Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

GVĐN 06: SÔNG QUÊ (Truyện ngắn)

Ngọc Khánh
(HV Hội VHNT Đồng Nai)

                                                                                         TÁC GIẢ: ẢNH TRÁI
SÔNG QUÊ

1

Ký ức của tôi hiển hiện nhiều dòng sông đẹp. Sông Đơn Dương thời ấu thơ êm đềm. Sông Kôn vùng Qui Nhơn những năm tháng Đại học. Và sông Đồng Nai gắn bó với quãng đời giảng dạy ở trường Nhơn Trạch.

Nhà tôi ở gần sông. Một khúc sông Đồng Nai chảy ra tận cửa biển Vũng Tàu. Buổi tối đứng trên đường làng có thể nhìn thấy ánh đèn sáng rực xa vời vợi tận phía bên kia sông. Anh sáng thành phố Hồ Chí Minh! Quê tôi với thành phố nào có cách xa bao nhiêu, nhưng cuộc sống thì khác hẳn, cứ như nàng lọ lem và công chúa!
Sông gần gũi, gắn bó với đời người. Sông đưa dân chài chèo xuồng đi tìm tôm cá. Sông đưa nông dân ra ruộng cấy lúa theo con nước thủy triều. Trước giải phóng, chiến khu rừng Sát nổi tiếng anh hùng. Sau ngày đất nước thống nhất, ruộng lúa cặp dài theo ven sông. Những con cáy có đôi càng đỏ, căm căm càng trắng, ba nha ba khía càng tím chạy lăng xăng đầy mặt đất, thập thò trong những lỗ hang tròn bên rặng ô rô, dừa nước xanh um, hay loáng thoáng dưới những bông lúa rập rờn.
Sông quê hương hiền hòa, nhưng cũng đầy uẩn khúc. Buổi sáng, dưới ánh nắng, mặt nước lấp lánh, gợn những vòng xoay xoay nhẹ nhàng như cánh cò vờn nhẹ. Chiều đến, trong giông gió, mặt sông như cuồng nộ, u ám một màu khói đục. Theo truyền tụng dân gian, trước kia, nơi đây có cá sấu ăn thịt người, bây giờ không còn thấy cá sấu xuất hiện, nhưng sông có những chỗ “huông”, mỗi năm dòng nước lại giận dữ cuốn trôi ít nhất một người về làm ma cho thủy thần.
Học trò tôi nhiều em nhà gần sông. Phía Phước Khánh, Giồng Đông khi chưa có cầu bắc ngang sông đã phải đi xuồng nửa chặng đường đến trường. Con sông có nhịp thủy triều bán nhật. Gặp lúc nước cạn, học sinh phải qua những con rạch bằng cầu khỉ. Cầu chỉ là thân cau, không tay vịn. Những bàn chân lầy bùn bước lên khiến cầu trơn trượt. Các em vác xe đạp qua cầu,có khi trơn quá té nhào xuống dòng sông cạn nước, đầy bùn. Đành đến lớp trễ hoặc nghỉ! Phía Vĩnh Thanh, Phước An lại vất vả kiểu khác. Học một buổi, buổi còn lại  phụ gia đình đánh xe bò, xe thồ ra bến sông chở mạ, chở lúa, hoặc chèo thuyền chài lưới trên sông
Học sinh ở quê chân chất, tình cảm. Nhiều đêm trăng sáng, các em đến nhà tôi chơi. Hương hoa ngâu, hoa ngọc bút thơm ngát. Không gian trăng trong vắt, êm đềm. Anh trăng chiếu qua cành lá in xuống sân gạch tàu những đường nét sinh động. Tiếng hát lắng đọng nỗi niềm”Đời xin có nhau dầu cho mãi sau nắng không gọi sầu. Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”.Thủy chung tình yêu, tình bạn. Ai được lên Sài gòn học, dù chỉ cách vài chục cây số, qua bến phà Cát Lái, cũng để nhớ tha thiết cho người ở lại. Có dịp về thăm nhau thật mừng. Nồi khoai luộc đậm đà theo chuyện phố, chuyện làng. Nhịp đàn mênh mang, mênh mang…
Trong nhóm học sinh thường đến nhà tôi chuyện trò, trao đổi học tập, tôi mến nhất bộ ba Đức, Điệp, Hiền.
Đức người Vĩnh Thanh, đàn guitar rất hay, học rất giỏi. Cậu bé có nước da ngăm ngăm, ánh mắt trầm tĩnh. Ba Đức là sĩ quan cấp tá chế độ cũ nên phải đi học cải tạo xa. Nhà Đức có một quán nhỏ bán những hàng tạp hóa lặt vặt, nhưng sinh kế chủ yếu dựa vào tiền bán củi anh Đức đi chặt ở rừng bên sông chở về. Do mặc cảm hoàn cảnh gia đình, Đức ít chơi với ai, chỉ thân thiết với Điệp, do thường cho Điệp quá giang xe đạp đến trường, và với Hiền, vì  Đức hay đệm đàn cho Hiền hát.
Đến năm lớp 12, giữa ba người bạn dường như nảy sinh một tình cảm mới. Tình yêu tuổi học trò chỉ loáng thoáng, lung linh như ánh nắng bàng bạc trên sông nước, nhưng rất thơ mộng, trong sáng, đẹp đẽ. Cả Đức và Điệp đều dành cho Hiền sự quan tâm khác lạ. Tôi biết Hiền chú ý Đức hơn, còn với Điệp, Hiền vẫn chỉ coi là bạn.
Những ngày mưa lớn, con đường tắt từ cánh đồng Vĩnh Thanh đến trương bị ngập trắng nước, không thể nhận ra đâu là lối đi, đâu là những cái hố có thể sụp nguyên nửa vành bánh xe. Điệp lấy xe đạp của Hiền chở hết ba chiếc cặp nặng, để Đức chở riêng Hiền. Con gái ngại đi chỗ nước ngập! Những ngày xuân, ba bạn cùng đi qua những lối mòn giữa rừng cao su mùa thay lá. Qua khỏi rừng,  đường phủ đầy cát chỉ chừa lối mòn đủ một người chạy xe, gió lại thổi ngược, rất mạnh. Ba người có khi xuống xe lững thững đi bộ. Những trái táo Điệp nhanh nhẹn hái từ bụi cây ven đường làm mát cổ các bạn trẻ. Tiếng cười đùa vang lên hồn nhiên giữa nắng trưa!
Cuộc sống quê nghèo vất vả nhưng êm đềm. Tuy nhiên, cũng như dòng sông quê không chỉ hiền hòa chảy xuôi mà còn có những ngày đột ngột giận dữ. Những đổi thay trong cuộc sống đôi khi diễn ra quá bất ngờ. Điệp theo một chuyến tàu vượt biên ra nước ngoài! Chỉ còn Đức và Hiền lặng lẽ chơi chung với nhau. Khi Hiền đậu vào Đại học Sư phạm thành phố  Hồ Chí Minh, Đức ở lại quê một mình. Lý lịch có cha đi cải tạo khiến Đức không thể thực hiện ước mơ đến giảng đường. Sông quê với cái huông xoáy nước của nó đã cuốn trôi chiếc thuyền chở củi của Đức. Một đám tang ủ dột trong một chiều mưa ảm đạm dành cho nạn nhân xấu số của tử thần chết trôi ba ngày mới vớt được xác. Hiền đau đớn với tiếng khóc uất nghẹn cho người bạn thân học giỏi, cho người mà cô bé dành trọn trái tim yêu đầu đời.


2

Dòng sông lặng lẽ trôi. Thời gian lặng lẽ qua. Thấm thoát đã hơn hai mươi năm! Vùng đất Nhơn Trạch nghèo nàn xưa giờ đang thay đổi nhanh chóng. Các khu công nghiệp được xây dựng ở trung tâm huyện thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà máy mọc lên  trên những mảnh đất vốn trước đây là nương rẫy cằn khô. Đường xá mở rộng, trải nhựa phẳng phiu, không còn lắm cảnh nắng bụi, mưa bùn. Nhiều người dân thành phố Hồ Chí Minh về mua đất lập nghiệp. Nhiều bạn trẻ Sài gòn nô nức về tham quan những khu du lịch sinh thái Bọ Cạp vàng, Bằng lăng tím, Dòng sông xanh được tư nhân mở rộng, khai thác bên dòng sông quê. Viễn ảnh về một đô thị mới thật tốt đẹp!
Nhiều Việt kiều cũng đã trở về thăm quê. Điệp đến thăm tôi buổi chiều ngay ngày về nước. Cậu học sinh vất vả nghèo cực ít nói ngày nào giờ đã là một kỹ sư điện toán nhanh nhẹn, hoạt bát. Hai cô trò cùng đi thăm lại những nơi đầy kỷ niệm xưa. Dọc con đường Vĩnh Thanh, xe cộ nối nhau không ngớt. Nhà cửa xây mới khang trang, hiện đại. Gặp giờ tan học, các em cấp I, cấp II ùa ra đông đúc, áo trắng đồng phục, khăn đỏ quàng vai, ríu rít vui vẻ. Từng chiếc xe buýt chở học sinh trường cấp III Nhơn Trạch chạy qua, vẳng lại tiếng nói cười. 
Tôi và Điệp dừng chân bên bến đò qua khu Bọ cạp vàng. Ánh mắt linh hoạt của Điệp chợt lặng lẽ xao xuyến khi nhìn ra sông. Cũng từ dòng sông này đây, Điệp  đã đến một đất nước khác, phấn đấu làm việc, học hành nơi xứ lạ quê người với bao gian nan vất vả để thành đạt. Còn Đức, cậu bạn tốt bụng luôn giúp đỡ Điệp, người học trò giỏi giang, lại phải làm ma cho thủy thần, chôn vùi ước vọng tuổi thanh xuân, chỉ vì sự bất công khi xét lý lịch!
Tôi nắm bàn tay Điệp siết nhẹ đồng cảm. Trên sông còn nhiều bạn trẻ vui đùa thật vô tư thỏa thuê. Họ chưa muốn về dù chiều đã xế bóng. Mấy ai biết dòng sông này từng có cá sấu dữ. Mấy ai biết những đoạn nước xoáy dữ dội từng cuốn trôi mạng người. Dòng sông hay dòng đời đều có những chỗ hiểm. Nhưng qua bước ngoặt đó, sông nước lại reo vui, cuộc đời lại phát triển, công bằng hơn, nhân ái hơn.
Điệp tâm tình với tôi nhiều dự định ấp ủ cho quê hương. Trước hết là gặp những bạn cũ trong nước, liên lạc thêm với  bạn bè quốc tế, lập quỹ học bổng dành cho học sinh nghèo hiếu học. Thành đạt của lớp người đi trước, vượt mọi thử thách gian nan, sẽ khơi dậy, tiếp sức cho hoài bão của thế hệ đàn em. Học sinh bây giờ thi tốt nghiệp, thi Đại học, hay tìm việc làm, không còn bị ám ảnh nặng nề của lý lịch cha anh mà chỉ chú tâm vào việc khẳng định tài năng nhân cách của mình. Phụ huynh quan tâm nhiều đến tương lai con cái, không ngại đầu tư tiền của cho con học hành. Vì vậy, số học sinh đậu vào Đại học mỗi năm một khá hơn. Tuy nhiên vẫn cần có những tấm lòng rộng mở, hào hiệp, để những em có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, nỗ lực vươn lên.
Điệp ngập ngừng hỏi thăm tôi về Hiền. Cô bé xinh xắn, học giỏi, hát hay năm xưa giờ đã là đồng nghiệp của tôi. Hiền dạy ở một trường cùng tỉnh nhưng khác huyện, vẫn còn độc thân. Đôi lần gặp lại, tôi hỏi thăm Hiền về chuyện riêng tư, Hiền cười, nói vui: “Lương tiền của em như vậy làm sao dám nghĩ đến chuyện lập gia đình? Với lại, em muốn dành thật nhiều thời gian cho học sinh thôi, cô ạ!”. Hẳn là Hiền chỉ nói đùa. Vùng đất Hiền đang dạy học cũng có dòng sông Đồng Nai chảy qua, có lẽ dòng sông đã gợi lên trong ký ức của Hiền nhiều kỷ niệm của một mối tình đầu dịu dàng, trong sáng, thầm lặng.
Tôi và Điệp cùng dõi mắt nhìn theo dòng nước. Dưới ánh nắng chiều vàng, mặt sông trong trẻo lấp lánh sáng. Hai hàng cây xanh bên đường xạc xào tiếng lá như đang trò chuyện với gió chiều  mát rượi. Khung cảnh thanh bình làm phấn chấn tâm hồn. Ôi  những chuyện buồn quá khứ, hãy lắng sâu xuống lòng sông, hóa thành những trầm tích, để dòng sông êm ả nên thơ dưới ánh nắng mặt trời, để những dự định tốt đẹp cho quê hương, cho con người, mau chóng trở thành hiện thực. @

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét