Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

GVĐN 08: CHIẾC ĐẦU ĐEN (Truyện của Đào Sỹ Quang)

Đào Sỹ Quang
(HV Hội VHNT Đồng Nai)

CHIẾC ĐẦU ĐEN
 Truyện ngắn

Thật khổ cho con Khánh còm bạn tôi bị bệnh đúng vào lúc ôn thi để lấy bằng cử nhân báo chí.  Mỗi lần nó đau ốm là tôi lại phải đưa nó đi bệnh viện. Bệnh án như lần trước: “Viêm họng cấp. Suy nhược cơ thể…”, kèm theo một đơn thuốc lô xích xông kháng sinh.

Hai đứa dắt nhau ra cổng viện lúc nắng đang gọi trưa về. Một âm thanh bất ngờ đập vào tai tôi:
- Thúy! - Tôi giật mặt lên thấy người đàn ông… lạ hoắc. “Ai vậy ta?” - tôi tự hỏi mình trong một tâm trạng nửa mừng, nửa ngỡ ngàng.
- Da… dạ… dạ….
- Con làm sao mà phải đi viện vậy?
- Con… đưa nhỏ bạn đi khám cái họng ạ! -Đôi mắt tôi vẫn chăm chắm nhìn vào người đàn ông này.
- Thế hả, bệnh nặng không?
- Dạ, nhẹ thôi! Mà, xin lỗi con chưa nhận ra chú, nghe giọng thì quen quen?
- Nhìn kỹ lại xem nào?
Tôi tròn xoe đôi mắt nhìn vào mặt người đàn ông đối diện. Cố nghĩ. Rồi bật lên niềm vui như trúng xác suất trò chơi con xúc xắc:
- Ông Dực! Ông vào tận đây khám bệnh cơ hả? Ông bị sao?
- Cái bụng nó cứ lình xình, tiện thể vào thành phố nhờ đứa cháu nó đưa đi khám.
- Dạ, con đâu nghĩ ông đi xa như vậy. Rõ ràng tiếng nghe thì đúng là của người quen rồi.
- Thôi cố gắng học cho tốt nha!
Người đàn ông vừa nói vừa đưa tay lôi chiếc bóp trong túi quần ra:
- Ông cho con mấy đồng xài!
- Cảm ơn ông, con vẫn còn tiền. Ông đi viện, lại đường xá xa xôi! Giờ con dẫn ông vào làm thủ tục khám, kẻo bị trễ đó.
- Thôi con, thằng cháu ông nó đang đi tìm người bạn làm bác sĩ ở bệnh viện này rồi!
- Dạ, thế con xin phép ông. Ông cố gắng ăn uống nghỉ ngơi cho mau lành bệnh nha!
***
- Tao chịu mày đấy, đãng trí bác học!
- Mày biết không, chính cái bài thi được giải nhất của tao là viết về ông ấy đó! Một trưởng khu phố trên cả tuyệt vời!
- Vậy mà quên ngay đi nhân vật của mình! Bó tay mày! 
- Đúng là tao bị quẫn trí, đâu nghĩ ông ấy lặn lội vào tận đây khám bệnh. Một lí do nữa, tao không nhận ra ông ấy cũng còn do ở cái đầu nữa!
- Sao lại do ở cái đầu?
- Trước kia đầu ông ấy bạc trắng, giờ lại đen như gỗ mun, trông trẻ hẳn ra!
- Chết cha, thế thì đến Thánh cũng phải chịu!
***
Thế là sau bốn năm đèn sách trên thành phố, giờ tôi mới lấy được cái “cần câu cơm” về tặng mẹ. Mẹ sung sướng rơi nước mắt. Rồi mẹ thắp nén nhang trên bàn thờ, chắp tay lẩm bẩm câu gì. “Âu cũng là có cha con nơi suối vàng về phù hộ độ trì đó!”. Mẹ nhìn tôi nói vậy. Tấm di ảnh của cha tôi vẫn nhìn mọi người. Đôi mắt cha thật hiền. Ngày còn sống, cha thương hai mẹ con tôi lắm. Tôi chưa hề thấy cha làm điều gì tệ bạc với ai. Ấy thế mà bỗng chốc cha bỏ mẹ con tôi ra đi vào đúng một ngày định mệnh, khi tôi vừa chớm tuổi biết thẹn thùng. Cái tai nạn giao thông khủng khiếp được đăng tải trên một tờ báo, mẹ tôi vẫn giữ lại. Mẹ bảo, để sau này tôi lớn lên đọc sẽ hiểu về cha mình hơn! Cha làm nghề bỏ mối trái cây. Mỗi sớm tinh mơ cha đã dời khỏi nhà, trên chiếc xe honda cũ rích, lấm lem bùn đất đi vào trong rẫy xa mù tắp mua trái cây về đổ cho mấy chợ xép. Lối làm ăn cò con vậy nhưng cũng đủ để tôi yên tâm mà học tập. Nếu như không có “chiếc xe ô tô điên” tông vào thì đến giờ cha tôi sung sướng lắm. Còn mẹ tôi, ông giời không thương hay sao mà bệnh hoài. Đau khớp - nhức đầu - ù tai - chóng mặt với mẹ như cơm bữa. Nhưng chẳng hiểu sao, mẹ vẫn cứ lạc quan yêu đời. Tôi là đứa con gái “ranh mãnh” nên hiểu mẹ nhiều lắm. Chẳng bù cho cái nhà bà Tư, bệnh đau tí xíu đã kêu la chồng con rầm rĩ! Mẹ tôi tuy yếu, nhưng được cái khéo tay. Nói về làm hàng gia công mây tre đan chắc chắn ở cái thị trấn nhỏ này không ai qua được mặt mẹ. Hàng mẹ làm ra chưa bao giờ bị loại đến một cái. Bà chủ hàng khen mẹ hết lời. Mẹ yêu cái nghề mây tre đan như tôi yêu chiếc laptop. Có lần mẹ còn bảo tôi, nếu thất nghiệp thì về làm mây tre đan, nghề này cũng kiếm ra tiền lắm! Tôi cười thầm, kiêu ngạo - cái bản tính đáng ghét sẵn có trong tôi: Con mà phải đi làm cái nghề cùng đinh ư ?! Nghĩ trong đầu thôi, nói ra chắc mẹ cho mấy cái bạt tai! Công bằng mà nói, hình ảnh mẹ ngồi đan hàng gia công trông thật đẹp, nhất là nụ cười duyên dáng. Tôi tin nếu một nhiếp ảnh gia trông thấy mẹ chắc không thể bỏ qua! Nghe đồn, ngày trước các chàng trai đánh nhau cũng chỉ vì mẹ. Cuối cùng thì mẹ chọn cha tôi làm đức lang quân. Mẹ bảo, “Đàn ông là phải vạm vỡ, nhất là cái đầu biết nghĩ biết làm. Chứ còn cái loại suốt ngày rượu chè, nói bậy chửi thề là tránh xa”. Mẹ chẳng giống như nhiều đứa con gái bây giờ, có chút nhan sắc là nhảy cỡn đi săn đại gia. Con Nhạn ở lớp tôi đó, học thì lười như hủi, nhưng lúc nào cũng rủng rỉnh ta đây, hết khoe bồ này tới bồ khác. Bỏ học ngang chừng, nghe đâu giờ tàn tạ làm gái đứng đường.
***
Đêm đang về khuya mà tôi không sao ngủ được. Không phải vì tôi nhớ người yêu, mà do tôi đang hồi hộp mong chờ ngày đi phỏng vấn để xin việc làm ở tờ báo X. Về các tiêu chuẩn xem như cũng tạm ổn, riêng phần “Ưu tiên những ứng viên thông thạo ngoại ngữ” là làm tôi hơi e ngại! Tôi đặt ra bao tình huống xảy ra và phương án xử lý. Sợ nhất là phần thi “phỏng vấn”, nó liên quan tới kỹ năng giao tiếp, khả năng diễn đạt, khái quát và phân tích. Còn phần thi viết, tôi sẽ “chế biến” từ bài “Trưởng khu phố của dân” - nói về tấm gương ông Dực. Thôi cứ yên tâm. Làm phóng viên, nhà báo là phải có chính kiến và bản lĩnh vững vàng. Mới nói đến thi tuyển đã run cầm cập thì còn làm nên trò trống gì! Tôi động viên mình như vậy. Còn mẹ chắc đang say giấc. Người lao động chân tay là vậy, đặt mình xuống giường là chẳng biết trời đất mô tê răng rứa ra sao. Cái thị trấn về khuya râm ran tiếng côn trùng. Mắt tôi vẫn nhắm nghiền, chiếc quạt điện vẫn quay tít mù. Đêm mùa hạ nóng như lò nung. Cái hiệu ứng nhà kính chết tiệt sẽ đến lúc làm Trái Đất nổ tung ra cho mà xem…
***
Mẹ rời khỏi giường giữa lúc tôi đang chập chờn. Người già khổ thế đấy, đêm cứ phải thức dậy. Mà mẹ đâu có già, ngoài bốn mươi còn xuân chán. Mấy bà xồn xồn trên thành phố cả năm mấy, sáu mươi mà vẫn còn thích cái trò “chim sa cá nhảy”. Nói chẳng đâu xa, bà chủ nhà trọ của tôi khoe: dì trông thế này thôi mà nhiều ông muốn lắm đó, gừng càng già càng cay! Có lúc tôi lại nghe thấy mấy dì ngồi tán dóc với nhau, rồi tất cả lại như đồng thanh: “Chém cha cái lũ đàn ông!”. Tôi cứ bấm bụng mà cười. Cười đến đứt ruột đứt gan về những chuyện xảy ra ở cái khu nhà trọ rẻ tiền. Chẳng biết sau này bằng tuổi mấy bà, mấy dì mình có như thế không? 
Ngoài kia ánh trăng sáng vằng vặc. Hình như có tiếng người thì phải? Tôi trở dậy mò mò nhòm qua khe cửa sổ, quét cái nhìn loạn xạ, rồi đưa mắt tới gốc cây xoài sát bờ sân. Đúng tiếng của mẹ! Sao lại có chuyện như vậy ta? Thật khủng khiếp! Hay là tôi đang trong cơn mê? Đầu óc tôi quay cuồng… “Không được mà, em đã nói rồi!”. “Chiều tôi lần này nữa thôi!”. “Em xin bác, em chỉ trót dại một lần thôi!”. “Sao lại thay đổi nhanh thế!”.Không nhanh chậm gì sất, em còn mặt mũi nào với chị ấy. Con Thúy nhà em nó mà biết thì chỉ có chết! Thôi bác về đi! Dứt khoát là dứt khoát”. “Thế còn cái giấy chủ quyền nhà thì sao?”. “Thôi khỏi, bác để em tự lo!”. Chiếc đầu đen lao ra phía cổng! Tim tôi giật thót lại! Lũ chó hàng xóm thi nhau sủa!
Hai tay tôi ôm chặt cổ mẹ. Vai áo mẹ ướt đầm…

Biên Hòa 2012

1 nhận xét:

  1. Rất hay phản ảnh được rất nhiều góc độ của xã hội.

    Trả lờiXóa