 75 ngàn USD

Những ngày cuối năm nay, tôi được Nguyễn Tường Quý, cháu gọi nhà văn Nhất Linh băng ông đưa đến phần mộ ông ở nghĩa trang gia tộc Nguyễn Tường, phái 2. Tôi đốt nhang trên ngôi mộ  nhỏ đơn sơ và nghĩ về ông với tất cả niềm kính trọng chen lẫn xót xa...

Sự nghiệp của nhà văn Nhất Linh và Tự lực văn đoàn đối với văn học nước nhà giai đoạn 1930-1945 đã có nhiều người biết. Nhưng trước khi trở thành nhà văn, ông từng học y khoa rồi mỹ thuật ở Hà Nội. Về hội họa, ông là sinh viên đợt đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương, cùng lớp với các danh họa Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ... những người được xem là lớp họa sĩ tiên phong của hội họa đương đại Việt Nam.
Một sự kiện khá bất ngờ kà vào tháng 10/2010, một bức tranh của ông đã được bán với giá kỷ lục tại Hồng Kông: “Sotheby’s nhà bán đấu giá nghệ phẩm danh tiếng cho biết lần đầu tiên một bức tranh của Nguyễn Tường Tam được bầy bán trên thị trường thế giới. Bức họa mang tên  Cảnh phố chợ Đông Dương (Scène de Marché de rue Indochinois), vẽ trên vải lụa, khổ 20x36 inch thực hiện trong khoảng năm 1926-1929, do một tư nhân  bên Pháp đặt bán với giá khởi đầu 25.000-32.000 USD..”
Website của Sotheby’s sau đó cho biết bức tranh đã được bán với giá 596.000 đô la Hồng Kông, tức khoảng 75.000 USD đúng là một kỷ lục của tranh Việt trên thị trường thế giới.
Nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai út của Nhất Linh từ Mỹ trích thông tin giới thiệu về họa sĩ Nguyễn Tường Tam của Sotheby’s: Tam không những được xem là người hàng đầu trên địa hạt văn học nghệ thuật, ông còn là tiểu thuyết gia mới hàng đầu... Ít người biết ông là một họa sĩ bởi lẽ trải qua bao nhiêu biến cố và thời gian không còn bao nhiêu họa phẩm của ông tồn tại. Một bức tranh với khổ khá lớn và được bảo tồn kỹ như bức tranh này, Cảnh phố chợ Đông Dương quả là họa phẩm cực hiếm, bởi vì không những không còn nhiều những tranh như thế tồn tại, mà bởi vì nó cung cấp thêm một cái nhìn quan trọng vào di sản của ông, một trong những người Việt Nam mới tiên phong nổi danh.
(Modern and Contemporary Southeast Asian Painting, Hồng Kông, 4/10/2010 trang 116)
(Nguồn: Thanh niên số Xuân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét