Võ Nguyện
(HV Hội VHNT Đồng Nai)
BÍ MẬT BÀU HỌ
Truyện ngắn
Phái Nguyễn Công sắp vét bàu Họ. Làng Ân Lộ xôn xao. Lão Phùng-ka-ra văng nước bọt, cảnh báo:
- Coi chừng đứt long mạch. Mạnh như Uỷ ban xã mà cũng bó tay đó!
Lão Tào-thủ từ thậm thụt:
- Tui đã thấy con cá chình to như cột nhà, thở bong bóng to như cái nón, rằm mô cũng phóng điện xanh lẹ lè. Biết mô đó là linh vật. Đụng đến, khổ lắm!
Mấy bà hàng chợ thì thậm thùi:
- Chỉ sợ quán Tận Sướng. Tận Sướng mà còn, đố ai vét được?
E he. Thế là bàu Họ có vấn đề. Vét lên ắt lộ ra. Vì vậy, từ ngày Giải phóng đến nay, không ai dám! Khe khe.
1.
Thế mà nay có người dám. Đó là lão Siêu. Nguyễn Công Siêu.
Lão Siêu, người gốc Huế vào lập nghiệp ở đây đã nhiều đời. Bây giờ lão là chủ xưởng cưa kiêm chủ trại hòm, tiền bạc cũng khơ khớ, uy tín cũng kha khá. Nhà lão ở ngoài mé sông nhưng lão giao hết cho con, vô xóm nhận chức trưởng ban vét bàu vì không chịu nổi sự bầy hầy bược hược. Bàu Họ là hồ nước phong thủy trước nhà thờ họ Nguyễn của lão mà lỵ! Nghĩ mà tức. Cái bàu ngày xưa tổ tiên thả sen thơm ngát mà bây giờ thúi rình. Rác rưởi tùm lum. Nhà cửa tùm la, che hết mặt tiền, con cháu làm ăn sao được? Bề ngang bàu chỉ còn mươi thước, nước lại đỏ quạch. Ô uế lắm! Ngày xưa vét bàu, cả họ ăn cá ba ngày không hết còn bây giờ, có cứt!... Lão không cần cá, lão chỉ cần bàu sạch, nhưng tại sao cả làng xì xầm, thậm thùi thậm thụt? Lão Phùng, lão Tào có gì mà ấp a ấp úng vật linh với long mạch!? Còn mấy bà ngoài chợ thì tận sướng, tận sung? Người ta là quán Chân Phương, lại nhại ra Tận Sướng. Sướng chỗ nào?
Bỗng có điện thoại của lý trưởng Trư mời ra quán Chân Phương họp. Họp gì ngoài đó, nhậu thì có. Luôn tiện đang thắc mắc, lão đi ngay. Quán Tận Sướng, à quên, quán Chân Phương nằm trên chẹt đất hẹp, phía trước là con lộ lớn, phía sau trông ra bàu Họ. Nghe nói có nhiều đặc sản lắm! Đó là tận sướng chăng?
Mới bốn giờ chiều mà đã đông nghẹt. Ai đó xướng lên:
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Anh em đi nhậu không có bác Siêu cũng buồn…
Một bàn sát mép bàu đứng cả dậy. Tiếng vỗ tay chan chát. Bác Dương, nhếch mép. Bác Duận, mím môi. Chú Trư, hé mắt. Anh Chân, bước ra khom lưng bắt tay lão Siêu, miệng xuýt xoa quí hóa quá, quí hóa quá. Mời bác vào. Mời bác vào.
Thì ra, bà con chiến hữu cả. Chỉ có các bàn chung quanh là lạ. Lác đác vài giáo viên, vài cán bộ trên xã, trên huyện, mấy tay buôn bán, chủ thầu… nhận ra lão, bí mật gật đầu chào. Mặc, lão đang phân tâm, miệng giao lưu với anh em: Cũng cưng cũng cứng cũng cừng/ Cũng vẫn tưng bừng như thuở thanh niên… nhưng mắt lại nhìn ra bàu Họ, đầu lại lởn vởn: “tận sướng” chỗ nào? Chỗ nào tận sướng?
… Mặt bàu không sóng, nước đỏ quạch. Một khúc gỗ mục lập lờ, thoáng nhìn như con cá sấu. Trên con cá sấu, cả đàn chàng hiu ốm nhom đang rình mồi. Một cọng sen khô, con chuồn kim cong đuôi nhấp nhổm. Bên kia bàu là cái cổng nhà thờ họ Nguyễn hình tò vò như con mắt cổ kính, im lìm nhìn sang.
Một làn gió thoảng qua. Mát lạ! Thế là sướng đó hả?! … Chứ gì nữa - Lão tự hỏi rồi tự trả lời - làng giờ đất hẹp người đông. Có chỗ nào thoáng bằng trước nhà thờ? Ngồi nhậu trước mặt ông bà mà không sướng sao?!!! Hơ hơ.
… Một cô gái độ hăm lăm hây hẩy, bưng két hê-ne-ken ngang váy, miệng dẻo quẹo:
- Hêken khuyến mãi. Đặc sản khuyến mãi. Mời các bác giúp em.
Lý trưởng Trư giả giọng Huế hờn mát:
- Ở đây không có ai là bác hết, toàn anh với ôôn1 không hà.
- Các eng đều còn trẹ cạ mà ôn cại chi 2? Cô gái nói giọng “made in S-Ị-A”3 đặc sệt.
Lão Siêu đưa tay ngoắc ngoắc, rồi kê miệng vô tai cô gái, nói nhỏ nhưng ai cũng nghe:
- Ôn cại lừng - Ôn cái lừng!4
Cô gái nhìn Siêu nguýt một cái dài như con đỉa. Cả bàn cười khà khà. Thế là cô ngồi xuống tự nhiên khui bia, miệng ngọt xớt. Em xin chìu quí eng5.
Một làn hương thoảng ra. Thơm lạ. Thế là sướng đó sao? ...Chớ gì nữa - Lão tự hỏi rồi tự trả lời - Ai nuôi đâu không biết? Tự nhiên đòi phục vụ mình. U chu choa, tận sướng chớ gì nữa?
Bác Dương ghé tai lão Siêu:
- Con này là gái dạt, luân chuyển hết quán này đến quán khác. Tiếp thị mỗi nơi vài tháng, hết đàn ông là đi. Muốn “choát”6 dễ lắm. Cứ rủ đi ô kê rồi cho năm chục là làm gì cũng được.
- Mi “choát” chưa?
- Rồi. Bữa đó bên Karaôkê lão Phùng chớ đâu.
- Các cửa phòng bên đó đều hư chốt sao mày dám làm?
- Tui đem theo chiếc đũa, tra vào thay chốt rồi thì đè em xuống ghế sa lông đâm liền. Ngạc nhiên chưa? Em bất ngờ quá chỉ biết rên: u chui! U Chui! Tui bảo tao đâm thiệt chớ chui chiếc gì. Chui này. Chui này!!!
Thế là sướng đó hả?!! ...Chớ gì nữa - Lão tự hỏi rồi tự trả lời - Cái này là con đẻ của quán Chân Phương.
Trời nhá nhem tối.
… Hết một thùng bia. Người đi đái như đi chợ.
Lão Siêu cũng đi chứ dại gì nín. Nín mà đau thận à?
Quán Chân Phương có nhà WC đàng hoàng nhưng giờ này không ai vào. Họ cứ đứng hướng vào bụi trúc bên mép bàu cho tiện. Xòe, xòe, xòe. Từng đám bọt tuôn ra, chảy xuống. Người xưa nói cấm có sai “Nhất quận công nhì ỉa đồng”. U chu choa là sướng!
Một làn gió thoảng qua. Khai lạ. Nồng lạ. Thế là sướng đó hả?! … Chớ gì nữa - Lão tự hỏi rồi tự trả lời - Đích thị là sướng. Sướng như người nước ngoài đứng trên đồi Vọng Cảnh đái xuống Sông Hương. U Chòa chòa… Tận sướng. Tận sướng.!!!
Phía bên kia, cái cổng nhà thờ họ Nguyễn hình tò vò - con mắt cổ kính vẫn nhìn sang không chớp. Hình như lão Tào-thủ từ vừa về, nén hương lão thắp cắm vào cổng đang lập lòe. Lão Siêu như muốn hét lên với phát hiện mới của mình. U Chao! Thế hả? Người ta tận sướng thế hả? Lạ thế hả!!!
Chả trách thiên hạ đồn rầm lên. Mà đồn không sai. Quán Chân Phương là tận sướng nhất! Mỗi tối đếm tiền xong, vì nhiều quá nên hai vợ chồng sung lên, mở nhạc ôm nhau nhảy Lambađa đến sáng. Sướng chưa?! Lạ chưa?
Ngồi trong bàn, Bác Duận không nói bởi bác không lạ. Bác biết hết. Bác đang chờ mọi việc diễn ra.
Ngày đó con Phương lấy thằng Chân cả làng dị nghị. Ai cũng cho là mạt vận vì bước qua lời nguyền. Nhưng con Phương giỏi. Con Phương là con bà cô của lão Siêu đó! Cháu ngoại Họ Nguyễn đó! Người cao cao, mặt hồng hồng, nụ cười như hoa. Thay vì phải di dời nhà khi hợp tác xã qui hoạch con mương thủy lợi, thì Phương đi đêm đi hôm với anh cán bộ trên xã. Thế mà khỏi. Không những giữ được nhà và chẹt đất trước bàu mà lại có cả sổ đỏ nữa. Thật là tài. Từ chẹt đất ấy mỗi ngày Phương vất xuống mép bàu mấy cục xỉ than đá và tất cả rác rưởi. Ba năm trôi qua bàu Họ hẹp lại, nhà Phương rộng ra. Rồi thời vận lại đến. Anh cán bộ nọ lên làm phó Huyện. Quan phó Huyện có tầm nhìn qui hoạch, khuyên Phương mở quán nhậu - tiếp thị đặc sản - đón trước thời đại. Không có vốn thì quan cho mượn. Thế là vợ chồng Phương tận sướng! Tháng nào cũng có quà cho quan. Quan cũng tận sướng. Đó là nhờ cái bàu!
Đùng một cái, lão Siêu vét. Vét nà thế lào? Vét rồi đo đất đòi lại à? Vét rồi làm ùm lên à? Anh muốn đổ nồi cơm của em à? Vợ chồng Chân Phương lo lắm, muốn nói lắm nhưng ngại sự thẳng tính của lão Siêu. Bởi vậy, mới nhờ bác Duận. Bác Duận là bạn lão Siêu, là sĩ quan quân đội về hưu. Bác từng trải, có kiến thức, chỉ tội sau này buồn bực gì đó mà sa đà vào rượu. Và nhờ rượu mà vợ chồng Chân Phương lái được bác. Từ khi được nhờ, ngày nào quân sư Duận cũng tới quán, ôm chai rượu nghiên cứu. Sau một tuần nghiềm ngẫm, quân sư kêu vợ chồng Chân Phương ra dặn thế này, thế này mà nói, thế này thế này mà làm. Bảo đảm mở miệng mắc quai, thắng lợi là cái chắc. Nhưng yêu cầu phải mời cho được lão Siêu tới quán…
Thì hôm nay lão Siêu tới rồi, mọi việc cứ thế này thế này…
Anh Chân xoa hai tay với nhau, nhìn ra bàu rồi lại nhìn vào lão Siêu, nói:
- Bác Siêu ơi! Xin bác thư thư hãy vét bàu, vợ em vừa đánh rơi chiếc nhẫn hai chỉ xuống nước, mò7 mãi chưa thấy.
Bác Duận nói phải đó phải đó. Lý trưởng Trư cũng a dua phải đó, phải đó. Người ta mất thì phải cho người ta “mò” chớ.
Lão Siêu thấy lạ, ngơ ngác hỏi: Cái chi cái chi?
Bác Dương thì vô tư cắt ngang:
- Thôi, hôm nay vui, cầm đũa đi hát ka ra ô kê một bữa. Cái chi mai tính.
Lý Trư chen vào:
- Nhưng đầu tiên là tiền đâu?
Lão Siêu nghe nhắc đến tiền, khi nào cũng vậy, lão giả bộ trừng mắt, vỗ bồm bộp vào túi áo:
- Tiền mà thiếu à? rồi gắt lên:
- Bạc cả bao! Vấn đề là cái chi? Cái chi?
Anh Chân chỉ chờ có thế, nói:
-Thôi em xin. Em xin. Em bao hết. Tìm ra nhẫn em vẫn lời chán mà!
Cả bàn đứng dậy, đi bộ qua phòng Karaôkê lão Phùng. Cách một xóm chứ mấy. Cô tiếp thị bia cũng được nháy mắt đi theo. Và tất nhiên là cô đi ngõ sau, không ai biết.
***
2.
Thế mà vợ lão Siêu biết. Có người điện thoại cho bà? Bà rình ngay. May mà tối đó không ai đóng chốt cửa. Chỉ hát chay thôi, rất chi là trong sáng. Nhưng, ôi! thôi thôi! Chừng đó cũng đủ mệt lắm rồi. Bà ghen. Cái miệng như cái loa, chì chiết điếc óc. Lão Siêu càng thanh minh càng ồn nên đành im lặng. Bất đắc dĩ lão biến thành người câm, trước bà vợ một thời hiền thục.
Trong xe có ba người. Ôm vô lăng là thằng con rể - Giám đốc công ty cát sạn Thắng Lợi. Ghế sau là lão - trưởng ban vét bàu. Bên cạnh là vợ - Hồ Thị Soa - người có công lực cao cường đã khiến ông chồng tắt giọng. Mỗi tiếng bà nói ra đều nặng như đá, mà đá hoa cương đổ đường rầy xe lửa hẳn hoi nhé. Nói thiệt, nếu cân được thì mỗi tiếng phải nặng một tạ! Mới cách đây hai giờ, nghĩa là lúc lão Siêu vừa mới ngủ trưa dậy, dắt “er-blách” ra, định tranh thủ lên họ, phân công vét bàu thì điện thoại réo. Bà Soa từ chợ “đổ đá” về:
- Ông - chuẩn - bị. 5 - giờ - đi - với - tui - có - việc.
Mười-tiếng-chắc-nịch, tính ra là một tấn đá đường rầy đã ập xuống chắn lối.
Lão lắc đầu, thôi rồi. ...Vét bàu e cũng phải hoãn thôi…. Tề gia không yên thì trị quốc sao được.
Đi đâu vậy cà? Xe rộng rinh, mênh mông như chiếc phà. Thằng rể nói mình không phải là gái đẹp, có vốn tự có mà trao đổi với các quan nên phải mua xe này để các ngài mượn tận dụng việc nhà cho dễ làm ăn, chứ thời buổi này ai dùng thứ này nữa (Hắn nói thật đó, không dám xỏ xiên mẹ vợ đâu). Đáng giá bốn con trâu chứ mấy. Xe quan bốn ngàn con trâu lận!!!…
Lão Siêu đang câm, nghĩ, rứa là sướng rồi. Mười năm trước có ai dám mơ vợ chồng lão có ngày được ngồi trong xe con không? Oai lắm! Trạng lắm! Nếu vợ lão không bị người ta xúi quẩy mà ghen tương tầm bậy thì hạnh phúc biết mấy. Rể thì mặc rể, lão cũng hôn bà một cái cho sướng cái miệng... Lẽ nào vợ chồng Siêu - Soa bốn mặt con, ba mươi năm chưa một đêm ngủ xa nhau lại rung rinh? Đứa nào thêu dệt mà ác nghệp dữ! Hay là bọn “diễn biến hòa bình” chui vào phá hoại từng gia đình rồi? Cán bộ nói thế mà đúng! Hic hic.
Xe đến chân núi Sóc Lu, ngoặt vào hướng Bàu Xéo. Thì ra là đi thỉnh đồng coi bói. Thế mà bày đặt chạy lòng vòng như đi đánh ghen làm lão xốp cả phổi. Thằng rể tủm tỉm cười. Bà Soa cũng tủm tỉm cười. Hình như làm cho chồng hoang mang là bà sướng lắm. Bà bỗng nhiên nhỏ nhẹ:
- Tui nói cho mà biết, có một cái vong đang hãm hại ông đó. Liệu mà nhờ thầy giải cho để còn làm ăn chứ táp cơm nhà vác là ngà cho quan, tui không chịu nổi...
Lão vẫn nghe rổn rảng… Rổn rảng… Dễ sợ. Vong nào! Ka ra với bạn bè mà suy diễn lung tung, lão đây mà đi “vác là ngà” cho mấy con cave à? Lão liếc xéo bà một cái nhọn như đòn xóc. Xí! Làm như giỏi lắm, gì cũng biết cả.
Rồi ai xui lão bật miệng nói được:
- Giải thì giải chứ mấy tháng nay tui cũng chẳng bán được cái hòm nào.
Bà Soa được dịp:
- Thấy chưa, thấy chưa? Cô Hoàng nói là hay lắm, hay lắm.
Lão không dám cãi. Cãi làm gì! Biết gì mà cãi. Mấy tháng nay lão không bán được hòm là vì theo lão Dương đi cải thiện gặp cô em “nô- he”8 láng cóng. Mẹ kiếp, xui tận mạng… Nhưng Cô Hoàng là ai mà giỏi thế, tài ba thế. Cái gì cũng biết cả?
Xe quẹo gấp vào cốc. Một người đàn ông mập mạp, ăn mặc vàng khè. Áo khách vạt hò: vàng; quần chân què: vàng; khăn đóng xếp đầu: vàng; đang đốt nhang trước dãy miếu cũng sơn màu vàng. Cô Hoàng đó à? Lão Siêu phân vân. A, khuôn mặt bóng mỡ, nụ cười đêu đểu, quen quen chăng? Giống ai nhỉ? À, nhớ ra rồi. Lý Hưu chớ ai. Lão Tàu chệt chớ ai. Thế mà bày đặt nhập đồng kêu là cô Hoàng. Đồng bóng sao mà lộn xộn? Trai là gái mà gái là trai. Lý Hưu từng là giám đốc hợp tác xã mây tre lá, xem chỉ tay cho em vợ khiến em có bầu (!) rồi bị thôi việc. Hắn về làng Nghĩa Lộ chuyển qua nghề thầy cúng, chuyên yểm tà thông địa, đoán giò gà. Người ta đồn là giò gà nhiều quá hắn ăn không hết đành phải treo khô kín cả trần nhà, từng xâu từng xâu tua tủa như treo bắp. Bây giờ chắc hắn khá rồi. Lên tận bàu Xéo mở cốc lập am kiêm luôn đồng bóng như thế là giàu rồi. Năm sáu cái miếu quanh sân, nhang khói đỏ rực thế này chắc đông khách lắm.
Bà Soa kéo tay chồng khúm núm sà vào chiếc chiếu hắn đang ngồi, thưa: - Dạ, xin đồng giúp đỡ cho vợ chồng con. Vừa nói bà vừa móc bóp lấy ra tờ năm chục ngàn bỏ vào dĩa đẩy tới trước mặt Lý Hưu. Thầy Lý Hưu mở to mắt nhìn hai người, chậm rãi đốt nhang cắm lên khăn đóng, rồi lim dim phán: - Thiên cơ bất khả lậu. Hai nhang có lòng thành thì đồng sẽ giúp. Ơ bơ lơ… Huýt. Cô Hoàng đã nhập. Thầy quay tròn cái đầu, lắc lư cái thân nói chuyện với thị Soa:
- Ơ… Cái cổng nhà sai hướng trực phải chữa lại một tý.
- Dạ!
- Ơ… Sơn lại miếu cô mới buôn bán được.
- Dạ!
- Ta cho bốn đạo binh đi đuổi vong tà. Vừa nói thầy vừa lôi trong túi ra bốn hình nhân cắt giấy màu đỏ - nữ về dán bốn góc phòng ngủ.
- Dạ!
Lão Siêu nghe mà bực cả mình, nóng cả người. Thế kỷ hai mươi mốt rồi mà nhảm nhí quá. Nhưng lão không dám nói. Lão sợ mấy tấn đá đường rầy của bà vợ lắm. Nhịn một chút mà đổi được hòa bình là vĩ đại rồi. Lão dạ dạ lấy lệ.
Xe về. Lão lại câm. Câm nhưmg biết suy nghĩ. Lạ nhỉ, mấy ông thầy bói coi giò đồng bóng mà quyền uy ghê nhỉ? Đám cưới, đám ma, tân gia khai móng, thậm chí các công trình nhà nước động thổ cũng nhờ thầy. Thầy coi ngày nào là làm ngày đó? Thầy yểm bùa là treo mấy năm. Hình như chuyện kế hoạch là chuyện của chính quyền còn việc thực hiện lại nằm trong tay quý thầy. Hai bên kết hợp chăng? Rõ lạ! Thời chưa loạn sao tà giáo lại lộng hành như thế?
Xe tấp vào trước cổng nhà. Con chó bec-giê chồm lên mừng rỡ. Bà Soa thấy chồng lại câm, tưng tức trong bụng nên “đổ đá” nhắc nhở:
- Ban ngày thì “nhảy” cho lắm! Tối - “ngủ” - cả-đêm! Không- “sủa”- một - tiếng. Ông coi nó có “bệnh” gì không?!!!
Nhưng bà đổ toàn là “đá nhỏ”, thỉnh thoảng mới có một “cục lớn” mà thôi.
***
3.
Cuối cùng lão Siêu cũng biết được ai là người gọi điện thoại mách vợ lão cái đêm đi hát Karaôkê. Vợ chồng Tận Sướng chứ ai. Quân sư Duận chỉ vẽ chứ ai. Ghê thật! Đã thế thì lão vét bàu ngay, xem thử ai hơn ai.
Lão kêu mấy đứa cháu giao việc. Chúng vốn là những tay sát cá trên đồng Tứ Lộ ngày xưa. Nhưng mấy năm nay, sử dụng thuốc hóa học nhiều quá, cá chết hết trơn nên không có dịp trổ tài. Nay phái vét bàu Họ. Bàu Họ chắc còn cá, lại có con chình bằng cột nhà. Bắt được thì sướng nhất. Thú xưa trỗi dậy. Chúng họp nhau xin chịu khoản hút nước để được độc quyền bắt cá. Lẽ dĩ nhiên lão Siêu chịu ngay. Thế là thằng hớt tóc, thằng thợ hàn, thằng sửa xe, thằng bán điện thoại ngoài chợ… tất cả đồng loạt nghỉ một ngày để vác máy bơm kéo dây điện ra bàu hút nước. Chợ vắng hẳn nhưng bàu Họ thì xôm tụ, ai đi ngang cũng đứng lại bàn tán. Phen này lão Siêu quyết bắt con chình tinh hay sao đây?
Đúng Ngọ, bàu khô. Toàn bùn với bùn, rác với rác. Hôi rình. Chỉ chục con cá lóc lốm đốm. Không thấy con chình tinh đâu cả. Lão Tào nói: Hay là nó trốn vô cống. Rằm mô tui cũng thấy phóng điện xanh lẹ lè. Bọn thanh niên nghe theo, thọt đúp-bê quyết tìm cho được. Người ta xúm lại đông nghịt.
Dưới bàu, lừ lữ chiếc côbe của công ty cát sạn Thắng Lợi. Anh tài xế ở trần, ngực vắt sợi dây chuyền bạc to như sợi xích chó ngồi điều khiển máy. Từng gàu bùn, rác được múc đổ lên xe tải chở đi. Một chuyến, hai chuyến, lão Phùng ghi sổ rõ ràng.
Bên lỗ cống nước cạn dần. Thỉnh thoảng một loạt bong bong nổi lên giống như con cá chình đang thở. Một thanh niên cởi áo cầm cái vợt to bước xuống. Bùn non ngang bụng, rệu rạo. Vợt rà xuống đáy. Mỗi lần đưa lên không thấy chình đâu mà chỉ toàn là vỏ lon côca - pepsi rổn rảng. Nhưng mọi người vẫn bu lại, cả trăm con mắt đều nhìn xuống lỗ cống chờ đợi. Không ai nhìn lên trên bàu cả.
Bỗng rào rào rào. Một trận mưa đá rơi xuống. Không biết từ đâu. Mặt sình sôi lên tung tóe. Mọi người dạt ra, chen nhau leo vội lên đường. Anh thanh niên cầm vợt chui tọt vô cống. Chỉ tội anh tài xế cô be chạy không kịp, hứng trọn cục đá vô ngực. Nhưng may, sợi xích chó như áo giáp đã cứu mạng. Anh đau đớn bỏ buồng lái lên vệ đường nằm nghỉ. Đoàn xe tải ứ lại. Công trường vét bàu Họ dừng lại. Người dân hiếu kỳ hoang mang.
Lão Siêu la lớn: Cài chi ? Cái chi?
Bọn thanh niên hút bàu chuyển từ việc tìm chình tinh sang việc tìm lũ ném đá. Đứa nào cũng hừng hực khí thế. Nhưng những nhà chung quanh bàu đều im lặng, không biết lũ ném đá tàng hình ở đâu? Khí thế bị dồn nén cao độ. Bỗng con Phương đứng ra mép bàu tru tréo:
- Trời ơi là trời! Eng mà đổ nồi cơm của em. Hai chỉ vàng có ít mô, cho tui tìm đã chứ? Đã rứa thì tui không nể nữa. Tui kiện cho mà coi… Alô, Alô.
Phương móc điện thoại alô mươi phút thì chiếc xe con màu đen láng bong xuất hiện. Nó dừng lại bên trên lỗ cống, im re - không nghe tiếng động, chỉ có đèn chớp là nhay nháy xanh lè trên nóc. Có người bảo xe của ngài phó Huyện. Lão Siêu cười nhếch mép, thế là họ ta vinh dự đón tiếp bốn ngàn con trâu! Lão Tào ngơ ngác không hiểu. Lão nhìn xuống ống cống. Ánh điện xanh lè chớp chớp, đích thị là con chình tinh rồi. Lão la lên chỉ cho mọi người thấy nhưng ai cũng cười. Cái bóng xe phó huyện phản chiếu xuống mà dám bảo là chình tinh, rằm mô cũng phóng điện xanh lẹ lè. Thiệt chẳng ra làm sao cả. Đúng lúc đó, cửa mở, phó huyện bước ra, bệ vệ đi vòng về phía lão Siêu:
- Chào bác Siêu. Khỏe không bác? Cái gì mà chạo rạo thế bác? Nghe nói bác xui con cháu bãi chợ, tập họp trước bàu Họ gây mất trật tự à? Làng ta đã tập huấn chống biểu tình rồi bác không biết sao? Tụ tập đông người là phạm tội đó…
Lão Siêu bị phủ đầu, ức quá. Tui không tụ tập đông người. Tui vét bàu có báo Xã hẳn hoi. Ông là ai, tui không biết.
Có người lại nói: Phó Huyện, phó Huyện!
- Chào ngài phó Huyện, cám ơn ngài đã vì dân mà đến đây. Nhưng chuyện này nhỏ như con thỏ, để ngày mai chúng tôi lên xã tự giải quyết. Ngài là quan trăm họ nên lo việc chung chứ nhà nước không dư xăng để ngài nghe ai alô cũng chạy cả. Ngài có muốn tập trung đông người không? Chú Tào đâu rồi? Chú vô mở cửa nhà thờ rồi đánh trống lên mời Họ họp mừng quan Huyện. Ngài chờ đó, năm phút thôi cả họ sẽ tập hợp đầy đủ cho mà xem.
Không biết vì nhập đồng hay ai xui mà lão Siêu nói gớm thế? Quan Huyện xanh mặt. Thôi thôi bác Siêu! Đừng gây náo động. Tôi bận việc phải đi đây. Có gì hãy ngưng lại mai lên xã giải quyết.
Bốn ngàn con trâu nổ máy. Quan Huyện hồi cung. Vừa đóng cửa vừa alô rất chi là bận rộn.
Mọi người nhìn theo rồi giải tán.
Lão Siêu, lão Tào, lão Phùng cũng giải tán nhưng không về nhà. Ba người vô nhà thờ thảo lá đơn gởi Ủy ban xã. Đơn viết:
“Bàu là vũng nước tự nhiên. Từ xa xưa, tổ tiên họ Nguyễn đã chọn làm hồ nước phong thủy trước nhà thờ, nên năm nào cũng tự nạo vét tôn tạo. Từ đó Bàu được gọi chết danh là bàu Họ.
Sau ngày Giải phóng họ có làm đơn xin nạo vét. Chủ tịch xã có bút phê: Diện tích bàu là sáu trăm mét vuông, giao cho họ Nguyễn quản lý. Nạo vét sạch sẽ bảo đảm vệ sinh môi trường…
Nay họ tổ chức vét bàu thì bị ném đá ngăn cản…
Kính mong Xã giải quyết.
Đơn viết xong cả họ ký tên đem nộp.
Hai tuần sau vẫn chưa thấy vét lại bàu.Vợ chồng Tận Sướng hí hửng ra mặt.
***
4.
Nói đúng ra, Ủy ban có mời đại diện họ Nguyễn lên giải quyết. Nhưng sau đó ít ngày lại nhận được đơn khiếu nại của quán Tận Sướng. Lại nhận được chỉ đạo của phó huyện. “Sự việc có tranh chấp phải cẩn thận xử lý, đừng làm to chuyện, chờ ý kiến của trên”. Thế là cả tháng bàu chưa vét lại được.
Cả họ nóng lòng. Uy tín lão Siêu có nguy cơ rơi rụng. Tiếng đồn đã râm ran. Ngài trưởng tộc chao đảo, tức tốc gọi ban xây dựng lên, phân trần:
- Họ Lê đang thời hưng vượng, có lẽ họ mình thua thôi. Sai lầm này là của chúng ta đã bỏ qua lời nguyền. Ngài kể, xứ Tứ lộ có bốn làng: Ân Lộ, Nghĩa Lộ, Đức Lộ và Mãi Lộ. Mãi Lộ tuy tên xấu nhưng giàu có nề nếp. Bầy hầy lại phát sinh trong làng Ân Lộ chúng ta. Thuở ấy ba ngài họ Nguyễn, họ Đỗ, họ Thân theo tổ tiên vào khai canh đất Nông Nại này. Mấy trăm năm sau họ Lê mới đến ngụ cư. Thế mà thời ông Diệm họ Lê đòi phải có tên trong văn tự cúng lễ. Bữa đó làng tế, ngài trưởng họ Lê ra đình nằm vạ ba ngày. Trưởng làng là họ Nguyễn của ta nói gì cũng không nghe nên đã ra lệnh bắt trói. Sau đó cảnh sát phải về xử mới yên. Nhưng cũng từ đó để lại lời nguyền bất thành văn là ba họ không gả con cái, không thông gia với họ Lê nữa. Coi như tuyệt giao… Thế mà nay ta sai lầm. Sai lầm từ ngày nghe xúi, gả con Phương cho Lê Chân. Uổng quá!
Theo tui, rằm này họ làm gà cúng cô hồn, bác Siêu lấy cặp giò đem lên thầy Hoàng coi ra sao. Nếu bề trên có quở phạt gì thì còn biết đường mà lo liệu.
Lão Siêu không tin bói toán. Tất cả là do con Phương núp bóng giựt dây ô dù. Nó là con chình mọc chân hóa cáo, lươn lẹo vô cùng. Nó sợ vét bàu sẽ sụp nhà nó. Vét bàu sẽ lòi ra người cấp sổ đỏ lậu cho nó. Chết cả lũ… Bởi thế tụi nó liên kết với nhau ném đá giấu tay. Lại cả tháng nay tự nhiên có một tốp Công An Giao thông mở chốt ngay cây vú sữa trước nhà lão Siêu. Xe gỗ không dám vào xưởng cưa vì chở cồng kềnh. Xe cát sạn công ty Thắng lợi cũng thấp thỏm sợ quá tải. Không biết con Phương có giựt dây hay không nhưng bà Soa lại chì chiết rổn rảng hằng tấn đá:
Được việc làng-hoang việc nhà
Ôm rơm-rặm bụng. Ách-giữa-đàng-mang- vào-cổ.
Lão Siêu ức lắm, muốn nói lắm nhưng bằng chứng đâu. Nói bậy là bị gô cổ chứ chẳng chơi. Thôi thì ngài tộc trưởng đã dạy, ta cũng khôn ngoan mà đổ cho thần linh. Thần linh quở phạt chứ lão Siêu mà thua à? “Bạc cả bao” mà thua à? Đây là bước ngoặt trọng đại trong đời lão. Có được chuyển biến này âu cũng là nhờ cô Hoàng.
***
Trưa rằm, lão Siêu alô cho thằng rể lái chiếc xe rộng như chiếc phà lên ngay Bàu Xéo. Cả bà Soa cũng đi nữa. Hôm nay mới thấy bà vui. Cái miệng cười xinh lạ.
Cốc Cô Hoàng thay đổi nhanh quá. (Khu công nghiệp Bàu Xéo đi vào hoạt động nhưng cốc Hoàng vẫn còn vì liên quan đến tôn giáo.) Cô Hoàng tranh thủ xây tường, xây cổng. Lại có có cả bãi đỗ cho xe con. Thằng rể Thắng Lợi chỉ chiếc xe bốn ngàn con trâu đang quay đầu trở ra, nói:
- Nhà quan mà cũng đi cô Hoàng huống chi mình.
Lão Siêu cầm cặp giò gà và tờ một trăm ngàn bỏ vô dĩa đẩy tới trước mặt Lý Hưu. Thầy Lý Hưu cầm lên ngắm nghía:
- Theo quẻ thì nhà đang động. Có con địa tinh đang phá long ngai. Nhưng không qua nổi thành hoàng bổn xứ. Phải cúng thôi. Tiếp sức cho quí Ngài.
Bà Soa chen vào:
- Cúng thế nào, nhờ thầy?
- Thì đây nầy, ngón cái quẹo hướng nầy là bông ba hoa quả, mũ giày áo xống không tốn mấy đâu. Thiên cơ bất khả lậu, thầy chỉ nói theo quẻ còn tùy quý chủ.
- Dạ, xin thầy cúng cho.
- Được. Tối mười tám ta cho sư về. Khuyến mãi thêm bốn đạo binh yểm bùa phong địa. Quí chủ cứ lo lễ vật cho đầy đủ. Thiên cơ bất khả lậu!
- Dạ.
- Dạ.
Ba người lên xe trở về. Vừa ra khỏi bãi lại thấy vợ chồng Tận Sướng khệ nệ ôm một hình nhân đi vào. Thì ra ai cũng là khách hàng của cô Hoàng hết…
***
Tối mười tám, trăng già ló mặt. Hai thầy cúng mặc áo vá Tam Tạng, đội mũ bát quái có hình Quan Âm, chống gậy thiết trượng có treo xập xõa, cốc cheng cốc cheng bên mép bàu. Thỉnh thoảng đi tới đi lui, hò hò hét hét, đào đất cắm bùa, trừ tà đuổi quỷ, hàn gắn long mạch…
Đến khuya lễ cúng mới chấm dứt bằng đống lửa đốt vàng mã chập chờn. Ôi, áo quần mũ nón, xe hơi nhà lầu lần lượt ra tro. Trên bàn chỉ còn dĩa tiền kỉnh quí thầy là không đốt. Lão Siêu lí nhí cám ơn. Hai thầy nhét tiền vào túi rồi thăng lên tắc xi về nhà.
Bàu Họ lại yên lặng. Vài lá sen non tơ nhú lên từ chỗ xe múc dở dang đang rung rinh dưới trăng. Nhưng nước vẫn thúi rình. Khúc gỗ mục hình con cá sấu lại dập dềnh. Bụi trúc vẫn xè xè tận sướng. Lão Siêu vỗ vỗ vào trán. Công cốc! Công cốc! Bí mật bàu họ mới bật mí lại hoàn nguyên bí mật.
Bao giờ thì hết sự bầy hầy bượt hượt đây?.
Ôi thôi! Thiên cơ bất khả lậu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét