Thanh Hoa
(Xuân Tân - Thị xã Long Khánh)
K ỉ n i ệ m đ ê m g i a o t h ừ a
Nhớ hồi nhỏ, tôi nghịch ngợm dữ lắm. Kế nhà còn có hai thằng nữa, Hậu và Tí, cũng trạc tuổi tôi, và cũng có tính phá phách như tôi vậy đó. Tụi tôi hay bẻ trộm trái cây nhà người ta, thổi lồng đèn đêm trung thu, trét mắt mèo mấy đứa trong lớp học, nhát ma mấy đứa con gái,...
Nhưng, thích nhất là trò bưng bàn Thiên, bởi ngoài tính “phiêu lưu, mạo hiểm”, còn được thưởng thức trái cây, kẹo bánh do “chôm chỉa” mang lại. Cứ ngày rằm, ngày cúng “cô hồn” nào tụi tôi cũng đi dạo lòng vòng xóm “địa” coi nhà nào cúng gì để lên kế hoạch đến tối sẽ “ăn hàng”! Tất nhiên, cũng bao gồm cả “bưng mâm” đêm giao thừa nữa!
Cũng cần phải nói thêm là, ở khắp vùng quê tôi. Ngày Tết, mâm ngũ quả, ngoài được bày trang trọng giữa nhà, thì trên bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên, bàn thờ ông bà Táo, và cả trên bàn Thiên cũng gồm những thức gần như nhau. Nghĩa là, trên mâm ngũ quả có thứ gì thì bàn Thiên cũng có thức ấy!
Năm đó, đêm giao thừa, chúng tôi nhắm được một nhà giàu lắm. Ngặt nỗi, nhà cao cửa rộng, hàng rào dày đặc, chỉ thấy cổ ông Thiên cao lùm lùm. Bàn qua tính lai, tụi tôi quyết định “đánh” nhà này trước tiên.
Trong 3 đứa, không đứa nào là “đại ca” hay “đầu lĩnh” gì cả, cứ là “ăn đồng chia đều”. Và lỡ không may bị ai bắt gặp mắng vốn ba mẹ thì, nói chung hình phạt dành cho tụi tôi cũng na ná như nhau, nếu tôi bên này bị “ăn” 5 roi, thì Tí hay Hậu cũng ít nhất là 3 roi!
Đến trước nhà “con mồi”, chúng tôi phân công nhiệm vụ bằng trò trắng-đen và oẳn tù tì! Đó là một hình thức “bốc thăm” rất hay. Cứ đầu mỗi trò chơi như: bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, năm-mười,... cả nhóm bạn chơi phải xúm lại thành vòng tròn; 1,2,3... tất cả đều đưa thẳng 1 bàn tay vào giữa, nếu ngửa thì là “trắng”, còn ngược lại là “đen”, rồi loại trừ bằng cách đếm số bàn tay úp hay ngửa, nếu “trắng” hoặc “đen” ít hơn... thì coi như thoát! Nhóm còn lại phải tiếp tục. Cuối cùng, bao giờ cũng chỉ còn lại hai người mới phải oẳn tù tì. Người “xui” nhất là người thua trong trò này sẽ phải đảm nhận công việc nặng nề nhất. Như là, nếu thua trong trò chơi bịt mắt bắt dê thì phải bị bịt mắt, người thua trong trò năm-mười thì phải úp mặt vào tường rồi đi tìm,... Xui xẻo cho tôi, tôi thua cả trong trò trắng-đen lẫn oẳn tù tì. Vậy nên, tôi có nhiệm vụ phải vào bàn thiên bưng mâm trái cây cho cả nhóm đánh chén!
Thế là hai thằng Tí, Hậu chỉ còn nhiệm vụ cảnh giới, nếu có người đi ngang sẽ làm ám hiệu cho tôi biết mà “án binh bất động”. Việc phía trong phải do tôi tự lo liệu! Hai đứa nó đứng tít hai đầu đằng xa, mắt láo liên – là tôi nói vậy chứ tối om có thấy gì đâu, chỉ thoáng thấy hai cái đầu lắc qua lắc lại! Cửa rào không đóng, nhưng lại trong tầm nhìn của hai đứa con chủ nhà đang đùa vui bên nồi bánh Tét bập bùng ánh lửa, chắc người lớn đang mải lo việc khác. Tôi không dám mạo hiểm, nên chỉ còn cách leo hay chui rào, hàng dâm bụt cao ơi là cao cộng với rào kẽm gai nhọn sắc. Luồn lách mãi tôi cũng lọt được vào trong, bàn Thiên được đặt phía trước và xa nhà, giữa một đám hoa mào gà, vạn thọ, mặt trời, cúc,... đèn điện trong nhà không thể chiếu tới nên tôi cũng hơi yên tâm.
Mò mẫm trên bàn thờ, đầu tiên, tôi bị một lá dứa cứa vào tay (mà hổng thấy trái đâu!), chắc chỉ chưng đầu khóm. Kế tiếp, tôi đụng một trái dừa, dừa thì cứng mà tụi tôi hông có dao, đành bỏ lại. Tiếp nữa, tôi sờ trúng trái mãng cầu xiêm nhỏ xí (chắc còn non). Ngán ngẩm dễ sợ, may sao, trên cùng của mâm ông Thiên, tôi rờ trúng một chùm trái. Nhãn! Đúng chùm nhãn rùi, suýt reo lên thành tiếng, tôi liếc mắt vô nhà. Trời đất, con chó to đùng đứng lừng lững giữa nhà, “tiến thoái lưỡng nan”, tôi chỉ còn cách nín thở nép mình vô bàn thờ, con chó quái ác chẳng chịu đi vào mà từ từ tiến ra cửa chính, nằm xuống liếm lông!
Không thể cứ ngồi đó chờ chết, mà cũng không thể về theo lối cũ, vì sẽ gây ra tiếng động, chó thính tai lắm, thế nào cũng nghe thấy. Kéo áo lên bỏ “chiến lợi phẩm” túm lại, tôi lần theo hàng rào, từng chút một cho tới sát cửa cổng, định bụng khi nào hai đứa con chủ nhà cúi đầu chụm củi cho nồi bánh tôi sẽ lẻn ra. Ui trời, con chó nhỏm người dậy, mắt nhìn thẳng về phía tôi. Lộ rồi! Chẳng còn tâm trí nào nữa, tôi ù té phóng chạy, hai thằng “cảnh giới” thấy tôi đột nhiên lủi ra cũng lủi theo, 3 đứa cắm đầu cắm cổ vọt, được một quãng khá xa (mà cũng chẳng còn sức), tôi mới chịu dừng lại. Hai thằng hổn hển ngay sau lưng tôi. “Gì vậy?” - “Chó” - “Mày lấy được gì? - “Nhãn” - “Chia, chia!”, hai thằng đồng loạt. Tôi vội vàng kéo áo xuống, sáu con mắt nhìn muốn xuyên cái áo thun của tôi. Trong đó là... một chùm sung!
***
Chuyện xảy ra đã nhiều năm. Ngẫm cho cùng, sâu xa trong mỗi hành vi tương tự của những đứa trẻ như tôi lúc đó - khi đất nước đang trên đường đổi mới, với vùng quê như quê tôi còn nhiều thiếu thốn - đồng quà, tấm bánh luôn là những thứ xa xỉ, và những khu vui chơi cho đám trẻ con cũng xa thật xa...
Bây giờ, ngày Xuân quê tôi, gia đình nào cũng có đủ đầy. Trẻ con chỉ nhấm nháp những thứ trên bàn Thiên hay mâm ngũ quả theo kiểu thừa Lộc. Đâu đó một vài hộ còn khó khăn, thì chính quyền, những tấm lòng nhân ái đã cùng chung tay giúp cho họ có một cái Tết đầm ấm tươi vui. Vả chăng, nhà nào cũng có tường rào xây cao, những đứa trẻ như tôi ngày đó không thể leo nổi, và nếu có thể trèo qua, thì đèn đường sáng choang đến từng ngõ xóm cũng làm tôi bị phát hiện, khi đó chỉ còn nước “nát mông”!
Giờ thì 3 thằng, Hậu và Tí đã công thành danh toại, hay như tôi còn mãi bôn ba. Mỗi dịp Xuân về đều ngồi lại, và bao giờ cũng nhắc lại kỉ niệm đêm giao thừa năm nào. Để bồi hồi, để xúc động, để chiêm nghiệm, để xen chút ân hận trong những lời chúc, lời dặn dò nhau vào đầu năm mới.
@
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét